Cần những điểm nhấn cho các tác phẩm về xây dựng Đảng

Thứ tư, 29/01/2020 15:21 PM - 0 Trả lời

(CLO) Với những lý lẽ thuyết phục, sắc sảo cùng hệ thống lý luận được sắp xếp một cách lớp lang và bài bản, loạt bài “Thương hiệu lòng dân” đã được trao Giải A Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2019.

Nhà báo Phan Đăng Trường (thứ hai, từ trái sang) nhận giải A Búa liềm vàng 2019.

Nhà báo Phan Đăng Trường (thứ hai, từ trái sang) nhận giải A Búa liềm vàng 2019.

Tác phẩm “Thương hiệu lòng dân” của tác giả Đăng Trường- Anh Minh, Báo Công an Nhân dân đã có đóng góp vào phát triển tư duy lý luận về xây dựng Đảng, nhất là nội dung về vai trò của người đứng đầu và đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phan Đăng Trường - tác giả của loạt bài viết đạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng (Búa liềm vàng) 2019 về một số nội dung xoay quanh loạt bài viết này.

Lòng dân vừa là điểm đến, vừa là thước đo, giá trị lớn nhất của một nghị quyết 

- Tuy khó nhưng lĩnh vực xây dựng Đảng vẫn có rất nhiều đề tài để phóng viên khai thác, "Thương hiệu lòng dân” có tầm vóc quan trọng như thế nào để anh đầu tư thành loạt bài lớn như vậy?

+ Chúng ta thử đặt câu hỏi thế này: Tại sao từ trước tới nay, Đảng ta đã ban hành rất nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng chỉ đến lúc này, người dân mới cảm nhận rõ nét sự chuyển biến đích thực và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đi vào cuộc sống như một “thương hiệu của lòng dân”? 

Còn nhớ, khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít người hoài nghi, không tin tưởng nghị quyết này sẽ đem lại điều gì đó khác trước. Còn bây giờ, chỉ cần nói Trung ương 4 thôi, không cần ghi rõ câu từ là người dân đã hiểu, nhiều người gói gọn trong những khái niệm ngắn gọn, dễ nhớ như “nghị quyết không vùng cấm”, “nghị quyết để cứu muôn người”, “củi tươi cũng cháy”, “không ai có thể ngoài cuộc”… Và nói đến Trung ương 4 cũng chính là nói đến lòng tin, một lòng tin được xác lập, củng cố bằng thực tiễn, bằng những chuyển biến hết sức sống động. Lòng dân vừa là điểm đến, vừa là thước đo, giá trị lớn nhất của một nghị quyết. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri. Ảnh: Tiền Phong

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri. Ảnh: Tiền Phong

Trong thành công của Nghị quyết, có nhiều nguyên nhân. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một nguyên nhân có ý nghĩa tiên quyết và cũng chính điều đó tạo nên thương hiệu của Trung ương 4, đó là vai trò, dấu ấn của người lãnh đạo.

Trong đời sống chính trị, xã hội ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một vị thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị cần thiết của đức và tài để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại. Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan toả khí thế, niềm tin toàn xã hội cũng bởi chính thành công trong nói và làm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

-  Bên cạnh việc xây dựng Thế trận của lòng dân trong công tác thông tin, tuyên truyền, chúng ta cần bám sát vào trọng tâm  nào về công tác xây dựng Đảng nữa, thưa anh?

+ Trong bài viết, tôi đã đặt câu hỏi rằng: Tham nhũng diễn biến phức tạp, bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất thì Đảng cũng chỉ ra từ lâu và Đảng cũng đã rất nhiều lần ban hành nghị quyết, chỉ thị để chấn chỉnh, để chỉnh đốn nhưng tại sao chỉ đến lúc này, công cuộc này, phong trào này mới thực sự lan toả, mới thực sự đạt dần đến kỳ vọng của muôn dân? Cái thiếu ở đây dường như không phải là nghị quyết, chỉ thị. Cái thiếu là một người thổi lửa, nhóm lò, cầm trịch thực sự xứng tầm. Cho tới hôm nay, với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi PCTN đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”. 

Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái sau này, không chỉ trong PCTN. Đối với địa phương cũng cần phải lựa chọn cho được những thủ lĩnh xứng đáng. Đây cũng là một trong những nội dung mà báo chí có thể tập trung khai thác và vì thế cũng có những hướng tuyên truyền cho phù hợp.

PCTN trở thành phong trào, trở thành xu thế nên “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc. Ảnh minh họa bài viết Thương hiệu lòng dân..

PCTN trở thành phong trào, trở thành xu thế nên “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc. Ảnh minh họa bài viết Thương hiệu lòng dân..

Tìm tòi trong cái cũ, cái truyền thống, cái hiện tại để nhận diện ra những điểm nhấn

- Những nội dung được phản ánh trong loạt bài có thể nói là những nội dung lớn… để có được loạt bài đấu tranh tư tưởng sâu sắc, có hệ thống như vậy đòi hỏi sự kỳ công không nhỏ của người viết và chắc hẳn cũng có những khó khăn khi thực hiện?

+ Viết về Đảng, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta có thuận lợi rất lớn là cả kho tư liệu về lý luận và thực tiễn 90 năm Đảng ta xây dựng, trưởng thành. Nhưng cũng vì sự phong phú, đồ sộ đó mà khiến người viết sau luôn gặp một thử thách lớn: Đi theo lối mòn. Nếu không có sự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo nào khác, chúng ta dễ đi lại, nói lại, copy lại những gì mà người trước đã viết, đã nói. Và như vậy, về tính báo chí, cần sự phát hiện và đóng góp cho Đảng, chúng ta khó lòng làm được điều mới mẻ.

Vậy thì phải làm sao? Tôi thường tìm tòi trong cái cũ, cái truyền thống, cái hiện tại để nhận diện ra những điểm nhấn và chuyên sâu theo hướng này.

Chẳng hạn, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng, báo chí viết về nghị quyết rất nhiều, đa dạng thể loại, phong phú nội dung. Nhưng nghiên cứu về kinh nghiệm thành công, tôi nhận ra những nét mới so với trước mà trong các báo cáo của Đảng cũng như báo chí chưa đề cập rõ hoặc chỉ ghi nhận ở từng góc cạnh. Đó là 4 vấn đề: là kinh nghiệm về vai trò, dấu ấn thủ lĩnh, người “cầm trịch”, kinh nghiệm “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng, kinh nghiệm “không ai có thể ngoài cuộc và kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế, chính sách.
Tuy nhiên với đặc thù mang tính lí luận và chính trị cao như vậy  thì văn phong, cách thể hiện trong các bài viết cũng cần được đặt ra như thế nào sao cho rõ hơn tính đấu tranh, tính báo chí cùng lối viết sắc sảo, thuyết phục, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn?

Khi đọc những bài viết nghiên cứu, chính luận, những bài dài hàng chục trang đăng trên các tạp chí khoa học, rõ ràng, nếu không phải nghiên cứu làm đề tài, luận văn, luận án, làm báo cáo, nếu chỉ đọc để tìm hiểu, với khối lượng câu chữ kèm văn phong lý luận dằng dặc, chúng ta sẽ thấy thật khó khăn.

Báo chí hiện đại ngày nay cần sự tươi mới, mềm mại hơn không chỉ trong ý tưởng mà còn là ngôn ngữ, phong cách biểu đạt. Ví dụ, khi nói về vai trò của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, tôi không diễn đạt lại theo văn phong quy chế, quy định. Tôi bắt đầu từ câu hỏi mà người dân ở công sở hay cà phê, quán cóc vẫn hay hỏi nhau: “kỳ này, Uỷ ban Kiểm tra họp, không biết tình hình “củi lửa” thế nào”? “Củi lửa” đã là ngôn từ đầy hình ảnh, đi vào lòng dân mà không cần phải giải thích nữa.

Câu hỏi đặt ra: Cơ quan UBKT Trung ương có từ lâu và các kết luận, xử lý cũng là việc chuyên môn thường ngày, vậy tại sao gần đây lại tạo nên sức hút, sự để tâm lớn như vậy?

Và tôi nhận thấy: Trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, được công bố trong tổ chức Đảng. Ngày nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Cái gì thuộc nội bộ và cái gì công khai đã rõ ràng, minh bạch theo tiến trình dân chủ. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết được đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao. Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết. Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu.

Đó là ví dụ về cách tiếp cận một vấn đề tưởng như rất cũ (công tác kiểm tra, giám sát của Đảng) nhưng lại biểu hiện với rất nhiều điểm mới, sống động.

Nhà báo Phan Đăng Trường, tác giả loạt bài viết Thương hiệu lòng dân.

Nhà báo Phan Đăng Trường, tác giả loạt bài viết Thương hiệu lòng dân.

- Như anh đã nhắc đến trong bài viết của mình “Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan toả khí thế, niềm tin trong toàn xã hội”. Vậy thì báo chí, phóng viên và những người làm báo với  vị trí, vai trò của mình cần có những hoạt động gì để  lan tỏa một cách mạnh mẽ hơn thông điệp đó?

Thật sự tôi cũng như bao người rất trăn trở khi thông tin tiếp cận người dân trên mạng internet hiện nay, tỷ lệ thông tin tiêu cực dường như đang lấn át. Khi nhận thức người đọc bị tác động với lượng thông tin tiêu cực lớn, dồn dập như vậy, người ta dễ rơi vào trạng thái bi quan, nhìn nhận cuộc sống màu xám, từ đó suy nghĩ, tư duy cũng trở nên rất nặng nề.

Chạy theo tâm lý chỉ trích, phê phán cuộc sống, chạy theo tin xấu mà dửng dưng việc tốt, chuyện tốt, đó là thực tiễn tâm lý khá phổ biến hiện nay. Thực tế cuộc sống, gam màu xấu chỉ là thiểu số, gam màu tốt mới là chủ đạo, mới là nền tảng. Thế nhưng, cái tâm lý bộ phận không nhỏ đó lại ngự trị khiến công tác thông tin tuyên truyền hiện đối mặt rất nhiều thách thức.

Trong điều kiện đó, việc nhà báo lựa chọn những điển hình, nhân tố mới để cổ vũ cái tốt, đẩy lùi cái xấu là yêu cầu quan trọng và để chúng ta lấy làm điểm tựa, chất xúc tác để mỗi người nhìn nhận cuộc sống ngày hôm nay khách quan và tích cực hơn. Tôi muốn nói lại ý thơ rằng “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, dẫu biết cuộc sống còn bao thứ lo toan, vất vả, khó nhọc nhưng hãy nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện hơn, chúng ta sẽ thấy yêu cuộc sống và biết trân quý, gìn giữ nó…

Trân trọng cảm ơn anh!

Một trong những giải pháp để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng... Loạt bài viết "Thương hiệu lòng dân" gồm 3 kỳ khai thác những nội dung về vấn đề này. Loạt bài gồm 3 kỳ:

Kỳ 1: Cắt bỏ cành sâu mục để cây phát triển

Kỳ 2:  Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế

Kỳ 3: Giá trị thực tiễn cần lan tỏa

Minh Khuê

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo