(CLO) Không gian xanh quanh các hồ tự nhiên, hồ điều hòa tại Hà Nội đang chịu chung cảnh bị bóp nghẹt trước tình trạng chiếm dụng sử dụng để kinh doanh, buôn bán, bãi trông xe,...
TP Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng quy hoạch không gian xanh để Thủ đô ngày càng đáng sống hơn. Trong đó, không gian xanh quanh các hồ tự nhiên, hồ điều hòa nơi để người dân tập thể dục, vui chơi, tản bộ, ngắm cảnh quan hồ... là một phần không thể thiếu.
Thế nhưng thời gian qua, không gian ít ỏi đó lại bị chiếm dụng sử dụng vào các mục đích kinh doanh, buôn bán, bãi xe,... khiến cho người dân mất đi không gian xanh công cộng, phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...
Ghi nhận dọc đoạn đường Mai Anh Tuấn phía vỉa hè ven hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) xuất hiện hàng loạt các quán nhậu, quán cafe, giải khát… thay nhau chiếm dụng vỉa hè nơi đây, điều này khiến mỹ quan đô thị khu vực này bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một người dân sinh sống cạnh hồ Hoàng Cầu chia sẻ: "Việc các hộ kinh doanh đã chiếm trọn vỉa hè đặt bàn ghế làm nơi uống bia, điểm để xe khiến những người dân sinh sống quanh khu vực không có nơi sinh hoạt và tập thể dục. Người đi bộ thì cũng phải ngao ngán chấp nhận đi dưới lòng đường dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn".
Tại hồ Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cũng rơi vào cảnh tương tự, hàng loạt quán bánh mỳ nướng, quán nước đã chiếm gần hết vỉa hè, lòng đường ven hồ. Một phần mặt hồ còn bị các quán cafe chiếm dụng hẳn phục vụ cho việc kinh doanh của mình như "của riêng". Nhiều người dân đi lại khu vực này đều lắc đầu chán nản bởi cảnh tượng trên đã diễn ra suốt nhiều năm nay không giải quyết được.
Tình trạng bãi xe không phép, hàng quán lấn chiếm vỉa hè lòng đường cũng diễn ra quanh khu vực hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên, quận Đống Đa), việc này đã tồn tại lâu nay, nhưng cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý cũng như "cóc bỏ đĩa".
"Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng ra quân xử lý được vài hôm rồi thì đâu lại vào đấy, quanh hồ vẫn lộn xộn như thường", một người dân sống cạnh hồ Ba Mẫu bức xúc.
Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra tại khu vực hồ Giảng Võ và hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều khoảng không gian quanh 2 hồ này đang bị chiếm dụng bởi các quán kinh doanh đồ uống, nơi đỗ xe, bán hàng… khiến những khoảng không gian xanh bị bóp nghẹt.
Một không gian xanh khác là hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa), lại rơi vào tình cảnh dang dở và trở thành một khu vực ô nhiễm nhất Thủ đô.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang (Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) sau 16 năm cải tạo vẫn "ngổn ngang", nay còn "biến tướng" thành điểm trông giữ xe trái quy định, nơi đổ trộm rác thải.
"Nguyện vọng chung của người dân quanh khu vực bây giờ là làm sao cho hết ô nhiễm để cuộc sống bớt bị ảnh hưởng, cải thiện bộ mặt mỹ quan đô thị, để hồ Linh Quang trở thành một lá phổi xanh của thành phố", một người dân chia sẻ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.
Từ tinh thần trên cho thấy, việc giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp được đặt lên một tầm cao mới, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các cấp chính quyền cũng như đông đảo người dân.
Trước thực trạng hiện nay những không gian xanh đang bị chiếm dụng để biến thành nơi kinh doanh, buôn bán, bãi trông giữ xe… thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần phải mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp "hô biến" phần diện tích công cộng quanh các hồ nước tự nhiên, hồ điều hòa thành "của riêng" thu lợi bất chính. Trả lại các không gian này về đúng công năng, mục đích sử dụng, để tất cả người dân đều được hưởng lợi.
(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Sau khi bão đã đi qua, các địa phương vùng đồng bằng cần nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; huy động các lực lượng tập trung hỗ trợ cho người dân có chỗ ở, cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, không để ai bị đói, bị rét.
(CLO) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng số dư của gói tín dụng ưu đãi cho xuất khẩu thủy hải sản lên dự kiến khoảng 50.000-60.000 tỷ; tiếp tục tăng ưu đãi, giảm bớt lãi suất cho người mua nhà ở xã hội.
(CLO) Theo thống kê tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, đến 10h00 ngày 7/9 đã có 619 công trình xây dựng và 7077 nhà ở riêng lẻ được chỉ đạo kiểm tra, rà soát triển khai phương án ứng phó cơn bão số 3.
(CLO) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, sau khi có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội và phản ánh của báo chí, dư luận, cơ quan chức năng hiện đã chủ động chỉ đạo rà soát nắm bắt tình hình giao dịch trên địa bàn, đặc biệt đối với các lô đất đấu giá. Qua kiểm tra cho thấy việc trúng đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm là đúng thực tế.
(CLO) Liên quan đến tình trạng lừa đảo qua mạng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, một số vụ việc người dân, ngân hàng chủ động phát hiện, ngăn chặn được hành vi lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo ra ngân hàng, sắp chuyển tiền thì được kịp thời ngăn chặn.