Chấm dứt vấn nạn văn mẫu: Trước hết cần thay đổi cách thi cử, đánh giá

Thứ năm, 19/08/2021 10:07 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các nhà giáo, hiện nay việc dạy học môn văn vẫn chạy theo ba-rem của thi cử, phục vụ thi từ THCS lên THPT và từ THPT lên thi Đại học. Cách ra đề như hiện nay khiến việc dạy và học theo văn mẫu càng thêm trầm trọng.

Dạy, học văn chạy theo ba-rem thi cử

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai kế hoạch năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có chỉ đạo về việc chấm dứt học và dạy theo văn mẫu. Chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của dư luận. Bởi từ lâu, câu chuyện học văn, dạy văn theo văn mẫu đã tốn rất nhiều giấy mực. Mỗi mùa thi đến, vấn đề này lại được nhiều người đưa ra bàn luận. Thậm chí, không ít người còn so sánh cách ra đề văn của nước ta với các nước để chỉ ra những bất cập trong việc dạy, học văn hiện nay.

Để có cái nhìn thực tế hơn về việc dạy văn hiện nay tại các trường phổ thông, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với cô giáo Phạm Thị Tú Anh - Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội. Bình luận về nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cô Tú Anh bày tỏ sự đồng tình. Cô cũng chia sẻ thêm: “Ngày xưa, thầy cô dạy văn ngoài việc cung cấp kiến thức, còn giúp học sinh nhận thức được bài học rút ra qua tác phẩm văn học. Nhưng hiện nay, nhà trường dạy theo mẫu giáo án, thầy cô chuyển tải nặng về kiến thức, học sinh học xong một tác phẩm không rút được bài học nhận thức cho bản thân. Cách dạy văn như vậy hiện chưa đạt được mục đích giáo dục”.

Theo cô Phạm Thị Tú Anh, sự máy móc, khuôn mẫu trong dạy và học văn thể hiện trong các đề thi đánh giá học sinh từ cấp THCS lên THPT, từ THPT lên Đại học. Với bố cục đề văn được chia ra nhiều câu hỏi, một câu là một dạng làm bài riêng. Nên khi bố cục đề như vậy, dạy học cũng phụ thuộc vào đó. Điều này, dẫn đến tình trạng dạy học thêm tràn lan, dạy và học theo bố cục của đề thi. Mục đích trúng ba-rem để đạt điểm cao. 

“Không thể trách được thầy cô, nhà trường mà do cơ chế tuyển sinh dẫn đến hệ lụy buộc thầy cô, học sinh dạy và học theo văn mẫu. Cũng chính điều đó, làm cho học sinh thui chột đi tư duy. Nhiều khi các em học như một cái máy” – cô Phạm Thị Tú Anh nhấn mạnh.

Cô giáo này còn chia sẻ: “Khi đón học sinh cấp THCS lên, các em gần như không có kỹ năng làm văn, có những học sinh làm văn như một cái máy. Các em học thuộc văn học như kiểu bài thơ này của tác giả nào, tác giả ấy sinh năm bao nhiêu. Tức chỉ biết kiến thức một cách máy móc. Trong khi, làm một bài văn nghị luận xã hội, các em không được dạy bài bản từ việc nhận thức vấn đề, giải thích, phân tích nguyên nhân, hệ lụy và rút ra được bài học… Mà các em được học để viết đoạn văn có 100 chữ. Vì yêu cầu viết đoạn văn quá ngắn, nhưng trình bày một vấn đề đòi hỏi nhận thức sâu sắc nên thầy cô cấp THCS đã dạy học sinh viết từng câu (1, 2, 3, 4) tuần tự để phù hợp với yêu cầu đề ra”.

Cũng bàn về thực trạng dạy học văn theo văn mẫu, trao đổi với báo chí, cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ văn của Trường Marie Curie, Hà Nội chia sẻ, hiện các dạng văn viết sẵn cho những dạng bài tập làm văn trong chương trình học quá đa dạng. Những bài viết đó được học sinh “tham khảo” rồi “đạo” ở các mức độ khác nhau. Chính vì thế mà có những người bà, người mẹ được tả giống hệt nhau, có hàng loạt đứa trẻ nhặt được tiền tìm đến chú công an nhờ trả và hàng loạt cụ bà được dắt qua đường…

Ngoài ra, cũng theo cô Lê,  thực trạng dạy và học theo văn mẫu còn là tình trạng, những gì thầy cô giảng/đọc cho trò chép trên lớp. Học sinh không được hiểu sai. Cách dạy đọc chép đã triệt tiêu nhu cầu hiểu khác của trò. Bản thân người dạy cũng không dám giảng khác với sách giáo viên, khác với những gì thầy của họ đã dạy, sách của thầy đã viết.

“Tức là tất cả mọi người dạy chỉ có một góc nhìn chung, đều đi theo một tiến trình cứng nhắc, đều chuyển tải một nội dung như thế từ năm này sang năm khác, từ thế hệ học sinh này sang thế hệ khác. Tự họ, cũng triệt tiêu trong mình nhu cầu khám phá cái mới của tác phẩm để trở thành “thợ dạy” đúng nghĩa” – cô Phạm Thái Lê chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều thầy cô khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đều cho rằng, thực trạng dạy và học theo văn mẫu đang phổ biến, triệt tiêu sự sáng tạo việc dạy và học của cả thầy và trò nên việc này cần sớm chấm dứt.

anh1

Cần thay đổi ngay từ chương trình và cách thi cử đánh giá

Để dạy văn không trở nên nhàm chán, môn Ngữ Văn không đánh mất đi sứ mệnh cao cả của môn học, chấm dứt tình trạng dạy và học văn theo văn mẫu, cô Phạm Thị Tú Anh cho rằng: “Phải thay đổi từ việc Bộ Giáo dục & Đào tạo điều chỉnh nội dung sách giáo khoa lược bớt những bài không có tác dụng giáo dục, hoặc quá cổ, không phù hợp với thời đại. 

Cần đưa các tác phẩm văn học gắn với thực tiễn có tính giáo dục các em về tri thức xã hội, ý nghĩa của cuộc sống, giá trị nhân văn của con người với con người. Trong phân phối chương trình hiện có nhiều bài học rất trừu tượng, cung cấp kiến thức hàn lâm cũng nên giảm. Việc đào tạo giáo viên cũng phải tuyển được những thầy cô có tố chất văn chương, có tâm hồn văn học.

Cách tuyển sinh, ra đề phải thay đổi, đặc biệt không cho phép tuyển sinh bằng học bạ vì điều này chỉ làm vấn nạn nâng điểm khống trong trường phổ thông. Không tạo động lực để các em học thật, thi thật. Nếu vẫn cách ra đề tuyển sinh như hiện nay, chương trình sách giáo khoa giữ nguyên không thay đổi thì khó xóa được vấn nạn dạy học văn theo văn mẫu. Bản thân thầy cô không muốn dạy nhưng cơ chế thi tuyển của mình đành phải như vậy, muốn có điểm thì phải dạy theo ba-rem, buộc thầy cô dạy theo hướng ra đề”.

anh2

Trong khi đó, cô Phạm Thái Lê cho rằng để xóa vấn nạn dạy và học văn theo văn mẫu, thì việc dạy học phải bám sát phát triển năng lực (năng lực tư duy, năng lực cảm thụ, năng lực ngôn ngữ ...) để từ đó bồi đắp và hình thành phẩm chất cho học sinh. Việc kiểm tra đánh giá, cần bám sát quá trình phát triển năng lực so với chính mỗi trò.

Trong kiểm tra đánh giá phải thay đổi theo hướng kiểm tra khả năng biểu đạt chứ không phải kiểm tra lại nội dung đọc hiểu đã thống nhất từ những tác phẩm trong sách giáo khoa. Nghĩa là người dạy không chú trọng tính đếm về lượng (thiếu đủ), không soi xét quan điểm (đúng sai), không đánh giá cao những bài mang tính sao chép, thiếu dấu ấn cá nhân. Người học có thể có cái non nớt trong cảm nhận, khác biệt trong đánh giá nhưng đó đúng là điều trò nghĩ và cảm. Đồng thời, người dạy cần thừa nhận và ghi nhận những gì của trò mới động viên được trò về tư duy độc lập, hình thành và củng cố khả năng chủ động trong học tập. Và có như thế mới loại bỏ được thói học tủ, học vẹt, học đạo văn mẫu… cách học góp phần hình thành sự giả dối, nói những điều mình không nghĩ, không hiểu.

Cô Lê nhấn mạnh, để “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” cũng cần thay đổi về cách ra đề thi, đánh giá. Chừng nào còn ra đề, chấm thi theo cách cũ thì còn dạy học đọc - chép, và văn mẫu, bài mẫu vẫn còn giá trị. Nhìn nhận thấy những hạn chế đó cho thấy việc chấm dứt văn mẫu trong dạy - học văn là điều cần thiết nhưng cần bắt đầu từ người dạy và cách ra đề kiểm tra – cách đánh giá.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục