Phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9

Thứ hai, 20/04/2020 13:39 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tại phiên họp lần thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Rút kinh nghiệm việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh phiên họp thứ 44 lùi 1 tuần so với kế hoạch ban đầu.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, gồm: Cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật, đó là: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 và 2 nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến về báo cáo: kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Đồng thời xem xét cho ý kiến để xem xét trình Quốc hội lần đầu đối với 4 dự án luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Cư trú (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định, cho ý kiến về một số nội dung gồm: việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng; việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí, điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang một số đơn vị liên quan và cho ý kiến về Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nên một khối lượng lớn các nội dung đã được chuẩn bị để trình ra phiên họp, đảm bảo cho việc chuẩn bị được chu đáo các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, mặc dù phiên họp đã lùi 1 tuần so với dự kiến do tình hình dịch bệnh và trước đó Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan bằng các hình thức thích hợp vẫn phải tiếp tục chuẩn bị các nội dung để đảm bảo cho phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cho đến ngày khai mạc phiên họp vẫn chưa được đầy đủ tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới.

Có nên thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP?

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư (PPP).

Phương án 1, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng. Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất 2 phương án.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách, có 9 ý kiến nhất trí phương án 1, 7 ý kiến nhất trí phương án 2.

Về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, dự thảo Luật tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP; Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm; Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP; Khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Phương án 2, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Lý giải cho đề xuất nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.

Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần xem xét vấn đề thủy lợi có thể đầu tư theo hình thức PPP hay không; khái niệm nhà máy điện nên ghi theo lĩnh vực sản xuất điện hoặc công nghiệp điện để hiểu cho rõ ràng hơn.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tăng vốn nhà nước lên mà không tăng vốn tư nhân lên thì cũng cần phải cân nhắc, tỷ lệ này nếu tăng thì phải cùng tăng, không lên quy định quá nguyên tắc sẽ khó khả thi. Đồng thời cũng cần làm rõ vấn đề những dự án thuộc lĩnh vực Quốc phòng sẽ chỉ định thầu, như vậy có hợp lý trong dự thảo Luật này không?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có tư duy quy định cởi mở một số vấn đề trong Dự án Luật, nhiều nội dung không nên quy định chặt quá, không thu hút được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm và đầu tư.

Theo bà Tòng Thị Phóng, về quy mô đầu tư, nên quy định không thấp hơn 200 tỷ đồng, tập trung vào những công trình khuyến khích ưu tiên thu hút nguồn lực như các công trình giao thông miền núi... Đối với thẩm quyền quyết định dự án PPP thì nên tiếp thu theo hướng để HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương, quy định như vậy vừa đảm bảo được trách nhiệm giám sát và đảm bảo tính cởi mở, không áp đặt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư. Ảnh: quochoi.vn

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo toàn diện ở mọi góc độ để trình Quốc hội xem xét thông qua.

T. Toàn

Tin khác

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức
Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

(CLO) Công trình hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hoàn thành tâm niệm, sự ấp ủ của các thế hệ đi trước mà còn là nơi để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố tự hào về quá khứ đấu tranh hào hùng.

Tin tức
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng rằng tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C, xem như đây là biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin tức
Kiên Giang thực hiện 'sáu đẩy mạnh' để phát triển Phú Quốc

Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc

(CLO) Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc nhằm xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Tin tức
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tin tức