Bốc thăm để được vào trường mầm non: Rất khó để quy trách nhiệm?

Thứ hai, 29/08/2022 15:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) để giải quyết vấn đề trường lớp cho trẻ thì cần giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô chứ rất khó để quy trách nhiệm cho cá nhân về vấn đề này.

Liên quan đến việc UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. Đáng chú ý, trong tổng số 176 phiếu bốc thăm, sẽ chỉ có 80 phiếu trúng tuyển, còn lại 96 phiếu không trúng tuyển.

Sự việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến cảm thấy ngán ngẩm vì ngay từ đầu đời các cháu phải dựa vào may rủi để được đến trường.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thiếu trường lớp cho các cháu đi học như vậy cần phải quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức chứ không thể để tình trạng này tồn tại suốt nhiều năm.

boc tham de duoc vao truong mam non rat kho de quy trach nhiem hinh 1

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga thì việc thiếu trường lớp cần giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô.

Xung quanh vấn đề này phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương).

Phóng viên: Thưa bà, tại Hà Nội vừa có việc trẻ 3 tuổi đến tuổi đi học phải bốc thăm vào trường mầm non công lập. Bà có thấy đây là điều bất thường không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng chuyện bốc thăm vào trường công lập. Việc này tồn tại nhiều năm nay và ở Hà Nội là chủ yếu. Việc bốc thăm là việc cực chẳng đã mới phải làm.

Tình trạng này đã được phản ánh rất nhiều, có những năm phụ huynh còn đi từ 2h sáng để chầu chực đăng ký cho con vào học. Việc này thể hiện tình trạng đang quá thiếu trường công lập, trong đó có việc thiếu trường mầm non công lập.

Phóng viên: Để tồn tại thực trạng này lâu như vậy đâu là nguyên nhân, bà có thể phân tích thêm được không?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việc bốc thăm thể hiện thực trạng nhức nhối là đang thiếu các trường công lập. Trong khi các bậc phụ huynh lại thích cho con mình vào học trường mầm non công lập vì chi phí thấp nhưng chất lượng đảm bảo.

Một nguyên nhân dẫn đến trường công quá tải nữa là do chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa giáo dục chưa thực sự tốt.

Tôi thấy, hiện một số tỉnh đã làm tốt việc này như ưu đãi cho thuê đất 50 năm để xây dựng trường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền xây dựng phòng học, hỗ trợ đồ dùng học tập. Có tỉnh hỗ trợ 1 lớp lên đến 25 triệu đồng.

Nếu Hà Nội có giải pháp tốt để hỗ trợ các trường tư thục sẽ giúp phát triển được hệ thống mầm non ngoài công lập. Phụ huynh cũng yên tâm gửi con vào các trường mầm non ngoài công lập.

Bên cạnh việc có cơ chế thu hút đầu tư, địa phương cần chú trọng về mặt chuyên môn như đào tạo, bồi dưỡng để chất lượng giáo viên trong và ngoài công lập không vênh nhau.

Hiện nay một số trường ngoài công lập chất lượng cao có cơ sở vật chất tốt dù đắt đỏ phụ huynh vẫn tha thiết gửi con. Do đó, khi chúng ta phát triển trường ngoài công lập tốt thì áp lực đối với trường công lập sẽ được giảm.

Việc này không chỉ ở bậc mầm non mà các bậc học khác cũng cần có chính sách ưu tiên như vậy.

Hệ thống các trường công lập quá ít ỏi, chính vì vậy cần có hình thức khuyến khích, đầu tư vào giáo dục ngoài công lập để giảm tải bớt quá tải.

Về lâu dài các địa phương cũng cần tăng đầu tư cho giáo dục đặc biệt về trường lớp để đáp ứng nhu cầu người học.

Rất khó để quy trách nhiệm

Phóng viên: Như bà chia sẻ, thiếu trường lớp là tình trạng tồn tại lâu nay vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương và phòng giáo dục sở tại như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, để giải quyết việc này thì cần giải pháp tổng thể. Ví dụ như khu vực nội thành Hà Nội thiếu nhiều nhất nên hàng năm phụ huynh rất vất vả để chạy cho con suất học tại trường công.

boc tham de duoc vao truong mam non rat kho de quy trach nhiem hinh 2

Sự việc tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nguyên nhân không chỉ do địa phương hay phòng giáo dục mà do nguyên nhân tổng thể đó là việc phân bổ quy hoạch dẫn tới áp lực dân cư tăng nhanh tại một số khu vực.

Đáng lẽ có học trò thì phải có trường lớp trong khi nhiều khu dân cư mới mở, quy hoạch quá nhiều nhà cao tầng trong một khu vực rất hẹp nhưng đất dành cho giáo dục lại không có nên dẫn đến quá tải.

Vấn đề này một mình địa phương sở tại và phòng giáo dục không thể giải quyết được. Để xây dựng trường thì liên quan đến rất nhiều như đất đai, nhân lực, kinh phí … Chính vì vậy, nếu như muốn giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường học thì cần có cái nhìn tổng thể vĩ mô.

Nếu chỉ quan tâm quy hoạch làm sao cho nhiều nhà cao tầng thì sẽ gây áp lực lên hạ tầng rất lớn trong đó có hạ tầng giáo dục. Cho nên nói ngành giáo dục phải làm gì đi thì rất khó vì giáo dục không thể quyết được tất cả mọi việc.

Phóng viên: Trong trường hợp những phụ huynh không bốc thăm trúng và không đủ kinh tế để cho các con vào trường tư thục thì theo bà sẽ giải quyết như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Đây là bài toán rất khó. Trên thực tế các bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con. Nếu con không gửi được trường nơi mình sinh sống thì có thể tìm cách sang địa bàn khác. Tuy nhiên, cái này cũng rất khó khăn. Với một đô thị như Hà Nội thì các trường đều rất đông.

Nếu phụ huynh không đủ tiền gửi trường tư thục mà họ gửi ở các nhóm trẻ tự phát thì cũng rất nguy. Nhiều trường hợp bạo hành trẻ, gây ra thương tích cho trẻ em đã xảy ra ở nhóm trẻ tự phát trước đây.

Với nhóm trẻ tự phát cũng không hy vọng họ sẽ đảm bảo yêu cầu cơ sở vật chất, cách nuôi dạy con cái và chất lượng giáo viên.

Thậm chí có những phụ huynh mời ông bà ở quê lên trông trẻ. Nhưng đây cũng không phải là giải pháp vì trẻ đến tuổi đến trường không thể quanh quẩn ở nhà.

Rõ ràng còn rất nhiều việc ngổn ngang cần phải có giải pháp tổng thể.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Hà Nội cần trợ cấp tiền cho phụ huynh có con không được vào trường công lập, quan điểm của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi nghĩ cái này rất khó vì muốn trợ cấp tiền thì phải trên cơ sở quy định pháp luật. Với những em này nếu được trợ cấp thì các trẻ ở những nơi khác sẽ như thế nào.

Nếu như được trợ cấp thì cũng tốt nhưng trợ cấp vẫn không giải quyết được phần ngọn. Các bậc phụ huynh nếu được chọn nhận tiền trợ cấp với việc có trường lớp đàng hoàng thì họ sẽ lựa chọn có trường lớp để gửi con.

Việc thiếu trường là tình trạng báo động cần có giải pháp ở tầm vĩ mô. Nếu để tái diễn người thiệt thòi nhất là các cháu, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Phóng viên: Nếu còn tình trạng này ở các năm sau thì sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Nếu mà cứ tái diễn đi, tái diễn lại mà không có dự phòng, chưa có biện pháp đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và sự phát triển của trẻ em.

Các em đến tuổi đi học phải có trường lớp và phải có quyền lựa chọn môi trường tốt cho mình. Thiếu trường lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống. 

Vấn đề này các lực lượng xã hội cần phải góp tiếng nói để cải tạo trong thời gian tới chứ không thể để tái diễn liên tục qua nhiều năm.

Phóng viên: Hiện nay chưa quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng này, quan điểm của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việc này cần giải pháp rất tổng thể nên một đơn vị, một địa phương không thể giải quyết được. Một quận nếu đặt ra sang năm phải có 1 đến 2 trường mới là rất khó vì vượt quá tầm giải quyết của quận.

Nếu quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì cũng rất khó. Do đó, bắt buộc có giải pháp tổng thể. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tham mưu đề xuất lên Chính phủ các giải pháp từ đó triển khai tới các địa phương.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục