Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Dịch COVID-19 Hà Nam có tốc độ tấn công nhanh

Thứ sáu, 30/04/2021 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá và phân tích giải trình tự gene, nhưng hiện cho thấy ổ dịch ở Hà Nam tốc độ lây nhiễm nhanh, mức độ tấn công nhanh.

Ngay khi đã xuất hiện chùm ca bệnh trong gia đình gồm 5 người mắc với nguồn lây từ nam thanh niên vừa hết cách ly tập trung, chiều tối qua (29/4), GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã về Hà Nam làm việc khẩn với địa phương về công tác phòng chống dịch.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay đã truy vết 113 trường hợp F1, số F2 khoảng hơn 200 người và hiện đang tiếp tục điều tra, truy vết.

Ngay chiều 29/4, Thường trực tỉnh uỷ Hà Nam đã họp khẩn với các sở, ban, ngành liên quan về công tác phòng chống dịch, trong đó tỉnh xác định việc xét nghiệm truy vết nhanh hết sức cần thết, trước hết lấy mẫu rộng tại các thôn, xét nghiệm mẫu gộp nếu có mẫu dương thì xét nghiệm từng mẫu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch COVID-19 ở Hà Nam có độ lây lan khá cao (ảnh TL).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch COVID-19 ở Hà Nam có độ lây lan khá cao (ảnh TL).

Hiện nay tỉnh xét nghiệm được khoảng 400 mẫu ngày, từ ngày mai có thêm 1 máy xét nghiệm nữa đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, có thể nâng công suất lên đến 1.000 mẫu/ngày.

Đến nay năng lực xét nghiệm vẫn đủ, tuy nhiên, nếu số người cần xét nghiệm mở rộng nữa thì Hà Nam khó khăn. Đề nghị Bộ Y tế, quan tâm hỗ trợ.

Hiện có 100 máy thở, phục vụ điều trị, mong muốn Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hà Nam thiết lập khu điều trị rộng hơn.

Mong muốn Bộ Y tế quan tâm cấp thêm vắc xin phòng COVID-19, hiện tỉnh đã được cấp 4.500 liều, hiện mới tiêm gần 1.500 liều.

Khẩn trương truy vết thần tốc

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá tốc độ xử trí của Hà Nam nhanh, tuy nhiên cần phải thần tốc truy F1 ngay tiếp.

Không chỉ để riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mấu chốt dịch tễ.

“Nếu chúng ta chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm, chỉ 2 ngày F1 thành F0. Phải truy hết mốc dịch tễ xem các bệnh nhân đi đâu làm gì.

Đề nghị thực hiện theo hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để nếu không sẽ rất phức tạp. Phải truy thần tốc tất cả các mẫu dịch tễ, tránh bỏ sót, nếu phát hiện F1 đưa ngay ra khỏi cộng đồng và lấy ngay mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đôí không mẫu gộp. Có như thế tốc độ của chúng ta mới theo kịp dịch. Chứ nếu thực hiện mẫu gộp thì chúng ta lại chạy theo”- PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Như Dương: Hà Nam cho biết đã phong tỏa không chỉ 5 chốt, cần phải đạt mục tiêu nội bất xuất ngoại bất nhập để không thể có nguồn lây ra chỗ khác.

Do đó phải yêu cầu thực hiện giãn cách triệt để, nhà cách ly nhà, không để người này sang nhà người kia trong khu phong toả.

"Hà Nam phải tổ chức giám sát tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng. Tất cả những trường hợp này phải cách ly tại nhà, lấy mẫu đơn xét nghiệm ngay. Đây là những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, đặc biệt tại khu vực lân cận bệnh nhân sinh sống, giao lưu", ông Dương nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Như Dương, Hà Nam cũng cần phải thành lập ngay các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng ngay trong thôn Quan Nhân đêm nay, và toàn xã vào ngày mai.

"2 người 1 tổ phụ trách 30-50 người để đi từng ngõ, gõ từng nhà, theo dõi chặt từng trường hợp, nếu ho, sốt báo cáo lấy mẫu xét nghiệm ngay. Bên cạnh đó, tỉnh phải huy đông toàn bộ sinh viên trường Y để tập huấn về công tác lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị sẵn tình huống chống dịch khi cần", ông Dương nói.

Điều động chuyên gia ngay trong đêm

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá  Hà Nam đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá và phân tích giải trình tự gene, nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh, mức độ tấn công nhanh (2 ca nghi ngờ tai Hà Nam, 2 ca Hưng Yên và 1 ca tại TP Hồ Chí Minh) cho thấy tốc độ lây nhiễm khá cao.

Bộ trưởng cho biết: “Quan điểm phòng, chống dịch cần hết sức nhanh chóng, thần tốc vì nếu chậm 1-2 ngày dịch sẽ bước sang chu kỳ lây nhiễm mới và công cuộc chống dịch càng khó khăn. Do đó điều quan trọng phải dập bằng được ổ dịch ngay”.

Theo Bộ trưởng, hiện ổ dịch Hà Nam đã liên quan đến nhiều tỉnh thành khác, vì bệnh nhân đã đi taxi, xe khách, đã có người tiếp xúc bay vào TP Hồ Chí Minh, do đó yêu cầu các địa phương có người đi chung chuyến bay ở Nhật về Đà Nẵng hôm 7/4; đi chung xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam và cách ly chung với bệnh nhân tại khách sạn ở TP Đà Nẵng phải cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm.

121 người cách ly cùng bệnh nhân tại khách sạn Alisia Bench ở Đà Nẵng.

“Những trường hợp còn lại cách ly tại các khách sạn khác phải lấy mẫu xét nghiệm ngay. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến xe với bệnh nhân phải cách ly ngay, đồng thời truy vết ngay những người tiếp xúc với người đi cùng xe, để khi những trường hợp F1 thành F0 đã có danh sách sẵn để quản lý”-  Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.

Thực hiện giãn cách xã hội ngay tại xã, riêng thôn Quan Nhân phải phong tỏa cứng không có chuyện đi lại giao lưu giữa người này với người khác.

“Chúng ta truy vết hết những người F1 để có kịch bản cụ thể, rà soát F2 để khi F1 thành F0 thì F2 thành F1.

Ngay trong đêm 29/4, tỉnh phải lấy mẫu toàn bộ 1.068 nhân khẩu của 322 hộ gia đình. Trường hợp F1 phải xét nghiệm mẫu đơn, còn lại xét nghiệm gộp 5 mẫu. 20h tối nay GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai sẽ về Hà Nam hỗ trợ về xét nghiệm;

Bác sĩ Bạch Mai cũng về hỗ trợ; PGS.TS Trần Thanh Dương ở lại giúp Hà Nam về công tác truy vết”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Cũng vào lúc 10h đêm 29/4/2021, Bộ trưởng giao GS.TS Trần Như Dương thực hiện việc tập huấn truy vết  tại tỉnh Hà Nam cho đội quân truy vết.

Ông lưu ý Hà Nam phải chủ động việc lấy mẫu (nhân lực như học sinh, sinh viên, giáo viên phải được tập huấn thực hiện). Nếu quá tải, phải thiết lập ngay phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam.

Bộ truỏng Bộ Y tế nêu rõ: "Điều lo ngại nhất, cần lưu ý nhất là điều phối lấy mẫu từ bài học Đà Nẵng và Hải Dương. Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được”

Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định lại, tất cả F1 phải cách ly tập trung, với F2 tạm thời cách ly tại nhà. “Với dịch lần này, chúng ta xác định tốc độ lây nhiễm nhanh nên phải phòng khi F1 thành F0 thì F2 cách ly tập trung ngay”.

Hiện Hà Nam có hai cơ sở cách ly, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải chuẩn bị kịch bản kỹ càng cho cơ sở cách ly, giao cho quân đội quản lý, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Về điều trị, trước mắt Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. Ngay trong sáng mai, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai sẽ về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam để giám sát và hỗ trợ công tác điều trị;

Kiểm tra công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; đồng thời Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng triển khai cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cần.

Nhất trí với các biện pháp chống dịch Hà Nam đang triển khai nhưng Bộ trưởng cho rằng, Hà Nam cần làm nhanh và mạnh hơn.

“Chúng tôi nhận định dịch ở Hà Nam đang ở chu kỳ lây nhiễm thứ 1, bắt đầu sang chu kỳ 2, nhưng có thể ngày mai, kia, sang chu kỳ tiếp theo thì công tác chống dịch sẽ khó khăn hơn nhiều.Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt lưu ý vấn đề đeo khẩu trang, Bộ trưởng đề nghị với Hà Nam yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tiến hành xử phạt hành chính những người vi phạm.

Bên cạnh đó, kiểm soát các đơn vị sản xuất, cơ sở y tế cũng là nội dung được tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh.

“Hà Nam có ổ dịch nhưng đang ở mức độ chùm lây nhiễm, phản ứng càng nhanh sẽ kiểm soát được dịch” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói và đặc biệt lưu ý khi ngày mai bắt đầu kỳ nghỉ lễ 4 ngày, nguy cơ dịch lan rộng hiện hữu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam bà Lê Thị Thủy bày tỏ cảm ơn đến sự quan tâm tới Hà Nam của Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác.

Bà Thủy cho biết: “Sau buổi làm việc này, trong đêm nay, Hà Nam sẽ triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch như Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế khuyến cáo với tinh thần quyết tâm khoanh vùng, dập dịch sớm nhất”.

Trước khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng. chống dịch và yêu cầu thực hiện phong tỏa, cách ly tại nơi bệnh nhân cư trú, thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Trinh Phúc

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe