Bảo tồn, phát huy di sản Then: Từ không gian “thiêng” đến không gian sân khấu

Thứ năm, 27/10/2022 10:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi di sản Thực hành Then đã được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn cần dựa trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.

Tuy nhiên, để Then đến gần hơn với công chúng đương đại, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản phải làm sao để Then luôn hiện hữu, luôn “sống” mạnh mẽ trong cộng đồng.

Đưa Then vào đời sống thường nhật

Cứ mỗi quý hai lần, các thành viên CLB hát then, đàn tính Sắc Chàm của tỉnh Bắc Kạn lại tập hợp đầy đủ trong buổi sinh hoạt tại Trung tâm văn hóa tỉnh. Các thành viên cùng giao lưu, ôn lại những bài hát cũ và học thêm bài hát mới sưu tầm. Cũng có khi Ban Chủ nhiệm CLB mời được nghệ nhân hát then từ bản xuống, cả đội lại chăm chú cùng nhau học hỏi thêm những làn điệu then của địa phương. Tiếng đàn tính khi dìu dặt, lúc tưng bừng hòa cùng tiếng hát nhịp nhàng khiến ai nấy đều hào hứng.

bao ton phat huy di san then tu khong gian thieng den khong gian san khau hinh 1

Một buổi sinh hoạt của CLB hát then, đàn tính Sắc Chàm.

Đến từ phường Xuất Hóa, anh Nông Văn Lễ cho biết, việc tham gia CLB cũng có ảnh hưởng nhất định đến công việc nhưng bản thân anh trước đó đã biết hát then, hơn nữa đam mê với văn hóa dân tộc nên anh hầu như không bỏ một buổi sinh hoạt nào. “Vào CLB tôi được giao lưu, học hỏi với nhiều nghệ nhân về cách diễn xướng các làn điệu then, được thỏa nỗi đam mê, rồi được phục vụ khách du lịch, rất là vui”, anh Lễ nói.

Thành lập cuối năm 2019, CLB Sắc Chàm đang có gần 70 thành viên là người Tày, người Dao và cả người Kinh, trải ở khắp 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Điều này đã cho thấy sức hút của loại hình hát then trong đời sống đồng bào là không nhỏ.

Chủ nhiệm CLB then Sắc Chàm Mã Thị Dạy cho biết, tiêu chí kết nạp thành viên của CLB là không phân biệt tuổi tác, dân tộc, miễn là người tham gia phải đam mê và có cùng sở thích, có tình yêu với văn hóa truyền thống. Ngoài hai buổi sinh hoạt theo quý ở tỉnh, các nhóm trong CLB ở các huyện còn sinh hoạt mỗi tháng 2 lần, gồm tập luyện cơ bản và tập luyện nâng cao. Cùng với các làn điệu then cổ, CLB còn hát các bài hát đặt lời mới, biểu diễn trong một không gian mới với việc sân khấu hóa cùng với âm thanh, ánh sáng hiện đại.

“Lời hát mới nhưng Sắc Chàm vẫn giữ được trang phục từ khăn, quần áo, mũ làm từ vải bông tự dệt nhuộm chàm truyền thống cùng với đàn tính, phất quạt và sử dụng chùm xóc nhạc như cũ. Ngày xưa các cụ hát nghi lễ, tâm linh theo bài bản thì nay Sắc Chàm có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát giao lưu hội ngộ... Cái quan trọng là bản sắc của hát then, đàn tính vẫn được giữ nguyên”, chị Mã Thị Dạy cho biết.

Từ một CLB mang tính chất phong trào, đến nay CLB Sắc Chàm đã dần có được tính chuyên nghiệp trong sinh hoạt cũng như biểu diễn. Không chỉ tham gia các chương trình văn nghệ tại địa phương hay các sự kiện văn hóa, chính trị, CLB còn đại diện cho tỉnh Bắc Kạn tham dự nhiều chương trình liên hoan dân ca. Năm 2020, CLB Sắc Chàm đã tổ chức thành công chương trình giao lưu hát then, đàn tính và các làn điệu dân ca miền núi phía Bắc - chương trình được đánh giá cao về quy mô tổ chức và chất lượng chuyên môn.

“Giải thiêng” cho Then

Trong quan niệm dân gian của đồng bào Tày, Nùng, “Then” có nghĩa là “Trời”. Bắt nguồn từ tín ngưỡng về một thế giới thần bí, Then được coi là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh. Các lễ Then diễn tả hành trình các ông Then, bà Then đi từ Mường Đất lên Mường Trời, dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho con người...

bao ton phat huy di san then tu khong gian thieng den khong gian san khau hinh 2

Nghi lễ Then cổ của người Tày phải thực hiện trong 3 ngày, 3 đêm.

Theo ông Hoàng Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý du lịch và Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn) một nghi lễ Then truyền thống “đúng chuẩn” sẽ phải thực hiện trong 3 ngày, 3 đêm. Khi hành lễ, thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông… và lễ vật (thịt lợn, gà, xôi, rượu, vàng mã…) để thực hiện. Trong quá trình đó, thầy Then mặc lễ phục vừa hát vừa gảy đàn tính tẩu, phất quạt và sử dụng chùm xóc nhạc.

Đặc biệt, hát then được coi là nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then. Hát then quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then, không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ sẽ không gọi là Then.

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, đồng bào Tày, Nùng coi hát then là điệu hát của thần tiên truyền lại. Hát then chỉ có vài giai điệu khác nhau nhưng sự hấp dẫn chính là sự phong phú, đa dạng của ca từ. Lời then có tới 35 chương đoạn, bao gồm khoảng 4.000 câu với nội dung phong phú, phản ánh đa dạng các mặt của đời sống xã hội, từ thiên nhiên, muông thú đến đời sống, tang ma…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), ngày xưa then không được hát trên sân khấu như bây giờ. Then chỉ được hát ở trước bàn thờ - nơi linh thiêng nhất trong gia đình. Đồng bào Tày, Nùng trước kia đều làm Then khi trong nhà có người ốm đau, đó là Then chữa bệnh. Khi có việc như xây nhà, bốc mộ, người ta làm lễ Then cầu an, giải hạn. Khi cha mẹ lên lão, con cái mời thầy Then về làm lễ chúc sức khỏe để tỏ lòng báo hiếu đối với bậc sinh thành…

Tuy nhiên, đã từng có thời kỳ Then bị cho là mê tín dị đoan, bị cấm thực hành trong đời sống, những người làm Then phải cam kết không được tiếp tục hành nghề, người dân không được mời thầy Then về nhà cúng bái. Do tư tưởng sai lầm này, số lượng nghệ nhân Then đã có lúc giảm mạnh, song các nghi lễ gắn với Then vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống của đồng bào. Hiện nay, nghi lễ thực hành Then cổ vẫn còn nhiều ở bản làng của các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc.

Tháng 12/2019, di sản Thực hành Then đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi di sản Thực hành Then đã được ghi danh, cần phải bảo tồn di sản này trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.

Tuy nhiên, dường như điều đó là chưa đủ. Để đến gần hơn với công chúng đương đại, việc bảo tồn, phát huy giá trị của Then sẽ không thật sự hiệu quả nếu chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, lưu giữ mà phải làm sao cho nó luôn hiện hữu, “sống” mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, 11 tỉnh có di sản Then đã khá quan tâm đến công tác bảo tồn, trong đó có việc tôn vinh các nghệ nhân. Cùng với đó là các hoạt động phổ biến, đưa di sản Then đến với đời sống qua các lớp truyền dạy rộng rãi tất cả các đối tượng, kể cả học sinh phổ thông.

Không gian diễn xướng Then cũng được mở rộng đa dạng hơn, từ đó, dần hình thành lối sinh hoạt nghệ thuật hát then không gắn với nghi thức tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng. Ở tầm quốc gia, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, góp phần tôn vinh nghệ nhân, quảng bá, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về những nét độc đáo của di sản.

Đáng chú ý, nằm trong những hoạt động quảng bá di sản Then, nhiều nhạc sĩ đã viết lời mới dựa trên nền những làn điệu Then cổ. Đánh giá về việc này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, đây là hướng đi phù hợp để Then thích ứng với cuộc sống đương đại.

“Họ đã đưa Then từ không gian “thiêng” đến không gian sân khấu, trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng để Then gần gũi hơn với khán giả hiện đại. Ðây là một hướng đi hợp lý bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian. Khi ngôn ngữ, sinh hoạt thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi. Ðể di sản “sống” khỏe trong đời sống đương đại thì cần có những yếu tố phù hợp với đời sống mới” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

"Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

(CLO) Tối 3/5, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội), hai bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” và “Những người lính già” đã được chiếu mở màn khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(CLO) Chiều 3/5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức Lễ giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đời sống văn hóa
Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

(CLO) Tối 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khai mạc dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Đời sống văn hóa
Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

(CLO) Tỉnh Hậu Giang đã từ chối tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Trí thức quốc tế do sự kiện có mục đích và quy mô chưa phù hợp.

Đời sống văn hóa
Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

(CLO) Công nghệ 3D Mapping tái hiện bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ghi lại chiến công hào hùng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta.

Đời sống văn hóa