CEO Fastship Phạm Văn Hoàng: “Chúng ta chỉ thật sự thất bại... khi không làm gì nữa”

Thứ năm, 19/01/2023 19:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những ngày sáng lên giảng đường, tối đi làm công nhân vệ sinh môi trường đã nuôi lớn ước mơ làm chủ doanh nghiệp của anh Phạm Văn Hoàng (sinh năm 1991 tại Hàm Tân, Bình Thuận). Giờ anh là nhà sáng lập kiêm CEO Fastship, một doanh nghiệp khởi nghiệp logistics về chuyển phát nhanh, sở hữu 200 bưu cục nhượng quyền.

Đi lên từ những thất bại

+ Được biết, khi là sinh viên, anh còn là một công nhân dọn cống. Vì sao anh chọn công việc này?

- Thời điểm đó tôi theo học hai trường là Cao đẳng FPT và liên thông Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF). Ở quê em gái tôi cũng đang đi học, bố mẹ khó khăn nên không thể cùng lúc nuôi cho hai con, nên tôi phải tự lo.

Tôi chọn làm thêm nghề này vì thu nhập tốt và linh động do làm theo ca. Mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ phù hợp với thứ gì đó. Tôi muốn có nhiều tiền, phải đi học, không thể chọn công việc theo ý thích của mình.

ceo fastship pham van hoang chung ta chi that su that bai khi khong lam gi nua hinh 1

Anh Phạm Văn Hoàng khi còn là quản lý một đội kinh doanh thức ăn chăn nuôi năm 2019. Nguồn: NVCC

+ Năm 2018, sau 3-4 tháng đầu quân cho một công ty thức ăn chăn nuôi, anh trở thành quản lý kinh doanh ở Tây Nguyên với mức lương hàng ngàn USD. Đây là con số mà nhiều người mơ ước, tại sao anh chấp nhận từ bỏ để đi làm shipper?

- Từ lúc học phổ thông, tôi đã xác định mình phải làm chủ doanh nghiệp, phải thật sự tạo ra thứ gì đó để Việt Nam có thể tự hào với thế giới. Dù làm thuê được bao nhiêu tiền, tôi vẫn cảm thấy đó không phải là cuộc sống của mình, không phải thứ tôi khát khao, theo đuổi.

Khi nhận ra thương mại điện tử và ngành nhượng quyền chuyển phát có triển vọng, tôi quyết định từ bỏ công việc lương cao làm shipper, nhận lương 6-7 triệu đồng/tháng. Nhiều người nghĩ tôi điên rồ.

Tuy nhiên, trước đó tôi đã tìm hiểu về ngành chuyển phát hơn 3 tháng và vạch ra lộ trình riêng. Tôi muốn thâm nhập thị trường này từ mắt xích nhỏ nhất là những người giao hàng.

Không lâu sau đó, tôi ứng tuyển làm quản lý bưu cục. Trong 6 tháng, từ shipper tôi trở thành trợ lý vận hành toàn quốc của một thương hiệu chuyển phát nhượng quyền nước ngoài. Nhiều người nói do tôi có duyên với nghề này, nhưng tôi không nghĩ vậy, đây là con đường chính tôi vạch ra. Một người lương cao bỏ về làm shipper thì không phải duyên, đó là sự đánh đổi, lựa chọn.

+ Trước khi trở thành CEO Fastship, anh từng trải qua nhiều lần thua lỗ. Vậy, đã bao giờ anh nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ?

- Sau một thời gian làm thuê, nghĩ mình đã hiểu thị trường, tôi xin nghỉ để mở một bưu cục và tập tành làm chủ. Song, bản thân tôi và bên bán nhượng quyền không tìm được tiếng nói chung để vận hành hiệu quả. Bưu cục của tôi phải tự tìm đơn hàng mà ít được hỗ trợ. Ngoài ra, việc ôm đơn của các sàn thương mại điện tử vốn yêu cầu giao nhanh tạo áp lực lớn. Kết quả, bưu cục của tôi lỗ 2 tỷ đồng trong một năm.

Tôi cầm sổ đỏ gia đình và chạy tiền khắp nơi để trả nợ. Thất bại này một phần do tôi không chủ động mà phải chơi theo luật của người khác. Nhưng, thời điểm đó cũng nhiều điểm nhượng quyền khác chết như tôi. Vậy nên việc lỗ là bình thường, nếu đã muốn làm những việc lớn thì phải chấp nhận.

Trả xong nợ, tôi rút ra những điểm yếu của lần làm ăn trước để lập Fastship từ 30 triệu còn lại, cũng với mô hình nhượng quyền bưu cục. Về cơ bản, đây là một công ty chuyển phát hàng hóa nhưng đa phần bưu cục không do tôi bỏ tiền xây dựng mà sẽ bán nhượng quyền cho người ngoài đầu tư.

Tôi chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ, mà vẫn nuôi những hoài bão riêng. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi không làm gì nữa. Nếu vẫn làm thì những thất bại đó sẽ gọi là bài học.

Những người thành công đều đi lên từ thất bại, những thất bại đó làm nền tảng để thành công lớn hơn. Ví dụ như trước khi bơi được 500m, ta phải bơi 100m rồi kiệt sức, nghỉ mệt và đưa ra bài học xem nên dùng sức nhiều ở chỗ nào, kỹ thuật ra sao rồi bơi tiếp.

Có những lúc tôi phải thay đổi hết 20 nhân sự chủ chốt vì không tạo ra được tính đoàn kết tập thể, để lâu sẽ giết chết doanh nghiệp. Người hiểu thì nói làm đúng, không hiểu thì nói tôi độc tài. Mình trải qua thì mới hiểu được. Dù thất bại, mắc nợ, khó khăn như thế nào vẫn đứng lên và tiếp tục. Đấu tranh một mình là thứ phải xảy ra trong khởi nghiệp. Doanh nghiệp càng lớn thì thách thức càng khủng khiếp hơn. Khi xác định đó là thứ chắc chắn sẽ xảy đến, tôi dễ dàng đón nhận.

Không dễ bị các “đại gia” đè bẹp nhờ tinh thần dân tộc

+ Chỉ từ số vốn 30 triệu đồng, làm thế nào để anh đưa Fastship trở thành start-up sở hữu đến 200 bưu cục?

- Bưu cục đầu tiên của tôi đặt ở TP.HCM vào tháng 11/2021 với mức âm 5 triệu đồng và nợ tiền mặt bằng. Một tháng đầu sau khi có bưu cục mẫu, tôi đi bán mô hình nhượng quyền nhưng chẳng ai tin.

Tôi bèn vay mượn 200 triệu đồng để ra Bắc “bán nước bọt”. Thị trường miền Nam là để giao hàng, còn thị trường để lấy hàng về giao thì phải là miền Bắc. Ở đó shop online rất nhiều nên việc mua điểm nhượng quyền ở miền Bắc sẽ nhanh hơn.

Thế là tôi bán được bưu cục nhượng quyền đầu tiên ở Mộc Châu (Sơn La), rồi rong ruổi khắp miền Bắc để bán nhượng quyền.

Đầu năm nay, có 5-6 đồng nghiệp cũ chấp nhận về làm không lương với tôi, bán nhượng quyền 40 bưu cục. Đến cuối tháng 3, chúng tôi có 140 bưu cục nhượng quyền trong khi chưa vận hành gì. Chúng tôi nêu những giải pháp khắc phục hạn chế của các mô hình nhượng quyền bưu cục cũ, trình bày rõ lộ trình phát triển để thuyết phục nhà đầu tư. Ví dụ, thay vì các bưu cục nhượng quyền khác phải đầu tư xe tải thì Fastship sẽ phụ trách đội xe, bớt gánh nặng cho đại lý. Đầu tháng 4, Fastship có gần 200 bưu cục toàn quốc và đi vào vận hành.

+ Sau dịch, nhiều công ty thay đổi chiến lược, định hướng kinh doanh, điều này có xảy ra ở Fastship không, thưa anh?

- Tôi đang xây dựng thêm một kho hàng ở Hà Nội và hướng đến mô hình dịch vụ trọn gói đầu đến cuối (fulfillment). Tôi sẽ hợp tác với các thương hiệu để tiếp thị, phân phối sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Chúng tôi đặt ra kế hoạch có 400 bưu cục và hơn 700 shipper vào năm sau. Với fulfillment, Fastship giải quyết bài toán thị trường với định hướng là Factory to Customer (từ nhà máy đến tay khách hàng), giúp cắt giảm chi phí vận tải, mang sản phẩm chất lượng đến tay khách hàng với giá rẻ hơn, giúp các thương hiệu phát triển thị trường tốt hơn.

Mô hình công ty không mới và ngành chuyển phát nhanh cạnh tranh rất gay gắt, nhưng tôi tin rằng mình không dễ bị các đại gia khác đè bẹp. Nhờ tinh thần dân tộc, nhiều shop ủng hộ tôi vì là doanh nghiệp nội địa. Thứ hai là khả năng giao hàng thành công, xử lý khiếu nại và đền bù.

Ngoài ra, trong chuyển phát nhanh, tinh thần làm việc quyết định thành công hơn là tiền hay mạng lưới. Chúng tôi mang đến cho khách hàng sự minh bạch. Tài sản lớn nhất đến giờ của tôi là đội ngũ và những đối tác nhượng quyền.

Sắp tới chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí chuyển phát nhanh, tăng doanh thu fulfillment. Đây là một bài toán cực lớn, không thua chuyển phát nhanh. Có những công ty làm về fulfillment gọi vốn chục triệu đô chỉ sau 1 vòng, đủ biết thị trường kinh khủng mức nào.

Mới đây, Fastship ký hợp tác với Ngân hàng Quân đội để cung cấp dịch vụ cho bưu cục vay 2-50 triệu đồng. Tôi quan niệm, khi có khát vọng đủ lớn, ta sẽ thực hiện nó bằng mọi giá.

Hiện tại dù vẫn chưa làm được gì lớn lao, thất bại có, thứ vẫn chưa vừa ý vẫn còn, nhưng tôi vẫn đứng lên bước tiếp. Có nhiều thành tựu nho nhỏ nhưng tôi biết con đường phía trước vẫn còn gian nan lắm.

+ Xin cảm ơn anh!

Kỳ Hoa (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Hải quan Việt Nam - Australia tăng cường hợp tác đấu tranh chống hàng lậu

Hải quan Việt Nam - Australia tăng cường hợp tác đấu tranh chống hàng lậu

(CLO) Ngày 7/5, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có cuộc Hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra với Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hanel và Tổng giám đốc Hanel được vinh danh tại Lễ trao giải Thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Hanel và Tổng giám đốc Hanel được vinh danh tại Lễ trao giải Thương hiệu mạnh ASEAN 2024

(CLO) Cuối tháng 4 vừa qua tại Marina Bay Sands, Singapore, Diễn đàn hợp tác Kinh tế Việt Nam – ASEAN và Lễ công bố Thương hiệu Mạnh ASEAN 2024 – Lần thứ 8 do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Châu Á phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới đã được tổ chức trang trọng. Công ty CP Hanel và Tổng giám đốc Hanel – bà Bùi Thị Hải Yến được vinh danh tại sự kiện ý nghĩa này.

Thị trường - Doanh nghiệp
Saudi Aramco tăng tất cả giá dầu ở châu Á

Saudi Aramco tăng tất cả giá dầu ở châu Á

(CLO) Bloomberg đưa tin Saudi Aramco đã tăng giá bán chính thức của tất cả các loại dầu mà nước này xuất khẩu sang châu Á, với loại dầu Arab Light giao hàng vào tháng 6 sẽ đắt hơn 0,90 USD, Bloomberg đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các thành viên G20 vận động EU không tịch thu tài sản của Nga

Các thành viên G20 vận động EU không tịch thu tài sản của Nga

(CLO) Tờ Financial Times đưa tin rằng việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga có thể tạo tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế, Indonesia và Saudi Arabia đã cảnh báo EU tại cuộc họp gần đây của các bộ trưởng tài chính G20.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao Hòa Phát cao nhất từ đầu năm 2024

Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao Hòa Phát cao nhất từ đầu năm 2024

(CLO) Tháng 4/2024, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 738.000 tấn thép thô, giảm nhẹ so với tháng trước. Bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024. Trong đó riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24% so với tháng trước đó.

Thị trường - Doanh nghiệp