Chén nước vơi chén nước đầy và “Điện Biên Phủ trên không”

Thứ năm, 23/03/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Kỷ niệm 73 năm Ngày báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951 - 11/3/2023), nhà báo Phạm Thanh - một cây bút xông xáo thời chống Mỹ, cứu nước trình bạn đọc tập Ký sự chiến tranh: “Đổi tên giặc lái Mỹ thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ”, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2022.

Sách chia làm ba phần: 1. Hà Nội, tọa độ lửa, 2. Đường Trường Sơn huyền thoại, 3. Tuyến lửa Khu 4 anh hùng. Mở đầu với bài “Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không”, viết tháng 12/1973 và kết thúc với “Giờ ca nhạc của pháo binh ta”, viết tháng 9/1970.

Như lời tác giả tâm tình với bạn đọc tại “Thay lời kết” in cuối sách, dù ở tuổi 90 ông thấy mình còn minh mẫn và có sức khỏe để nhớ lại những gì đã trải qua với tư cách một phóng viên chiến tranh của Báo Nhân Dân. Ông thấy đây là một việc cần làm, qua những ghi chép chân thực và trực tiếp, góp phần giúp mọi người hiểu thêm về cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt đối với các thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, và với cả bạn bè quốc tế.

Đọc tập ký sự chiến tranh của Phạm Thanh, nói đọc lại có lẽ đúng hơn vì hầu hết các bài tôi đã đọc luôn, đọc tại chỗ ngay sau khi bài báo ấy vừa in, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động. Nhớ lại, nhớ như in, những kỷ niệm một thời gian khó và hào hùng, khi hai anh em cùng làm việc bên nhau dưới bóng gốc đa Hàng Trống.

Tôi chào đời trước Phạm Thanh bốn năm nhưng bước vào nghề báo trước ông 15 năm. Tôi vào nghề báo như một đứa bé bị đẩy xuống ao, phải cố ngụp lặn, vẫy vùng nếu không muốn bị chết chìm, trong khi Phạm Thanh được đào tạo bài bản.

Ông sinh ra tại một làng chài vùng biển huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Tốt nghiệp Đại học, ông làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, sang Liên Xô công tác mấy năm trước khi về Hà Nội làm phóng viên Báo Nhân Dân từ 1962, thời đất nước ta hào hứng ngước nhìn tương lai “đỉnh cao muôn trượng”, chung tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng bảo vệ non sông, thống nhất đất nước.

chen nuoc voi chen nuoc day va dien bien phu tren khong hinh 1

Trong bối cảnh ấy, Phạm Thanh được Báo Nhân Dân phân về Ban Nông nghiệp do Phan Quang làm Trưởng ban. Hai anh em từng có nhiều chuyến xắn quần lội ruộng, về Hưng Yên làm phóng sự về công tác thủy lợi tại châu thổ sông Hồng, lên Vĩnh Yên tìm hiểu việc mở rộng diện tích canh tác và trồng rừng... Khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, hai anh em thỉnh thoảng lại gặp nhau ở các chiến trường.

Xin kể vài kỷ niệm. Tháng chín năm ấy, chúng tôi vào làm việc tại huyện Quỳnh Lưu, một điểm sáng của nông thôn miền Bắc hồi bấy giờ. Một trận bão từ biển Đông ập đến, gây nhiều thiệt hại cho hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia đang thời nghèo khó, “trong Gia ngoài Xương”, cách nói hóm hỉnh của người dân tại chỗ.

Dự báo khí tượng cho biết, do tác động của hoàn lưu nhiệt đới, sắp có mưa to tại vùng Nghệ Tĩnh. Dù được tin trận bão đổ vào tỉnh Thanh, cầu Ghép bị nước cuốn trôi, cầu Tào xuýt hỏng mố, quốc lộ 1 bị tắc nhưng chúng tôi có việc cần về Hà Nội. Trên đường, tận mắt thấy tác hại của bão.

Cây gãy, nhà đổ, kho sập, đồng lúa dập đòng. Cả cánh từng phi lao trồng ven quốc lộ 1 qua huyện Tĩnh Gia, không một cây nào còn ngọn. Hàng trăm xe tải từ Nam ra nghẽn lại, xếp nối đuôi dài dằng dặc. Thi thoảng mới có vài chiếc chạy ngược chiều, ấy là những xe chở lương thực, thực phẩm vào cứu trợ vùng vừa hứng bão. Dù sao khi xe chúng tôi đến huyện Quảng Xương thì bầu trời đã xanh trong trở lại.

Chúng tôi ghé xã Quảng Nham thăm gia đình anh Phạm Thanh. Đến gần bờ biển càng thấy rõ sự tàn phá khốc liệt của thiên tai. Ấy thế mà biển sau bão lại đẹp hơn bất cứ bao giờ, đẹp một cách kỳ diệu, đẹp đến tàn nhẫn. Trời rất trong, nước rất xanh, sóng vỗ dịu dàng. Tôi căm giận thiên nhiên, sau khi vừa gây ra một trận tàn phá khốc liệt lại thản nhiên phô vẻ đẹp hiền hòa đến mức như khiêu khích. Và tôi những tưởng ra bờ biển sẽ gặp những khuôn mặt ỉu xìu. Ngược hẳn. Nhiều xã viên xuống bờ hăm hở sửa sang mảng, thuyền. Một số thuyền đã ra khơi. Những cánh buồm thấp thoáng trong ánh nắng chiều như tô vẽ cho mặt biển. Hóa ra “đầu lặng cuối động”.

Lúc cuối cơn động của trận bão, khi biển vừa lặng sóng, ngư dân ai cho thuyền ra khơi càng sớm càng có khả năng đánh bắt được nhiều cá tôm. Anh cán bộ hợp tác xã nói: “Kể thiệt thì thiệt hại lớn đấy. Dù sao ngư cụ vẫn bảo vệ được, ngư dân không mất một ai. Rồi trời yên biển lặng trở lại, chúng tôi phục hồi việc đánh bắt hải sản, sửa sang nhà cửa, đâu khắc vào đấy cả thôi”.

Một bà cụ tuổi ngoài tám mươi đang ngồi nhai trầu nhìn ra biển giúp chúng tôi hiểu sâu hơn: “Tôi nhớ, dễ đã mấy chục năm nay mới có một cơn bão to thế này. Tôi nhớ rõ lắm. Năm ấy khi trận bão to ập đến, một trăm đàn ông đi biển không về, trăm gia đình nay cúng giỗ cùng một ngày. Nghĩ lại thấy hãy còn kinh. Bây giờ sắp có bão, đài loa đã cảnh báo, thuyền nào chưa thấy về, hợp tác xã có trách nhiệm đi tìm. Bây giờ dù ông trời có cố tình làm hại, người dân cũng không đến nỗi khổ như xưa”.

Tôi tưởng chén nước vơi, bà cụ lại thấy chén nước đầy.

Một cái nhìn lạc quan có từ thuở đói nghèo. Tương tự như ở vùng gió Lào cát trắng Quảng Trị quê tôi, người dân vẫn hát “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

Một kỷ niệm khó quên nữa giữa Phạm Thanh và Phan Quang. Trong trận chiến quyết liệt “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan mưu đồ của đế quốc, khi mấy ngòi bút tách khỏi Ban Kinh tế trở thành phóng viên quân sự dưới sự dẫn dắt của Hồng Hà - Trưởng ban Quân sự mới thành lập. Phạm Thanh, Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, nhiếp ảnh gia Văn Bang ngày cũng như đêm vẫn được phép vi vu trên các nẻo đường để tận mắt theo dõi và thông tin việc quân dân ta diệt máy bay B52.

Phạm Thanh kể: Mười phi công Mỹ “còn lành lặn” trong số mấy chục tên giặc lái bị ta bắt sống qua việc bắn rơi hơn tám mươi máy bay chiến lược của địch (riêng Hà Nội bắn rơi 23 chiếc B52 và 3 chiếc F111) được ta đưa ra tại cuộc họp báo rồi cho trở lại ngắm nhìn chiến tích của họ tại Bệnh viện Bạch Mai, khu An Dương, phố Khâm Thiên. Phố Khâm Thiên ấy, nơi trong đêm tôi từ tòa soạn cạnh Gốc đa Hàng Trống về thăm nhà ở gần gò Đống Đa, tôi đã phải vác chiếc xe đạp lên vai băng qua những đống gạch ngói đổ nát, đôi tai tôi đã nghe những tiếng khóc cố nén của những người trong gia đình cùng một lúc mất mấy người thân.

Trở lại với tác phẩm “Đổi tên giặc lái Mỹ thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ”. Cuốn sách góp phần lưu lại một số sự kiện lịch sử thời chống Mỹ, cứu nước. Tác giả cho rằng việc ta đổi tên “giặc lái Mỹ” thành “nhân viên quân sự Hoa Kỳ” đánh dấu thời điểm mở đầu quá trình hòa giải sau cuộc chiến khốc liệt nhất sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Hòa bình lập lại, các nhà báo từ các chiến trường lần lượt trở về với Cây đa Hàng Trống. Phạm Thanh làm Trưởng ban Kinh tế Công nghiệp, Chánh Văn phòng kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Phóng viên Cao cấp, Bí thư Đảng ủy Báo Nhân Dân trước khi gác bút nghỉ hưu.

Nhà báo Phan Quang

Bình Luận

Tin khác

Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Trong quá trình sinh sống, cộng đồng người S’tiêng ở Bình Phước đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.

Đời sống văn hóa
Thừa Thiên Huế: Triển lãm “Hương Sen' lan tỏa những giá trị về lòng từ bi và nhân ái

Thừa Thiên Huế: Triển lãm “Hương Sen" lan tỏa những giá trị về lòng từ bi và nhân ái

(CLO) Chiều ngày 15/5, giữa mùa sen nở, mùa Phật đản lại về trên mảnh đất Cố đô Huế. Phật giáo Huế long trọng tổ chức Triển lãm “Hương Sen", đây là điểm nhấn để mở đầu cho tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Kiệt tác ballet 'Hồ thiên nga' trở lại với diện mạo mới

Kiệt tác ballet 'Hồ thiên nga' trở lại với diện mạo mới

(CLO) Việc đưa kiệt tác ballet “Hồ thiên nga” trở lại nhằm đáp ứng niềm mong mỏi được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả tại Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Liên hoan ảnh nghệ thuật các CLB nhiếp ảnh Hà Nội sẽ được tổ chức định kỳ

Liên hoan ảnh nghệ thuật các CLB nhiếp ảnh Hà Nội sẽ được tổ chức định kỳ

(CLO) Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội thống nhất sẽ tổ chức liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ (CLB) định kỳ 2 năm/lần, nhằm thúc đẩy phong trào hoạt động nhiếp ảnh trên địa bàn thành phố.

Đời sống văn hóa
Khai quật khảo cổ di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế

Khai quật khảo cổ di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế

(CLO) Đợt khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn ở Đại nội Huế sẽ được tiến hành trong tháng 6 và 7/2024.

Đời sống văn hóa