Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế

Chủ nhật, 19/05/2019 15:14 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng điểm lại một vài đánh giá về Bác của những chính khách, nhà văn, nhà báo và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh đạo kính yêu của nhân dân Việt Nam mà đối với thế giới rất nhiều nhà chính trị, văn hóa, văn nghệ sĩ… đã hết lời ca ngợi Người như một nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, tấm gương lớn về nhân cách. Nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác, chúng ta cùng điểm lại một vài đánh giá về Bác của những chính khách, nhà văn, nhà báo và bạn bè quốc tế.

Cuốn sách "Hồ Chí Minh - nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam" của nhà xuất bản Le Monde (Pháp) xuất bản năm 2015 đã điểm lại những hoạt động chính của chàng trai Nguyễn Ái Quốc khi dừng chân tại Đại hội Tours năm 1920 và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, theo học các khóa học tại Moskva và sau này trở thành ủy viên của Quốc tế Cộng sản tại châu Á.

Các bài báo cho thấy mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày toàn thắng nhưng tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn luôn hiện hữu trong lòng mọi người dân Việt Nam. Trong con mắt của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, Người là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc và độc lập tự do.

Cuốn sách cũng nhấn mạnh sự sáng suốt của Người khi thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám, đồng thời nhắc lại câu nói nổi tiếng của Người là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do."

Trang bìa cuốn sách

Trang bìa cuốn sách "Hồ Chí Minh - Nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam."  Ảnh: Vietnam Plus

Đặc biệt, Hồ Chí Minh là nhân vật mà tạp chí hàng đầu của Mỹ Time đã 5 lần đăng tải chân dung làm ảnh bìa mỗi dịp Việt Nam có sự kiện lịch sử. Nhiều chính khách, nguyên thủ chỉ xuất hiện một vài lần trên tờ tạp chí danh giá này, nhưng trong một bài viết, ban biên tập đã dành trọn 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng trên tạp chí Time có dẫn lời của nhà cách mạng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nói về Hồ Chí Minh: "Đó là một người đáng yêu và thân thiện vô cùng..., một con người hết sức mong muốn hòa bình".

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang bìa của tạp chí Time, số ra ngày 12/5/1975, mang dòng chữ

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang bìa của tạp chí Time, số ra ngày 12/5/1975, mang dòng chữ "Người chiến thắng". Ảnh: TL

Hồ Chí Minh là hình ảnh sống về đạo đức cách mạng. Nét đặc biệt ở Người là sự khiêm tốn, giản dị chân thành. Cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu về Bác như vậy: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn”.

Trong bài viết mang tên “Hồ Chí Minh - Chiến thắng một tầm nhìn” đăng trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda từng viết rằng, sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân Việt Nam đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo này.

Dierk Szekielda ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường. Còn tờ Manila Times từng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của châu Á vì thành công trong sự nghiệp lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của người dân, làm nên lịch sử hiện đại và là một trong những “nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại”.

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett viết về Bác. Ảnh: Richgibson.com

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett viết về Bác. Ảnh: Richgibson.com

Wilfred Burchett (16/9/1911 - 27/9/1983) là một trong số ít những phóng viên phương Tây gắn bó với nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng thời là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế cho tới khi ông qua đời vào năm 1983.

Wilfred Burchett đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên vào cuối tháng 3/1954 ngay trước trận Điện Biên Phủ. Cuộc gặp này được Burchett miêu tả trong cuốn “Phía Bắc vĩ tuyến 17”: “Thật khó tin là chỉ sau vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng mà ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua. Ông bất ngờ xuất hiện từ trong bóng tối của rừng rậm, một chiếc áo gió vắt ngang vai như khăn choàng, rảo bước với một chiếc gậy tre dài, mũ cối nghển cao trước trán. Sau khi đã khiến chúng tôi thoải mái bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát- và cả mấy câu tiếng Italia với bạn đồng sự người Italia của tôi - chúng tôi mới hỏi Hồ Chủ tịch tại sao các đài phát thanh lại đang rùm beng đến thế về Điện Biên Phủ. Thực ra là ở đó đang có chuyện gì vậy ?

“Đây là Điện Biên Phủ”- Bác Hồ vừa nói vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn. "Đây là núi hết", những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của ông đưa vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ, “Chúng ta đang ở đó. Còn dưới này”, ông nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, “là lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở đó - là người Pháp. Họ không thể thoát ra ngoài được. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được”.

Sau sự khủng hoảng và tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhiều học giả vẫn khẳng định rằng, hãy học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người. Nhà văn Australia Allan Asbolt khẳng định: “Chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân… có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa… và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào - đó là sự lạc quan của ý chí”.

Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964. Ảnh: TL

Nhà báo Wilfred Burchett phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964. Ảnh: TL

Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết…”.  Nhà văn nữ Blaga Dimitrova của Bulgaria cũng viết trong “Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh”: “Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh….

Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: "Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

Thế Vũ

Tin khác

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

(CLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).

Tin tức
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy rừng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng.

Tin tức
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 - 1/5

Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.

Tin tức
Triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự

Triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự

(CLO) Ngày 1/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ban hành văn bản số 3561/TTKQH-TT về Thông cáo báo chí dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Tin tức