Du lịch Việt tái khởi động sau "đại hạn Corona":

Bài 1: Thắp hy vọng từ màn đêm u ám

Thứ tư, 06/05/2020 07:08 AM - 0 Trả lời

(CLO)Dù chao đảo, thậm chí chạm đáy khủng hoảng, nhưng ngay khi Việt Nam phần nào khống chế được Covid-19, chủ trương "chung sống an toàn cùng virus corona" được đưa ra thì DN du lịch Việt đã nhanh chóng "xốc lại đội hình", quyết tâm tái khởi động để phục hồi sau "đại hạn", dù rằng, mọi sự không hề dễ dàng.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch vào

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch vào "đại hạn " chưa từng có. Ảnh: T.L

"Đại hạn" chưa từng có 

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch thế giới nói chung, du lịch Việt nói riêng, vào "đại hạn " chưa từng có. 

Theo số liệu mà Tổ chức Du lịch Thế giới đưa ra cuối tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu bị tổn thất ước tính lên đến 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020. Trong khi đó, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới - WTTC (World Travel and Tourism Council) ước tính, chỉ cần đại dịch kéo dài thêm vài tháng thì du lịch toàn cầu sẽ mất 75 triệu việc làm và  2.100 tỷ USD doanh thu.

Với ngành du lịch Việt, tình hình cũng tồi tệ không kém. Việc đại dịch Covid-19 xảy đến đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa, đã là "cú tát" cực mạnh, khiến mọi chỉ số dường như "chạm đáy".

Theo số liệu Tổng cục Du lịch, 3 tháng đầu năm 2020, số lượt khách quốc tế đến VN đạt hơn 3,68 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng số khách nội địa đạt 13 triệu lượt khách, giảm 18%. Trong đó, hai thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt giảm tới 91,5% và 91,4%.

Tổng cục Du lịch cũng ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19 trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9 -7 tỉ USD. Không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp tên tuổi trong ngành du lịch cũng không tránh nổi cơn choáng váng "sa sẩm mặt mày". 

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, “hiện nay, mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế".

Tại TP.HCM, thị trường du lịch hàng đầu cả nước, 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động. Dự báo, nếu dịch vẫn chưa chấm dứt, mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế trong năm 2020 là rất khó hoàn thành.

“Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ các doanh nghiệp du lịch mà ngành du lịch Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng và dự báo sẽ rất lâu mới có thể phục hồi. Nhìn xa hơn đó là thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế cả nước vì hiện nay du lịch đóng góp tới 9,2% vào GDP, đóng góp gián tiếp và lan tỏa là 18%, đồng thời dẫn đến nguy cơ hàng triệu lao động trong ngành du lịch mất công ăn việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh tái nghèo do mất thu nhập” – lo lắng ấy của một DN du lịch hoàn toàn là thực tế sẽ hiển hiện chỉ trong nay mai.

Quyết "bơi" bởi không chịu chết chìm 

Dù tái khởi động lại là không dễ dàng nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn hết sức quyết tâm, bởi bó gối, sẽ

Dù tái khởi động lại là không dễ dàng nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn hết sức quyết tâm, bởi bó gối, sẽ "chết chìm trong khủng hoảng". Ảnh: T.L

Đêm đen dù u tối đến đâu cũng phải tìm cho bằng được lối ra, mọi sự dù tồi tệ đến đâu cũng không thể không giữ cho được sự tồn tại của mình. Hiểu được điều đó, thế nên, dù chao đảo, thậm chí chấp nhận những chỉ số kinh doanh chạm đáy bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt ngay trong những ngày "đại hạn" đã sẵn sàng cho mình tâm thế: "Phải "bơi" để không bị chết chìm trong khủng hoảng", rằng "trong nguy luôn có cơ", trong thách thức luôn hiện hữu cơ hội. 

Tâm thế đó không hề là "liệu pháp tinh thần" của các DN. Nhiều chuyên gia đã viện dẫn những lý do xác đáng để cho thấy Covid-19 là "đại hạn" nhưng biết đâu cũng là dịp "lửa thử vàng", thử thách khả năng ứng phó, bản lĩnh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Nói như Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, khó khăn vì dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó quá lớn, đồng thời đẩy mạnh kích cầu, tăng cường liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch, giữa trung ương - địa phương và liên kết công - tư…

Hay nói cách khác, Covid-19 là cuộc sàng lọc lớn và khe khắt nhất. Nói như ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra là điều chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp không khói nước ta. Nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường, chuyển nguy thành cơ. Doanh nghiệp nào trụ được thì sẽ phát triển rất nhanh, mạnh sau đại dịch".

“Doanh nghiệp du lịch phải coi đây không chỉ là giai đoạn nguy cơ, khó khăn của mình, mà là điều kiện thuận lợi để mình xem xét đánh giá lại chiến lược phát triển, năng lực của doanh nghiệp, từ đó có bước phát triển tiếp theo một cách bền vững”- ông Ngô Hoài Chung thẳng thắn.

Cũng đồng quan điểm này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp du lịch cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.  

Thật đáng mừng, rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã có được cho mình tâm thế lạc quan, cái nhìn tích cực về tương lai, dù chắc chắn, phía trước là trập trùng khó khăn.

 Tìm kế sách để "kinh doanh an toàn", "phục hồi phong độ"

Thị trường du lịch nội địa sẽ là trọng tâm hướng tới trong nhiều chiến lược kinh doanh mới của các DN du lịch Việt trong thời gian tới. Ảnh: T.L

Thị trường du lịch nội địa sẽ là trọng tâm hướng tới trong nhiều chiến lược kinh doanh mới của các DN du lịch Việt trong thời gian tới. Ảnh: T.L

Thế nên, ngay trong những ngày Việt Nam đã phần nào khống chế được dịch Covid-19, giãn cách xã hội được nơi lỏng, các doanh nghiệp du lịch Việt đã ngay lập tức chớp thời cơ để tái khởi động lại kế hoạch "phục hồi phong độ" sau thời gian dài "nghỉ đông" và chao đảo bởi Covid-19.

Cùng với những đề xuất về một sự “tiếp sức" mạnh mẽ và quyết liệt từ Chính phủ (đơn cử như mới đây Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) gửi Thủ tướng bản kiến nghị với một loạt đề xuất để "cứu" ngành Du lịch như cho phép giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng…), rất nhiều doanh nghiệp du lịch Việt đã chủ động chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng  và kế hoạch kỹ lưỡng để tái khởi động hoạt động kinh doanh của mình. 

Tất nhiên, lựa chọn kế sách nào cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh còn phải "sống chung với virus corona" là bài toán khá hóc búa với các doanh nghiệp du lịch Việt. 

Tại bàn tròn “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đối với Du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều "kế sách" đã được các chuyên gia cũng như chính đại diện các DN du lịch đề xuất, thảo luận. 

Tìm kiếm thị trường mới, trong đó, trước mắt, trong điều kiện dịch Covid-19 còn chưa có vaccine và tiếp tục có những diễn biến khó lường thì câu chuyện "kinh doanh du lịch an toàn", bảo đảm tính mạng du khách là yêu cầu cao nhất. Đơn cử như tại các điểm vui chơi giải trí thuộc tổ hợp Sun World của Tập đoàn Sun Group, đều phát loa và dán thông báo đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thiết thực theo khuyến nghị của Bộ Y tế dành cho du khách khi đến nơi đông người; đặt hàng nghìn chai dung dịch sát khuẩn tại các vị trí công cộng; công tác khử trùng, khử khuẩn phòng chống dịch cũng được triển khai rốt ráo, liên tục; quy trình đưa đón khách chặt chẽ, an toàn tối đa; lắp đặt máy đo thân nhiệt đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn... 

Cùng với "kinh doanh an toàn", việc tập trung hướng mạnh vào thị trường nội địa là giải pháp đang nhận được sự tán đồng của các chuyên gia và DN du lịch. 

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch Covid-10 một lần nữa đặt ra vấn đề đối với ngành du lịch là không nên quá phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.

Ý kiến của ông Vũ Thế Bình là có cơ sở. Đơn cử như năm 2019, Khánh Hòa đón tới 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc (TQ), chiếm tới 70% du khách quốc tế và tới quý 1 đầu năm 2020, khi hầu hết khách Trung Quốc đã rút vì dịch bệnh nCoV,  nhiều cơ sở du lịch tại Khánh Hòa đã rơi vào tình trạng trống không. 

Hiệu ứng "dân tình đổ xô đi nghỉ dưỡng" dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua cho thấy, trong bối cảnh các nước vẫn "bế quan tỏa cảng" để phòng dịch Covid-19 thì thị trường nội địa là đích đến tốt nhất lúc này đối với các DN du lịch. "Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa với khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, khách nội địa có thể là nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại"- ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương tư vấn. 

Cùng chung quan điểm, ông Lưu Đức Kế, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, "hiến kế": "Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tiếp hủy, hoãn tour gây thiệt hại nặng nề. Do đó, chúng ta cần liên kết để kích cầu nội địa ngay khi đỉnh dịch đi qua. Các nước trong khu vực cũng sẽ có những giải pháp cạnh tranh thu hút khách Việt, vì thế, rất cần liên kết như giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch..., thậm chí phải giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước, kích cầu trong nội địa và thu hút khách quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài để thu hút khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế; liên kết chặt chẽ thành các liên minh, group để tăng cường tính hấp dẫn và hiệu quả".

Một hướng đi mới đang mở ra, nhưng đi thế nào để khôi phục được hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện "còn có dịch", bảo đảm an toàn tối đa cho du khách và trên hết và tạo dựng một hướng phát triển mang tầm dài hạn và tạo sức hấp dẫn cho thị trường du lịch nội địa trong nước là bài toán không dễ giải vào thời điểm này. 

Các doanh nghiệp du lịch Việt đã, đang giải bài toán "kinh doanh an toàn cùng virus Corona" và "phục hồi phong độ" như thế nào? Congluan.vn sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. 

Nguyễn Hà 

.

Tin khác

Du khách thích thú khám phá 'thủy cung không nước' tại Hà Nội

Du khách thích thú khám phá 'thủy cung không nước' tại Hà Nội

(CLO) Thủy cung không nước - Waterless Aquarium (Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội) ứng dụng công nghệ để mô phỏng sinh vật biển, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về một thế giới đại dương đầy màu sắc.

Đời sống văn hóa
Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

Thừa Thiên Huế: 4 ngày nghỉ lễ tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 170 tỷ đồng

(CLO) Thừa Thiên Huế đón khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

(CLO) Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa.

Đời sống văn hóa
A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

A Huynh và hành trình chế tác cây đàn đá của người Ja Rai

(NB&CL) Dù không trải qua một trường lớp âm nhạc nào nhưng bằng tài năng thiên bẩm cùng với niềm đam mê cháy bỏng về các loại nhạc cụ cổ xưa của người Ja Rai, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh ở Kon Tum đã kiên trì mày mò, tự nghiên cứu và chế tác thành công đàn đá, loại cụ kỳ lạ nhất của người Tây Nguyên, cũng là thứ nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.

Đời sống văn hóa
Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

Du khách hào hứng trải nghiệm không gian phố đi bộ Tam Đảo

(CLO) Hàng nghìn khách du lịch hòa mình vào không gian phố đi bộ đầu tiên ở thị trấn Tam Đảo, tham dự các chương trình vui chơi giải trí, thưởng thức âm nhạc và ẩm thực đường phố...

Đời sống văn hóa