Cần quy định rõ ràng, minh bạch về hồ sơ mời thầu để tránh “cài cắm”, gian lận

Thứ năm, 02/03/2023 09:21 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, việc quy định trong hồ sơ mời thầu chưa rõ ràng, chung chung nên sẽ là “kẽ hở” để một số trường hợp lợi dụng vào đó mà vi phạm.

Sự kiện: quốc hội

Do vậy, cần có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn đối với vấn đề này để bịt “kẽ hở”, tránh “cài cắm”, tiêu cực trong đấu thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5/2023). Việc sửa đổi Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đấu thầu, khắc phục những tồn tại đối với lĩnh vực này trong thời gian vừa qua; đồng thời, để bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh lợi dụng kẽ hở để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội xung quanh một số nội dung mà dư luận đang quan tâm liên quan đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

can quy dinh ro rang minh bach ve ho so moi thau de tranh cai cam gian lan hinh 1

+ Thưa đại biểu Quốc hội, thời gian qua, tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc. Trong đó, dư luận cho rằng, có hiện tượng cài cắm tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Theo ông, đó có phải là “kẽ hở” trong quy định hiện hành và cần sửa đổi như thế nào để giải quyết tình trạng này?

- Có thể thấy, thời gian vừa qua, số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng. Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh trong đấu thầu không cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này có thể do thông tin được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia. Ví dụ như việc đưa ra “tiêu chí” trong hồ sơ mời thầu chỉ “phù hợp” với một số đơn vị, doanh nghiệp đã được “bật đèn xanh” trước đó…

Trong Luật Đấu thầu hiện hành cũng như dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ quy định “cấm không được cài cắm thông tin để hạn chế nhà thầu” nhưng lại không quy định cụ thể là “cài cắm” như thế nào. Quy định này còn chưa rõ ràng, chung chung nên sẽ là “kẽ hở” để một số trường hợp lợi dụng vào đó mà vi phạm. Tôi cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về vấn đề hồ sơ mời thầu.

Việc sửa đổi Luật lần này nên dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu. Cần đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia… để khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu.

+ Trên thực tế, từ phản ánh của dư luận cho thấy, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại các địa phương. Vậy theo Giáo sư, nguyên nhân của thực trạng này là do đâu và cần sửa đổi quy định như thế nào để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn?

- Một trong những lý do là thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, nhiều khâu… khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu công. Đây là vấn đề cần được tháo gỡ kịp thời, càng sớm càng tốt. Việc đơn giản hóa các thủ tục không chỉ cắt giảm chi phí mà còn giảm bớt thời gian trong hoạt động đấu thầu.

Tôi đánh giá cao Ban soạn thảo dự án Luật đã chuẩn bị công phu, sửa đổi, bổ sung và làm rõ những điểm vướng mắc cũng như lược bỏ các khâu không cần thiết trong Luật Đấu thầu hiện hành để đơn giản hóa các thủ tục đấu thầu. Dự thảo Luật thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời, cắt bớt các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ mà phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện… Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước và doanh nghiệp, tạo thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm công.

can quy dinh ro rang minh bach ve ho so moi thau de tranh cai cam gian lan hinh 2

Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường.

+ Như vậy, khi xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) rất cần có quy định về tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, thưa đại biểu?

- Có thể thấy rằng, đấu thầu mua sắm là công việc hết sức là phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu như thế nào, hàng hóa ra sao, không phải ai cũng hiểu được thị trường trong nước và thế giới như thế nào… Do vậy, tôi cho rằng, đấu thầu cần phải có những người rất chuyên nghiệp, am hiểu lĩnh vực này.

Trong dự thảo Luật chỉ có một điều duy nhất nói về tổ chuyên gia về đấu thầu, không nói rõ tổ chuyên gia này phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, mà chỉ quy định trách nhiệm của tổ chuyên gia. Bởi vậy, cần quy định có tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.

Trong đó, nêu rõ tiêu chuẩn của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, tổ chức này có thể sẽ làm thay cho những cơ quan, đơn vị không thông thạo trong hoạt động đấu thầu. Việc này sẽ giúp tăng hiệu quả cho các đơn vị không có nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu, giảm bớt được thời gian, chi phí.

Thậm chí, sẽ tránh được tình trạng như thời gian vừa qua, có rất nhiều đơn vị y tế, giáo dục không mua sắm được hàng hóa, trang thiết bị, vật tư… do không thông thạo đấu thầu, dễ dẫn tới làm sai, vi phạm.

+ Đối với dự thảo quy định về mua sắm công, có ý kiến cho rằng, nếu như bất cứ khoản mua sắm nào, kể cả việc mua sắm hàng hóa để duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp… cũng đều phải đấu thầu thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị? Ông nghĩ sao về điều này?

- Các cơ quan đơn vị đó có rất nhiều khoản chi thường xuyên như mua sắm đồ dùng văn phòng phẩm, sửa chữa thiết bị hỏng hóc… nếu như muốn chi mà phải tổ chức lựa chọn nhà thầu thì sẽ gây khó khăn trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Do đó, cần có quy định cụ thể cho phù hợp.

Về quy định đấu thầu mua sắm tập trung nhằm mục tiêu nếu từng đơn vị có thể mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được; hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa thì việc mua sắm tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn được nhà cung cấp tốt hơn. Quy định đấu thầu mua sắm tập trung không có nghĩa là triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm.

Kết quả đấu thầu mua sắm tập trung được dùng vào 2 mục đích. Thứ nhất là để mua sắm thay cho đơn vị đã đăng ký không cần phải tự mua sắm nữa, đăng ký rồi thì sẽ dựa vào kết quả đó để nhận sản phẩm. Thứ hai đó là khi có được thông tin về giá cả, chủng loại hàng hóa thông qua đấu thầu mua sắm tập trung, đây chính là thông tin tham chiếu để những đơn vị khác chưa đăng ký đấu thầu mua sắm tập trung có thể dùng các thông tin này để mua sắm hàng hóa của những đơn vị khác cung cấp. Như thế sẽ giải quyết được tình trạng phải chờ đợi đến kỳ mới được mua sắm tập trung.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

Thiên An (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, tổ chức đảng vi phạm

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật cán bộ, tổ chức đảng vi phạm

(CLO) Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Chống tham nhũng, tiêu cực
Khai trừ khỏi Đảng Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Khai trừ khỏi Đảng Chủ tịch UBND tỉnh và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

(CLO) Ngày 9/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên có vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Chống tham nhũng, tiêu cực
Khai trừ khỏi Đảng Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc và cựu Chủ tịch tỉnh Phú Yên

Khai trừ khỏi Đảng Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc và cựu Chủ tịch tỉnh Phú Yên

(CLO) Ngày 9/4, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên có vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên.

Chống tham nhũng, tiêu cực
Khai trừ khỏi Đảng Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang và nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai

Khai trừ khỏi Đảng Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang và nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai

(CLO) Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Tư Sơn.

Chống tham nhũng, tiêu cực
Ninh Bình: Đã triển khai 55 cuộc thanh tra, kiểm tra  trong qúy I năm 2024

Ninh Bình: Đã triển khai 55 cuộc thanh tra, kiểm tra trong qúy I năm 2024

(CLO) Ngày 4/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 8 để đánh giá kết quả công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II năm 2024. Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Chống tham nhũng, tiêu cực