Chỉ khi nào không đi được thì mới bỏ nghề...

Thứ năm, 07/05/2020 09:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng luôn quan niệm, với nghề báo, nghề ảnh khi đã yêu rồi thì rất khó bỏ, chỉ khi nào không đi được thì mới bỏ nghề.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng luôn quan niệm, với nghề báo, nghề ảnh khi đã yêu rồi thì rất khó bỏ, chỉ khi nào không đi được thì mới bỏ nghề. Vậy nên trong chặng đường nghề nghiệp, anh luôn dành sự ưu ái đặc biệt với những chuyến đi tác nghiệp để có thể chớp được khoảnh khắc giá trị của sự kiện. Mỗi bức ảnh anh đều gửi gắm một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, để mỗi người cảm thấy yêu hơn những gì diễn ra xung quanh.

“Thắng không kiêu, bại không nản”

Giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Cà Mau, thế nhưng trong nhiều năm qua nhà báo Nguyễn Thanh Dũng vẫn rong ruổi trên những cung đường để miệt mài, say mê với công việc nhiếp ảnh. Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 1987, sau đó về công tác tại Báo ảnh Đất Mũi tỉnh Cà Mau với nhiệm vụ phóng viên, biên tập viên, phó phòng, trưởng phòng và Phó Tổng Biên tập.

Công việc chính của anh là viết bài và sau đó là vừa viết bài, vừa biên tập, còn chụp ảnh thì chỉ là tập tành để có được ảnh minh họa cho bài viết của mình. Không hiểu do duyên số thế nào mà niềm đam mê nhiếp ảnh trong anh lớn dần và thành công hơn cả nghề nghiệp chính là “viết bài” của mình, từ đó anh đã ra sức tự trang bị kiến thức nhiếp ảnh, đầu tư máy móc và trở thành “tay máy” chính của cơ quan.

Anh cho biết, thật ra trong quá trình đến với nhiếp ảnh cũng do môi trường tác động, đó là làm việc trong cơ quan báo ảnh, được sự giúp đỡ của đàn anh, bạn bè đồng nghiệp đi trước, cộng với niềm đam mê, rèn luyện tay nghề thường xuyên, nên đã phần nào chạm đến sự thành công.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dũng.

Anh vẫn luôn quan niệm, một tác phẩm ảnh báo chí nếu chụp đúng thời điểm, đúng “khoảnh khắc” thì thể hiện được sự chân thực, sinh động hơn cả muôn lời nói. Để đạt được điều đó thì người phóng viên phải có niềm đam mê nghề nghiệp, sử dụng thành thạo phương tiện, nghiệp vụ và đặc biệt là phải nhạy bén, xông xáo và có mặt ở các “điểm nóng” của sự kiện.

Chẳng hạn như bức ảnh  “Không xa đâu Trường Sa ơi!” (Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng 5 năm (2014 – 2019) cũng là bộ ảnh đem đến cho anh nhiều cảm xúc. Anh nói, trong chặng đường nghề nghiệp, anh rất có duyên với đề tài biển - đảo.

Đi thực tế sáng tác ở Trường Sa 2 chuyến thì đều gặt hái được thành công: 1 giải A (2010), 1 giải B (2019) của Bộ Quốc phòng và nhiều ảnh triển lãm cấp quốc gia. Tác phẩm “Không xa đâu Trường Sa ơi!” trước khi đoạt giải B Bộ Quốc phòng 5 năm thì đã đăng trên bìa báo Xuân Cà Mau năm 2016 và đoạt giải A bìa báo Tết đẹp tại Hội báo toàn quốc 2016, đoạt giải A bìa báo Tết đẹp tại Hội báo Xuân tỉnh Bạc Liêu năm 2016.     

Với bộ ảnh đặc biệt ấn tượng này, anh cho biết: “Trường Sa – nơi có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế, là tiền đồn phía Đông của Tổ quốc. Hằng năm, Bộ Quốc phòng cử nhiều đoàn cán bộ, văn nghệ sĩ, nhà báo... ra đảo thăm để động viên các chiến sĩ làm nhiệm vụ, làm cho khoảng cách giữa đất liền và đảo xa được rút ngắn. Các chiến sĩ cảm thấy ấm lòng khi được cả nước quan tâm, từ đó nung nấu quyết tâm, vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, chắc tay súng ngày đêm canh giữ biển – đảo và người ở đất liền hiểu hơn về Trường Sa, tự hào về Trường Sa và xem đây là đảo thiêng, là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tác nghiệp thực tế, nhà báo Thanh Dũng cho rằng, cái “cần có” ở người phóng viên ảnh, nghệ sĩ Nhiếp ảnh chính là niềm đam mê, đi thực tế sáng tác nhiều, học hỏi nâng cao kiến thức, biết rút kinh nghiệm qua mỗi lần chụp.

“Tôi xem những tác phẩm đoạt giải của mình là kết quả của niềm đam mê, sự cần mẫn, sáng tạo và một chút may mắn là chính chứ thực sự không có bí quyết nào cả. Còn nếu có bí quyết thì đó chính là: “Thắng không kiêu, bại không nản”, nhà báo Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh.

Để tự tin hơn với hội viên của mình

Nhắc về những tác phẩm ưng ý, đôi mắt anh rưng rưng xúc động khi nói về bộ ảnh “Người lính cụ Hồ với lớp học đặc biệt trên đảo Hòn Chuối” đã được Giải Khuyến khích Giải Búa Liềm Vàng năm 2019. Đây là đề tài anh đặc biệt tâm đắc và đầu tư rất nhiều. Anh ra đảo Hòn Chuối không dưới 3 lần, mỗi lần đều có chút thành công ở đề tài này như đoạt giải Nhì cấp tỉnh về đề tài: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đoạt giải Ba Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ nhưng cảm thấy chưa hài lòng vì chưa bắt đúng “khoảnh khắc” đẹp nhất, đắt giá nhất của nhân vật. Đến chuyến công tác thứ 3 vào năm 2018 thì bộ ảnh mới tương đối hoàn chỉnh nhưng anh vẫn chưa thực hài lòng và có thể còn tiếp tục thực hiện thêm đề tài này trong thời gian sắp tới.

Bức ảnh

Bức ảnh "Không xa đâu Trường Sa ơi" của nhà báo Nguyễn Thanh Dũng.

Đây là bộ ảnh về Đại úy Trần Bình Phục sinh năm 1976, tham gia quân ngũ năm 1995, hiện là Phó đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng 700 - Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.

Qua những bức ảnh của nhà báo Nguyễn Thanh Dũng đã khắc họa đậm nét hình ảnh của một quân nhân canh giữ biển - đảo tiền tiêu phía Tây - Nam của Tổ quốc ngoài làm tròn nhiệm vụ anh còn tự nguyện tham gia dạy lớp học tình thương từ năm 2010 đến nay cho 44 lượt con em ngư dân trên đảo.

“Anh là nhân tố tích cực để gắn kết tình quân - dân trên đảo, được các cấp chỉ huy cùng đồng đội đánh giá là một tấm gương điển hình “Học tập và làm tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần củng cố xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đại úy Trần Bình Phục vừa được vinh dự là điển hình duy nhất của lực lượng vũ trang phía Nam (từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau) dự Hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 - 2019 do Bộ Quốc phòng tổ chức. UNESCO cũng đã vinh danh Đại úy Trần Bình Phục và Đồn Biên phòng Hòn Chuối là địa chỉ nhân văn”, nhà báo Nguyễn Thanh Dũng chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình.

Chính những gì mà Đại úy Trần Bình Phục đã và đang ấp ủ, thực hiện đã truyền cảm hứng cho nhà báo Nguyễn Thanh Dũng bấm máy tác nghiệp để công chúng biết được ở đâu đó trên dải đất hình chữ S có những người lính Cụ Hồ không ngại khó, không ngại khổ giúp dân, xứng đáng với tên gọi thiêng liêng: Người lính cụ Hồ.

Có thể nói, nhiều năm qua Chủ tịch Hội Nhà báo Cà Mau vẫn dành thời gian để tác nghiệp và có một số giải thưởng nhất định. Anh chia sẻ, thật ra công việc ở Hội không áp lực lớn như ở các cơ quan báo chí, mỗi năm chỉ bận rộn và tập trung cao độ ở hai thời điểm là dịp 21/6 và Hội báo Xuân, thời gian còn lại công việc không nhiều lắm.

Do niềm đam mê nghề nghiệp, với lại cũng để làm gương cho các nhà báo trẻ, anh tranh thủ tối đa những lúc rảnh rỗi để đi thực tế sáng tạo nên tác phẩm. “Ngoài ra cũng có một nguyên nhân khác là làm Chủ tịch của một hội nghề nghiệp mà có nhiều tác phẩm được khẳng định thì cảm thấy tự tin hơn đối với hội viên, từ đó tạo được uy tín, tiếng nói trong việc vận động, tập hợp hội viên, qua đó nâng cao vị trí, vai trò của Hội Nhà báo”, nhà báo Nguyễn Thanh Dũng phân tích.

Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Dũng đã giành được một số giải thưởng trong năm 2019 như: Giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia, Giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc về công tác xây dựng Đảng (mang tên Búa Liềm Vàng), Giải B Giải Báo chí về Đồng bằng Sông Cửu Long, Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng 5 năm (2014 - 2019), Giải Khuyến khích “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp quốc gia, Giải Ba Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ.

An Vinh

Tin khác

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo