Chuyển từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư đối với vùng dân tộc thiểu số

Thứ hai, 18/11/2019 10:29 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải chuyển từ hỗ trợ là chủ yếu sang chính sách đầu tư, trong đó xác định ngân sách nhà nước là quan trọng và giữ vai trò quyết định.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội

Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 18/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Trước đó, sáng 1/11, nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp đôi so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3%-5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng 42%...

Phân cấp nhiều hơn cho địa phương và cộng đồng người dân

Báo cáo thẩm tra Đề án, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhất trí với 11 chính sách lớn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích, đánh giá sâu sắc thêm việc đề xuất tiếp tục điều chỉnh, bổ sung giữ lại 11 chính sách trong giai đoạn 2021-2030 và không tiếp tục thực hiện 4 chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.

Về quan điểm xây dựng Đề án, Hội đồng Dân tộc cơ bản đồng tình với các quan điểm thể hiện trong Đề án, đồng thời quán triệt các quan điểm tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là: Xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tích hợp chính sách, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; đảm bảo và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải chuyển từ chính sách hỗ trợ là chủ yếu sang chính sách đầu tư, trong đó xác định ngân sách nhà nước là quan trọng và giữ vai trò quyết định.

Xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm góp phần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên của đồng bào các dân tộc. Phân cấp nhiều hơn cho địa phương và người dân, cộng đồng trong tổ chức thực hiện chính sách.

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất về chính sách

Thảo luận về nội dung Đề án, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện có 118 chính sách của Nhà nước đang có hiệu lực và đã phát huy tác dụng không nhỏ trong thực tế đời sống đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù chính sách thì nhiều nhưng chồng chéo, thiếu nguồn vốn, dàn trải cho nên triển khai thực hiện hiệu quả không cao. Ðáng chú ý, có những chính sách chỉ tập trung việc hỗ trợ chứ không chú trọng những giải pháp nhằm giúp bà con chủ động, tự lực vươn lên; có chính sách được triển khai nhưng không phù hợp cuộc sống, phong tục của nhân dân, cho nên không được đón nhận, gây lãng phí…

Do đó, đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với 11 chính sách lớn của Ðề án nhưng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, qua đó lựa chọn những chính sách nào cần thực hiện trước, thực hiện ngay để đáp ứng kịp thời những khó khăn, nhu cầu chính đáng, cấp thiết của đồng bào; những chính sách nào sẽ thực hiện sau và những chính sách nào cần triển khai xuyên suốt, thường xuyên để bảo đảm nguồn lực ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, chính sách, nguồn lực cần được phân bổ theo điều kiện, đặc thù khác nhau của từng dân tộc, từng địa bàn để tránh cào bằng, nơi rất khó khăn thì được hỗ trợ ít, nơi có điều kiện hơn thì được quan tâm nhiều. Hơn nữa, quan trọng nhất là các chính sách cần hướng về việc "đánh thức" tinh thần cần cù lao động, sản xuất của đồng bào, trong đó chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng rừng, bảo vệ rừng; thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp đối với khu vực miền núi, tạo thêm sinh kế, việc làm cho bà con thông qua những dự án sản xuất, kinh doanh.

Một số đại biểu cho rằng, điểm đột phá của đề án này đã xác định tổng vốn tạm tính là 334.421 tỷ đồng. Tuy nhiên, để nguồn vốn khả thi, đúng, sát cần phải rà soát lại, xác định cụ thể danh mục dự án, quy mô đầu tư các dự án có liên quan, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét xây dựng, ban hành tiêu chí để phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xác định cụ thể xã, thôn đặc biệt khó khăn làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cơ sở để quy định cụ thể tiêu chí phân bổ nguồn lực, tránh cào bằng, đảm bảo phù hợp với từng vùng, địa bàn khi triển khai thực hiện.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát lại các tiêu chí, mục tiêu đã đề ra của đề án cho đảm bảo chính xác, phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, mục tiêu của Đề án đưa ra là đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026 là rất khó. Trong khi đó, tỷ lệ che phủ rừng đề án đưa ra đến năm 2025 duy trì ở mức 42% là thấp, vì tính đến năm 2018 tỷ lệ che phủ rừng của cả nước bình quân đã đạt 41,65%, hiện nhiều tỉnh miền núi có tỷ lệ che phủ rừng đã là trên 50%, do vậy cần rà soát lại cho đảm bảo tính khả thi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Trung tâm Báo chí Quốc hội

Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025-2030 của Đề án, Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng đã bám sát vào nguyên tắc là các chỉ tiêu đề ra phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân của người dân tộc thiểu số khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm. Nếu đến 2025 tăng gấp hai lần sẽ đạt khoảng 26-28 triệu đồng/năm. Trong khi đó, đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người.

“Do vậy, Ban soạn thảo trân trọng đề nghị cho giữ mục tiêu tăng khoảng hai lần để từng hộ, từng thôn, từng xã quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị.

Thế Vũ

Tin khác

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức