“Lỗ hổng” thực thi công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy trên sản phẩm dệt may:

Bài 2: “Khe hở quản lý” - nhìn từ thực tế trên thị trường?

Thứ năm, 03/06/2021 07:43 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau khi phát hiện loạt cửa hàng thời trang PT 2000, Sea Collection, X70-G.I.A.O, Adam Store, Nguyễn Long bán hàng không gắn dấu hợp quy, công bố hợp quy theo quy định, để tiếp tục làm rõ hơn những "góc khuất" khác từ thị trường, phóng viên đã mở rộng cuộc khảo sát với các địa điểm, "tầm ngắm" mới.

Bài 1: “Điểm mặt” loạt cửa hàng thời trang bán hàng không gắn dấu hợp quy!

Loạt cửa hàng thời trang PT 2000, Sea Collection, X70-G.I.A.O, Adam Store, Nguyễn Long bán hàng không gắn dấu hợp quy CR! (Ảnh: Chính Kỳ)

Loạt cửa hàng thời trang PT 2000, Sea Collection, X70-G.I.A.O, Adam Store, Nguyễn Long bán hàng không gắn dấu hợp quy CR! (Ảnh: Chính Kỳ)

“Gõ cửa” những thương hiệu tên tuổi trong ngành thiết kế thời trang

Không riêng các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng may mặc mở cửa hàng để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, mà chính các nhà thiết kế thời trang – những người đã và đang cống hiến liên tục cho ngành thời trang nước nhà cũng có nhu cầu phát triển thương hiệu cá nhân bằng cách mở cửa hàng mang tên chính họ.

Tuy nhiên một khi muốn đưa sản phẩm ra thị trường, kinh doanh, bán hàng thì bắt buộc cũng phải thực hiện công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR theo quy định - nhằm mục đích chứng minh sản phẩm hàng hoá may mặc đã đạt chất lượng theo Quy chuẩn QCVN:01/2017/BCT, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định và được phép lưu hành trên thị trường.

Theo đó, để tìm hiểu và ghi nhận thực tiễn về hoạt động kinh doanh thời trang của các nhà thiết kế - trong vai khách hàng, phóng viên (PV) đã tìm đến một số cửa hàng thời trang danh tiếng tại TP. HCM.

Tại cửa hàng thời trang

Tại cửa hàng thời trang "Lê Thanh Hoà", những chiếc áo được thiết kế có giá rất cao, hơn 11 triệu, 13 triệu, 27 triệu ... nhưng trên các sản phẩm bày bán lại không thực hiện gắn dấu hợp quy CR! (Ảnh - Chính Kỳ)

Cụ thể, vào những ngày đầu tháng 5/2021, PV đã có mặt tại cửa hàng thời trang của nhà thiết kế Lê Thanh Hoà ở địa chỉ 157 Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM.

Với phong cách thời trang nữ trẻ trung đầy ấn tượng, đa dạng sắc màu, các mẫu áo rất dễ thu hút sự lựa chọn của khách hàng một khi đã thích gu thời trang Lê Thanh Hoà. Tuy nhiên, với những sản phẩm đang treo bán, ống kính của PV đã không ghi nhận được sản phẩm nào có gắn dấu hợp quy CR theo quy định.

Gần đó, trên con đường Đồng Khởi, quận 1, tại địa chỉ 147 - cửa hàng thời trang "Hà Linh Thư" – một thương hiệu thời trang do chính nhà thiết kế nữ tài hoa Hà Linh Thư sáng lập. Tại đây, sau khi xem hàng loạt sản phẩm, PV cũng ghi nhận bằng chứng cho thấy các sản phẩm bày bán đều không gắn dấu hợp quy CR.

Ghi nhận ở cửa hàng thời trang

Ghi nhận ở cửa hàng thời trang "Hà Linh Thư" cho thấy, tại đây bán hàng cũng không gắn dấu hợp quy CR! (Ảnh: Chính Kỳ)

Tại hai cửa hàng thời trang mang tên "Công Trí" ở địa chỉ 198 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1 và 194 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP. HCM của nhà thiết kế thời trang danh tiếng Nguyễn Công Trí - PV cũng đã xem hàng loạt sản phẩm với giá tiền từ trên mười triệu đến hai mươi mấy triệu một cái áo. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, dù giá tiền cao, thiết kế đẹp, nhưng sản phẩm treo bán lại không có dấu hợp quy CR.

Khi được hỏi vì sao sản phẩm mình bán không gắn dấu hợp quy CR thì nhân viên cửa hàng chỉ đơn giản trả lời: “Vì bên em đã có thương hiệu rồi nên anh yên tâm về cái đó ạ!". 

Với đơn cử mới khảo sát ba trường hợp nhà thiết kế tên tuổi có cửa hàng kinh doanh thời trang nhưng đã cho thấy hoạt động kinh doanh của họ cũng không đủ các điều kiện theo quy định để đưa sản phẩm may mặc ra thị trường.

Kể cả tại cửa hàng

Kể cả tại cửa hàng "Công Trí" của nhà thiết kế tài danh Nguyễn Công Trí - dù giá tiền cao, thiết kế đẹp, nhưng các sản phẩm treo bán lại không gắn dấu hợp quy CR theo quy định! (Ảnh: Chính Kỳ)

“Khe hở” trong trung tâm thương mại, siêu thị

Không dừng ở việc khảo sát những cửa hàng thời trang bên ngoài thị trường, PV đã thay đổi “tầm ngắm”, quay ngược trở lại các trung tâm thương mại, siêu thị - nơi các hàng hóa, sản phẩm may mặc luôn được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy định trước khi bày bán cho người tiêu dùng.

Thế nhưng, thực tế tìm hiểu của PV cho thấy, đã có “khe hở” trong quản lý, kiểm soát nên một số thương hiệu thời trang vượt rào, công khai bày bán hàng hoá trong khi sản phẩm chưa đủ điều kiện để đưa ra thị trường theo quy định.

Cụ thể, có mặt ở siêu thị Big C Hồ Gươm Plaza tại 110 Trần Phú, quận Hà Đông, TP. Hà Nội - PV ghi nhận gian hàng thời trang “Velutino”, thương hiệu của Công ty cổ phần Đầu tư Velutino Việt Nam đều có điểm chung là không gắn dấu hợp quy CR trên các sản phẩm áo quần đang bày bán.

Theo tìm hiểu trên website của “Velutino” (velutino.com.vn) cho thấy, thương hiệu này hiện đang có 8 “showroom” ở địa bàn TP. Hà Nội.

Cũng tại Big C Hồ Gươm, nằm ngay sát với nhãn hàng “Velutino” là gian hàng thời trang “Chigamex Fashion”, thương hiệu của Công ty cổ phần may Chiến Thắng - PV ghi nhận trên nhãn mác các sản phẩm bày bán cũng không hề gắn dấu hợp quy.

Cả ba thương hiệu thời trang

Cả ba thương hiệu thời trang "Vicenzo Zeno, Chigamex Fashion, Velutino" bày bán công khai trong trung tâm thương mại và siêu thị, trong khi chưa thực hiện gắn dấu hợp quy CR theo quy định! (Ảnh: Lê Tâm)

Tương tự, khi ghi nhận thực tế tại cửa hàng quần áo thời trang “Vicenzo Zeno” thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Vũ Gia, bày bán tại Trung tâm Vincom Bà Triệu, địa chỉ 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng và cửa hàng “Vicenzo Zeno” tại trung tâm thương mại The Garden, đường Mễ Trì, phường Mỹ Đình, quận Từ Liêm, TP. Hà Nội thì cũng đều có chung tình trạng không gắn dấu hợp quy CR trên sản phẩm áo quần đang bày bán.

Thực tế thị trường cho thấy “góc khuất” cần được “rọi sáng”

Với những gì đã ghi nhận từ thực tế thị trường đối với ngành hàng may mặc – dù chỉ khảo sát ngẫu nhiên ở phân khúc cửa hàng kinh doanh thời trang nhưng đã cho thấy những “góc khuất” đang tồn tại song hành bên cạnh các doanh nghiệp lớn làm ăn nghiêm túc, luôn tuân thủ các quy định pháp luật.

Thực tế này cũng nói lên thực trạng đang tồn tại và diễn ra rộng khắp về hoạt động kinh doanh sản phẩm dệt may chưa đủ điều kiện đưa ra thị trường nhưng vẫn công khai bày bán - bất chấp quy định của pháp luật!

Và để tồn tại những “hoạt động kinh doanh sản phẩm dệt may khi chưa đủ điều kiện đưa ra thị trường” thì phải nói đến công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Bởi thực tiễn đã cho thấy, có “khe hở” trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng – nếu không nói là “buông lỏng” khi để hàng loạt cửa hàng thời trang bày bán sản phẩm may mặc khi chưa đủ điều kiện lưu hành.

Vì vậy, thực trạng này cần thiết phải được “siết chặt” và “rọi sáng”. Để bức tranh hoạt động kinh doanh sản phẩm dệt may trong nước được công bằng và minh bạch hơn!

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hợp quy: 

Theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa - thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm dệt may nếu có hành vi vi phạm quy định về hợp quy sẽ bị xử phạt theo Điều 19 - hoặc nếu vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thì sẽ xử phạt theo Điều 20 Nghị định này.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, Điều 19 quy định: Phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với hành vi trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nhưng không lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy theo quy định! 

Tại điểm a, b, c, khoản 3, Điều 19 quy định: Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đối với hành vi không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền; Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hoá đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường…

(Còn nữa)

Chính Kỳ - Lê Tâm 

Tin khác

Dự án nguồn điện chậm tiến độ, Bộ Công Thương đưa ra một số đề xuất xử lý

Dự án nguồn điện chậm tiến độ, Bộ Công Thương đưa ra một số đề xuất xử lý

(CLO) Việc các dự án nguồn điện chậm tiến độ được coi là tình trạng thường xuyên trong lĩnh vực điện lực, vì vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất xử lý.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

(CLO) Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều vụ việc đối với mặt hàng vàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

(CLO) Phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng nay (3/5) đã được Ngân hàng Nhà nước huỷ, do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

(CLO) Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến chỉ vài tháng trước nhờ hoạt động kinh tế kiên cường của Mỹ trong khi lạm phát đang hội tụ nhanh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương, theo OECD.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

(CLO) 9h sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng phiên thứ tư với 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, giá tham chiếu để cọc 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng giao dịch trên thị trường được đánh giá là quá cao. 

Thị trường - Doanh nghiệp