Bộ trưởng Bộ Nội vụ trăn trở về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên, giám định viên

Thứ ba, 15/08/2023 18:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, rất trăn trở, băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên cũng như lực lượng giám định viên. Theo Bộ trưởng, chính sách hiện có của chúng ta còn rất thấp, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Lực lượng mỏng, chất lượng còn nhiều khó khăn

Ngày 15/8, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là đội ngũ pháp chế viên và giám định viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tình trạng này đúng như đại biểu nêu. “Lực lượng còn mỏng, chất lượng còn nhiều khó khăn và tổ chức bộ máy cũng bất cập. Hơn nữa, chế độ, chính sách có những mặt chưa đảm bảo được yêu cầu. Về những vấn đề này, giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc thống nhất để định hướng một số nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, có 2 nguyên nhân cơ bản. Nguyên nhân thứ nhất là trong thời gian vừa qua, chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cho nên đối với các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại theo tinh thần của Nghị quyết 18 và Nghị định 107. Các phòng pháp chế của Sở Tư pháp được sắp xếp lại, giảm đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

bo truong bo noi vu tran tro ve chinh sach doi voi luc luong phap che vien giam dinh vien hinh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8.

Nguyên nhân thứ hai, lĩnh vực về pháp chế viên cũng như giám định viên có thể nói đây là một lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm và nguồn lực để bổ sung trực tiếp, tuyển dụng cũng không thuận lợi. Bởi vì chính sách có những khó khăn, đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ sâu.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất một số giải pháp: Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023 – 2030. Trong đó, rất chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng, cơ chế chính sách có liên quan; đồng thời chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, yêu cầu nhiệm vụ để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ hai, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tư pháp trên cơ sở Nghị định 106 và Nghị định 62, hiện nay hai Bộ đang hoàn tất thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và khung năng lực để mô tả vị trí việc làm đối với pháp chế viên cũng như giám định viên để xác định rõ vị trí việc làm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ cũng như của 63 tỉnh, thành để có cơ sở, xác định biên chế về lực lượng này.

bo truong bo noi vu tran tro ve chinh sach doi voi luc luong phap che vien giam dinh vien hinh 2

Các Đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thứ ba, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên và giám định viên, bởi chính sách hiện có không phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Tôi và Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trăn trở rất nhiều, băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên cũng như lực lượng giám định viên. Tôi thấy chính sách hiện có của chúng ta còn rất thấp, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhưng để sửa, điều chỉnh bây giờ thì rất khó vì khi chúng ta chuẩn bị cho lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với nhau tới đây chúng ta thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương thì sẽ đưa luôn cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ pháp chế viên cũng như giám định viên, kể cả về vấn đề lương và phụ cấp tiền lương cho phù hợp với tính chất đặc thù của nghề nghiệp này. Chúng tôi xin được thống nhất như vậy”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.  

Thúc đẩy phân cấp, phân quyền

Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, là nguồn lực, động lực lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện đang còn khó khăn và vướng mắc liên quan đến hệ thống thể chế cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04 về phân cấp, phân quyền, trong đó sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 32 luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 35 nghị định, 25 thông tư. Đến nay, đã sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã hoàn thành 21 luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền. Đối với nghị định, đến thời điểm này đã sửa đổi, bổ sung 19 nghị định.

bo truong bo noi vu tran tro ve chinh sach doi voi luc luong phap che vien giam dinh vien hinh 3

Toàn cảnh phiên họp.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ đang xây dựng kế hoạch, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi sửa được hai luật cơ bản và quan trọng này, cùng với các luật khác sẽ thúc đẩy được phân cấp, phân quyền.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 04 của Chính phủ và những luật đã được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua, thực hiện phân cấp, phân quyền rõ, cần mạnh dạn để thực hiện.

Đối với chất vấn của Đại biểu Quốc hội về thực trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề này đã được trả lời rất kỹ và Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đã nêu. Hy vọng, với các giải pháp này sẽ công phá tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Bộ Nội vụ đang cố gắng hoàn thiện dự thảo về vấn đề này trình Chính phủ ban hành. Dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo trong tháng 8/2023.

Minh Diễn - Nguyễn Hường

Bình Luận

Tin khác

Thống nhất quy mô đầu tư, đề xuất mức vốn cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Hải Dương

Thống nhất quy mô đầu tư, đề xuất mức vốn cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Hải Dương

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương thống nhất về quy mô đầu tư, phương thức đầu tư, đề xuất cụ thể mức vốn, nguồn vốn Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37, đoạn từ quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Tin tức
Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển

Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương có biển sớm hoàn thiện, triển khai quy hoạch liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính liên kết trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung với phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Tin tức
Bộ Công an khen thưởng Công an tỉnh Nam Định vì thành tích đặc biệt xuất sắc

Bộ Công an khen thưởng Công an tỉnh Nam Định vì thành tích đặc biệt xuất sắc

(CLO) Công an tỉnh Nam Định vừa được Bộ Công an khen thưởng về thành tích triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng trên mạng xã hội.

Tin tức
Xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành trong tháng 5/2024

Xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành trong tháng 5/2024

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, tập trung xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.

Tin tức
Vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn gắn với công nghệ cao

Vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn gắn với công nghệ cao

(CLO) Theo hướng phát triển, vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng.

Tin tức