Báo có Tết - Tết rạng ngời sắc Xuân

Thứ bảy, 25/01/2020 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày Tết, trong các gia đình khó mà thiếu được cành đào, cành mai, chậu quất, bánh chưng xanh, bức tranh gà, câu đối đỏ… Ngày nay bức tranh gà, câu đối đỏ giảm đi thì tờ báo Tết lại hiện diện như một lẽ đương nhiên. Báo Tết có nhẽ là một đặc trưng duy nhất, giàu bản sắc, rất Việt Nam.

Vui, được trở về giữa chợ quê ngày áp Tết. Chợ vẫn nét xưa: Chật như nêm! Dĩ vãng hiện về, tôi so đo nét nhộn nhịp muôn năm vốn có của chợ từ 60 – 70 năm về trước, thì ít thấy những lão nông áo thụng, quần lơ, khăn xếp, nách kẹp ô tới chợ nhăm nhắm sắm nông cụ cho mùa vụ sau, hoặc mua cho được gói chè hương sen, chai nếp cái hoa vàng nút lá chuối khô men nồng ngây ngất.

Cũng ít thấy các cô gái tuổi xuân thì kéo nhau vào hàng gương, lược, khăn tay, khăn vấn như xưa cốt để làm duyên mà lại xúm đông xúm đỏ ở cửa hàng bán điện thoại thông minh, nơi trưng diện áo quần thời trang siêu mẫu, siêu mầu. Nét xưa đậm hơn cả vẫn là các cụ, các bà, ai ai cũng chà vào hàng trầu cau, hương hoa, vàng mã; gạo nếp cái hoa vàng, lá dong, lạt bánh, đỗ, đậu chắc nẩy để lo cho nồi bánh chưng sắp đỏ lửa. Trẻ nhỏ vẫn hấp hải lăn vào hàng bánh kẹo, vây kín lấy “nghệ nhân” tò he, hí hửng, nhung nhăng khi được mẹ chiều chuộng mua cho đủ thứ đồ chơi...Chợ Tết, nay chẳng kém cạnh gì nơi đô hội, hàng hóa trên ngược, dưới xuôi, trong nước, nội khối tràn ngập, đủ loại từ giản đơn đến hiện đại dư sức đáp ứng sở thích, sở cầu cho muôn dân xứ núi...

Báo Tết đã thành hàng Tết của các gia đình ở những làng quê xa xôi. Ảnh: Nguyễn Uyển

Báo Tết đã thành hàng Tết của các gia đình ở những làng quê xa xôi. Ảnh: Nguyễn Uyển

Ký ức thôi thúc, tôi hấp hởi tìm nơi ông đồ chổng phao câu viết câu đối dưới mái hiên xưa, nhưng bặt tăm thay vào đó là mấy gian hàng bày đặt đủ các loại lịch lốc, lịch tường; báo tuần, báo ngày, tạp chí Trung ương và địa phương tràn đầy hương Tết sắc Xuân cùng các cặp câu đối rực rỡ, in sẵn bằng công nghệ hiện đại... Người mua lịch, mua báo Tết, báo Xuân đông chen, nói cười rôm rả. Ấy là nét mới, nét khác lạ so với mấy mươi năm trước nơi chợ Tết quê tôi. Chị chủ hàng luống tuổi, miệng roi rói, hoan hỉ:

- Báo Tết, báo Xuân chạy hàng ra phết. Xem ra, từ ngày làng Báo mở Hội báo Xuân; hình như Báo có Tết nên Xuân với Tết quê nhà cũng đẹp hơn lên! Tôi níu  đòn gánh hỏi cô thôn nữ vừa mua cả lúc mấy tờ báo:

- Chị mua làm chi nhiều báo thế? Tay vuốt vuốt cho mấy bìa báo phẳng phiu rồi đặt lên mặt thúng, lời như ngô nổ:

Ấy, bác ơi. Mua để xem, để đọc chứ. Báo đẹp thế này, cứ trưng lên phòng khách là Xuân với Tết như đã tràn vào nhà em rồi!... Dứt lời, cô vội cầm mấy tờ báo vắt lên đầu đòn gánh, cùi cụi, nhún nhẩy quẩy hàng về dẻo quạnh...

Chuyện báo Tết giữa chợ quê khiến tôi luẩn quẩn nhớ đồng nghiệp, nhớ đến cái tết đầu tiên (Tết Nhâm Thân -1992) thi đua làm báo, mở Hội báo Tết báo Xuân. Báo Tết rất có thể đã có từ lâu. Nhưng Hội báo Tết báo Xuân thì khởi lập là từ cuộc Trưng bày báo Tết do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Nhà Trung tâm Văn hóa - 12 Lý Đạo Thành, Hà Nội - Xuân Tân Mùi  (1991). Tết ấy Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm. Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất xin mở Hội báo Xuân hàng năm. Tổng Bí thư cho phép… Từ đấy cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về làng báo suốt trong Nam, ngoài Bắc lại dồn tâm trí, kỳ công sáng tạo nên ấn phẩm hoàn mỹ nhất để dự Hội báo đẹp báo hay. Tết Nhâm Thân (1992) thi bìa báo đẹp; Tết sau thi thêm cách trình bày các trang ruột. Tết sau nữa thi báo đẹp báo hay.

Báo Tết đã thành hàng Tết của các gia đình ở những làng quê xa xôi. Ảnh: Nguyễn Uyển

Báo Tết đã thành hàng Tết của các gia đình ở những làng quê xa xôi. Ảnh: Nguyễn Uyển

Hay, được xem là cái nết. Dân gian từng tôn vinh: “Cái nết đánh chết cái đẹp”! Báo Tết dễ để làm hay, bởi Tết là thiêng liêng, trọng đại. Tết đưa tới thời khắc giao thời giữa năm cũ với năm mới, giữa sơ khai với sớm mai. Thời khắc ẩn ấp tâm linh giao cảm giữa con người với đất trời, giữa con người với con người về ngày mai tươi sáng. Nguyên đán là Tết cả (Tết lớn nhất), là dịp sum họp gia tộc, họ hàng, anh em; kính lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Là phong tục, là bản sắc văn hóa đời nối đời… Tết là vui là đẹp, bởi cảnh sắc thiên nhiên, bởi trí thẩm mỹ của con người theo nhau vun vỗ… là niềm cảm hứng vô tận với mỗi người cầm bút. Đương nhiên, báo Tết hay phải chứa đựng nội dung phong phú, đa dạng, trí tuệ, phản ánh sinh động đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh… phù hợp với đặc thù, tôn chỉ của tờ báo, sau một năm quyết liệt phấn đấu và dự hướng đi lên. Cái hay bao hàm cái trúng, đúng, sâu sắc, hấp dẫn... Hội báo Tết Giáp Tuất – 1994, vị lão thành cách mạng, am tường văn hóa Đông – Tây nói với chúng tôi, chứa chan cảm xúc: “Trên thế giới, chẳng mấy nước lại có cái Tết linh đình, trọng thể, vui tươi, đậm đà tính truyền thống văn hóa như Tết ở Việt Nam ta. Ngày Tết, trong các gia đình khó mà thiếu được cành đào, cành mai, chậu quất, bánh chưng xanh, bức tranh gà, câu đối đỏ… Ngày nay bức tranh gà, câu đối đỏ giảm đi thì tờ báo Tết lại hiện diện như một lẽ đương nhiên. Báo Tết có nhẽ là một đặc trưng duy nhất của Việt Nam, giàu bản sắc, rất Việt Nam. Báo cũng có Tết”!

Làm báo Tết là một kỳ công, là công sức, trí tuệ của hàng trăm người trong nhiều tháng trời mới tạo nên. Báo Tết, báo Xuân cũng chính là sản phẩm văn hóa đặc sắc nhất, quý giá nhất của các tòa soạn, của các loại hình báo chí trình làng tại Hội Báo. Hội báo Tết, báo Xuân mỗi năm mỗi hay, mới mẻ và rộn ràng, năm sau lớn hơn, đẹp đẽ, rực rỡ, phong phú hơn năm trước cả về nội dung và hình thức, là món quà quý giá nhất để mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước vào Xuân. Bởi thế thiên hạ mới tôn vinh: Hội báo Tết báo Xuân là Hội của trí tuệ, văn hóa, là Hội của giao lưu, học hỏi, hiểu biết, là Hội để làm giàu thêm kỹ năng nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Đến với Hội báo Tết báo Xuân là để trình làng  sản phẩm vô giá của tập thể tòa soạn. Trình làng trong Hội báo Xuân để biết cái mình hay, cái mình hơn, cái mình cần hoàn thiện. Bởi thế nên mỗi khi có Hội báo Xuân (nay là Hội báo Toàn quốc) thường là có thêm các cuộc thi như: gian trưng bày, thi trình bày báo, thi xã luận, thi câu đối, thi ảnh phong cảnh v.v…để hồi tưởng về chặng đường gian nan nghiệt ngã mà ý nghĩa biết bao của nghề báo. Thi trình bày để chọn ra những tờ báo Tết hoàn hảo nội dung và hình thức. Cái đẹp bao hàm cái hay, cái đúng, cái hấp dẫn tác động sâu sắc đến tình cảm, tư duy của con người. Cái hay của báo Tết là vì nó chứa đựng đậm đà tính truyền thống (mùa Xuân - ngày Tết), chứa đựng cái mới, cái hiện đại của thời cuộc như tiêu chí cần có, như ý đẹp trong cặp đối của bạn viết quê xứ Nghệ:

+ Người Việt Nam, cảnh Việt Nam, hương sắc Việt Nam, hòa nhập năm châu luôn giữ gìn tinh hoa, bản sắc.

+ Dòng Hồng Lạc, cháu Hồng Lạc, tâm hồn Hồng Lạc giao lưu bốn biển phát huy trí tuệ, tài ba.

Cái đẹp của báo Tết luôn đặt ra với yêu cầu cao. Bởi hình thức là thủ pháp, là phương thức tối cần thiết để chuyển tải thông tin, chuyển tải nội dung, góp phần làm nên hiệu quả đích thực của báo chí. Sắc thái mùa xuân với bản sắc riêng của mỗi tờ báo, tạp chí thường được thể hiện rất đậm ngay ở trang bìa (gương mặt tờ báo). Là cách sắp đặt các tin bài sao cho hợp lý, khoa học, logic. Là cách chọn kiểu chữ tít, cỡ chữ, màu sắc cho mỗi trang, cho các tin, bài. Là việc sử dụng tranh, ảnh minh họa cho các bài viết sao cho hài hòa, thuận lòng, bắt mắt. Là nội dung phong phú, đa dạng, hữu ích với người đọc, người nghe, người xem. Là kỳ công của tập thể nhà Đài, của Truyền hình, của nhà in để lưu dấu sự tiến bộ của công nghệ thông tin theo mỗi độ Tết đến, Xuân về. Là sự hưng phấn, thăng hoa của các nhà báo, nhà thơ, các cộng tác viên góp nên cái hay cái đẹp của báo Tết Việt Nam: “Đất nước vào xuân/ Nét bút nên thơ, thơ có thép/ Non sông đổi mới/ Câu văn có thép, thép nên thơ”.

Hội báo Xuân - khi mở quy mô toàn quốc, khi địa phương, khi miền vùng liên kết tổ chức và trao giải báo đẹp, báo hay… Nay với Hội Báo toàn quốc, chủ đích chủ đề từng năm sáng rõ tạo thành nếp, thành truyền thống đẹp của làng báo sau Tết đến - Xuân đang ngập tràn. Để từ đây, báo Tết báo Xuân như “món ăn” tinh thần đi cùng bản sắc dân tộc ở thời hiện đại: “Bánh chưng xanh – dưa hành – câu đối đỏ -  nay có thêm báo Tết báo Xuân”. Cho nên, đâu chỉ chốn phồn hoa đón mừng báo Tết, mà nhà nhà nơi làng bản xa xôi cũng tìm mua báo đẹp, báo hay. Quà của người đi xa đem về cũng là báo Tết báo Xuân. Bởi thế, từ độ Báo có Tết – Tết thêm rạng ngời sắc Xuân!...

Nguyễn Uyển

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo