Cơ hội đã đến, hãy đừng ngồi chờ!

Thứ năm, 31/01/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Hãy tận dụng ngay thời cơ mà băng lên, cố gắng cùng nhau hợp sức chiếm lĩnh các cơ hội mới để phát triển. Người dân và DN cần coi đây là vận hội lớn để cải thiện, để thay đổi vị thế của bản thân, góp phần xoay chuyển vị thế của dân tộc, đất nước"– Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

“Với các DN, tôi vẫn nói với họ đây là vận hội, hãy đừng ngồi chờ, đừng vì những rào cản này kia mà nản chí. Hãy tận dụng ngay thời cơ mà băng lên, cố gắng cùng nhau hợp sức chiếm lĩnh các cơ hội mới để phát triển. Người dân và DN cần coi đây là vận hội lớn để cải thiện, để thay đổi vị thế của bản thân, góp phần xoay chuyển vị thế của dân tộc, đất nước” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh khi nói đến những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Thời cơ đã đến

Một thực tế đang diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu là dù chưa gây ra hậu quả rõ ràng, song sự “lên ngôi” của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thể hiện qua cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đang tiềm ẩn mối đe dọa lớn. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính vì chủ nghĩa bảo hộ tăng lên ở những nước lớn như Mỹ mà chúng ta càng cần tham gia các FTA như CPTPP hay EVFTA. Thực tế 30 năm qua đã cho thấy những thành công trong cải cách và phát triển ở nước ta nhờ một phần quan trọng vào hội nhập quốc tế. “Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới vững chắc hơn trong quan hệ với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ có nền tảng thể chế và kinh tế - xã hội tốt hơn, có khả năng tự chủ cao hơn trong các mối quan hệ quốc tế, kể cả với các nước lớn” – bà Lan cho hay.

CPTPP và EVFTA đang được coi là mang đến nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.

CPTPP và EVFTA đang được coi là mang đến nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do cũng được các nhà phân tích kinh tế chỉ rõ. Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết ngày 9/3/2018 giữa 11 quốc gia, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường - một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Còn EVFTA được tách làm hai hiệp định, một hiệp định về thương mại và một hiệp định về đầu tư. Hai bên đã công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với hiệp định về thương mại. Từ đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và trên Malaysia với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro trong năm 2017.

Đánh giá tác động của Hiệp CPTPP tới kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, mức tăng trưởng cao nhất về sản lượng dự tính sẽ thuộc về các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; dệt may cùng với tăng trưởng vừa phải ở một số tiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Theo đó, các hiệp định FTA thường có xu hướng làm tăng xuất khẩu sang các nước ký kết hiệp định. Chẳng hạn, trong CPTPP, tính đến năm 2030, xuất khẩu sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da và dệt may. Tính chung các ngành này sẽ tăng xuất khẩu lần lượt được 10,1, 6,9 và 0,5 tỷ USD.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi mà các Hiệp định thương mại tự do đem lại, một điều đáng mừng là các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các dự án khởi nghiệp trong thời gian qua đã và đang được quan tâm cao thông qua những chủ trương chính sách khuyến khích DN phát triển của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cũng rất chú trọng khuyến khích các DN tư nhân lớn trong các dự án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp như sản xuất ô tô Trường Hải, Vinfast, nông nghiệp công nghệ cao của TH, VinEco…

Một điều đáng ghi nhận nữa là trong suốt hai năm qua, Chính phủ đã tập trung cao vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiều nghị quyết và việc làm thiết thực. Chính phủ đã dẹp bỏ nhiều giấy phép con, buộc các bộ phải hủy các điều kiện, quy định cản trở, gây khó cho DN; yêu cầu hệ thống phải tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng… Cùng với đó, quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã thể hiện rõ những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển một Chính phủ hiện đại, phù hợp với xu thế, trở thành đầu tàu cho cả hệ thống kinh tế.

Cohoi1

Ngành hàng nào sẽ “bứt phá” trong tương lai?

Nhiều ngành hàng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng “bứt phá” nhờ các Hiệp định CPTPP, EVFTA được ký kết. Trong đó, ngành dệt may vẫn được nhắc đến nhiều nhất. Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khi hai Hiệp định này chính thức có hiệu lực, sẽ tạo động lực rất lớn cho các DN dệt may xuất khẩu vào thị trường EU và Hoa Kỳ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có thêm lợi thế khi các nước trong Hiệp định hạn chế sử dụng nguyên phụ liệu các nước bên ngoài, qua đó hình thành chuỗi cung ứng nội khối nhằm tương trợ lẫn nhau.

Cùng với dệt may, ngành da giày cũng được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU. EVFTA được ký kết cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện các DN da giày chủ yếu vẫn nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Với EVFTA và các FTA khác, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ, nhờ đó Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Trong khi đó, mặc dù ngành nông nghiệp được dự báo sẽ có nhiều tác động tiêu cực từ các Hiệp định, tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn nhận định rằng CPTPP, EVFTA vẫn là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với thị trường tự do cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Tham gia các Hiệp định thương mại tự do với nhiều điều kiện rất khắt khe về sản xuất nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm chính là cơ hội để DN và người sản xuất nông nghiệp thắt chặt mối liên kết, tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước.

Trong ngành nông nghiệp, mặt hàng xuất khẩu rau quả và thủy sản được nhận định là sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá trong tương lai. Càng tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới, sức cạnh tranh của mặt hàng rau quả ngày càng được cải thiện. Thực tế đã chứng minh, hàng rau quả Việt Nam đang từng bước chinh phục người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng ở các thị trường khó tính. Cùng với đó, việc ký kết EVFTA và CPTPP là cơ hội để các DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico… Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều đối thủ chưa tham gia các FTA.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. Cụ thể, DN Việt Nam phải cạnh tranh với các DN nước ngoài ngay tại thị trường nội địa; đối mặt với các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ. Cách duy nhất để DN Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan chính là tuân thủ quy tắc xuất xứ kèm theo trong mỗi FTA. Hiệp định EVFTA quy định khá chặt chẽ về điều kiện hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, hầu như chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên của FTA. Trong khi đó, CPTPP có phần linh hoạt hơn khi chấp nhận xuất xứ cộng gộp có tổng giá trị khu vực từ 40% trở lên.

Để tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA và CPTPP mang lại, các chuyên gia khuyến nghị DN cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, DN Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững.

Nguyễn Mạnh

Tin khác

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

Công ty Trung Quốc đua nhau đầu tư nước ngoài nhiều nhất 8 năm qua

(CLO) Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang hướng tới mức cao nhất trong 8 năm khi các công ty thống trị của nước này xây dựng thêm nhiều nhà máy ở nước ngoài, một sự thay đổi có thể làm dịu đi những chỉ trích về nỗ lực xuất khẩu của Bắc Kinh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

Tại sao thanh niên Hàn Quốc ngày càng khó xin việc?

(CLO) Tâm lý ngại làm việc ở công ty nhỏ, nhiều doanh nghiệp không tuyển thêm nhân sự, đòi hỏi trình độ cao, nhiều kinh nghiệm là những lý do chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Hàn Quốc tăng cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hà Lan mong muốn hợp tác, làm ăn lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp của Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình công tác tại Hà Lan, Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trung tâm Thương mại Thế giới Leeuwarden tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Thái Bình tại thành phố Leeuwarden, tỉnh Friesland. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam chủ trì hội nghị.

Thị trường - Doanh nghiệp
Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

(CLO) Theo báo cáo triển vọng toàn cầu cập nhật từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng chậm sẽ đẩy Pháp ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

(CLO) Ngày 26/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp