Chuyên gia Nguyễn Văn Cường: Tự chủ tuyển sinh đại học không có nghĩa là mỗi trường tổ chức một kỳ thi

Thứ hai, 30/01/2023 15:05 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cũng theo chuyên gia này, nếu mỗi trường đại học đều tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng thì không chỉ gây ra sự lãng phí về tài chính mà còn tăng nhiều tải trọng cho xã hội như về giao thông, an ninh trong các kỳ thi.

Hiện nay, nhiều trường đại học đang công bố các đề án tuyển sinh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, xu hướng các trường tổ chức kỳ thi riêng và lấy kết quả của các kỳ thi riêng vào tuyển sinh đang gia tăng.

Đây là vấn đề thời sự được đề cập trong tuyển sinh đại học hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, với xu hướng trọng thi riêng và kết quả thi riêng để tuyển sinh đại học đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Để hiểu hơn về xu hướng này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường - người từng bảo vệ luận án Tiến sĩ về khoa học giáo dục tại Đại học Potsdam, CHLB Đức năm 1995, trước đây làm việc tại Đại học Potsdam, CHLB Đức, nay là chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập.

chuyen gia nguyen van cuong tu chu tuyen sinh dai hoc khong co nghia la moi truong to chuc mot ky thi hinh 1

Nhiều kỳ thi chỉ phục vụ cho tuyển sinh đại học khiến học sinh áp lực và gây nhiều lãng phí (ảnh Trinh Phúc).

Thưa ông, hiện nay nước ta đang có xu hướng các trường tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng, hiện có Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2 Trường Đại học Quốc gia. Tới đây là khối ngành y tế, sức khỏe. Quan điểm của ông như thế nào về xu hướng này?

Ông Nguyễn Văn Cường: Trước hết cần ghi nhận giáo dục đại học của Việt Nam đang tích cực đổi mới theo xu hướng tăng cường tính tự chủ của các trường đại học và hội nhập quốc tế. Tự chủ trong công tác tuyển sinh là một nội dung của tự chủ đại học.

Tuy nhiên, xu hướng các trường đại học của Việt Nam hiện nay tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng có thể dẫn tới những bất cập cho xã hội và cho hệ thống giáo dục.

Chúng ta hãy hình dung nếu mỗi trường đại học đều tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng thì không chỉ gây ra sự lãng phí về tài chính mà còn tăng nhiều tải trọng cho xã hội như về giao thông, an ninh trong các kỳ thi.

Việc này cũng gây ra gánh nặng tài chính, trách nhiệm và sự lo lắng của cha mẹ trong việc chăm lo, chuẩn bị cho kỳ thi đại học của con, gây ra sự quá tải cho học sinh.

Việc các trường đại học tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng phản ánh sự thiếu tin tưởng của các trường đại học vào kết quả giáo dục và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và cách nhìn nhận chưa đầy đủ dưới góc độ hệ thống về việc tuyển sinh.

Việc các trường đại học tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục phổ thông khi học sinh trong quá trình học tập phổ thông không chuyên tâm vào việc hoàn thành chương trình giáo dục vì còn lo chuẩn bị cho kỳ thi vào trường đại học mà họ lựa chọn.

Việc này cũng gây bối rối cho giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ hoàn thành và đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông trong khi học sinh còn bị phân tâm vào việc chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Dưới góc nhìn bên ngoài từ kinh nghiệm quốc tế có thể khó hiểu về xu hướng này ở Việt Nam. Phải chăng còn có lý những lý do khác cho xu hướng này.

Thưa ông, kinh nghiệm quốc tế trong tuyển sinh đại học hiện nay như thế nào, việc tổ chức nhiều kỳ thi như vậy liệu có phải là xu hướng chung?

Ông Nguyễn Văn Cường: Ở nước ngoài, hình thức tuyển sinh đại học tương đối đa dạng, nhằm tăng cường nguồn tuyển sinh và cơ hội học đại học cho thanh niên, nhưng chủ yếu vẫn là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp phổ thông hoặc một kỳ thì chung khác với kết quả được công nhận để xét tuyển vào đại học.

Ví dụ ở Đức, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được tổ chức theo từng bang, tuy nhiên kết quả thi tốt nghiệp được công nhận trong toàn liên bang.

Các trường đại học, kể cả các trường đại học hàng đầu đều xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả tốt nghiệp phổ thông. Bên cạnh đó một số tiêu chí khác cũng được tính đến như thời gian chờ đợi cũng được cộng thêm lợi thế cho ứng viên. 

Chỉ các ngành yêu cầu năng khiếu đặc thù mới yêu cầu kỳ thi riêng như âm nhạc, nghệ thuật. Một số ngành học có thể yêu cầu thêm các chứng chỉ hoặc bài kiểm tra bổ sung liên quan đến đặc thù đào tạo hoặc quan điểm ưu tiên trong tuyển sinh.

Mặt khác, một số ngành kỹ thuật ứng dụng hiện nay mở ra cơ hội học đại học cho cả thí sinh không có bằng tốt nghiệp phổ thông nhưng đã tốt nghiệp đào tạo nghề và có kinh nghiệm nghề nghiệp tương ứng.

Hình thức mỗi trường đại học tự tổ chức một kỳ thi tuyển riêng không phải là xu hướng chung trong phạm vi quốc tế.

Theo ông, để việc tuyển sinh đại học đảm bảo chất lượng đầu vào thì nên đi theo hướng nào?

Ông Nguyễn Văn Cường: Trước hết cần hiểu tự chủ trong công tác tuyển sinh đại học không có nghĩa là mỗi trường phải tự tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, mà cần một chiến lược để thu hút được nhiều ứng viên phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo và mục tiêu phát triển của trường.

Thước đo uy tín và sự tự chủ của một trường đại học không nên bao gồm việc trường đó có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hay không.

Dưới góc độ hệ thống, chất lượng đầu vào cho các trường đại học chỉ có thể đảm bảo khi chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông được đảm bảo và từng bước nâng cao.

Đồng thời cũng cần nâng cao tính khách quan trong việc đánh giá kết quả giáo dục phổ thông, bao gồm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhằm tăng độ tin cậy của kết quả học tập và kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cho việc xét tuyển đại học.

Việc tuyển sinh đại học không nên phát triển theo xu hướng mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, như lý do đã được đề cập ở trên.

Các trường đại học nên xem xét công tác tuyển sinh dưới góc độ hệ thống và góc độ xã hội, không nên chỉ xem xét dưới góc nhìn riêng của từng trường.

Các trường đại học lớn càng nên cân nhắc tác động hệ thống và tác động xã hội của công tác tuyển sinh.

Công tác quản lý nhà nước một mặt cần khuyến khích việc tăng cường tính tự chủ của các trường đại học, mặt khác cần đảm bảo cho công tác tuyển sinh được đặt trong mối quan hệ hệ thống, tránh những tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của hệ thống giáo dục cũng như những tác động tiêu cực đến xã hội. 

Cần tránh vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển: Các trường đại học không tin tưởng bằng tốt nghiệp phổ thông, tổ chức kỳ thi tuyển riêng với nội dung giáo dục phổ thông.

Các doanh nghiệp không tin tưởng bằng cấp đại học, tổ chức thi tuyển nhân viên với nội dung chuyên môn trong giáo dục đại học.   

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo có làm nhụt chí người theo đuổi nghề giáo?

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo có làm nhụt chí người theo đuổi nghề giáo?

(CLO) Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, sinh viên ra trường phải đủ điều kiện thực tập trong thời gian một năm sau đó được đánh giá hoàn thành mới được cơ quan tuyển dụng.

Giáo dục
Luật hóa quy định lương giáo viên cao nhất liệu có khả thi?

Luật hóa quy định lương giáo viên cao nhất liệu có khả thi?

(CLO) Hiện nay, dự thảo Luật Nhà giáo đã đưa vào quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, nếu được thông qua đây được xem một bước đột phá trong chính sách giáo dục.

Giáo dục
Hải Phòng: Phân công nhiệm vụ khác với giáo viên phụ trách lớp có trẻ bị bầm tím lưng khi đi học

Hải Phòng: Phân công nhiệm vụ khác với giáo viên phụ trách lớp có trẻ bị bầm tím lưng khi đi học

(CLO) Chiều ngày 17/5, UBND quận Lê Chân (Hải Phòng) đã phát đi văn bản yêu cầu Hiệu trưởng trường mần non An Dương tạm thời phân công nhiệm vụ khác đối với 3 giáo viên phụ trách lớp có cháu bé 5 tuổi bị bầm tím ở lưng.

Giáo dục
Ngành Giáo dục đề xuất được quyền tuyển dụng giáo viên

Ngành Giáo dục đề xuất được quyền tuyển dụng giáo viên

(CLO) Theo dự thảo của Luật Nhà giáo, việc tuyển dụng giáo viên nếu tới đây luật được thông qua sẽ do các đơn vị trực thuộc ngành giáo dục quyết định.

Giáo dục
Vừa thành lập, Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa được TP HCM giao chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu?

Vừa thành lập, Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa được TP HCM giao chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu?

(CLO) Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa tuyển 555 học sinh lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2024-2025. Đây là trường được thành lập trên cơ sở tách Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Giáo dục