Bình yên Analog…

Thứ sáu, 15/06/2018 14:38 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giữa cái thời kỳ mà thị hiếu âm nhạc bị chi phối bởi nhạc điện tử EDM hay các thể loại mang hơi hướng hiện đại như Retro, R&B,... vẫn có những người bước ra khỏi vòng xoáy âm nhạc số ốn ào để trở về phiêu diêu với âm nhạc cổ điển bằng những chiếc băng, đĩa, đài cổ được sưu tập, lưu giữ qua nhiều năm tháng. Một trong những người vẫn luôn giữ trong mình một niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc cổ điển đó là anh Lê Tuấn (Hà Nội).

Anh Tuấn chia sẻ, 30 năm trước, khi ấy anh vẫn là một học sinh cấp 2, mỗi lần được nghe nhạc từ chiếc đài cát-sét cũ, anh luôn cảm thấy vô cùng thích thú. Khi đó, vì không có điều kiện mua những chiếc băng mới về nghe, anh thường đi mượn, đi “nghe ké” hàng xóm để thỏa mãn niềm yêu thích của mình. Tình yêu với thứ âm nhạc ngày ấy đã lớn dần trong anh từ lúc nào không hay. Tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, anh đã quyết tâm thực hiện niềm đam mê của mình. Căn nhà nhỏ ở Cầu Giấy chính là cả thế giới âm nhạc cổ xưa được anh sưu tập và lưu giữ gần 20 năm nay. Các loại chương trình băng đĩa cổ mà anh có được hầu hết là bản gốc từ những thập niên 60, 70, được thu dưới dạng đĩa than, băng cối, băng cát-sét, đĩa CD,... mà ngày nay, rất hiếm thấy trên thị trường.

Hơn 5.000 chương trình khác nhau

Mặc dù, không phải một người theo đuổi lĩnh vực âm nhạc nhưng anh đang sở hữu hầu hết số lượng chương trình có giá trị, một thời từng “làm mưa làm gió” trong cộng đồng yêu âm nhạc Việt Nam. Không ít người đã từng tìm đến anh với mong muốn được chia sẻ niềm đam mê này. Thậm chí, “nhạc sĩ Phó Đức Phương, một người nổi tiếng trong giới âm  nhạc, cũng đã từng tìm đến đây để tuyển chọn hơn 3.000 chương trình làm sở dữ liệu cho bộ sưu tập của  mình” - Anh Tuấn kể.

Đa dạng về thể loại (nhạc vàng, Pop, Ballad, clasic,...) có cả nhạc Việt lẫn nhạc nước ngoài (Đức, Nga, Mỹ...) nhưng chiếm số lượng lớn nhất trong bộ sưu tập là nhạc vàng với nhiều tuyệt tác gây tiếng vang lớn của Chế Linh, Thanh Tuyền, Nhã Ca, Thanh Lan... thậm chí ở dạng đĩa than, băng cối. Thứ âm thanh đậm chất analog từ những chiếc băng cối nguyên bản, khi phát ra đầy mộc mạc, tự nhiên kết hợp với ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng khiến người nghe bị cuốn hút một cách lạ kỳ.

Báo Công luận
 

“Chịu chơi đến cùng”

Không đơn giản để thực hiện được mong ước chơi băng đĩa cổ như một thú vui hay một món ăn tinh thần. Người chơi nó cũng phải chịu chơi” đến cùng khi đầu tư một dàn âm thanh để đọc băng, đĩa. Những chiếc máy hát cổ nhập khẩu vào Việt Nam không nhiều và giá thành thường rất cao. Đặc biệt, càng về sau này, nó lại càng trở nên quý hiếm, không đơn giản tìm mua được ở một cửa hàng nào đó, có những sản phẩm, theo lời anh Tuấn, cần phải đấu giá căng thẳng mới có được.

Hiện tại, trong không gian âm nhạc của anh, đang có các loại máy chạy đĩa khác nhau như: máy chạy băng cối, đài cát-sét, máy chạy đĩa than,... Mỗi loại máy đều chạy riêng một loại băng khác nhau.

Báo Công luận
 

Máy chạy băng cối khá to, mỗi lần phát nhạc, người nghe không chỉ được thưởng thức âm thanh với chất lượng chân thực, tự nhiên nhất mà thú vị ở chỗ, ta còn có thể nhìn thấy chiếc băng quay từng vòng trên máy. Đầu đọc băng cối, còn được gọi là đài câm, chuyên phục vụ cho dòng nhạc analog, không qua xử lý nên rất được ưa chuộng, một thời từng là trào lưu chơi nhạc của những dân chơi giàu có ở các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Với sự phát triển rực rỡ của công nghệ, sự xuất hiện của đĩa CD và nhạc số, những chiếc băng cối không mấy ai còn giữ huống chi là một chiếc đầu đọc băng cồng kềnh, to sụ như vậy. Loại này không còn sản xuất, vì thế, để kiếm được một chiếc máy cũ chạy tốt không hề dễ.

Máy chạy đĩa than được coi như “cặp song sinh” với đầu đọc băng cối, bởi chúng có dải tần như nhau, tuy nhiên, với những người chơi âm thanh, nghe băng cối âm thanh sẽ trong hơn, không có tiếng ngầu đục, rè rè như đĩa than. Nhưng nhiều người lại thích điểm đó ở đĩa than, vì nó khiến họ có cảm giác nghe được âm thanh một cách chân thực nhất.

Có một kinh nghiệm thú vị là không phải cứ một dàn máy đắt tiền hàng nghìn, hàng triệu đô mới cho được âm thanh tốt nhất. Muốn được như vậy, người chơi nhạc cần biết khai thác điểm mạnh, yếu của các thiết bị âm thanh, từ đó kết nối nó với nhau mới mong ra được chất lượng tuyệt hảo.

Báo Công luận
 

Kỳ công trong sưu tập và lưu giữ

Để có lượng chương trình lớn như vậy, không phải trong ngày một ngày hai, nó đòi hỏi người sưu tầm phải kiên nhẫn và duy trì tình yêu cháy bỏng với âm nhạc cổ điển. Anh Tuấn cho biết, có những băng đĩa bản gốc từ thời xưa, anh đã phải hỏi han từ rất nhiều người, nhiều lúc lặn lội từ Bắc vào Nam để tham dự các chương trình giao lưu, trao đổi để xem sản phẩm và tiến hành mua bán.

Đặc biệt, những chiếc băng cối từ trước năm 1975, vô cùng quý hiếm, chỉ cần nghe được thông tin ai đang sở hữu anh sẽ liên hệ để hỏi mua. Việc sưu tập băng đĩa thỏa mãn đam mê nhưng cũng vô cùng nghiêm túc, anh nói “mình đi vào tận nơi để xem và mua chứ không thể giao dịch qua điện thoại được. Phải nhìn, phải nghe, mới biết chất lượng của nó như thế nào, và đó có phải là bản lâu đời nhất hay không”.

Việc có được một bộ sưu tập băng đĩa cổ vốn không đơn giản, nhưng để bảo quản được nó trước điều kiện thời tiết và bước đi khắc nghiệt của thời gian thì lại càng khó hơn. “Đối với thời tiết nóng, ẩm như ở Việt Nam thì phải đảm bảo nhiệt độ cho không gian luôn cân bằng, vì băng đĩa này nhiều cái rất mỏng, nóng quá thì nó dễ cong, vênh mà ẩm quá thì thường hay mốc, nên phải chú ý”. Chưa kể, khâu chăm sóc, vệ sinh cho các dàn máy hát cũng phải nhẹ nhàng, cẩn thận và tỉ mỉ vì nếu không sẽ gây hỏng hóc hoặc làm xước đĩa.

Báo Công luận
 

“Món ăn tinh thần” không thể thay thế

Thú vui sưu tập băng đĩa phải chăng chỉ là hoài cổ? Với anh Tuấn, có lẽ còn hơn thế. Đó không chỉ là hoài niệm về một thời quá khứ đã xa, mà còn là mong muốn tìm thấy bến đỗ cho tâm hồn - hòa mình trong âm thanh trong trẻo, mộc mạc và thực sự phiêu linh bay bổng trong từng giai điệu, lời ca. Âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Chính vì thế, anh không ngần ngại chia sẻ: “Sau mỗi giờ tan làm chỉ muốn về nhà nhanh hơn một chút để lại được nhìn thấy nó, chạm vào nó và nghe nó...”.

Nghe và say nhạc cổ là một nét hoài cổ văn minh, nó cho thấy sức sống mãnh liệt vượt thời gian của các tình khúc kinh điển. Qua hàng chục hay hàng trăm năm nữa, chỉ cần vẫn còn người lưu giữ thì thứ âm nhạc ấy vẫn có cơ hội tỏa sáng, như một thời hoàng kim đã từng.

Ngọc Thúy – Hoàng Lan

 

 

Tin khác

Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng xin lỗi sau ồn ào đeo 'huy hiệu lạ' khi biểu diễn

Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng xin lỗi sau ồn ào đeo 'huy hiệu lạ' khi biểu diễn

(CLO) Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mong khán giả thông cảm và đón nhận lời xin lỗi của anh về vụ việc cài huy hiệu 'lạ' khi diễn trong live show "Ngày em thắp sao trời".

Giải trí
Chung kết Hoa hậu Quốc gia Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 tại Hòa Bình

Chung kết Hoa hậu Quốc gia Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 tại Hòa Bình

(CLO) Ban tổ chức cho biết, cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam dự kiến sẽ được trải đều xuyên suốt từ tháng 5 đến tháng 12/2024 với các hoạt động đồng hành hấp dẫn tại TP.HCM, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hoà Bình.

Giải trí
Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhàn nhận nhiệm vụ mới

Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhàn nhận nhiệm vụ mới

(CLO) Chiều ngày 8/5, Tiến sĩ âm nhạc, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tân Nhàn vừa được trao quyết định nhận nhiệm vụ mới khi được Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa Thanh nhạc kể từ ngày 06/05/2024.

Giải trí
Đoàn làm phim 'Quật mộ trùng ma' thắng lớn ở Baeksang

Đoàn làm phim 'Quật mộ trùng ma' thắng lớn ở Baeksang

(CLO) Đoàn ê-kip làm phim "Quật mộ trùng ma" thắng lớn ở giải nữ chính, đạo diễn và nam diễn viên mới xuất sắc tại Lễ trao giải Baeksang diễn ra vào tối ngày 7/5.

Giải trí
Hoa hậu Phan Thị Mơ lên tiếng khi bị nói 'làm mất hình tượng hoa hậu khi diễn hài'

Hoa hậu Phan Thị Mơ lên tiếng khi bị nói 'làm mất hình tượng hoa hậu khi diễn hài'

(CLO) Việc Hoa hậu Phan Thị Mơ tham gia chương trình "Cười xuyên Việt 2024" được mọi người quan tâm. Nhiều người dành lời khen ngợi cho tinh thần dám chinh phục những thử thách mới của người đẹp. Tuy nhiên, cũng có không ít cư dân mạng cho rằng việc cô thể hiện sự "lầy lội" trên sóng truyền hình làm mất hình ảnh hoa hậu.

Giải trí