Cần sớm có phương án cho bệnh nhân mắc bệnh nan y được thông tuyến khám chữa bệnh

Thứ năm, 30/11/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tình trạng người bệnh mắc bệnh nan y trong quá trình điều trị, tái khám không được hưởng bảo hiểm y tế khi không có giấy chuyển viện đang là thực tế bất cập cần sửa đổi.

Tiền không có vẫn chấp nhận khám dịch vụ

Ông N.T. S năm nay 54 tuổi ở Vĩnh Phúc mắc bệnh K hạ họng, ông đã được điều trị xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Thời gian điều trị kéo dài, ông đã được cho xuất viện về nhà.

Trước khi xuất viện, các bác sĩ hẹn ông sau 2 tháng cần tái khám, trước khi tái khám ông phải qua bệnh viện huyện xin giấy chuyển viện để hưởng bảo hiểm y tế. Ông N.T.S tuân thủ quy trình tái khám của bác sĩ nhưng ông không qua bệnh viện huyện xin giấy chuyển viện.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông N.T.S kể rằng, từ ngày xuất viện đến nay ông đã tái khám lần này là lần thứ 2. Mỗi lần đến khám, các bác sĩ cho xét nghiệm nhiều hạng mục, kê thuốc cho về nhà tự điều trị. Mỗi lần như vậy, chi phí khám chữa bệnh và thuốc của ông N.T.S lên đến gần 5 triệu đồng.

Hỏi ông, lý do tại sao không có lương, không lao động được mà ông không khám theo diện bảo hiểm lại đi khám dịch vụ, ông N.T.S bày tỏ: “Muốn được bảo hiểm chi trả, ông phải có giấy chuyển viện từ tuyến huyện. Thủ tục phức tạp, ông nghe lời nhiều người từng điều trị ung thư trước đó nên bỏ qua tuyến huyện lên thẳng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Không chỉ tôi, mà nhiều người cũng chọn phương án không xin giấy chuyển viện mà đi thẳng lên khám dịch vụ”.

can som co phuong an cho benh nhan mac benh nan y duoc thong tuyen kham chua benh hinh 1

Cần chính sách tạo thuận lợi cho người mắc bệnh nan y được hưởng bảo hiểm y tế. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Không chỉ ông N.T.S, nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư đều chọn phương án trên. Bà N.T.L ở Thanh Hóa, sau thời gian điều trị ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng chọn đi tái khám dịch vụ. Bởi, khi đi khám dịch vụ họ không cần phải xin giấy phép chuyển viện. “Xin giấy phép chuyển viện thêm thủ tục, kéo dài thời gian, cảm thấy như không được tôn trọng” - bà N.T.L chia sẻ.

Tại sao những người mắc bệnh nan y, không có thu nhập, không còn khả năng lao động vẫn chọn phương án bỏ tuyến để đi khám dịch vụ mà mỗi lần như vậy số tiền họ chi ra là không hề nhỏ. Anh Nguyễn Anh Hùng, người nhà của một bệnh nhân đang mắc bệnh K cho biết, để xin giấy chuyển viện thường phải ra viện tuyến huyện, thủ tục lằng nhằng, người bệnh có khi phải nhập viện sau đó mới xin được giấy chuyển viện.

Trong khi, đa số người bệnh sau khi điều trị bệnh K lâu dài thì rất ngại phải nằm viện. Họ sợ cảm giác phải nằm từ bệnh viện này đến bệnh viện khác chỉ để có giấy phép chuyển viện. “Thà mất tiền còn hơn nhiêu khê. Khi đi xin giấy chuyển viện, người nhà còn mất thời gian đưa người thân đi. Vì thế đành chọn đi khám dịch vụ” - anh Nguyễn Anh Hùng bày tỏ.

Có rơi vào hoàn cảnh nuôi người nhà mắc bệnh ung thư mới thấy, mọi thành viên trong gia đình đều nỗ lực, cố gắng làm sao để người bệnh được thuận tiện nhất. Không ai muốn người nhà của mình trong tình trạng lê la từ viện này đến viện khác. Dù có mất thêm tiền thì cũng phải cố gắng lo tiền thu xếp để người bệnh yên tâm,thoải mái trong điều trị.

Rõ ràng câu chuyện bệnh nhân mắc bệnh nan y tái khám theo chỉ định của bác sĩ điều trị là việc bình thường trong y tế. Vậy, tại sao người bệnh không được hưởng trực tiếp tiền chi trả bảo hiểm y tế mà cần có thủ tục chuyển viện mới được hưởng là vấn đề cần giải quyết hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Đại biểu Quốc hội - bà Bùi Thị An cho rằng, người bệnh tái khám các bệnh nan y như ung thư theo chỉ định của bác sĩ đòi hỏi có giấy chuyển viện mới được hưởng bảo hiểm y tế là bất cập.

Tuyến huyện nếu phát hiện và điều trị được ung thư thì người bệnh đã không lên các bệnh viện tuyến cuối. Do đó, bắt buộc qua tuyến huyện điều trị và có giấy chuyển viện mới được hưởng bảo hiểm y tế chi trả là điều cần điều chỉnh.

Khi nào giấy chuyển viện không làm khó người bệnh

Mới đây trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiến nghị cần bỏ giấy chuyển viện. Bởi theo đại biểu, cử tri đã có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.

Trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay, khi liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã dễ dàng. Trong khi đã có trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế thì việc có giấy xin chuyển viện nên bãi bỏ. Và cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa. Đồng thời, cần coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa Luật Bảo hiểm y tế tới đây” - ông Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

can som co phuong an cho benh nhan mac benh nan y duoc thong tuyen kham chua benh hinh 2

Những bất cập trong việc xin giấy chuyển viện đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chỉ ra. Tuy nhiên, để thay đổi điều này cần rất nhiều thời gian và thảo luận, bàn bạc. Trong khi, những người mắc bệnh nan y thì khó có thể chờ chính sách thay đổi. Cái họ cần hiện nay chính là một hướng dẫn làm sao thuận lợi nhất trong điều trị, tránh việc làm khó, gây phiền toái đối với người bệnh.

Theo bà Bùi Thị An, cần thiết phải có cơ chế thuận lợi nhất cho người bệnh mắc bệnh nan y như bệnh ung thư được khám bệnh tại bất cứ cơ sở y tế công lập nào thuận lợi nhất cho người bệnh. Nhiều bác sĩ khi hỏi cũng chia sẻ rằng, điều trị bệnh ung thư đòi hỏi chuyên khoa sâu, các bệnh viện tuyến huyện không đủ năng lực làm điều này. Vì thế, bắt buộc bệnh nhân ung thư khi tái khám phải qua bệnh viện tuyến huyện là cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Tránh việc người bệnh và người nhà bệnh nhân phải làm quá nhiều thủ tục mới được chuyển tuyến vừa mất thời gian, tiền bạc lại nhiêu khê, phiền toái người bệnh.

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khi trao đổi với báo chí cũng cho rằng, cần nghiên cứu quy định chỉ áp dụng thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám chữa bệnh các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật…, mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được. Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội các tỉnh căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến khám chữa bệnh của Bộ Y tế quy định và khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của địa phương để quy định các bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến.

“Việc này nhằm tạo thuận lợi trong khám chữa bệnh cho những người bệnh thực sự cần được thăm khám, theo dõi, điều trị chuyên khoa sâu; hạn chế các bất cập của quy định thông tuyến khám chữa bệnh” - ông Lê Văn Phúc chia sẻ.

Qua trao đổi với các bên có thể thấy, lâu nay nhiều người bệnh mắc bệnh nan y trong quá trình điều trị đã thông tuyến tự dùng tiền túi chi trả có lý do từ thủ tục chuyển tuyến nhiêu khê. Chính vì vậy, người bệnh chờ mong sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối với người mắc bệnh nặng để họ được thông tuyến thuận lợi trong điều trị bệnh.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bệnh viện Mắt Thanh Hóa: 60 năm xây dựng và phát triển

Bệnh viện Mắt Thanh Hóa: 60 năm xây dựng và phát triển

(CLO) Bệnh viện Mắt Thanh Hóa tiền thân là Trạm Mắt Thanh Hóa, được thành lập ngày 18/5/1964. Thời gian đầu thành lập chỉ có 10 cán bộ chuyên môn, qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2005, bệnh viện chính thức mang tên Bệnh viện Mắt Thanh Hóa.

Sức khỏe
Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai chung tay bảo vệ đôi mắt cho học sinh

Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai chung tay bảo vệ đôi mắt cho học sinh

(CLO) Góp phần bảo vệ đôi mắt sáng cho học sinh, nhiều ngày qua, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai đã phối hợp các trường khám, tầm soát và kiểm soát cận thị học đường miễn phí cho hơn 1.200 học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Sức khỏe
Vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

Vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2

(CLO) Danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” được Bộ Y tế trao tặng với mục đích ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước có nhiều sản phẩm thuốc điều trị hiệu quả, thị trường lớn, được người dân tin dùng.

Sức khỏe
Bộ Y tế gia hạn lưu hành hàng trăm thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Bộ Y tế gia hạn lưu hành hàng trăm thuốc, nguyên liệu làm thuốc

(CLO) TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành các quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc đối với gần 130 loại sản phẩm.

Sức khỏe
Đi tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm - Bài 3: Quản lý đang chạy theo thực tiễn

Đi tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm - Bài 3: Quản lý đang chạy theo thực tiễn

(CLO) Các vụ ngộ độc thực phẩm lớn thời gian qua có điểm chung là các cơ sở này kinh doanh không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chính điểm chung này, theo các chuyên gia, đang gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đời sống hiện nay.

Sức khỏe