(CLO) Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, 3 nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số trong năm 2021 đã được Bộ TT&TT công bố.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết: Trong năm 2021, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Một là nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần. Bộ TT&TT đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả các module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng, bao gồm: máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.
Hai là nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Đây là cách giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng độc giả. Để sử dụng, khai thác nền tảng, các cơ quan báo chí sẽ được bộ cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.
Thứ ba là nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.
Để tham gia 3 chương trình hỗ trợ trên, các cơ quan báo chí cần liên hệ với Cục Tin học hóa hoặc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT). Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đánh giá, lựa chọn các nền tảng chuyển đổi số để đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả. Trong năm 2020, các cơ quan báo chí đã có chuyển đổi tích cực trong nhận thức về chuyển đổi số, nhưng triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn”.
3 vấn đề lớn đối với hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan báo chí đã được Thứ trưởng Phan Tâm chỉ rõ, đó là: Nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có thể chịu tổn hại lớn; Bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp; Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao.
“Nhiều cơ quan báo chí cũng mong muốn ứng dụng CNTT toàn diện trong hoạt động của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu, dùng sản phẩm gì, giải pháp nào…”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu hiện trạng.
Để giúp đỡ các cơ quan báo chí giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ TT&TT đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí.
(CLO) Ngày 9/9, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức khai mạc hội thảo “Bộ công cụ dành cho các nhà báo về phòng ngừa đuối nước” tại Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của 20 nhà báo từ Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Uganda và Việt Nam.
(CLO) Ngày 9/9, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) đã phát động toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Đài TNVN ủng hộ đồng bào bị thiệt hại.
(CLO) Cầm trên tay chiếc thẻ BHYT, hàng trăm em học sinh vùng khó xã Pờ Ê và Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) không khỏi phấn khởi. Những phần quà này sẽ phần nào tiếp thêm động lực, giúp học sinh nghèo vững bước đến trường.
(CLO) "Mức tiền bản quyền đối với tác phẩm báo chí, xuất bản căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng khai thác, sử dụng tác phẩm" - Đó là đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.