Cây viết trẻ Tống Phước Bảo và tình yêu với Sài Gòn

Thứ năm, 16/07/2020 09:49 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sài Gòn trẻ và năng động. Sâu trong sự sôi động của đô thị lớn nhất đất nước, có một mạch ngầm văn chương của những người viết trẻ. Họ trẻ và nhiệt huyết, yêu văn chương bằng một sự hồn nhiên.

Có thể kể đến những cây viết trẻ như: Tịnh Bảo, Bích Trâm, Tiểu Quyên, Như Hạ, Huỳnh Xuân Tùng, Phát Dương, Phương Huyền, La Thị Ánh Hường, Tống Phước Bảo, v.v...

Trong số những tay viết phương Nam hiện nay, tôi đặc biệt chú ý tới Tống Phước Bảo (Trúc Thiên). Bảo là một nhân viên văn phòng. Như bạn tự nhận, “em mới tập trung viết một cách nghiêm túc khoảng ba năm nay”. Mới ba năm, nhưng Tống Phước Bảo đã dằn túi một tài sản kha khá gồm ba đầu sách in riêng và tham gia in chung khoảng chục đầu sách khác.

Nhiều người đọc biết đến Tống Phước Bảo qua việc anh gặt hái nhiều thành công qua các cuộc thi viết. Truyện ngắn của anh thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo lớn như: Thanh Niên, Tuổi trẻ, Người lao động...

Tống Phước Bảo (trái) đoạt giải nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu của Báo Thanh Niên.

Tống Phước Bảo (trái) đoạt giải nhất cuộc thi viết Thành phố tôi yêu của Báo Thanh Niên.

Truyện của Tống Phước Bảo thường sử dụng phương ngữ rặt Nam Bộ. Nói về điều này, Tống Phước Bảo lý giải: “Em có may mắn là những người có tuổi trong gia đình còn sống khỏe mạnh, khi họ kể chuyện thì hay có những từ ngữ xưa cũ. Lạ quá, thế là em hỏi, rồi mình tìm hiểu thêm, từ đó đưa vào viết lách. Nhiều người nói lối viết của em sử dụng từ cũ ở miền Tây nhiều, giống nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Do vậy, em đâu dám đọc Nguyễn Ngọc Tư nữa đâu. Em sợ bả... ám em”.

Phước Bảo viết nhởn nhơ về đời sống bằng lối viết trẻ và cuốn hút mà vẫn tình cảm, sâu lắng. Từ những con chữ, thân phận của con người trong đời sống hiện đại hiện lên dung dị, thật thà, chất phác như chính tính cách của người phương Nam. Cũng có khi, nó là câu chuyện giả tưởng ở thì tương lai, nhưng đọc xong lại hiện lên ngồn ngộn những bức bối của đời sống đương thời. Để từ đó, mỗi người phải nhìn lại bản thân.

Tống Phước Bảo nói: “Tôi viết về xóm nhỏ mà tôi đang ở, về những bạn bè, về những người thân trong gia đình. Tôi chỉ mong được đem một câu chuyện rất thật chia sẻ cùng mọi người, để mọi người thêm thương mảnh đất vốn dĩ nhiều sự xa hoa phồn thịnh nhưng trù phú sự thiện lương này. Nhiều người chưa đến Sài Gòn nhưng nghe nhiều về mảnh đất cạnh tranh bôn ba, mảnh đất bụi đường mù trời, hay các câu chuyện về tình người ráo hoảnh ở Sài Gòn. Qua bài viết của tôi, tôi đem đến một câu chuyện thật của một người đã hơn 30 năm sống trên mảnh đất này.

Ở Sài Gòn, còn có nhiều lát cắt, nhiều khía cạnh, và nhiều câu chuyện mà mọi người còn chưa biết đến. Như người ta có thể uống trà đá miễn phí khi gặp cơn khát giữa đường bởi những thùng nước trà mát lạnh người dân để ngay ngoài đường. Hay người ta có thể với tay lấy một ổ bánh mì trong thùng bánh mì miễn phí đặt ngay ở những con đường sầm uất. Người Sài Gòn cũng rất thiện lành trong các đợt hoạt động cứu trợ bão lụt, hay các đợt giải cứu nông sản cho nông dân. Ở Sài Gòn ngày càng có nhiều nhóm từ thiện do các bạn trẻ thành lập, và hoạt động rất bài bản sâu rộng. Vậy nên, với Sài Gòn, đừng vội ghét khi chưa kịp thương”.

Tống Phước Bảo cũng thừa nhận, văn chương của anh nghiêm túc nhưng luôn ở trạng thái nhởn nhơ, có khi hai tháng chưa xong một truyện ngắn “đặt hàng”, nhưng có khi, chỉ trong một đêm ngồi gõ đủ năm nghìn từ. Sự nghiền ngẫm tốn thời gian, còn đã đặt bút là viết một mạch không dừng.

Nhắc về Tống Phước Bảo, nhiều người biết chuyện anh từng từ chối vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Nói về điều này, Phước Bảo cho biết, anh đã hai lần được “rủ” vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Với số lượng tác phẩm và giải thưởng văn chương anh đang có thì có lẽ không khó khăn gì để lấy được tấm thẻ hội viên. Nhưng anh không vào. Thẳng thắn nói về điều này, Tống Phước Bảo chia sẻ: “Không phải ai vào Hội cũng đều viết được, tôi biết họ xoay xở vào để lấy cái danh để hân hoan, để làm những việc khoe mẽ, không thực chất. Nên tôi dị ứng lắm”.

Báo Công luận

Tôi từng hỏi thẳng người ta, vào Hội thì có gì vui? Nếu không có gì vui thì tại sao phải vào? Tôi có những người bạn viết, nếu thích thì tự tổ chức đi xa đâu đó vài ngày, vừa giao lưu, vừa lấy chất liệu để viết. Lần nào chúng tôi đi, khi ra về cũng đều có tác phẩm, chúng tôi sửa cho nhau. Tác phẩm ra đời có người đọc, chúng tôi không cần phải chờ đợi một đơn vị nào tổ chức, tài trợ để chúng tôi đi sáng tác”, Tống Phước Bảo nói, “Tôi thích chơi với những người trẻ, nhất là những người cùng hoạt động nghệ thuật ở các lĩnh vực khác ngoài văn chương như báo chí, thiết kế... Những người trẻ thường thẳng thắn và góp ý với nhau bằng sự chân tình”.

Bắt đầu từ một sự dạo chơi, Tống Phước Bảo đang đi dần vào con đường viết lách chuyên nghiệp. Quan niệm về văn chương của Bảo khá rõ ràng: “Văn chương bây giờ phải đi vào thực tiễn cuộc sống. Làm sao còn có chuyện hái chiếc lá rồi buồn nguyên một ngày. Trời ơi, buồn nguyên một ngày là đói rồi. Dù ai nói gì nhưng viết ra vẫn có người đọc, vẫn chạm vào trái tim người đọc, vậy là thành công”.

Có một điều thú vị về Tống Phước Bảo là nhuận bút từ việc in sách, viết truyện trên báo anh để dành riêng vào việc dành tặng những hoàn cảnh khó khăn. “Tôi có hai tài khoản, một là thu nhập từ công việc văn phòng thường xuyên, một là nhuận bút từ viết lách. Hầu hết số tiền nhuận bút này tôi dành từ thiện. Có đơn vị, khi không đủ tiền thì tôi tặng sách để họ bán, cũng là cách làm của mình”, Tống Phước Bảo chia sẻ.

Nhìn lại hành trình của Tống Phước Bảo qua những tác phẩm và nhìn đội ngũ những tay viết trẻ đang đồng hành cùng anh, để thấy văn chương trong đời sống này vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở như một mạch ngầm không dứt, để thêm hiểu, thêm yêu Sài Gòn đô hội.

Tử Hưng

Tin khác

Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Hoa Lư”: Dân Ninh Bình ngồi thuyền xem hội

Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Hoa Lư”: Dân Ninh Bình ngồi thuyền xem hội

(CLO) Tối ngày 30/4/2024, tại Phố Cổ Hoa Lư – Ninh Bình đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Rực rỡ Hoa Lư”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được Unesco ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người về Lăng viếng Bác trong ngày nghỉ lễ 30/4

Hàng nghìn người về Lăng viếng Bác trong ngày nghỉ lễ 30/4

(CLO) Ngày 30/4, trong không khí thiêng liêng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng nghìn người dân và du khách thập phương xếp hàng dài để chờ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Hồi hộp đón chờ chương trình văn nghệ đặc biệt 'Rực rỡ Hoa Lư'

Ninh Bình: Hồi hộp đón chờ chương trình văn nghệ đặc biệt "Rực rỡ Hoa Lư"

(CLO) Hòa chung với không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình văn nghệ đặc biệt "Rực rỡ Hoa Lư", hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm thú vị cùng những phút giây khó quên.

Đời sống văn hóa
Hoa giáng hương đua nhau khoe sắc giữa trời Hà Nội

Hoa giáng hương đua nhau khoe sắc giữa trời Hà Nội

(CLO) Cuối tháng 4, những hàng cây giáng hương trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội đua nhau khoe sắc vàng rực rỡ, tô điểm thêm vẻ đẹp của Thủ đô với lịch sử nghìn năm văn hiến.

Đời sống văn hóa
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

(NB&CL) Ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó, có người thanh niên trẻ 21 tuổi Nguyễn Khắc Nguyệt - chiến sĩ lái xe tăng số 380…

Đời sống văn hóa