Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII: Quyết tâm lớn- Kỳ vọng lớn

Bài 2: Khi người đứng đầu vi phạm, xử lý nghiêm, không dung túng, bao che

Thứ tư, 05/08/2020 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nếu muốn xử lý người đứng đầu vi phạm, tổ chức cơ sở Đảng phải vững mạnh, cấp trên quản lý trực tiếp lãnh đạo vi phạm phải “bật đèn xanh” đồng tình quan điểm để xử lý kỷ luật. Điều quan trọng là phải làm nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó, không dung túng, bao che.

Ảnh minh họa. IT

Ảnh minh họa. IT

Bài liên quan

Người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng đóng vai trò rất quan trọng, “cán bộ nào phong trào ấy”. Nên trách nhiệm nêu gương của những người đứng đầu phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, những năm qua hàng loạt câu chuyện về vi phạm của người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của TCCSĐ và gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vào tháng 3/2019, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô bằng hình thức Khiển trách, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều bị kỷ luật cảnh cáo.

Trong đó, ông Lê Tiến Anh, Bí thư Huyện ủy được kết luận kê khai tài sản không trung thực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ…

Hay trước đó, là câu chuyện người đứng đầu một huyện nhưng kê khai tài sản không rõ ràng, vay nợ hàng chục tỷ đồng mất khả năng chi trả và “ưu ái” vợ trong việc xây dựng, kinh doanh khu du lịch sai quy định vào năm 2018 tại huyện Tri Tôn (An Giang) khiến Bí thư Huyện ủy là ông Men Pholly bị kỷ luật cảnh cáo.

Theo nội dung kết luận của UBKT Tỉnh ủy An Giang, từ khi thực hiện quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập của ông Men Pholly có công khai bản kê khai tại chi bộ. Tuy nhiên việc ông Men Pholly không kê khai chi tiết, đầy đủ về biến động tăng, giảm tài sản, giá trị tài sản, thu nhập, nhất là giải trình, kê khai nợ, kê khai nguồn tiền trả nợ, số tiền còn nợ… đến thời điểm kiểm tra đã phát hiện vi phạm quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 13 quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm…

Đáng chú ý hơn, là việc ông Men Pholly để vợ đứng ra xây dựng, kinh doanh Khu du lịch hồ Soài So (suối Vàng, xã Núi Tô, H.Tri Tôn) là việc làm chưa đúng quy định của pháp luật…

Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp người đứng đầu TCCSĐ đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của TCCSĐ và gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nguyên đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: TL

Nguyên đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An. Ảnh: TL

Qua đây, vấn đề được đặt ra, việc nhìn ra vi phạm của người đứng đầu cơ sở Đảng có khó khăn không?

Bàn về vấn đề này, TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, theo Điều lệ Đảng và theo các quy định của Bộ Chính trị thì việc xử lý vi phạm của người đứng đầu không khó khăn.

Thế nhưng, thực tế những năm qua khi “đụng” đến người đứng đầu các tổ chức, các cơ quan đơn vị, đặc biệt các tổ chức đảng lại cực kỳ khó khăn, vì bản thân người đứng đầu không gương mẫu, không tuân thủ các quy định của đảng về tập trung dân chủ, thậm chí là được bầu, phân công trách nhiệm người đứng đầu  các tổ chức đảng.  

“Họ là những đảng viên, là những người phải tuân thủ tuyệt đối, phải gương mẫu hơn các quy định của đảng. Nhưng một số lại cho mình đứng ngoài, đứng trên, thậm chí có người tưởng mình là “vua con”. Cho nên khi xử lý cực kỳ khó khăn, nếu không có những đảng viên có bản lĩnh, chi bộ không vững vàng rất khó xử lý các trường hợp người đứng đầu vi phạm”, bà An nói.

Cũng về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, nhiều trường hợp không khó và cũng có trường hợp rất khó. Thực chất nguyên nhân của nhiều vi phạm là do tham nhũng, tiêu cực, vì lợi ích cá nhân ở các mức độ khác nhau mà thôi.

Trường hợp không khó là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan quản lý và vi phạm đạo đức, lối sống của đảng viên. Những quy định này rất rõ, hầu như ai cũng biết. Những cán bộ, đảng viên cùng công tác hằng ngày với nhau thì khó có thể giấu giếm được khuyết điểm, vi phạm: (ví dụ cùng sinh hoạt chi bộ, ban thường vụ, ban chấp hành cấp ủy; cán bộ cấp trên với cấp dưới trực tiếp; cán bộ cùng cấp; đồng nghiệp…). Mọi hành vi vi phạm đều có thể nhìn thấy, nghe thấy khi bàn bạc, quyết định (theo quy chế, quy định, quy trình…), nhưng nếu người đứng đầu không đưa ra bàn bạc thì đó là sai phạm. Vấn đề là tập thể đó không dám phê bình nhau để người đứng đầu rút kinh nghiệm và không vi phạm lần sau. Vì thế mà khuyết điểm của người đứng đầu cứ trượt theo thời gian, mức độ ngày lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, đến mức bị kỷ luật.

Trường hợp khó là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm như lợi ích nhóm khi ban hành quyết sách, nhận hối lộ, bảo kê, sân sau, kê khai tài sản… Cái khó là cả hai phía đưa và nhận hội lộ đều rất kín kẽ, tế nhị, khó phát hiện và hiếm khi họ tố cáo lẫn nhau.

"Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ kín kẽ để ngăn chặn những hành vi tham nhũng đó (để cán bộ không thể tham nhũng). Luật pháp cũng chưa đủ mạnh trong trừng phạt hành chính, kinh tế để răn đe những hành vi tham nhũng (để cán bộ không dám tham nhũng). Dư luận xã hội cũng chưa đủ mạnh để những người tham nhũng phải biết liêm sỉ, giữ gìn đạo đức, nhân văn hơn (để cán bộ không muốn tham nhũng)…", PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Ở một góc độ khác, theo các nhà phân tích việc phát hiện ra sai phạm của người đứng đầu TCCSĐ không khó, nhưng khó ở chỗ ai (cán bộ dưới quyền) cũng biết sai mà không ai dám lên tiếng.

Nhiều TCCSĐ, việc phê bình, tự phê bình rất yếu, việc đấu tranh trong chi bộ rất kém cho nên các vụ tham ô, tham nhũng trước đây đều do báo chí và nhân dân phát hiện. Các chi bộ yếu, không phát hiện được, không dám nói, đấu tranh phê bình kém, giữa cấp dưới đối với cấp trên khi phát hiện vi phạm không dám đấu tranh, không có bản lĩnh, sợ ảnh hưởng đến mình, ảnh hưởng đến vị trí, chỗ làm việc của mình, cho nên không bao giờ dám nói về vi phạm của cấp trên.

Vậy làm thế nào để xử lý được vi phạm đó khi sai phạm lại xảy ra ở người giữ cương vị cao nhất một địa phương?

Theo TS Bùi Thị An, nếu muốn xử lý được, TCCSĐ phải vững mạnh, cấp trên quản lý trực tiếp lãnh đạo vi phạm phải “bật đèn xanh” đồng tình quan điểm để xử lý kỷ luật.

Xử lý vi phạm thuộc về trách nhiệm của cấp ủy cấp trên và ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên. Điều quan trọng là phải làm nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó, không dung túng, bao che.

“Các tổ chức đảng, các chi bộ phải mạnh, chi bộ là cơ sở, là tế bào của khởi tranh, là cấp cơ sở nhất của Đảng phải mạnh, đảng viên phải dám nói. Cấu tạo của cấp ủy phải tốt chứ chọn người đứng đầu tổ chức đảng còn vi phạm thì làm được cái gì, phải có sự giám sát thường xuyên, phải lắng nghe dân, lắng nghe các tổ chức chính trị xã hội và phải lắng nghe thực sự”, bà An nêu quan điểm.

Ngoài ra, bà An chia sẻ thêm, phải có cơ chế lắng nghe, không hình thức, muốn lắng nghe được dân thì người được phân công phải là người đủ uy tín với dân, dân tin dân mới dám nói. Đồng thời, Luật bảo vệ người tố cáo, khiếu nại phải thực thi rất chuẩn, được sự giám sát thường xuyên. Trong trường hợp người đứng đầu vi phạm phải kiểm điểm cả cấp ủy, kể cả cấp trên do không quản lý cán bộ tốt, để xảy ra sự việc.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện xây dựng Đảng. Ảnh: TL

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện xây dựng Đảng. Ảnh: TL

Còn theo, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cho hay, cán bộ khi đã phát hiện ra sai phạm thì không khó để xử lý. Vì đã có đầy đủ các quy định để xử lý cán bộ khi cán bộ đã vi phạm (bất cứ ai, bất cứ giữ chức vụ gì), kể cả người đứng đầu. Vấn đề là phải có biện pháp ngăn chặn nó từ sớm, từ xa.

Người có vai trò quyết định để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng chính là bản thân.

"Điều đó tưởng là đơn giản nhưng không hề dễ vì tất cả đều do mình, nếu tự mình không nhận thức đúng, không chịu rèn luyện thì kết cục sớm muộn cũng sẽ vi phạm. Cán bộ, đảng viên - những người đồng chí, đồng nghiệp cũng phải có ý thức, trách nhiệm ngăn chặn từ sớm, từ xa bằng cách thường xuyên tự phê bình và phê bình trong tổ chức mà mình tham gia. Người lãnh đạo nếu biết lắng nghe, sửa chữa thì đã chẳng để lớn chuyện. Người đồng chí chân thành góp ý và kiên trì góp ý phê bình với động cơ trong sáng thì đã chẳng có chuyện phải tố cáo (giấu tên, mạo danh hay nặc danh, thậm chí cung cấp thông tin cho người khác, cho báo chí...). Có người nói báo chí phát hiện, đề xuất cơ quan kiểm tra dấu hiệu, hành vi tham nhũng - Điều đó chỉ đúng một phần mà phần nhiều ở chính từ "đồng chí, đồng nghiệp" nơi dân chủ hình thức, không dám đấu tranh trực diện", PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Nói về vai trò của người đứng đầu,  TS Bùi Thị An cho rằng, người đứng đầu vô cùng quan trọng, nếu người đứng đầu có đủ nhân cách, đủ phẩm cách, đủ tầm, đủ tâm, đủ trình độ thì đơn vị sẽ tốt, địa phương sẽ tốt, đảng bộ sẽ tốt, ngành sẽ tốt.

 “Vấn đề là làm thế nào để chọn người đứng đầu cho tốt và phải có luật truy trách nhiệm người đứng đầu. Có thành tích anh được, nếu sai anh phải chịu trách nhiệm trước đảng trước dân”. Theo TS Bùi Thị An chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, đánh giá tổ chức cơ sở đảng là để xem lại, nhìn lại một chặng đường đã qua (thường là 1 năm hay một nhiệm kỳ). Đánh giá đúng sai, tốt xấu là để tiếp tục phát huy ưu điểm, tìm nguyên nhân để khắc phục khuyết điểm (nếu có) trong chặng đường tiếp theo. Vì thế cần đánh giá khác quan, công tâm, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự vững mạnh của tổ chức.

"Nếu người đứng đầu nhận thức được điều đó thì để tâm nhiều hơn trong đánh giá, tìm nguyên nhân, xác định điểm nghẽn để khắc phục. Nếu người đứng đầu mắc bệnh thành tích - tức là chỉ thích thành tích, che giấu khuyết điểm thì mục tiêu trên sẽ chẳng đạt được một cách trọn vẹn. Vậy thì chính người đứng đầu phải đòi hỏi mình, đòi hỏi tập thể mà mình đứng đầu thực hiện cho tốt, cho đúng.

Căn cứ đánh giá cán bộ và các bước, quy trình, nội dung, phương pháp đánh giá đã có trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Vấn đề chính là phải lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trên tất cả các mặt làm thước đo chủ yếu.", PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Minh Chí

Tin khác

Giao thông hào: Sáng tạo đặc biệt của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Giao thông hào: Sáng tạo đặc biệt của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều yếu tố: Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, cách đánh sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong rất nhiều những cách đánh thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo đặc biệt của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thuật “vây lấn” với hệ thống giao thông hào tạo thành một hệ thống siết chặt dần, như chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình.

Tin tức
Đồng chí Trần Phú: Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Đồng chí Trần Phú: Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

(CLO) Với 27 năm tuổi đời, hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm trên cương vị Tổng Bí thư (từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931), đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú trước lúc hy sinh là khí phách kiên cường, biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện niềm tin tất thắng vào lý tưởng và con đường cách mạng đã lựa chọn.

Tin tức
Linh thiêng và xúc động Lễ Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa

Linh thiêng và xúc động Lễ Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa

(CLO) Vùng biển Gạc Ma, Cô-Lin, Len Đao mãi mãi trở thành khúc tráng ca hào hùng của dân tộc. Hơn 36 năm đã trôi qua, tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các Anh hùng liệt sĩ mãi mãi ở lại trong niềm tự hào, tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí...

Tin tức
Bài học sâu sắc và sứ mệnh cao cả đối với thế hệ Gen Z

Bài học sâu sắc và sứ mệnh cao cả đối với thế hệ Gen Z

(CLO) Trong bối cảnh thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt, việc thế hệ Gen Z hiểu và thực hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công và bền vững của đất nước. Hào khí 30/4 không chỉ là một kỷ niệm trong quá khứ mà còn là nguồn động viên, khích lệ cho thế hệ trẻ tiếp tục bước đi và xây dựng tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Đó chính là sứ mệnh cao cả mà thế hệ Gen Z đang nỗ lực thực hiện.

Tin tức
Hào khí 30/4: Nguồn động viên và cảm hứng cho thế hệ Gen Z để không ngừng phấn đấu, vươn lên

Hào khí 30/4: Nguồn động viên và cảm hứng cho thế hệ Gen Z để không ngừng phấn đấu, vươn lên

(CLO) Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của hào khí 30/4 đối với thế hệ Gen Z là sự tự hào về quốc gia và dân tộc. Việc nhớ lại lịch sử giúp cho thế hệ Gen Z có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình và tự do, đồng thời khuyến khích họ trân trọng những gì họ đang có và sẵn lòng đóng góp cho xã hội.

Tin tức