Hành trình 400 ngày đêm mở lối trên không và giấc mơ hoa trên đỉnh Bà Nà

Bài 3: Hiện thực hóa giấc mơ trên đỉnh Bà Nà

Thứ hai, 08/07/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cáp treo công vụ đưa vào vận hành đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ cho tiến độ của toàn bộ dự án. Bắt đầu từ đây, máy móc, nguyên vật liệu lần lượt được đưa thẳng tới chân các công trường.

Bài liên quan

12 năm sau ngồi nhìn lại hành trình đã qua đi, những người trong cuộc như Minh, Tấn, Hằng… đều không thể tin được rằng mình có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ đến vậy. Họ gọi đó là kỳ tích, thứ kỳ tích được quy đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những lần chết hụt. 22 cột trụ sừng sững mọc lên giữa đại ngàn như một biểu tượng kiêu hãnh cho sức vóc kỳ vĩ của con người khi phải đối mặt mới thiên nhiên khốc liệt.

Về đích

Sau khi giải quyết triệt để được khâu vận chuyển cũng như lắp đặt thành công hệ 22 cột trụ dọc tuyến, những gã “điên” của rừng Bà Nà chỉ còn cách giấc mơ “dệt” cầu lên núi một khoảng ngắn. Dự án vốn bị cho là mù mịt và viển vông cuối cùng đã bước vào giai đoạn quan trọng nhất: Kéo cáp chính.

Tất cả các chuyên gia của Doppelmayr cùng hàng ngàn công nhân, kỹ sư người Việt được huy động, rải dọc tuyến từ chân núi lên tới đỉnh trong tư thế sẵn sàng. Những chỉ thị được truyền đi không dứt. Một không khí hồ hởi và khẩn trương chưa từng có bao trùm cả thị trấn Bà Nà.

1 trong 10 tuyến cáp treo ấn tượng nhất thế giới

1 trong 10 tuyến cáp treo ấn tượng nhất thế giới

Do tải trọng của cáp chính lên tới 70 tấn; lực kéo cần thiết lên tới 100 tấn nên không thể trực tiếp đưa hệ thống này gá lên các cột trụ. Phương án dùng sức người, kéo thủ công cáp mồi cỡ nhỏ với đường kính 12mm một lần nữa được sử dụng. Một nhóm “công binh cáp treo” được thành lập nhận nhiệm vụ đi xuyên đại ngàn, mang theo những sợi cáp nhỏ trải suốt từ chân Bà Nà lên tới đỉnh và ngược lại. Do yêu cầu không được chặt cây rừng, nên những người kéo cáp chỉ có thể cứ cầm sợi cáp mà đi, khi nào gặp cây cao, họ lại trèo lên, cẩn thận vắt dây qua ngọn. Địa hình dốc đứng, mưa nhiều khiến cho công việc càng trở nên vất vả hơn.

“Chúng tôi gần như nín thở trong suốt thời gian kéo cáp. Bình thường, công đoạn này ở Châu Âu sẽ do trực thăng thực hiện. Còn với điều kiện cụ thể tại Bà Nà khi đó, anh em chỉ có thể lại băng rừng, lội suối kéo cáp qua rừng xanh,” Phạm Khắc Hằng, giám sát thi công tuyến cáp số 1 nhớ lại.

Cũng theo anh Hằng, để thực hiện việc kéo cáp mồi, vấn đề giữ thông tin liên lạc cần phải được đảm bảo thông suốt trên toàn tuyến. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, độ dốc thay đổi liên tục nên sóng dùng cho bộ đàm không ngừng bị đứt gãy. Các chuyên gia từ Garaventa gần như… phát điên vì những “điểm đen” bộ đàm xuất hiện dày đặc.

“Với tinh thần kéo thành công cáp mồi bằng mọi giá, chúng tôi đã sử dụng cờ hiệu lệnh… như thời chiến để kết nối thông tin cho anh em đi rải cáp. Vấn đề được giải quyết theo cách rất… Việt Nam khiến cho các bạn Tây mắt chữ O, mồm chữ A đầy ngỡ ngàng,” anh Hằng cười cười kể lại.

Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi và cũng đầy sáng tạo ấy, cáp mồi 8mm đã được nối thành công từ mặt đất lên tới độ cao 1.400m, trở thành cây cầu trên không đầu tiên bắt lên đỉnh Bà Nà. Ngay sau đó, các sợi mồi tiếp theo với đường kính 12,18 rồi 48mm lần lượt được đấu nối… trong niềm phấn khích tột độ của những gã trai đã ăn rừng, ngủ suối suốt 1 năm ròng.

Cuối năm 2008, sợi cáp tải 70 tấn với đường kính 52mm chính thức được kết nối thông suốt, với tổng chiều dài 5.042,62m. Hệ thống các cabin vận tải đã vào vị trí. Gần 400 ngày đêm, cáp treo Bà Nà – Suối Mơ sau bao gian nan cũng đã về đích đúng như lời hứa ban đầu.

“Khi sợi cáp cuối cùng vào vị trí, anh em chúng tôi, từ lãnh đạo đến công nhân viên ai cũng hò hét, có người còn bật khóc vì rốt cuộc đứa con tinh thần của mình đã được khai sinh rồi. Tôi thì cứ ngồi ở ga đi, nhìn cabin vận hành thử tải mà bồi hồi,” ông Hoàng Văn Thiệu, Phó Giám đốc công ty Cáp treo Bà Nà rưng rưng.

1 trong 10 tuyến cáp treo ấn tượng nhất thế giới

1 trong 10 tuyến cáp treo ấn tượng nhất thế giới

Ngay từ thời điểm mới được “khai sinh”, Bà Nà – Suối Mơ tự mình xác lập 2 kỷ lục: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m); đồng thời cũng là tuyến cáp có độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.291,81m) – Thứ kỷ lục đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người trong cuộc. Hơn 1 năm ròng trần mình giữa thăm thẳm nguyên sinh, làm bạn với rắn rết, vắt rừng; đôi tay và bàn chân đều tứa máu vì những phiến phong thạch cô đơn của Bà Nà đủ để những thế hệ đầu tiên góp sức dựng nên tuyến cáp số 1 thấm thía hết giá trị của “cây cầu” nối lên đỉnh núi Chúa.

gái út vào hội

Tháng 3/2009..

Chong chong suốt đêm, Phó Giám đốc Phạm Văn Hoàng vẫn không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt lại, những hình ảnh của gần 400 ngày đêm ăn núi, ngủ rừng lại dồn dập ùa về với anh. Chỉ một vài tiếng nữa thôi, những chuyến cabin đầu tiên chở đầy khách sẽ băng băng vượt lên trên trảng rừng nguyên sinh thăm thẳm xanh để lên thẳng với đỉnh núi Vọng Nguyệt mù sương.

Cùng thời gian ấy, ở phía chân núi, tại khu vực dành cho Tổ cơ khí, gần chục gã đàn ông lấm lem dầu mỡ vẫn để sáng đèn. “Bố” Tịnh, người lớn tuổi nhất rì rầm kể lại cho lớp lính mới những ngày ông chạy lũ, chạy sét trên sườn núi hoang vu hôm nào. Trong thoáng chốc, đôi mắt ông bỗng mờ nhòe đi vì không nghĩ hành trình hoang hoải ngày nào đã sắp tới điểm dừng…

Một ngày sau, sáng ngày 25/3/2009, tuyến cáp treo số 1 chính thức được vận hành trong nỗi mong chờ vô hạn của tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân viên có mặt tại Bà Nà.

Nhớ lại buổi sáng đặc biệt ấy, Phó Giám Đốc Hoàng Văn Thiệu vẫn chưa hết bồi hồi. Anh bảo khi ấy ai cũng vừa mừng, vừa lo. Từ nhiều ngày trước, công tác hậu cần đã được rốt ráo tiến hành. Trưởng các bộ phận nhận lệnh đi thực tế tại công trường để nắm bắt công việc của bộ phận mình và chuẩn bị cho công tác khai trương tuyến cáp.

Trên khoảng đất bằng phẳng trước cửa ga đi, một sân khấu đơn sơ được chuẩn bị. Tổ hậu cần cũng “mướt mồ hôi” để sẵn sàng chào đón hàng nghìn du khách sẽ lên với Bà Nà. Những gã kỹ sư vốn chỉ quen với đu cáp, băng rừng, lội suối giờ bỗng dưng… run cầm cập chờ giờ phút đứa con tinh thần của mình được khai sinh.

“Đến tận ngày khai trương, tôi vẫn không dám tin rằng mình đã làm được tuyến cáp này. Thời gian 1 năm bỗng dưng qua nhanh đến lạ lùng, tới mức có cảm giác chỉ nhắm mắt ngủ một giấc, tuyến cáp đã ra đời rồi,” ông Thiệu vừa tâm sự, vừa hé nụ cười.

Bữa ấy, từ phía thành phố Đà Nẵng, nghe tin cáp treo sắp chạy, hàng nghìn người dân đổ xô về phía Bà Nà. Con đường từ Hòa Khánh dẫn vào khu du lịch đông nghẹt xe và râm ran tiếng bàn tán. Người thì quả quyết: Để dựng được những cột trụ xuyên rừng kia, chắc chắn phải dùng đến trực thăng để cẩu sắt thép vào. Kẻ lại trầm trồ vì lần đầu tiên có cơ hội được ngắm toàn cảnh rừng Bà Nà từ trên không.

Mặc dù phải tới 2 giờ chiều, những chuyến cabin đầu tiên mới mở cửa đón khách, nhưng từ trước đó vài giờ, từng đoàn người dài vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Ai cũng muốn được trực tiếp trải nghiệm “con đường” trên không kéo dài hơn 5km vượt đại ngàn sẽ ra sao.

Ông Hoàng Xuân Tỵ, hướng dẫn viên du lịch lớn tuổi nhất của Bà Nà lúc bấy giờ đã không dám tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh tượng ấy: “Trước kia, người lên Bà Nà rất ít, may lắm chỉ được 10 khách/ngày. Trong suốt gần 10 năm làm việc, đây mới là lần đầu tiên tôi chứng kiến lượng khách thăm quan đông đảo đến thế.”

Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Phạm Văn Hoàng thì không thể nào quên được cảm giác bồng bềnh và rạo rực trong chuyến cabin đầu tiên của mình. Anh bảo: Đó là một trải nghiệm rất khác với những ngày trèo đèo, leo dốc trước kia.

Báo Công luận

“Từ trên cao nhìn xuống những lán trại ẩn khuất dưới tán cây, ngắm nhìn lại con đường mấy trăm con người đã ngày đêm căng mình làm việc, tôi vui sướng và tự hào vô cùng. Ở góc nhìn này mới có thể cảm nhận hết được quy mô kỳ vĩ của cả công trình cũng như ý chí, nghị lực phi thường của anh em. Tôi không khỏi hãnh diện với bà con, bạn bè, gia đình vì đã được góp một phần công sức vào công trình đó,” anh Hoàng bồi hồi.

Với 94 cabin, công suất phục vụ 1500 khách một giờ, tuyến cáp có tổng vốn đầu tư lên tới gần 300 tỷ đồng, được xây dựng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Cáp treo châu Âu và công nghệ của Áo, đã rút ngắn thời gian di chuyển lên khu vực đỉnh Bà Nà của du khách chỉ còn 20 phút, thay vì vài tiếng đi bộ hoặc di chuyển bằng ôtô theo đường rừng núi ngoằn nghèo, hiểm trở như trước.

Riêng với những người thợ gắn bó từ những ngày đầu tiên, tuyến cáp này không chỉ đơn thuần là công cụ chuyên chở người mà còn là tuyến cáp của vất vả và vinh quang. Đến độ họ đã phải ngẩn ngơ đến trào nước mắt khi thấy dãy cabin đầu tiên ro ro chạy lên trời.

Buổi sáng khánh thành 10 năm về trước, chuyên gia về hạ tầng trong suốt giai đoạn “thai nghén” cáp Bà Nà – Suối Mơ, anh Phạm Khắc Hằng mường tượng lại rõ rệt những tháng lăn lộn ngày với từng phiến phong thạch cô đơn, với từng dòng suối dữ…

“Thực sự, cuộc sống của những kỹ sư, công nhân tại công trường vô cùng khắc nghiệt. Chúng tôi sống trong điều kiện không hề có điện đóm, cũng không có sóng di động. Hễ vào rừng là sẽ biệt lập với thế giới bên ngoài. Mùa mưa lũ thì vô cùng nguy hiểm. Có lần giữa khuya mưa lớn, anh em trong lán đang ngủ thì nghe tiếng cây đổ. Trong ánh đèn pin leo lét, mọi người vừa kịp chạy ra khỏi lán thì cây đổ đúng vào vị trí của lán.”

Chỉ tay vào vết sẹo vẫn còn mờ mờ trên trán, thợ cơ khí Nguyễn Hữu Tấn cười như được mùa kể: “Cả ngày khai trương, tôi cứ vừa ngắm cáp chạy, vừa sờ sờ lên vết sẹo này. Đây là "dấu tích" trong lần đi tuyến tại trụ T7 bị đá núi rơi vào. Bị thương buổi sáng, máu chảy đầm đìa thì đến chiều tôi đã lại lên T vì công việc dang dở. Anh Thiệu [Phó Giám đốc – PV] khi nớ còn mắng: Mày muốn chết hay sao mà còn cứng đầu vô rừng.”

Khánh thành tuyến cáp treo số 1.

Khánh thành tuyến cáp treo số 1.

Trong buổi lễ khai trương năm ấy, Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã kỳ vọng: Việc xây dựng mới tuyến cáp treo hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, đồng bộ là bước đột phá để biến Bà Nà thành một điểm du lịch ấn tượng, đặc sắc, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch cho thành phố.

Và thực tế, sự ra đời của cáp treo số 1 Bà Nà – Suối Mơ đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng nói riêng và dải Trung Trung Bộ nói chung trong suốt một thập niên về sau. Năm 2012, số lượt khách đến khu du lịch là 761,6 nghìn lượt.

Sáu năm sau, năm 2018, khách du lịch đến Bà Nà đã tăng gấp 160 lần so với năm 2009. Sun World Ba Na Hills thậm chí trở thành một “hiện tượng”, một điểm phải đến ở Đà Nẵng của nhiều du khách quốc tế, khi ra mắt Cầu Vàng – một trong những cây cầu đi bộ trên không đẹp nhất thế giới.

Tiềm năng vốn có của nàng con út Bà Nà cuối cùng cũng đã được đánh thức bởi chính bàn tay, khối óc và khát vọng của những người Sun Group./.

PV

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa