Bất lực trong việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng?

Thứ năm, 12/12/2019 16:53 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện tượng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN sai sự thật, trái quy định của pháp luật đánh lừa người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng. Các cơ quan chức năng mặc dù đã tích cực vào cuộc, nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể xử lý dứt điểm được tình trạng này.

Theo Ths. Bs. Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện T.ƯQĐ 108), nhiều TPCN đang bị “thổi phồng” một cách quá đáng về công dụng, thậm chí quảng cáo TPCN như một thứ thần dược giúp “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”. Điều này hết sức nguy hại, có thể khiến cho không ít người tiêu dùng do trình độ nhận thức có hạn đã tự ý từ bỏ thuốc đặc trị đang dùng chỉ để sử dụng TPCN, có thể khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí gây ra những tai biến không đáng có.

Sản phẩm Đào Thi bị xử phạt của Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom.

Sản phẩm Đào Thi bị xử phạt của Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom.

Bộ Y tế đã có nhiều quy định trong việc quảng cáo TPCN, trong đó yêu cầu TPCN trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định. Nhưng thực tế hiện nay, việc quảng cáo TPCN với các công dụng “thần thánh” lại dường như không bị kìm hãm mà lại bùng phát trên các phương tiện truyền thông như: website bán hàng, facebook, zalo… khiến cơ quan chức năng “đau đầu” tìm hướng xử lý. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng liên tục đưa ra các cảnh báo, quyết định xử phạt công ty kinh doanh các sản phẩm là TPCN có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Như vừa qua, hàng loạt các công ty vi phạm đã bị xử phạt như: Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế Medicom với sản phẩm Đào Thi, Kvoi men; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thương mại dịch vụ Cash 13 với sản phẩm Viên ngậm Bổ phế Khang; Công ty TNHH Viet Land với sản phẩm Viên nang Đông trùng Hạ thảo Việt Nam Biofun; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình với sản phẩm: viên khớp Tâm Bình, viên gout Tâm Bình, Đại Tràng Tâm Bình, Viên Tiêu hóa Tâm Bình…

Thậm chí theo Cục An toàn thực phẩm, nhiều công ty nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng còn quảng cáo trên các tờ báo, truyền hình khi chưa được thẩm định nội dung, hoặc trái với các quy định như: Công ty TNHH Tuệ Linh quảng cáo sản phẩm Tiền liệt vương trên báo Khoa học & Đời sống mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Công ty TNHH Thương mại Bảo Sinh Đường quảng cáo sản phẩm Hoạt cốt vương trên báo Phụ nữ Việt Nam gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, điều trị bệnh... Các hành vi vi phạm đều đã bị phát hiện và xử phạt hành chính. Nhưng các chuyên gia cho rằng, các công ty kinh doanh TPCN mặc dù biết rõ các hành vi vi phạm trong việc quảng cáo, nhưng vẫn cố tình vi phạm là do lợi nhuận thu được từ mặt hàng này lại rất lớn “một vốn bốn lời”. Trong khi đó, điều kiện để cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường lại đơn giản hơn nhiều so với thuốc. Do đó, với mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng chưa đủ sức răn đe, còn quá nhẹ so với lợi nhuận mang lại từ việc lừa dối người tiêu dùng mua TPCN.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng quan ngại về thực trạng quảng cáo TPCN khiến đa số người tiêu dùng tưởng nhầm là thuốc, thậm chí còn có người nghĩ đó là thuốc chữa bệnh. Hầu hết các sản phẩm được quảng cáo trên một số trang báo, mạng xã hội là hoàn toàn giả, không phải thuốc và nếu có các khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” thì thường dòng chữ này rất bé, người xem không thể nhìn rõ, hoặc dấu ở nơi khó để ý. Nhiều quảng cáo TPCN như thuốc chữa một số bệnh như: ung thư, tai biến mạch máu não, thận, gan... yêu cầu phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.

1

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay việc vi phạm về quảng cáo TPCN trên các trang mạng của một số công ty vẫn diễn ra vô cùng tinh vi khiến cơ quan chức năng khó phát hiện để xử lý. Sai phạm thường gặp nhất là quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng có tác dụng như “thần dược”, như thuốc chữa bệnh, hay thực hiện quảng cáo không đúng nội dung quảng cáo đã được cấp phép… Mặc dù ngay khi phát hiện có vi phạm của các công ty, cục đã lập đoàn kiểm tra, nhưng vẫn gặp một số trường hợp là các đơn vị vi phạm lại không thừa nhận hành vi quảng cáo sai sự thật, cho rằng những quảng cáo sai phạm không phải do công ty của họ thực hiện. Đối với những hành vi này, Cục An toàn thực phẩm xử lý bằng cách đăng thông tin trên website của cục, nhằm thông báo cho người tiêu dùng biết. Đồng thời hiện nay Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này. Bộ Y tế sẽ sớm đề xuất biện pháp xử lý, trước mắt sẽ chủ động thanh, kiểm tra, từ đó sẽ đưa khuyến cáo tới người dân không dùng hoặc mua, sử dụng những loại TPCN hoặc “thuốc” được quảng cáo trên mạng không đảm bảo chất lượng.

Mặc dù các cơ quan đã nhanh chóng có những biện pháp nhằm hạn chế vấn đề sai phạm trong quảng cáo TPCN, nhưng cơ bản vẫn là những giải pháp mang tính tạm thời, chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Điều này cho thấy, hiện nay chính sách, quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, quảng cáo TPCN còn lỏng lẻo, chưa có những chế tài xử phạt nặng các hành vi quảng cáo TPCN nhằm hạn chế việc lừa dối người tiêu dùng. Còn hiện tại, theo tư vấn của các chuyên gia, trong “ma trận” quảng cáo TPCN như hiện nay, người tiêu dùng cần thông thái hơn trước khi quyết định chọn mua và sử dụng TPCN. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, đơn vị cung cấp trên các cơ quan chính thống. Trong quá trình mua, sử dụng, nếu phát hiện những vấn đề bất cập cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý.

Gia Nguyên

Tin khác

Hà Tĩnh: Nắng nóng vượt ngưỡng 41 độ C, 2 người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

Hà Tĩnh: Nắng nóng vượt ngưỡng 41 độ C, 2 người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

(CLO) Dưới thời tiết nắng nóng gay gắt vượt ngưỡng 41 độ C, hai cụ ông ở Hà Tĩnh đã tử vong do sốc nhiệt.

Sức khỏe
Vì sao bệnh ho gà ở Hà Nội chiếm gần 50% số ca bệnh cả nước?

Vì sao bệnh ho gà ở Hà Nội chiếm gần 50% số ca bệnh cả nước?

(CLO) Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, đáng chú ý, tại Hà Nội có 60 ca.

Sức khỏe
Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

(CLO) Dị vật cuống trái xoài đã được các bác sĩ lấy ra khỏi đường thở của bé trai 8 tháng tuổi, hiện tình trạng sức khỏe bé tạm ổn, đang điều trị và theo dõi thêm.

Sức khỏe
Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe