Bóng đá, The Sun và scandal mang tên “Sự thật”

Thứ năm, 05/07/2018 08:01 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chỉ một bài báo, chỉ vài ba dòng tít phụ mang tính quy chụp đã khiến cả triệu “tín đồ túc cầu giáo” của cả một thành phố rơi vào “nỗi oan khuất” suốt hơn 2 thập kỷ. Đó là câu chuyện mà nhật báo The Sun tại Anh quốc đã viết nên 29 năm trước và đến hôm nay vẫn được nhắc đến như một bài học đắt giá về nguyên tắc tôn trọng sự thật của những người làm báo.

Buổi chiều kinh hoàng trên sân Hillsborough

Giờ đây, chỉ cần đánh cụm từ “The Hillsborough disaster - Thảm họa Hillsborough”, trang tìm kiếm Google có thể mang đến cho bạn khoảng gần 1.800.000 kết quả liên quan. Con số khổng lồ ấy cho thấy sự quan tâm của dư luận dành cho thảm kịch đã diễn ra trên sân Hillsborough tại thành phố Sheffield thuộc vùng South Yorkshire chiều ngày 15/4/1989. Còn đối với những người dân Anh nói chung, người dân Liverpool nói riêng, đặc biệt là những cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt của thành phố này, ngày 15/4/1989 là một ngày không bao giờ được phép quên.

Ngày hôm ấy, khi trận đấu bán kết Cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest vừa mới chỉ diễn ra được vỏn vẹn 6 phút thì một góc khán đài của sân Hillsborough bị đổ sập. Trong hoảng loạn, hàng nghìn cổ động viên đã chen lấn, xô đẩy và chèn ép nhau. Hệ quả là 96 người hâm mộ xấu số đã thiệt mạng, 766 người đã bị thương do ngạt thở hoặc bị dẫm đạp... Chưa bao giờ, lịch sử bóng đá nước Anh nói riêng và thế giới nói chung lại phải chứng kiến một trận đấu thảm kịch đến nhường ấy.

Báo Công luận
 

Hệ lụy khôn cùng từ bài báo mang tên “Sự thật”

Nhưng nỗi đau của những CĐV thành Liverpool không dừng lại ở đó. Vào ngày thứ 4 sau thảm họa, The Sun - tờ nhật báo vẫn được xếp vào hạng lá cải của ông trùm truyền thông Rupert Murch - tung ra một trang nhất mà choán toàn bộ là hàng tít “The Truth- Sự thật” cùng 3 chấm tròn là 3 dòng tít phụ cũng được in đậm không kém: “Một số CĐV đã lục ví của các nạn nhân - Some fans picked pockets of victims ”; “Một số CĐV tè vào những cảnh sát can đảm - Some fans urinated on the brave cops ” “Một số CĐV đánh những cảnh sát làm hô hấp nhân tạo -
Some fans beat up PCs giving the kiss of life”
. Để cụ thể hóa cho cái gọi là “Sự thật”, bài viết trang trong có đoạn: “các CĐV say xỉn của Liverpool đã tấn công một cách độc ác vào những nhân viên cứu hộ khi họ tìm cách giúp các nạn nhân hồi tỉnh”. Chưa kết, để minh chứng cho “Sự thật”, The Sun cho dẫn lời hàng loạt cảnh sát giấu tên cho rằng các CĐV Liverpool “tè vào chúng tôi và những xác chết”, “hành xử như những con vật” (The fans were just acting like animals) khi “làm nhục cả cô gái đã chết”.

Báo Công luận
 

Khó có thể nói hết nỗi phẫn nộ, uất ức của các CĐV cũng như chính CLB Liverpool. Bài báo đã khiến cả nước Anh quay lưng lại với người Liverpool, coi các cổ động viên xứ này như kẻ tội đồ, vô học, vô văn hóa. Từ bài báo ấy, một thời gian dài, đi đến đâu, các CĐV và cả đội bóng áo đỏ cũng bắt gặp những ánh nhìn ghẻ lạnh, xa lánh đầy vẻ kinh sợ. Thậm chí nhiều gia đình CĐV Liverpool đã tan vỡ chỉ bởi những dị nghị từ thảm họa trên sân Hillsborough.

23 năm đưa ra ánh sáng một mưu đồ

Trong uất ức, phẫn nộ, các CĐV Liverpool đã lên tiếng phản ứng, cáo buộc bài viết của The Sun là sai sự thật. Nhưng đáng buồn là phần lớn dư luận đều tin The Sun hơn tin họ. Việc cảnh sát South Yorkshire mở cuộc điều tra và kết luận các CĐV Liverpool đã tự gây ra thảm họa càng khiến mọi con đường “cải chính” của các CĐV áo đỏ trở nên bế tắc.

Báo Công luận
 

Nhưng điều huyền diệu là bi kịch không khiến các CĐV Liverpool và cả CLB Liverpool rơi vào tuyệt vọng, chán chường hay có những phản ứng tiêu cực. Họ hiểu rằng, mình cần phải hành động, nhưng không phải là những biện pháp tức thời hay quá khích. Một mặt, họ tự nhủ với nhau rằng trong nỗi đau, họ càng phải xích lại gần nhau, đoàn kết, gắn kết với nhau hơn. Cả các CĐV lẫn cầu thủ đều tự nhủ rằng trên sân cỏ cũng như trên khán đài, họ cần phải chơi bóng, phải hành xử thật đẹp mắt và đúng mực. Mặt khác, họ hiểu rằng để “minh oan” được cho mình, không thể bằng lời nói mà cần dày công thu thập các chứng cứ dữ liệu để chứng minh.

Bền bỉ trong rất nhiều năm, Hội CĐV Liverpool đã mở Chiến dịch công lý Hillsborough để gây sức ép buộc chính quyền Anh phải điều tra lại để tìm ra sự thật. Khoảng 140.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trên mạng và Ủy ban điều tra độc lập Hillsborough (HIP) được thành lập. Trong vòng 18 tháng, HIP đã nghiên cứu hơn 450.000 tài liệu về thảm họa Hillsborough.

Cuối cùng, HIP đưa ra kết luận khẳng định chính cảnh sát South Yorkshire mới là thủ phạm gây ra thảm họa khi không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, không phối hợp tốt với các cơ quan chức năng khác trên sân Hillsborough dẫn đến các biện pháp cứu hộ bị chậm trễ, các biện pháp cấp cứu nạn nhân cũng không được thực hiện kịp thời (HIP khẳng định hàng chục nạn nhân không chết ngay tại chỗ như cảnh sát kết luận và họ toàn toàn có thể có cơ hội sống nếu được cấp cứu kịp thời). Điều tra của HIP cũng có thấy 164 lời khai của cảnh sát đã được chỉnh sửa để xóa đi những nhận định không có lợi cho lực lượng cảnh sát South Yorkshire và rằng cái gọi là say rượu, nổi loạn, ngang ngược, không có vé... hoàn toàn là những cáo buộc dối trá mà cảnh sát South Yorkshire gán cho CĐV Liverpool.

Để “thỏa lòng” giới cảnh sát South Yorkshire “không tâm phục khẩu phục” kết quả điều tra của HIP, một Ủy ban điều tra độc lập, với sự chủ trì của Đức Giám mục Giáo phận Liverpool James Jones, đã được lập ra. Ủy ban này đã dành tới 20 tháng kiểm tra một cách không hạn chế 450.000 tài liệu nội bộ liên quan Hillsborough. Kết quả điều tra của Ủy ban cũng cho thấy đã có bằng chứng về việc cảnh sát Nam Yorkshire đã phối hợp để “che giấu” tội lỗi của mình, đổ lỗi cho những người hâm mộ.

Báo Công luận
 

Đến lúc này, sau sự trùng khớp của hai kết quả điều tra, người Anh mới lật lại quá khứ và thấy rằng trước đó, vào năm 1990, một bản báo cáo với nội dung tương tự đã được thực hiện bởi Lord Justice Taylor đã khẳng định chính sự mất kiểm soát từ các cảnh sát là nguyên nhân gây ra thảm kịch.

Mưu đồ đen tối của lực lượng cảnh sát South Yorkshire đã được phơi bày lộ lộ ra ánh sáng. Trước những bằng chứng hết sức thuyết phục, tháng 9/2012, 23 năm sau thảm họa Hillsborough, Thủ tướng Anh lúc đó, ông David Cameron đã chính thức gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân, rằng “nhà nước đã không bảo vệ người thân của họ” “họ đã phải chờ đợi sự thật quá lâu”. Người đứng đầu chính phủ Anh thừa nhận thảm họa xảy ra do lỗi từ sự yếu kém và sai lầm của cảnh sát và lực lượng an ninh trên sân Hillsborough. Chỉ huy lực lượng cảnh sát South Yorkshire cũng nói lời xin lỗi và khẳng định ông bị sốc khi biết sự thật.

Nhưng những lời xin lỗi là không đủ. Với hàng trăm mạng người đã mất, tội ác phải bị trừng trị, công lý phải được thực thi. Năm 2016, những người phải chịu trách nhiệm thực sự cho thảm họa đen tối này đã phải bước ra ánh sáng. Trong phiên điều trần ngày 26/4/2016, 9 bồi thẩm đoàn quyết định buộc tội cảnh sát trưởng David Duckenfield, người đã cho mở cửa khán đài Leppings Lane mà không lường trước được dấu hiệu quá tải. BTC sân Hillsborough và các lực lượng chức năng như cảnh sát, cứu hỏa, y tế cũng phải chịu trách nhiệm bởi khả năng ứng biến quá tệ trước tai nạn.

Nỗi cay đắng của The Sun

Lực lượng cảnh sát, BTC sân Hillsborough… đó chưa phải là tất cả những người cần phải nói lời xin lỗi trước nỗi đau suốt hơn hai thập kỷ ở thành Liverpool. Còn một con người khác, một cơ quan khác phải nói lời xin lỗi, phải day dứt khôn nguôi trước thảm họa Hillsborough: Kelvin MacKenzie - biên tập viên, chủ nhân của 4 dòng tít “chết người” cách đây 29 năm và The Sun - tờ nhật báo đã đăng bài viết “The truth - Sự thật”.

Báo Công luận
 

Sự thực thì, vào thời điểm năm 2012 ấy, TBT The Sun, ông Dominic Mohan đã thừa nhận: “23 năm trước, tờ The Sun đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi đã đăng một bài viết sai trái và đầy tính xúc phạm”, còn trước đó ông Kelvin MacKenzie cũng chia sẻ: “Tôi rất hối hận vì vụ Hillsborough. Đó là một sai lầm tệ hại”. Mãi đến ngày 7/7/2004, tờ The Sun mới đăng một lời xin lỗi chính thức trên toàn bộ một trang, khẳng định rằng tờ báo đã “phạm một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử của mình”.

Nhưng với công chúng, đó hoàn toàn là những lời xin lỗi quá muộn màng và ít ỏi. Tới tận bây giờ, nhiều người ở Liverpool vẫn coi việc không mua tờ The Sun như một nguyên tắc sống.

Bị độc giả tẩy chay, viết lên một bài báo mang danh sự thật nhưng chứa đựng toàn những nội dung dối trá - đó có lẽ là nỗi cay đắng nhất của The Sun. Nỗi đau của The Sun âu cũng là bài học đắt giá cho tất cả những người làm báo.

Hà Anh

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo