“Chạy nước rút” trong thực hiện Chỉ thị 16: Muốn nhanh phải chặt!

Thứ sáu, 13/08/2021 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, cần thiết phải thực hiện nghiêm túc 5K, đặc biệt, cần linh hoạt trong việc thích ứng với bối cảnh mới theo từng diễn biến cụ thể của dịch, không thể thụ động ngồi chờ hết dịch.

Sự kiện: COVID-19

Tận dụng thời gian vàng giãn cách xã hội

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương đã kéo dài nhiều ngày. Thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 không còn nhiều. Một số địa phương đã có dấu hiệu tích cực khi khoanh vùng được F0, số lượng ca mắc trong cộng đồng ngoài vùng phong tỏa đã giảm. Trước bối cảnh đó, nhiều tỉnh lập kế hoạch “chạy nước rút” nhằm tận dụng thời gian giãn cách còn lại để mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.

Tại tỉnh Tiền Giang, ngày 16/8, tỉnh này sẽ kết thúc việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có chủ trương tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vùng xanh, giảm mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 sau ngày 16/8, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các vùng nguy cơ không để xảy ra ca mắc mới trong vòng 5 ngày sau đó chuyển sang trạng thái bình thường mới (vùng xanh).

Công tác phòng, chống dịch đang được thực hiện rất khẩn trương. Ảnh: Quang Hùng

Công tác phòng, chống dịch đang được thực hiện rất khẩn trương. Ảnh: Quang Hùng

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Thời gian 7 ngày giãn cách còn lại là khoảng thời gian “vàng” mà Sóc Trăng phải tận dụng để sàng lọc hết đối tượng F0 ra khỏi cộng đồng, mở rộng “vùng xanh”, hạn chế “vùng đỏ”. Sóc Trăng sẽ từng bước khống chế được dịch bệnh, dần gỡ bỏ cách ly, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Ở Thủ đô Hà Nội, công tác chống dịch cũng rất khẩn trương. Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, trước mắt quán triệt thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Trung ương và thành phố bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn. 

Để nhằm giảm lượng người ra đường, tận dụng khoảng thời gian “vàng” để thực hiện truy vết, khoanh vùng các ổ dịch và các nguồn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như yêu cầu người ra đường phải có giấy đi đường…yêu cầu doanh nghiệp có các kế hoạch chống dịch hiệu quả.

Qua tìm hiểu cho thấy nhiều tỉnh đang tìm mọi cách tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội còn lại để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch với quyết tâm từng bước khống chế dịch bệnh, gỡ bỏ cách ly, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Thực hiện quyết liệt 5K

Xung quanh nỗ lực đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận có trao đổi với chuyên gia Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Theo chuyên gia này, muốn thực hiện thành công đưa cuộc sống dần về trạng thái bình thường mới thì phải thực hiện nghiêm 5K.

Theo ông Phu thì hiện dịch đã lan ra ngoài cộng đồng, nhiều tỉnh bị, nguy cơ dịch trong cộng đồng vẫn rất cao nên phải thực hiện nghiêm 5K mới hy vọng hạn chế được dịch. Trong 5K cần cụ thể hóa bằng việc, không nên ra đường, không tập trung đông, không tiếp xúc đông người trong phòng kín. “Vùng nào phong tỏa, vùng nào thực hiện Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, còn nếu không nghiêm thì không có tác dụng” – vị này nhấn mạnh.

Việc thực hiện giữ khoảng cách có ý nghĩa để không lây nhiễm người bệnh cho người lành. Trong khi, hiện không biết trước được người mang bệnh như những trường hợp F0 không triệu chứng. Với F0 không triệu chứng có thể lây cho người khác, từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

“Trong công tác hiện nay, hiện nhiều tỉnh xét nghiệm trên diện rộng nhưng cần chú ý xét nghiệm phải có chỉ định, không được xét nghiệm tràn lan, không theo chỉ định dịch tễ. Đặc biệt, có nơi lạm dụng Test kháng nguyên nhanh dẫn tới đánh giá dịch không chính xác và gây tốn kém không cần thiết. Xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định là để phát hiện các trường hợp F0, nhằm truy vết, dập dịch kịp thời. Việc này cần làm ở các vùng xanh, vùng đang có nguy cơ nhiễm thấp, làm sao phát hiện sớm các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng. Đồng thời việc xét nghiệm trên diện rộng còn đánh giá nguy cơ, xem xét ở các địa bàn, khu vực có an toàn thực không” - vị này chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng những vùng mà cả tháng không có người nhiễm bệnh thì có thể giải phóng vùng đó đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cần phải thận trọng trước chủng mới Delta lây lan rất nhanh vì chỉ cần không cẩn trọng là dịch xâm nhập và bùng phát rất nhanh. “Kể cả khi đã trở lại trạng thái bình thường vẫn phải thực hiện 5k nghiêm ngặt” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Không nên có tư tưởng “ngồi chờ đợi hết dịch” mới làm

Bình luận về chiến dịch “làm sạch” F0, dần gỡ bỏ cách ly, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới của nhiều địa phương, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, để chờ hết dịch mới đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh hiện nay rất khó. Do đó, cần thiết phải đưa cuộc sống thích ứng với hoàn cảnh có dịch. Tức, trong trường hợp có dịch nhưng công tác học tập, lao động, sản xuất kinh doanh vẫn được diễn ra theo mức độ phù hợp.

Bản chất, ai cũng phải ăn, phải làm việc, phải lo khám bệnh… nên cần phải xác lập trạng thái bình thường để tồn tại trong hoàn cảnh cụ thể của dịch bệnh ở từng thời điểm chứ không phải đợi hết dịch mới xác lập lại trạng thái bình thường mới. Mọi người cần phải hiểu, thời điểm nào thì có phương án đó. Không phải đợi cho đến một, hai tuần nữa hết dịch thì mới hoạt động trở lại. Đợi hết dịch mới xác lập bình thường mới thì nếu đến 3 tháng nữa mới hết dịch thì sao?’’ - vị này nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, hai vấn đề phòng chống dịch bệnh và bảo đảm đời sống (an sinh, sản xuất, học tập, kinh doanh…) phải được thực hiện song song. Tuy nhiên, mục tiêu chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân cần phải ưu tiên trên hết, trước hết. Thực hiện hai mục tiêu đó, phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt.

Trong bối cảnh này, không thể có quy định kiểu như trong hai tuần nữa mới có sản xuất, hay ba tuần nữa mới đi học… mà với dịch bệnh hiện nay, lịch phải xếp theo ngày, linh hoạt, thích ứng với diễn biến cụ thể của dịch. Phải bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, chống dịch phải bảo đảm đời sống nhân dân. Không nên có tư tưởng ngồi chờ hết dịch mới đưa cuộc sống trở lại bình thường mà cần thực hiện linh hoạt” - ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy trong chống dịch cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Tuy nhiên, trong phương án đưa cuộc sống trở lại bình thường mới cần phải linh hoạt, thích ứng theo từng diễn biến dịch, không nên trông chờ hết dịch mới triển khai.

Quyết liệt nhưng đừng thái quá!

Liên quan đến công tác phòng dịch, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong thời gian vừa qua, Chỉ thị 16 rất phù hợp, giãn cách xã hội để không lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số chốt, một số bộ phận chốt ở ngõ ngách làm hơi thái quá. Ðến mức, có người ra đi mua thuốc, đau bao tử, dạ dày, lăn đùng ra đó nhưng không được đi qua. “Tôi đề nghị cần điều chỉnh lại, không phải ai cũng được chặn dân, sau đó bắt dân đưa hết giấy nọ, giấy kia. Cần điều chỉnh lại hoạt động của dân phòng, vì làm như vậy ảnh hưởng đến quyền công dân” - ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Trinh Phúc

Báo Công luận
Bình Luận

Tin khác

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

Gia Lai: Cánh quạt điện gió bất ngờ bị gãy khi đang bảo dưỡng

(CLO) Trong quá trình hiệu chỉnh góc quay hướng gió đã gặp phải sấm sét, gió giật mạnh... khiến một cánh quạt bất ngờ bị gãy.

Đời sống
Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

Gần 3.000 người bị tước Giấy phép lái xe trong ngày thứ 3 nghỉ lễ 30/4

(CLO) Ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 15.541 trường hợp, phạt 35 tỷ 136,4 triệu đồng, tước 2.929 Giấy phép lái xe các loại.

Đời sống
Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Biển Đông có gió giật cấp 7, cảnh báo sóng lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày và đêm 29/4 ở vịnh Bắc bộ và vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông có gió đông nam đến nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Đời sống
Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

Ngọn lửa bao trùm cửa hàng FPT Shop ở TPHCM, thiệt hại nhiều tài sản giá trị

(CLO) Phát hiện đám cháy bên trong cửa hàng FPT ở Gò Vấp (TP.HCM), các nhân viên cùng người dân nỗ lực dập tắt đám cháy nhưng bất thành. Rất may không có thương vong về người.

Đời sống
Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

Tạm giữ người đàn ông vi phạm nồng độ cồn, đốt xe máy

(CLO) Khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính về lỗi vi phạm nồng độ cồn, ông T. đã ký vào biên bản và đi ra ngoài, sau đó leo lên thùng xe Cảnh sát giật nắp bình xăng, châm lửa chiếc xe máy.

Đời sống