Chuyên gia kinh tế: EVN phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp để làm giá điện!

Chủ nhật, 05/02/2023 08:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá điện sẽ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tăng giá cần đảm bảo phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, EVN phải “đặt mình” vào vị trí người dân, doanh nghiệp để làm giá điện.

Giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển

Mới đây, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức (ngày 3/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Theo Thủ tướng, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

chuyen gia kinh te evn phai dat minh vao vi tri nguoi dan doanh nghiep de lam gia dien hinh 1

Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Thời gian qua, giá điện luôn được dư luận đặc biệt quan tâm bởi việc tăng - giảm giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, cuộc sống của người dân. Trong thời điểm hiện nay, việc doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất - kinh doanh cùng với cuộc sống của người dân, trong đó có công nhân lao động gặp nhiều khó khăn thì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Hiện chưa biết việc tăng giá điện là bao nhiêu nhưng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân tăng từ 3 - 5% so với giá hiện hành thì EVN được quyết; tăng từ 5 - 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; trên 10% phải rà soát, xin ý kiến Thủ tướng. 

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra tối 2/2/2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định đã có quy định rõ, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, do giá điện có tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

chuyen gia kinh te evn phai dat minh vao vi tri nguoi dan doanh nghiep de lam gia dien hinh 2

Giá điện có tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Tăng giá điện không thể tránh khỏi nhưng cần tính toán cẩn trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thời gian vừa qua do giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí và giá dầu thế giới, giá dịch vụ vận chuyển… đều tăng cho nên chi phí đầu vào sản xuất điện tăng cao. Ngành điện cũng đã báo lỗ rất cao, khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng.

Để giải quyết vấn đề này, việc trang trải các chi phí tăng cao cho ngành điện là cần thiết và phù hợp với cơ chế thị trường; bởi ngành điện không thể chịu lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giá điện lại ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp. Nếu tăng giá điện để phù hợp với các chi phí tăng cao của ngành điện vừa rồi thì nền kinh tế và người dân khó chịu được.

chuyen gia kinh te evn phai dat minh vao vi tri nguoi dan doanh nghiep de lam gia dien hinh 3

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Cụ thể, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đến giá thành sản phẩm từ sản xuất doanh nghiệp, do đó sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Việc tác động đến chỉ số lạm phát, giá cả là điều không thể tránh khỏi. “Có thể dễ dàng tính toán chi phí sử dụng điện với mỗi ngành khác nhau, như sản xuất thép thì cao nhưng với ngành khác có thể không cao lắm. Do đó, cần phải có sự tính toán. Các cơ quan tham mưu cần trình Chính phủ một dự báo để Chính phủ biết tác động này như thế nào”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho biết, hiện nay, kể các các nền kinh tế rất phát triển và có chế độ phúc lợi xã hội cao như Thụy Điển, Đức thì họ cũng phải tính toán việc tăng giá ga, giá điện như thế nào để cho cả hai bên người tiêu dùng, doanh nghiệp và bên sản xuất có thể chịu đựng được.

“Vấn đề này thực sự là bài toán khó, đòi hỏi sự hợp tác thiện chí của cả ngành điện và doanh nghiệp. Rất mong phương án tăng giá điện mà ngành điện đề xuất sẽ được tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi của các bên. Sau đó, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ để Chính phủ quyết. Theo tôi, việc tăng giá điện không thể tránh khỏi nhưng nâng bao nhiêu, nâng như thế nào thì điều ấy cần phải tính toán cẩn trọng…”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Ông Doanh cũng ủng hộ việc sớm ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trước mắt, cần cho thí điểm sớm sẽ giúp giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí. Nhà nước đầu tư làm hạ tầng truyền tải điện, cho các doanh nghiệp sản xuất điện thuê tải điện bán cho người tiêu dùng, giá được thỏa thuận giữa hai bên.

chuyen gia kinh te evn phai dat minh vao vi tri nguoi dan doanh nghiep de lam gia dien hinh 4

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trước khi tăng giá điện EVN cần giải trình khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện là cần thiết. Nhưng trước khi tăng giá điện EVN cần giải trình khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong đó làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan. Chủ quan như việc hao hụt điện quá định mức, chi phí quản lý nội bộ ngành điện không nằm trong quy định, tiền lương chi sai quy định… thì EVN không đưa vào các yếu tố tính toán để đề nghị tăng giá.

Đặc biệt, theo ông Vũ Vinh Phú, việc làm rõ khoản lỗ 31.000 tỷ đồng của EVN qua kiểm toán, nếu cần thiết thì có thể mời đơn vị kiểm toán quốc tế vào kiểm toán một cách công khai, minh bạch.

Vị chuyên gia kinh tế cũng đặt vấn đề: Tăng giá điện đến mức nào? Tăng giá điện như thế nào là hợp lý? Tăng giá ở thời điểm nào? thì cần phải cụ thể, xem xét hoàn cảnh thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh quý 1/2023 đang khó khăn từ ảnh hưởng của kinh tế thế giới và cả trong nước.

“Doanh nghiệp đang rất khó khăn, không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp lỗ vẫn phải làm. Cho nên, trong bối cảnh đó, EVN phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, người dân để làm giá điện”, ông Phú nhấn mạnh.

Bộ Công thương đang yêu cầu EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam,…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng đề xuất của EVN.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Doanh nghiệp Thụy Điển có thể tìm kiếm đối tác Việt Nam phù hợp trong công nghiệp công nghệ cao

Doanh nghiệp Thụy Điển có thể tìm kiếm đối tác Việt Nam phù hợp trong công nghiệp công nghệ cao

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các doanh nghiệp của Thụy Điển có thể tìm kiếm được các đối tác Việt Nam phù hợp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng thông minh, chuyển đổi năng lượng xanh, lưới điện thông minh, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn…

Tin tức
Việt Nam - Iran có chung khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc

Việt Nam - Iran có chung khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam và Iran tuy cách xa về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng, có tính tự lực, tự cường, có chung khát vọng là xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Tin tức
Kiến nghị phân cấp, phân quyền trong cấp phép sử dụng tàu bay không người lái

Kiến nghị phân cấp, phân quyền trong cấp phép sử dụng tàu bay không người lái

(CLO) Liên quan đến tiêu chuẩn đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, một số đại biểu cho rằng, việc cấp phép cho phương tiện này cần phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, địa phương.

Tin tức
Báo cáo Thủ tướng về Đề án cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm từ 1/7/2024

Báo cáo Thủ tướng về Đề án cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm từ 1/7/2024

(CLO) Về Đề án cho phép Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực sớm kể từ ngày 01/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Thành viên Chính phủ cho ý kiến, tổng hợp, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 14/5/2024.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ kỷ luật khiển trách ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Thủ tướng Chính phủ kỷ luật khiển trách ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

(CLO) Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật đảng.

Tin tức