Các tiêu chí về nông thôn mới phải “chiếu” từ tiêu chí văn hóa

Thứ năm, 22/12/2022 10:49 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vừa qua, Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước.

Dư âm của Hội thảo đã vang vọng không chỉ tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, mà còn được đông đảo cử tri theo dõi, bàn luận rộng khắp những ngày qua, truyền tải ý nghĩa sâu sắc, thiết thực và tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết cho những người trực tiếp tham gia công việc xây dựng, phát triển văn hóa.

Giá trị nông thôn cần được bảo tồn như một di sản văn hóa

Đáng lưu ý, tham luận tại Hội thảo văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông thôn cần được xem là một miền di sản. Giá trị nông thôn cần được bảo tồn như một di sản văn hóa, được quan tâm ở cấp độ quốc gia. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, qua hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Tuy nhiên, bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới và vẫn giữ được “hồn” cũ thì lại có nhiều nơi mặc dù hiện đại hơn nhưng dường như “thô ráp, vô hồn” vì những khối “bê tông đồng phục hóa”.

cac tieu chi ve nong thon moi phai chieu tu tieu chi van hoa hinh 1

Theo quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông thôn là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, cỏ cây chen lá, đá chen hoa... Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ, truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng dễ chịu, trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sinh hoạt và lao động trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế. Quá trình hình thành nên làng xã nhờ vào tính cố kết cộng đồng, giúp giữ xóm giữ làng trước thiên tai, địch họa.

“Con người luôn tồn tại hai trạng thái cảm xúc tích cực và tiêu cực. Văn hóa giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hòa. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa. Văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể. Cây đa, bến nước, sân đình vừa có giá trị hữu hình, vừa có giá trị vô hình”, tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc giữ gìn và phát huy các giá trị nông thôn, hướng đến hai mục tiêu chính. Đó là, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Tiếp đó là để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bao gồm trải nghiệm cách làm nông, cuộc sống nhà nông, môi trường cảnh quan, làng nghề, văn hóa bản địa.

Hình ảnh làng quê thôn dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hoà thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phá nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Thu nhập và chất lượng sống người làng sẽ được nâng thêm. Hình ảnh làng quê cũng ẩn chứa văn hóa nông thôn, tạo ra bản sắc riêng cho nông thôn. Đó chính là “tài nguyên mềm”, “tri thức địa phương” phục vụ phát triển.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề: “Xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Cuộc sống, ngoài cái ăn, cái mặc, nhà cửa, còn cần đến cảm xúc, cảm xúc tạo ra niềm hạnh phúc. Chính hạnh phúc mới là đích đến của mỗi con người”.

Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên để phát triển

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được thì mới tự thân, tự tin giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Khi và chỉ khi văn hóa len lỏi sâu rộng vào từng gia đình, ngõ xóm thì những danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là của người cao tuổi, của ông bà tổ tiên, mà được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế vận động của thời đại, văn hóa mới mãi trường tồn. 

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhằm cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Chương trình đó huy động sức mạnh, nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, ông rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đối với vấn đề gìn giữ và phát triển văn hóa nông thôn.

“Tôi cho rằng, ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúng là chia sẻ của “người trong cuộc”. Những phân tích mà Bộ trưởng đưa ra rất thiết thực, gần gũi và “chạm” được đúng trái tim của những người từng có quê; đặc biệt là những người sinh ra, trưởng thành từ quê và đến giờ vẫn đau đáu với quê”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ bày tỏ quan điểm.

cac tieu chi ve nong thon moi phai chieu tu tieu chi van hoa hinh 2

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Theo Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, các tiêu chí về nông thôn mới hiện nay, phải “chiếu” từ tiêu chí văn hóa. Văn hóa chính là hồn cốt, là nền tảng trụ cột để phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh. Chúng ta thành công giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc là nhờ vào nền tảng lịch sử văn hóa, ý chí quật cường của người Việt. “Lịch sử cho thấy, chúng ta thành công là từ lũy tre làng, văn hóa làng; cả nghìn năm Bắc thuộc hay trăm năm Pháp đô hộ cũng không “đồng hóa” được chỉ vì “văn hóa làng” của chúng ta. Nói như vậy để thấy được sức mạnh ”mềm” văn hóa, nền tảng văn hóa của dân tộc Việt Nam là rất lớn. Văn hóa dân tộc bắt đầu từ văn hóa gia đình, dòng họ, làng quê, đã trở thành sức mạnh thực sự của dân tộc Việt Nam”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, thời gian qua, đã có những “đứt gãy văn hóa nông thôn” trước sự du nhập văn hóa thiếu chọn lọc. Ông đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi cho rằng “một lỗ thủng nhỏ cũng có thể làm đắm con tàu to”. Giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn là vấn đề nhiều quốc gia gặp phải trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam không là ngoại lệ.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên để phát triển. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển văn hóa nông thôn. Cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các em học sinh từ những bậc học đầu tiên, đó chính là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục của văn hóa dân tộc.

Nguyễn Hường

Bình Luận

Tin khác

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tin tức
Việt Nam là một hình mẫu về hàn gắn, khôi phục sau chiến tranh

Việt Nam là một hình mẫu về hàn gắn, khôi phục sau chiến tranh

(CLO) Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, khẳng định nỗ lực của hai bên cùng nhau "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai", cho thấy Việt Nam là một hình mẫu về hàn gắn, khôi phục sau chiến tranh, biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại.

Tin tức
Lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lãnh đạo TP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(CLO) Ngày 6/5, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dẫn đầu, đã đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, tại nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình.

Tin tức
Xúc động ký ức của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ về một thời 'hoa lửa'

Xúc động ký ức của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ về một thời "hoa lửa"

(CLO) Trong những ngày này, khi thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đang sôi động với nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không ít cựu chiến binh đã quay trở lại thăm chiến trường xưa. Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng ký ức về những ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non" vẫn đọng mãi trong tâm trí họ.

Tin tức
Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thăm, tặng quà tri ân các gia đình có công với cách mạng tại Thanh Hóa

Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thăm, tặng quà tri ân các gia đình có công với cách mạng tại Thanh Hóa

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, chiều 5/5, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dâng hương, dâng hoa tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến thăm hỏi, tặng quà 2 gia đình thương binh, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Tin tức