Biên tập viên Thúy Thúy: “Chúng tôi luôn cố gắng mang đến hơi thở mới cho các chương trình”

Thứ hai, 21/06/2021 07:50 AM - 0 Trả lời

(CLO) Gần 20 năm gắn bó với công việc làm báo phát thanh ở Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền (Đài Tiếng nói Việt Nam) mong mỏi của biên tập viên Thúy Thúy là làm sao đưa được khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với loại hình này nhiều hơn nữa.

Biên tập viên Thúy Thúy

Biên tập viên Thúy Thúy

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện để hiểu rõ hơn về công việc cũng như tâm nguyện làm nghề của chị.

-Nhìn vào “lý lịch trích ngang” thì thấy thật đặc biệt là cả gia đình của chị đều theo âm nhạc dân tộc và lại cùng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Với chị dường như theo âm nhạc dân tộc và làm việc tại VOV đã là cái duyên định trước thì phải?

+(Cười vui) Thật sự đây là một điều may mắn đối với Thúy bởi được sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật truyền thống. Mẹ của Thúy là NSƯT cải lương Thúy Đạt từng làm việc tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, còn bố là NSƯT trống dân tộc Văn Hùng từng là Đoàn trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc. Em gái là nhạc sĩ, nghệ sĩ Thúy My, công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam). Và đúng như bạn vừa chia sẻ, cả gia đình Thúy cùng công tác tại VOV - là môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, thuần khiết giúp cho các thành viên trong gia đình được sống với nghề một cách chân chính. Được theo nghiệp của bố mẹ là niềm hạnh phúc, là cái duyên thật tuyệt vời của 2 chị em Thúy.

- Nhắc đến cái tên Thúy Thúy thì hẳn khán, thính giả lại nhớ đến một cô bé với giọng hát trong trẻo vang lên trong nhiều chương trình phát thanh, truyền hình nhiều năm về trước. Chị còn nhớ lần đầu tiên được tham gia biểu diễn trên sóng là khi nào không?

+Từ khi còn bé xíu, Thúy thì khoảng 8 tuổi, em gái khoảng 4 tuổi đã được theo chân bố mẹ tới phòng thu của VOV thu thanh các bài hát dân ca, các ca khúc dành cho thiếu nhi rồi lại được mẹ dắt tới Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để quay hình. Đó là quãng thời gian rất đẹp đối với Thúy. Được hát trên Đài trong chương trình “Em yêu làn điệu dân ca”, được lên tivi trong chương trình “Những bông hoa nhỏ”... thỉnh thoảng đang trên đường đi học, đi chơi có các cô, các bác nhận ra và hỏi: “Có phải hôm trước cháu hát trên “vô tuyến” đúng không? thì Thúy lại thấy vui lắm.

Biên tập viên Thúy Thúy trong một buổi làm việc tại Đài

Biên tập viên Thúy Thúy trong một buổi làm việc tại Đài

-Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc chị có lo ngại khi trong thời đại hiện nay các dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài phát triển sẽ làm ảnh hưởng đến công chúng của âm nhạc dân tộc không, thưa chị?

+Đất nước chúng ta đang phát triển về mọi mặt, văn hóa, kinh tế, xã hội... Chúng ta hội nhập với thế giới và tiếp thu văn hóa của các nước bạn bằng rất nhiều cách thức khác nhau. Cũng chính điều đó mà “bữa tiệc âm nhạc” nói riêng đã xuất hiện muôn vàn “món ăn tinh thần” để công chúng lựa chọn. Thực tế cũng đã cho thấy rằng, hiện nay có nhiều khán thính giả ít quan tâm tới dòng nhạc dân gian, dân tộc nhưng bên cạnh đó lại xuất hiện sự khám phá, tìm tòi sáng tạo và mong muốn “làm mới” âm nhạc dân tộc của một bộ phận không nhỏ những người yêu nhạc. Và Thúy tin rằng âm nhạc dân tộc là hồn cốt, là văn hóa, là tiếng nói của một dân tộc thì sẽ không bao giờ mất đi mà trong mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ lại luôn có được lớp người yêu mến nền âm nhạc của nước nhà.

-Là nhà báo phát thanh trực tiếp sản xuất những chương trình phát thanh về âm nhạc dân tộc trên sóng, chị đã làm gì để chương trình của mình thực hiện tạo sức hút và trở nên gần gũi hơn với thính giả?

+Từ lâu chúng ta luôn nghĩ rằng dân ca và nhạc cổ truyền là dòng nhạc dành cho những người cao tuổi, nhưng qua quá trình 16 năm công tác tại VOV, Thúy rất hạnh phúc khi ngày càng thấy có nhiều người trung niên, người trẻ tuổi yêu và đam mê nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Hằng ngày, Thúy cùng với các đồng nghiệp của mình ở Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền – Ban Âm nhạc (VOV3) biên soạn và thực hiện hàng chục chương trình phát sóng phục vụ thính giả cả nước. Chúng tôi nhận được hàng trăm, hàng nghìn lá thư của thính giả (cả thư tay, e-mail) rồi rất nhiều cuộc điện thoại gọi về để chia sẻ, tâm sự, yêu cầu những bài dân ca và nhạc cổ truyền mà họ yêu thích.

Chúng tôi luôn cố gắng mang vào chương trình của mình hơi thở mới qua cách xây dựng kịch bản, phục vụ từng đối tượng thính giả khác nhau, cách dẫn chương trình trẻ trung, tươi mới và đặc biệt là luôn có sự định hướng thẩm mỹ về cái hay, cái đẹp của dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc để mong muốn thính giả sẽ cùng chung tay với chúng tôi gìn giữ vốn cổ của cha ông để lại. Bên cạnh đó, trong một số chương trình, chúng tôi có những mục nhỏ với các câu đố về dân ca (ví dụ như hỏi về: bài hát, làn điệu, nghệ sĩ thể hiện, soạn giả...) để thính giả tham gia, đồng hành cùng chúng tôi. Qua đó, chúng tôi sẽ luôn biết được thính giả muốn nghe gì, yêu thích điều gì để viết những chương trình phát thanh hay hơn và hấp dẫn hơn, phục vụ thính giả được tốt hơn.

-Được biết ngoài công việc của một biên tập viên âm nhạc, chị còn là một ca sĩ hát trong nhóm bè VK khá nổi tiếng. Công việc “tay trái” này đã bổ trợ thế nào cho công việc làm biên tập âm nhạc của mình, thưa chị?

+Trước khi về công tác tại VOV, Thúy đã tốt nghiệp Đại học Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vì vậy niềm đam mê ca hát vẫn luôn thường trực trong mình và bất cứ khi nào có cơ hội được hát là Thúy rất vui. Hoạt động nghệ thuật trong nhóm bè VK làm cho Thúy thấy mình được thỏa mãn niềm đam mê này và nó bổ trợ cho công tác biên tập của Thúy khá nhiều. Thúy được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, soạn giả… để lắng nghe các câu chuyện âm nhạc của họ, những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họ..., từ đó Thúy được “lớn” lên thêm nhiều hơn trong kiến thức âm nhạc, trong tư duy suy nghĩ biên tập và thêm yêu nghề, yêu công việc mà hiện tại mình đang theo đuổi.

-Hình như ngày 21/6 cũng là ngày sinh của biên tập viên Thúy Thúy thì phải. Chị có nghĩ đó là một sự trùng hợp, cơ duyên để đưa chị đến với công việc làm báo phát thanh không?

+Điều này Thúy phải cảm ơn mẹ của mình vô cùng. Mẹ đã cho Thúy một ngày sinh quá ý nghĩa đối với cuộc đời và sự nghiệp của riêng mình. Vẫn biết đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nó lại vô cùng thú vị, nó làm cho cuộc sống của Thúy thêm lấp lánh, thêm nhiều tiếng cười, thêm nhiều lời chúc rất đáng yêu từ gia đình, bạn bè, người thân và đặc biệt là từ các cô bác, anh chị  đồng nghiệp thân mến.

-Xin cám ơn chị!

Ngô Khiêm (thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo