Cảnh giác cao độ với cúm gia cầm nhưng không hoang mang, gây hại cho ngành chăn nuôi!

Thứ năm, 28/03/2024 09:53 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau khi ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bị tử vong do cúm gia cầm, nhiều người đã cẩn trọng khi không sử dụng thực phẩm như trứng, thịt gia cầm trong khi đó cũng có người chủ quan vẫn ăn tiết canh, trứng sống. Chuyên gia cho rằng, những phản ứng như trên đều không phù hợp.

Tử vong do cúm gia cầm A/H5N1

Bộ Y tế vừa mới thông báo về trường hợp bệnh nhân nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tử vong vì mắc cúm gia cầm (A/H5N1). Ngày 11/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16 - 17/3, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

canh giac cao do voi cum gia cam nhung khong hoang mang gay hai cho nganh chan nuoi hinh 1

Không tẩy chay trứng, thịt gia cầm

Việc phòng cúm gia cầm không có nghĩa là nói không với trứng và thịt gia cầm. Việc phòng bệnh như trên không cần thiết. Hiện dịch bệnh chưa bùng phát, chưa xuất hiện nhiều ổ dịch. Vì thế người dân không nên phòng bệnh thái quá, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và tiêu dùng.

Ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 20/3 bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang đã xác định bệnh nhân dương tính với cúm A(H5N1). Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3.

Bộ Y tế cho biết, kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực bệnh nhân sinh sống. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hằng ngày và chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

“Đây là trường hợp mắc cúm A (H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%)” – Bộ Y tế nêu.

Người dân không được chủ quan

Sau khi Bộ Y tế phát đi cảnh báo về trường hợp bệnh nhân tử vong do cúm gia cầm đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một số người tỏ ra cảnh giác cao độ, thực hành ăn chín uống sôi, thậm chí nói không với thịt gia cầm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều người xem như chưa có chuyện gì xảy ra, ăn sống trứng, ăn tiết canh, săn bắt chim di cư.

Để có cách phòng dịch vừa hiệu quả nhưng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Theo đó, vào năm 2003 nước ta đã chứng kiến đợt dịch rất lớn và nguy hiểm khiến hàng trăm ca mắc và tỷ lệ tử vong lên đến gần 60%. Tuy nhiên, từ đó đến nay nước không có các đợt dịch lớn.

canh giac cao do voi cum gia cam nhung khong hoang mang gay hai cho nganh chan nuoi hinh 2

Cúm gia cầm lây từ động vật sang người có tỷ lệ tử vong cao, người dân không được chủ quan.

“Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết do bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm cho con người từ động vật. Bình thường, loại cúm này vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, nó có thể lây từ các loại chim hoang dã sang gia cầm nuôi, hoặc có thể lây từ gia cầm nuôi với nhau, sau đó lây từ vùng này sang vùng khác và rất khó khống chế. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Các nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á hàng năm vẫn có các chủng cúm A/H5N1 lưu hành” – ông Trần Đắc Phu nêu.

Cũng theo vị này, con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.

“Người dân tuyệt đối không chủ quan với cúm A/H5N1, phải chú ý phòng dịch, không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm. Nếu chúng ta không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Thực hành ăn chín uống sôi

Một trong những vấn đề người dân quan tâm đó chính là phương pháp phòng bệnh hiệu quả. Theo ông Trần Đắc Phu, muốn phòng bệnh phải hiểu được cơ chế của bệnh tật.

Theo đó, virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A (họ Orthomyxoviridae). Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa Đông, Xuân, thời tiết trở lạnh và nóng ẩm là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch.

“Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thường bắt đầu trong vòng 2 - 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Các triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn tới tử vong” – ông Trần Đắc Phu cho biết.

Cũng theo vị này, những đợt dịch cúm A/H5N1 trước đây lây truyền sang người khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong. Dịch cúm A/H5N1 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

Do hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên virus A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. “Để hạn chế tối đa việc dịch bùng phát, khi phát hiện những ổ dịch có gia cầm chết người dân phải ngay lập tức báo cáo đến các cơ sở thú y, cơ sở y tế để các cơ quan đó vào cuộc điều tra ngay” – ông Trần Đắc Phu nêu.

Cũng theo chuyên gia này, người dân phải nêu cao ý thức phòng dịch, thực hiện an toàn thực phẩm. Việc nuôi gia cầm phải đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ của Cục Thú y. Tiếp đó, người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín; phải đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm. Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, không ăn thực phẩm gia cầm khi chưa nấu chín và cần phải vệ sinh trong giết mổ, và trong việc làm thực phẩm.

Cuối cùng ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Mọi người đặc biệt lưu ý, khi có dấu hiệu bị sốt, bị viêm nhiễm đường hô hấp khi có lịch sử tiếp xúc với gia cầm thì người dân không nên chủ quan mà cần phải đi đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời”.

Đã xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2024 đến nay

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 06 ổ dịch cúm gia cầm tại 06 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe