Cán cân thương mại của Việt Nam bất ngờ đổi chiều: Không đáng lo ngại

Thứ năm, 05/08/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL)Kể từ tháng 4/2021, cán cân thương mại của Việt Nam bất ngờ đổi chiều, từ xuất siêu sang nhập siêu. Riêng trong tháng 7/2021, thương mại Việt Nam đã thâm hụt tới 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, giới chuyên gia, các nhà quản lý đánh giá, việc cán cân thương mại đổi chiều đã được dự báo từ trước và không đáng quan ngại.

Cán cân thương mại đổi chiều sang nhập siêu

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước đã khiến các hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7/2021 có phần chững lại. Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, cộng gộp 7 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.

Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng đầu năm thâm hụt 2,7 tỷ USD. Điều đáng nói, chỉ tính riêng trong tháng 7, Việt Nam đã nhập siêu tới 1,7 tỷ USD.

Như vậy, sau nhiều năm duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã đột ngột đổi chiều sang nhập siêu, trong 3 tháng liên tiếp. 

Theo giải thích của Bộ Công Thương, sự đổi chiều của cán cân thương mại đã được dự báo từ trước. Bởi, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng, khiến cho ngành xuất khẩu bị thiệt hại. 

nhapsieu1

Nhập siêu “khủng” trong tháng 7/2021 do nhiều yếu tố

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Kể từ tháng 4/2021, tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu tăng rất mạnh, do rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu tăng cao trên thị trường quốc tế.

Đơn cử như giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 7 tháng đầu năm ước tăng 37,3%; chất dẻo nguyên liệu ước tăng 35,9%; sắt thép ước tăng 43%; kim loại thường khác ước tăng 33,4%,… 

Bên cạnh giá bình quân nguyên nhiên, vật liệu tăng thì lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, đặc biệt đối với nhóm hàng dệt may, da giày cũng tăng do nhu cầu đầu vào phục vụ sản xuất khi đã có những tín hiệu tích cực về việc các thị trường đối tác như Hoa Kỳ, EU dần mở cửa. Ngoài ra, cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh làm giá trị nhập khẩu tăng lên.

Trong khi đó, tiến độ xuất khẩu đã có những khó khăn nhất định khi dịch Covid-19 bắt đầu tiến vào các khu công nghiệp từ thời điểm cuối quý II. 

Trong tháng 6/2021, khi hoạt động của một số nhà máy tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang,… đã phải gián đoạn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, xuất khẩu một số mặt hàng chịu ảnh hưởng là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện.

Đến tháng 7, khi dịch được kiểm soát tại Bắc Giang, xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh khi dịch Covid-19 lan rộng ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, vốn là khu vực chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất, xuất khẩu của cả nước. Do vậy, những mặt hàng có xuất khẩu giảm trong tháng 7 có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Giày dép; Gỗ và sản phẩm gỗ.

Thực tế cán cân thương mại cũng phản ánh đúng thực tế này khi thâm hụt thương mại đến nay chủ yếu từ kết quả thâm hụt thương mại trong tháng 6 và tháng 7”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Kỳ vọng vào FTA

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cán cân thương mại đổi chiều tại thời điểm này không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu là do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, năm 2021, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như triển vọng tăng trưởng từ tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu; Hiệp định FTA Việt Nam - Vương quốc Anh; mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng như giá dầu, giá sắt thép, giá gạo, cao su,… giúp xuất khẩu duy trì kim ngạch tăng trưởng tốt. 

Đồng thời, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới hồi phục, đặc biệt là một số nền kinh tế lớn sẽ triển khai gói kích cầu tiêu dùng, sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Do vậy, khi cơ bản kiểm soát được khó khăn ngắn hạn cho xuất khẩu tại Bắc Ninh, Bắc Giang, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm với tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu. Khi đó, tăng trưởng xuất khẩu có thể bù lại phần nhập khẩu tăng do giá hàng hóa và giá cước vận tải biển tăng cao.

Tuy nhiên, ông Hải đánh giá: Việc dịch Covid-19 lan rộng nhanh ở TP.HCM và gần như toàn bộ các tỉnh trọng điểm xuất khẩu ở khu vực phía Nam là điều  không hề mong muốn. 

Xuất khẩu vì thế chịu ảnh hưởng không nhỏ, qua đó chưa thể tăng trưởng mạnh để cân bằng lại cán cân thương mại trong ngắn hạn”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, dịch bệnh lan rộng đã có ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Đối với xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp trong ngành phải đối diện với nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc tổ chức sản xuất bị hạn chế, vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm mất nhiều thời gian hơn do các địa phương thực hiện các biện pháp đang giới hạn lượng phương tiện lưu chuyển, năng lực lưu bãi, khai thác tại một số cảng đang ở mức cao và khó duy trì lâu dài.

 Ở thời điểm hiện nay, so với cùng kỳ các năm là giai đoạn sản xuất quan trọng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ các đơn hàng cuối năm tại thị trường Mỹ, EU, dịch bệnh chưa được khắc phục cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với khả năng đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Về cán cân thương mại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. 

Trong đó, Bộ đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Tuy vậy, trong ngắn hạn thì tiến độ xuất khẩu phụ thuộc vào diễn biến phòng chống dịch và khôi phục lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam. 

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng với những biện pháp nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ, sự chung sức chung lòng của toàn dân, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát; khi đó, sản xuất, xuất khẩu được phục hồi mạnh mẽ sẽ dần cân bằng lại cán cân thương mại thâm hụt hiện nay”, ông Hải nói.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong bối cảnh nhu cầu các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang hồi phục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu bứt phá, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay thì giá linh kiện, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng nhanh, cùng với đó là việc xuất hiện các ca lây nhiễm Covid trong các khu công nghiệp đe dọa đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lại đang là những thách thức lớn.

Điều này một lần nữa cho thấy việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên dập dịch Covid-19 là vô cùng cấp bách để giữ cho được động lực xuất khẩu năm nay.

Việt Vũ

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi đã bị bắt giữ sau khi bị coi là nghi phạm chính thức trong cuộc điều tra tham nhũng khu đất trị giá hơn 7 triệu USD khi ông còn là người đứng đầu một công ty nông nghiệp lớn và là thành viên Quốc hội.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thị trường BĐS phía Tây “dậy sóng” với tòa căn hộ phong cách Singapore mới ra mắt

Thị trường BĐS phía Tây “dậy sóng” với tòa căn hộ phong cách Singapore mới ra mắt

(CLO) Gần 1.000 nhân viên nhân viên kinh doanh đến từ nhiều đại lý đã có mặt tại sự kiện kick-off tòa căn hộ phong cách Singapore TC3 - The Canopy Harmony thuộc đại đô thị Vinhomes Smart City, cho thấy sức nóng chưa bao giờ giảm nhiệt của thị trường bất động sản khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang “khát” nguồn cung.

Bất động sản
Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

(CLO) Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ ra rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ, Business Insider đưa tin. Tờ báo cho biết thêm, những dấu hiệu ảm đạm cho thấy những thách thức khó khăn phía trước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Kéo dài tới 5 ngày nên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được đánh giá là thời cơ vàng để kích cầu mua sắm. Để thu hút khách, nhiều nhà bán lẻ rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mãi, tri ân người tiêu dùng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp