Bắc Ninh: Sông Ngũ Huyện Khê bị “bức tử”

Thứ năm, 11/06/2020 12:09 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm (tỉnh Bắc Ninh) ngày đêm ngang nhiên xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê đã biến dòng sông này trở thành “dòng sông chết”.

Hiện trên dòng sông Ngũ Huyện Khê chưa có một nhà máy xử lý nước thải nào hoạt động, chính quyền sở tại cũng đang loay hoay tìm hướng giải quyết.

“Hoảng hồn” với dòng sông chết

Sông Ngũ Huyện Khê được bắt nguồn từ sông Đuống chảy qua địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) tới thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, TP. Bắc Ninh rồi đổ ra sông Cầu, qua cống Vạn An và kênh Quả Cảm, xã Hòa Long - TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Bắt đầu từ cống tràn Phú Lâm 1 huyện Tiên Du trên bề mặt sông Ngũ Huyện Khê là hình ảnh rác thải kín cả một đoạn dài tới gần 1km. Những tảng rác đóng bánh nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Rác ở đây chủ yếu là các loại nhựa, giấy, túi nilon, các mảnh vụn của vải và một số loại khác...

Toàn bộ mặt sông Ngũ Huyện Khê đoạn chảy qua địa bàn xã Phú Lâm huyện Tiên Du đã bị rác thải bu kín bề mặt.

Toàn bộ mặt sông Ngũ Huyện Khê đoạn chảy qua địa bàn xã Phú Lâm huyện Tiên Du đã bị rác thải bu kín bề mặt.

Xuôi dòng Ngũ Huyện Khê về hạ lưu, chúng tôi có mặt ở làng nghề Phong Khê (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) bên dòng sông nước chảy lờ đờ, nhầy nhụa, đặc quánh mang theo vô số mảng váng xám đục, bốc mùi nồng nặc tanh tưởi.

Hai bên bờ sông nhiều ống nước thải ngày đêm vô tư xả trực tiếp xuống dòng sông, có những doanh nghiệp tinh vi hơn còn lắp cả hệ thống xả ngầm dưới lòng sông. Mỗi khi xả thải nước thải tuôn chảy làm dòng nước sủi bọt trắng xóa nhưng khó mà phát hiện được điểm xả thải ở đâu ra.

Bên trong làng giấy Phong Khê từ đầu làng đến cuối phố, xe cộ chở hàng nườm nượp, khói bụi mù trời, phía trên các cơ sở sản xuất ống khói cao xả những làn khói đen ngòm xám xịt. Cả làng giấy Phong Khê được phủ kín một lớp khói đen đặc mù trời. Men theo những con đường, ngõ xóm quanh làng nghề này đâu đâu cũng thấy các cống, rãnh mang dòng nước có màu sắc vàng óng tuôn ra. Bên trong các nhà máy này là những ngọn núi giấy phế liệu để làm nguyên liệu cho hoạt động tái chế giấy.

Những người lạ từng đến đây đều bị ho sặc sụa, buồn nôn, bởi những ống khói xả ra. Vậy mà từ bao năm nay, đời sống hàng nghìn hộ dân ở đây phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn, với nguồn nước ô nhiễm. Trừ ôtô chở phế liệu, giấy thành phẩm tấp nập ra vào dường như trẻ con, người lớn đều không ra khỏi nhà.

Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều sử dụng nguyên liệu đốt chính là than để đốt lò. Bên cạnh đó còn có các nguyên liệu là rác thải công nghiệp khác, điều này khiến cho các hộ dân sống gần làng nghề vô cùng bức xúc, cùng với đó các loại hóa chất, nước thải trong hoạt động sản xuất, tái chế giấy xả thải hóa chất trực tiếp ra sông làm dòng sông Ngũ Huyện Khê đặc quánh, sình lầy ô nhiễm trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Là - khu Quả Cảm (Hòa Long - Bắc Ninh) cho biết, sinh ra và lớn lên ở đây nên bà đã quen với những mùi hôi thối. Thế nhưng cũng chẳng thể đi đâu được, trong khu này bây giờ chỉ có người già và trẻ nhỏ. Vì không chịu được cảnh ô nhiễm nên thế hệ trẻ ở đây đã bỏ quê hương sang bên khu tái định cư để trốn chạy ô nhiễm.

Anh Nguyễn Bá Tuyến - xã Phú Lâm (Tiên Du - Bắc Ninh) cho biết, tuổi thơ của anh là những ngày tháng cùng bạn bè thả diều trên triền đê của dòng sông Ngũ Huyện Khê mỗi khi chiều về, những mẻ tôm, cá đầy ăm ắp mà bố anh đi bắt về giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Dòng nước đen ngòm hôi thối qua cống Quả Cảm, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh chảy thẳng ra sông Cầu.

Dòng nước đen ngòm hôi thối qua cống Quả Cảm, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh chảy thẳng ra sông Cầu.

Hiện tại, nơi đây là một dòng sông chết, ô nhiễm nghiêm trọng làm cho cuộc sống của những người dân sống quanh khu vực vật lộn từng ngày chẳng biết phải kêu cứu đến ai.

Theo tìm hiểu của PV, từ nhiều năm trước với chủ trương phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh. Làng nghề làm giấy Phong Khê phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân. Có thời điểm, hầu như gia đình nào cũng có một bộ máy tái chế, sản xuất giấy.

Tại đây, tất cả nước thải được các hộ, cơ sở sản xuất thải trực tiếp ra cống, chảy xuôi theo hệ thống mương, rãnh ra sông. Chất thải rắn thì tích tụ đổ chất đống ở hai bên bờ sông hoặc đổ “trộm” ra ven quốc lộ. Ống khói mọc như nấm sau mưa trên các nóc nhà thi nhau nhả khói đen kịt che kín cả tầm nhìn của xe cộ lưu thông trên quốc lộ 18 đoạn qua làng nghề.

Suốt một đoạn sông dài hàng chục cây số từ làng nghề giấy Phong Khê đổ ra sông Cầu bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc và đổi màu đen kịt. Nguy hại hơn, dòng nước đen từ đây còn trực tiếp đe dọa sự an toàn của môi trường nước sông Cầu - nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng chục nghìn hộ dân ven sông của hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang.

Vì đâu nên nỗi?

Để có những tư liệu khách quan nhất, PV đã thâm nhập vào phía bên trong các doanh nghiệp tại làng nghề giấy Phú Lâm này. Ghi nhận tại đây chúng tôi không khỏi giật mình bởi công nghệ tái chế sản xuất của các cơ sở này. Hầu hết, các doanh nghiệp tại đây đều có máy móc công suất lớn được lắp đặt bên trong những nhà xưởng lụp xụp. Nhiều nhà xưởng được xây dựng chắp vá bằng những miếng tôn đã bị hoen gỉ, thủng mọt.

Phía bên trong, những đống phế liệu là giấy vụn được các chủ cơ sở thu mua tại nhiều nơi chất cao như núi, giấy vụn được ngâm vào bể lớn chứa hóa chất rồi đưa vào máy đánh tan tạo thành bột. Từ đây những khối bột giấy này được sản xuất ra giấy thành phẩm bán ra thị trường.

Nước dùng cho hoạt động sản xuất giấy được các cơ sở sản xuất khai thác trực tiếp từ nguồn nước ngầm tại chỗ được bơm lên các bể lớn. Còn nguồn nước thải được xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài những dòng xả vàng óng được xả trực tiếp xuống sông, kênh, tại làng nghề giấy Phong Khê còn có những ống nước nhỏ được các chủ cơ sở nối rồi xả ra những bể phía sau. Điều đáng nói, những bể nước này không được xây dựng mà chỉ là những vũng nước khoảng chừng 30 mét vuông. Qua quan sát nước thải này ban đầu xả ra trong nhưng sau đó nước tại những bể chứa này có màu đỏ quạch.

Cống nước thải từ một cơ sở tái chế giấy xả thẳng ra môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê.

Cống nước thải từ một cơ sở tái chế giấy xả thẳng ra môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê.

Đằng sau những cơ sở sản xuất giấy, tại đây các loại rác thải, phế phẩm không thể tái chế được nữa chất cao như núi. Người dân địa phương cho biết toàn bộ rác thải từ những cơ sở sản xuất giấy không thể tái chế được đều được chủ các cơ sở này đổ trực tiếp xuống sông Ngũ Huyện Khê. Do vậy, mới gây nên tình trạng này.

Theo Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Bình, hiện tại trên dòng sông Ngũ Huyện Khê chưa có một nhà máy xử lý nước thải nào hoạt động. Như vậy, toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân hai bên bờ sông, nước thải sản xuất công nghiệp từ cơ sở, doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm và làng nghề giấy Phong Khê xả ra sông Ngũ Huyện Khê đều đổ thẳng ra sông Cầu.

Trước đó, ngày 7/4 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký công văn số 1879/BTNMT-TCMT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân 2 tỉnh trong đoạn lưu vực sông Cầu, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước các cống tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lý để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh này.

Hùng Long – Bảo Ngân

Tin khác

Ninh Bình: Tuyên truyền lưu động hưởng ứng 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm' năm 2024

Ninh Bình: Tuyên truyền lưu động hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024

(CLO) Ngày 2/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình tổ chức tuyên truyền lưu động hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024 tại một số địa phương trong tỉnh.

Đời sống
Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo phòng, chống đuối nước khi hè về

Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo phòng, chống đuối nước khi hè về

(CLO) Để chủ động các biện pháp phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, đặc biệt trong dịp hè, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo cần bố trí các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn; gia đình và nhà trường tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em,...

Đời sống
Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa đá ở huyện miền núi Nghệ An

Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa đá ở huyện miền núi Nghệ An

(CLO) Việc khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hỏng do trận mưa đá kéo dài đã được lực lượng chức năng và người dân địa phương ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) hoàn tất, các hộ bị thiệt hại trở lại nhịp sống bình thường, yên tâm lao động sản xuất.

Đời sống
ABBANK thành công gây quỹ 50.000 cây gỗ lớn cho các gia đình khó khăn tỉnh Quảng Bình

ABBANK thành công gây quỹ 50.000 cây gỗ lớn cho các gia đình khó khăn tỉnh Quảng Bình

(CLO) Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức trao tặng 50.000 cây giống gỗ lớn Lim, Huê cho các hộ dân khó khăn tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đời sống
Gia Lai: Đề nghị xác minh thông tin sai sự thật liên quan đến Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ

Gia Lai: Đề nghị xác minh thông tin sai sự thật liên quan đến Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ

(CLO) Liên quan đến thông tin cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) tham gia vui chơi cùng nhóm người trên sông Pô Cô, trong đó có người chết đuối, UBND huyện này khẳng định thông tin trên là sai sự thật.

Đời sống