Chuyện kể dân vận ở cực Tây

Thứ năm, 18/10/2018 08:56 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Mùa hè năm 2011, biên giới cực Tây Mường Nhé, Điện Biên nóng như đổ lửa. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm ấy, một vụ “xưng vua nổi phỉ” với quy mô hơn 7.000 đồng bào Mông tập trung, hàng trăm lán trại được dựng lên để “đón chờ” một Vương quốc Mông sẽ được thành lập… Không một tiếng súng, không ai bị thương, vụ xưng vương nhanh chóng được giải tán bằng chiến công “dân vận” của các lực lượng. Trong đó có công sức của một người lính tâm công – Trung tá Mùa A Vừ…”.

Đó là chia sẻ của Nhà báo Hoàng Trường Giang - Báo Quân đội nhân dân về câu chuyện làm dân vận của nhân vật chính trong tác phẩm của anh “Người thương thuyết giữa rừng cực Tây”. Đây là một trong 40 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi báo chí về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2018 vừa được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi giai đoạn 2017 – 2020.

Điểm nóng Huổi Khon

Nhà báo Hoàng Trường Giang mở đầu câu chuyện: Một ngày hè năm 2011, trong chuyến hành trình vào huyện Mường Nhé, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên kể với chúng tôi, vụ việc tại Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé chính là cao trào của diễn biến hòa bình. Các đối tượng chống phá đã triệt để lợi dụng sự nghèo đói, dân trí thấp để kích động đồng bào Mông đi theo cái gọi là “vương quốc Mông”. Chúng lôi kéo kích động đồng bào di cư vào Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung nhưng khi vào Tây Nguyên không có đất sản xuất, đời sống khó khăn, chúng lại xúi giục quay về Tây Bắc, Điện Biên với chiêu bài “vua Mông sẽ xây dựng vương quốc ở Mường Nhé, đi theo vua sẽ được giàu có, sung sướng. Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, chúng tập hợp lôi kéo gần một vạn đồng bào Mông tập trung ở Mường Nhé, dựng hàng trăm lán trại để chuẩn bị ra mắt cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”. Tuy nhiên nhờ sự kiên quyết, khéo léo và kịp thời của chính quyền và các lực lượng của ta nên đã giải quyết, xử lý nhanh gọn ổn thỏa tình hình. Phân loại, bóc tách những đối tượng cầm đầu nguy hiểm, động viên hỗ trợ bà con về quê quán an tâm sản xuất…”.

Thượng tá Pờ Chí Lình - Chính trị viên Huyện đội Mường Nhé, người trực tiếp tham gia tổ tuyên truyền, vận động bà con kể lại: “Từ ngày 1/5/2011, hiện tượng bà con đi xe máy, luồn rừng kéo về khu vực Nậm Kè đã gia tăng. Nhận chỉ đạo của cấp trên, sáng hôm sau, Pờ Chí Lình và Trung tá Mùa A Vừ - Trợ lý Chính trị do Đại tá Nguyễn Đức Minh - Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh chỉ huy đã lên đường vào Huổi Khon. Họ mang theo chiếc loa tuyên truyền công suất 1.200W. Dọc đường, càng tới Nậm Kè, càng thấy cảnh tượng nhốn nháo khi hàng trăm người Mông đi xe máy kéo về. Tới gần bản Huổi Khon, nơi có quả đồi cao nhất án ngữ, có cả nghìn người dựng lán trại để chờ ra mắt Vương quốc Mông. Một tốp thanh niên hơn 20 người lập chốt gác phía ngoài, cầm gậy gộc, dao kiếm, ngăn chặn không cho cán bộ tiếp cận”.

Báo Công luận
 Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và Nhà báo Hoàng Trường Giang tại lễ sơ kết trao thưởng cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2018.
Một lời nói vạn niềm tin

Trước tình hình đó, Trung tá Mùa A Vừ là người dân tộc Mông đã tranh thủ tiếp cận để hỏi han tình hình. Ai cũng nhìn anh với ánh mắt… hình viên đạn kèm theo lời dọa nạt. Và những lời đe dọa ngày càng nhiều hơn. Có kẻ còn bắn tin tới A Vừ rằng nếu không dừng gọi loa thì sẽ bị giết nhưng anh vẫn bình tĩnh thi hành nhiệm vụ. Cùng thời điểm này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã vào phía trong, tiếp cận được với đồng bào. Tuy nhiên, hàng trăm đối tượng cầm đầu vừa lôi kéo, vừa khống chế không cho dân ra ngoài. Nắng tháng năm như đổ lửa, mấy nghìn người dồn về khu đồi trơ trọi khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều người đã bị bệnh lỵ, bệnh tả. Thế mà cán bộ y tế vào khám chữa bệnh cho dân cũng bị họ ngăn cản.

Sáng 6/5, Mùa A Vừ nghe bà con nói chính là ngày máy bay trực thăng từ… nước ngoài sẽ đến “cứu trợ” nhưng chưa thấy, nhiều người đã dao động. Nắm rõ thời cơ, A Vừ nói trên loa rằng, không có trực thăng và cũng không có “vương quốc Mông” nào cả. Chỉ có Đảng, Nhà nước là thương bà con nhất. Lúc này cũng sắp vào vụ mùa gieo hạt của người Mông, bà con bỏ bê sản xuất thì năm nay chỉ thêm đói. Cách tốt nhất là trở về làm ăn, chính quyền sẽ hỗ trợ xe đưa về tận nơi. Mặt trời càng lên cao mà vẫn chẳng thấy trực thăng của “vua” đâu cả, bà con kéo ra nghe loa A Vừ chật kín các quả đồi, khác hẳn với các buổi trước.

Những lời gan ruột của Mùa A Vừ đã giúp đồng bào hiểu rõ sự thật. Nhiều người đã lục tục kéo ra về. Nhưng một nhóm người vẫn lao ra, tìm cách tấn công A Vừ. Một phụ nữ hung hăng xỉa xói vào mặt A Vừ:

- Mày là người Mông sao lại đi làm… con chó cho người Kinh!

- Chị không được nói xấu! Tôi đang làm nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ giao, giúp đỡ bà con, không có gì xấu cả - Mùa A Vừ kiên quyết trả lời…

Xế trưa, chính quyền mang mì tôm, nước uống hỗ trợ cho bà con thì lạ là… không ai dám ăn. Một phụ nữ dáng vẻ rất đói và mệt lại gần chỗ Pờ Chí Lình, ngập ngừng hỏi:

- Cán bộ ơi! Có phải mì và nước uống có thuốc độc không? Chí Lình nhanh trí bóc luôn mì tôm ăn sống và uống nước rồi nói:

- Cán bộ ăn trực tiếp đây! Sao mà có độc được. Nắm bắt cơ hội, A Vừ nói to trên loa:

- Bà con đừng nghe kẻ xấu! Cán bộ Lình đang ăn mì tôm và uống nước. Bà con nên ăn và uống lấy sức để ra về!

Lúc này, bà con mới tin, ùa vào lấy thức ăn, đồ uống.  Đến chiều thì số bà con ra về ngày một nhiều. Tuy nhiên, dù đã có xe ca đón, đưa bà con về tận quê nhưng nhiều người vẫn đi bộ. Hóa ra kẻ xấu tung tin đó là xe chở mọi người đi… thủ tiêu. Một lần nữa, A Vừ lại “tường thuật trực tiếp”, giúp đồng bào xóa tan nghi ngại.

Nhiều người dân lếch thếch ra về, vừa đi vừa khóc. Một người đàn ông trung niên đến chỗ Chí Lình và A Vừ, vừa nói vừa lau nước mắt:

- Cán bộ ơi, mình ngu quá, mình nghe bọn nó giờ đi bỏ hết nhà cửa, giờ về sống ra sao. Quê mình ở huyện Tam Đường, Lai Châu. Bốn bố con bỏ đi, để lại ở quê 5ha thảo quả, mỗi năm thu nhập 90 -100 triệu đồng.

Báo Công luận
 Một ngọn đồi ở Huổi Khon, nơi được tung tin là thành lập Vương Quốc Mông.
Những câu chuyện đó tiếp tục được Mùa A Vừ cập nhật, dùng chính người thật việc thật để nói với bà con trên loa. Đến 4 giờ chiều hôm ấy, hơn 7.000 người tụ tập đã giải tán hết trong trật tự, không có một tiếng súng, không có ai thương vong như các thông tin xuyên tạc. Đạt được kết quả ấy, có công lao không nhỏ của Mùa A Vừ.

Người lính tâm công đặc biệt ở núi rừng cực Tây

Nhà báo Trường Giang trải lòng: Tôi trở lại Mường Nhé, Điện Biên vào một ngày hè tháng 6 oi ả, 7 năm sau vụ “xưng vua nổi phỉ” cực kỳ phức tạp ấy. Người đầu tiên tôi đến thăm là Thượng tá Mùa A Vừ - một người lính tâm công đặc biệt ở núi rừng cực Tây. 34 năm công tác liên tục trong quân đội thì ông có tới 24 năm đi cắm bản làm dân vận. Những nơi xa xôi nhất của huyện đều có dấu chân ông. Có vụ việc, huyện vận động bà con cả tháng trời chưa xong, ông đến nói thì được.

Khi chuyện vụ xưng vương đã lùi xa, dấu chân Mùa A Vừ vẫn không ngưng nghỉ. Ngay sau đó, ông lại tiếp tục lăn lộn cùng Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015.

Mùa A Vừ tâm sự: “Có nhiều việc cần tiếng nói của tụi mình lắm. Từ vận động bà con không nghe kẻ xấu truyền đạo đến không di cư trái phép vào vùng lõi khu bảo tồn Mường Nhé, không vượt biên, rồi thu hồi vũ khí, súng kíp… Đôi khi đồng bào có cái “lý người Mông” rất khó thuyết phục, cần đi vào những điều cụ thể, thiết thực để đồng bào “tâm phục khẩu phục”.

Báo Công luận
 Nhà báo Hoàng Trường Giang chụp ảnh bên Thượng tá Mùa A Vừ (thứ 1,2 từ phải sang)
Không chỉ nói giỏi, A Vừ còn là một tấm gương làm kinh tế giỏi. Hiện nay mỗi năm, số tiền tăng gia sản xuất của gia đình ông thu được lên tới hơn 100 triệu đồng. Trong nhà Mùa A Vừ trên tường treo kín bằng khen, giấy khen. Nhiều năm liền ông là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

“Giờ đây khi đã về nghỉ hưu bên gia đình và ruộng vườn nhưng tấm lòng Mùa A Vừ vẫn đầy ắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào quân đội và công tác dân vận mà ông đã dành cả cuộc đời dấn thân theo đuổi. Vì ông biết, những việc làm của mình đã, đang và sẽ giúp đồng bào có những bản làng tươi đẹp và cuộc sống no ấm hơn”, nhà báo Hoàng Trường Giang chia sẻ.

 Ngọc Lành (Ghi)

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo