Bịt những “lỗ hổng” trong thị trường phân bón

Thứ sáu, 20/10/2017 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 20/9/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013. Ngay sau khi được ban hành, Nghị định 108 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp và người dân, vì những quy định mới sẽ tác động tới sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như sản xuất nông nghiệp.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 20/10, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, trong đó, phân hữu cơ chiếm 53%. Sản lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn cộng với nhập khẩu 4 triệu tấn mỗi năm. 

Như vậy, tổng sản lượng phân bón trong cả nước khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Số lượng phân bón dư thừa là quá lớn dẫn tới hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm kém chất lượng. 

Bát nháo thị trường phân bón

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.


Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất phân bón, chẳng hạn không cho phép doanh nghiệp và cá nhân tự khảo nghiệm chất lượng phân bón như trước đây. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc để cho doanh nghiệp tự khảo nghiệm, không có sự can thiệp của Nhà nước, không công khai minh bạch nên có nhiều loại phân bón không cần khảo nghiệm mà vẫn đưa ra thị trường, chất lượng phân bón không được kiểm soát.

 

Báo Công luận
 Tọa đàm “Tăng cường quản lý thị trường phân bón”


Nhận xét về thị trường phân bón Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đó là một thị trường “ma trận”

Ông Thúy dẫn chứng, năm 2016, Hiệp hội phân bón điều tra sơ bộ trên 1.000 đơn vị sản xuất, sau đó có đề nghị làm điểm tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một quận với 56 cơ sở sản xuất phân bón thì đã có 20 đơn vị không có giấy phép, cơ quan chức năng đã khởi tố 13 vụ và bắt 13 bị can. 

Hay như vụ Công ty Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 374/TB-VPCP ngày 16/11/2016 về việc xử lý hình sự hành vi sản xuất phân bón giả, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Ông Thúy cho rằng vụ việc này có dấu hiệu nổi bật của lợi ích nhóm ở trong đó.

Đối với vụ việc 11 trung tâm cấp khống cho trên 400 công ty và trên 2.000 sản phẩm phân bón không có giá trị, ông Thúy cho rằng, đó là vi phạm rất nghiêm trọng. “Cơ quan chức năng đã khởi tố một số nhưng việc quy trách nhiệm vẫn chưa hết. Trong khi các trung tâm này sai từ khâu lấy mẫu, lưu mẫu, phân tích mẫu và cấp giấy phép, thậm chí không cần lấy mẫu vẫn được cấp giấy phép. Tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT kiên quyết làm rõ trách nhiệm 11 trung tâm này, nếu không sẽ không công bằng về mặt pháp lý khi triển khai Nghị định 108”- ông Thúy nói.


Đồng quan điểm, ông Trung cũng cho rằng, muốn ngăn chặn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, trước hết các vụ việc xảy ra kéo dài như vừa qua phải làm dứt điểm, nếu không làm dứt điểm sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu sau này và kỷ cương phép nước không được thực hiện.

Tăng nặng chế tài xử lý

Về những biện pháp quản lý, chấn chỉnh sự lộn xộn, bát nháo của thị trường phân bón, ông Trung cho biết, hệ thống các phòng kiểm nghiệm mà Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa nhận bàn giao từ Bộ Công Thương sang, sẽ được Bộ kiểm tra, rà soát. Mục đích để xem các phòng kiểm nghiệm có thực thi theo đúng các quy định của pháp luật không. Tiếp theo là phải kiểm tra đánh giá và nâng cao năng lực của các phòng kiểm nghiệm, việc này sẽ được thực thi ngay trong thời gian tới.

Để lập lại trật tự ngành phân bón, theo ông Trung, một thuận lợi hết sức to lớn là chúng ta đã có hành lang pháp lý mới, cùng với đó là sự quyết tâm từ Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, có sự phối hợp rất chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, hiệp hội.

Tuy nhiên, ông Trung cũng nhận định, đây là lĩnh vực rất phức tạp, rất nhạy cảm, đằng sau đó không loại trừ có yếu tố lợi ích nhóm. Thêm nữa, với số loại sản phẩm phân bón đồ sộ, số lượng nhà máy rất nhiều và hiện nay tình trạng phân bón thật, giả đang khá phức tạp nên khó khăn cũng không nhỏ.

Một khó khăn nữa là ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Hiện nay, cơ sở pháp lý, các chế tài để thực hiện Nghị định 108 cũng như làm sao để bảo đảm sức răn đe đối với các vi phạm thì mới đang được xây dựng. Trong khi đó, suốt thời gian dài vừa qua, tất cả các doanh nghiệp đang làm theo quy định cũ, một quy định rất mở, doanh nghiệp đang được nới lỏng tự dưng bị siết chặt lại thì dễ tạo nên sự phản ứng.

Theo ông Trung, dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón được xây dựng sẽ dựa trên quan điểm là các chế tài đưa ra phải bao trùm hết các hành vi và đủ sức răn đe, mức xử phạt bằng tiền được đề xuất tăng gấp 7 lần so với hiện nay. Đồng thời bổ sung thêm nhiều hình thức xử lý khác như: Thu hồi, tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận với thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn, đóng cửa nhà máy…  

Với những vi phạm về phân bón kém chất lượng, phân bón giả nhập khẩu thì áp dụng biện pháp tái xuất hoặc tiêu hủy, đối với sản xuất trong nước phải tiêu hủy không cho tái chế, không cho chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác. “Chúng tôi cũng đang phối hợp xây dựng các cơ sở pháp lý, đặc biệt là các tiêu chuẩn để tiêu hủy phân bón vì hiện nay còn lúng túng trong xử lý tiêu hủy khi phát hiện các vụ vi phạm với số lượng lớn. Hiện nay về công nghệ chúng ta đủ khả năng tiêu hủy phân bón vi phạm thay vì chủ yếu là chôn lấp như trước đây”, ông Trung cho biết. 

T.Toàn

Tin khác

Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

(CLO) Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng gấp 6 lần so với thực hiện năm 2023. Đưa bảo hiểm AAA lên UPCoM.

Tài chính - Bảo hiểm
Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu 4.566 tỷ đồng, lãi sau thuế 379 tỷ đồng tăng gần 20%

Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu 4.566 tỷ đồng, lãi sau thuế 379 tỷ đồng tăng gần 20%

(CLO) Tập đoàn Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 4.566 tỷ đồng, tăng 32,3%. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch 379 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ

Tài chính - Bảo hiểm
Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp