Câu chuyện “biết rồi, nói mãi”…

Thứ năm, 22/03/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những ngày qua, người nông dân ở huyện Mê Linh, Hà Nội và Tứ Kỳ, Hải Dương lại “dở khóc, dở cười” khi nông sản tiếp tục rơi vào thảm cảnh phải “giải cứu” bởi điệp khúc “được mùa, mất giá”. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng “giải cứu” đã trở thành “khối u” ác tính với nông sản Việt thời hội nhập?

“Giải cứu” - đường đi của nông sản Việt?

Sau một năm 2017 đầy thành công, những ngày đầu năm 2018, ngành nông nghiệp lại phải đối mặt với khó khăn mới khi câu chuyện “được mùa, mất giá” với củ cải và su hào lại diễn ra với người nông dân tại Hà Nội và Hải Dương. 

Theo những người nông dân ở xã Tráng Việt, Mê Linh chia sẻ: Thời điểm thu hoạch vụ tháng 3 năm nay, củ cải trắng bán tại ruộng chỉ có giá từ 500–1.000 đồng/1kg. Trong khi đó, dịp cận Tết Nguyên đán 2018, giá củ cải bán tại vườn có giá giao động từ 6.000–8.000 đồng/1kg. Với mức giá thu mua rẻ như hiện nay, nhiều hộ trồng củ cải “cắn răng” bán lỗ vốn, thậm chí nhiều gia đình không thể tiêu thụ đành ngậm ngùi nhổ bỏ.

Bà Sáng - một người dân ở thôn Đông Cao (Mê Linh) cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng trồng củ cải, chi phí chăm sóc mỗi sào ước tính khoảng từ 3–4 triệu đồng, giờ đến vụ thu hoạch nhiều thương lái đến mua chỉ trả giá 1.000 đồng/1kg, với giá bán này, mỗi sào chúng tôi lỗ trên dưới hai triệu đồng. Thế nhưng, không phải ai muốn bán lỗ cũng được, bởi nhiều nơi củ cải còn không có người đến mua, hết vụ đành phải nhổ bỏ để chuẩn bị trồng loại nông sản khác”.

Báo Công luận
 Cần thay đổi chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững thay vì mãi chạy theo câu chuyện “giải cứu”.

 

Cũng rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như người dân trồng củ cải ở Mê Linh (Hà Nội), người nông dân tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng ngậm ngùi ra đồng nhổ bỏ su hào, bởi giá su hào bán tại ruộng chỉ từ 200–300đồng/1 củ, thậm chí nhiều hộ dân muốn bán nhưng không có người thu mua. Nghịch lý ở chỗ, hiện tại các chợ dân sinh ở Hà Nội hay một số tỉnh thành lớn, su hào vẫn được các tiểu thương bán với giá từ 2.000–3.000đồng/1 củ… Và để giải quyết những khó khăn trên, phương án “tối ưu” tiếp tục được các nhà quản lý đưa ra đó chính là giải cứu.

Với việc nông sản Việt liên tục rơi vào thảm cảnh phải giải cứu, nhiều chuyên cho rằng, chưa bao giờ và chưa khi nào nông sản Việt lại lâm vào cảnh bĩ cực như những năm gần đây. Thậm chí giải cứu gần như trở thành “hướng đi” của nông sản mỗi khi bí bách đầu ra.

 Không phải nói đâu xa, chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành NN&PTNT đã phải đứng ra hô hào, kêu gọi người dân cả nước chung tay giải cứu thịt lợn, chuối, ớt… Trước đó, hàng loạt các loại nông sản như: Dưa hấu, tỏi, thanh long, vải thiều cũng phải dựa vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng để tiêu thụ.

Liên tiếp các cuộc giải cứu nông sản diễn ra đã khiến các nhà chuyên môn, các nhà làm chính sách trong ngành nông nghiệp phải “đau đầu” tìm phương án xử lý. Thế nhưng, nghĩ đi, nghĩ lại thì dường như “giải cứu” vẫn là câu chuyện đang được áp dụng nhiều nhất và hữu hiệu nhất. Thậm chí, “vấn nạn giải cứu” diễn ra thường xuyên đến mức giữa năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải yêu cầu các ngành phải chấm dứt tình trạng “giải cứu” nông sản. Thế nhưng, yêu cầu của Thủ tướng chưa được bao lâu thì đầu năm 2018, lại thêm hai loại nông sản mới “xin” cầu cứu.

Cần giải pháp lâu bền

Đề cập đến nguyên nhân khiến nông sản, cụ thể là củ cải ở Mê Linh và su hào ở Hải Dương rớt giá những ngày qua, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân là do thời điểm cuối vụ, củ cải và su hào bị quá lứa, già, xốp không thể bán được. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản khác, dẫn tới tình trạng bán chậm, thậm chí nhiều người dân chần chừ không bán chờ giá cao và lượng tồn này ở mức thấp, chỉ xảy ra cục bộ không phải trên diện rộng.

Liên quan đến vấn đề “giải cứu” nông sản, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã họp bàn đưa ra phương án giải quyết. Được biết, hiện tại đã có một vài siêu thị ở Hà Nội “chung tay” giải cứu nông sản giúp người dân, theo đó, giá củ cải và su hào được thu mua đã nhích dần lên. 

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội, thì nguyên nhân chính do đây là thời điểm chuyển đổi cây trồng, cả nước đều có tình trạng khủng hoảng thừa nông sản. Nguyên nhân thứ 2 là do sau Tết, nhu cầu nông sản cũng giảm đi nhiều.

Giải pháp cũng đã được đưa ra, nguyên nhân cũng được làm rõ. Tuy nhiên, điều khiến người nông dân cũng như các chuyên gia kinh tế nghi ngại đó là, liệu cách giải quyết này có thực sự lâu bền? Về vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp cần thiết phải có chính sách, hướng đi lâu dài nhằm tương xứng với tiềm năng, đầu tư và kỳ vọng của Chính phủ. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp mà bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra đó là sản xuất manh mún, chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất khép kín. 

Đặc biệt, việc dự báo thông tin thị trường đối với người nông dân vẫn còn thiếu và yếu, đó là những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến thực trạng “giải cứu” nông sản diễn ra triền miên.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những chỗ dựa quan trọng đối với việc phát triển nông sản đó chính là quy hoạch các vùng chuyên canh và dự báo mang tính định hướng thị trường qua từng thời điểm, từng năm. Tuy nhiên, hiện tính chính xác của những dự báo này vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Cùng chung quan điểm trên, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, thông tin thị trường tốt, không chỉ giúp định hướng cho người nông dân trong việc chủ động sản xuất, chủ động lựa chọn giống cây trồng, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng. Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết theo chuỗi, xây dựng thương hiệu nông sản… làm được như vậy thì việc giải cứu nông sản mới có thể chấm dứt.

Đắc Nguyên - Tuấn Kiệt

 

Tin khác

Ván gỗ công nghiệp Vĩnh Phát – Sản phẩm thân thiện vì môi trường xanh

Ván gỗ công nghiệp Vĩnh Phát – Sản phẩm thân thiện vì môi trường xanh

(CLO) Là đơn vị tiên phong trong sản xuất các loại ván gỗ công nghiệp tại Gia Lai, nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp Vĩnh Phát đang sản xuất, bán ra thị trường nhiều chủng loại, kích thước, vân gỗ hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024

(CLO) Ngày 4/5, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân năm 2024. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh tri ân các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian qua, đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh năm bắt được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp, qua đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng lập kỷ lục mới, vì sao vàng đấu thầu liên tiếp “ế”?

Giá vàng lập kỷ lục mới, vì sao vàng đấu thầu liên tiếp “ế”?

(CLO) Hôm nay (4/5), giá vàng SJC lập kỷ lục mới ở mức gần 86 triệu đồng/lượng trong bối cảnh đấu thầu vàng bị huỷ 3 phiên.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hàng nghìn người dân Trung Quốc bị lừa mua vàng giả

Hàng nghìn người dân Trung Quốc bị lừa mua vàng giả

(CLO) Cơn sốt thu gom vàng đã và đang là câu chuyện nổi bật ở Trung Quốc, tuy nhiên nhiều người lại lợi dụng tình thế này để lừa đảo bằng cách bán vàng giả. Theo Chính phủ, hàng ngàn người ở Trung Quốc đã bị lừa mua “vàng giả” – vàng kém chất lượng hoặc nhân tạo – sau khi cố gắng mua các sản phẩm được cho là “vàng 999” trực tuyến.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngân hàng lớn châu Âu ngậm ngùi rời khỏi Nga

Ngân hàng lớn châu Âu ngậm ngùi rời khỏi Nga

(CLO) Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo, một trong những ngân hàng phương Tây lớn cuối cùng ở Nga, sẽ bắt đầu rút tiền khỏi nước này vào quý 3/2024 dưới áp lực từ cơ quan quản lý EU, Giám đốc điều hành Johann Strobl tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp