Cơ quan chủ quản còn can thiệp sắp xếp nhân sự, trường đại học khó tự chủ

Thứ sáu, 25/12/2020 14:48 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo các chuyên gia, các cơ quan chủ quan không nên can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự của các trường đại học thì sẽ tốt hơn cho sự phát triển của giáo dục.

Bộ chủ quản chưa chịu buông quyền lực

Tự chủ đại học là một xu thế tất yếu, trong đó tự chủ về mặt nhân sự phải đi trước một bước. Tuy nhiên, trong thực tiễn tự chủ đại học hiện nay lại vướng vào nhiều rào cản khi các cơ quan chủ quan lại can thiệp quá sâu vào vấn đề công tác nhân sự. Đặc biệt, là việc sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo các nhà trường.

Nhiều người tỏ ra khó hiểu, đáng lẽ về nghĩa vụ tài chính đối với các trường đại học cần đòi hỏi cơ quan chủ quản thể hiện vai trò thì lại sớm buông, đó là tình trạng có sinh mà không dưỡng, nhưng lại muốn duy trì quyền lực một cách áp đặt lên các nhà trường.

Khi các cơ quan chủ quản vẫn duy trì thói quen việc sắp xếp nhân sự trong các trường đại học thì giáo dục đại học khó tự chủ thực thụ (ảnh minh họa - nguồn internet).

Khi các cơ quan chủ quản vẫn duy trì thói quen việc sắp xếp nhân sự trong các trường đại học thì giáo dục đại học khó tự chủ thực thụ (ảnh minh họa - nguồn internet).

Theo nhiều chuyên gia, thực trạng này xuất phát từ nhận thức không đúng đến từ các cơ quan chủ quản. Đối với các nhà trường khi đã tự chủ, để thu hút nhân sự giỏi cần phải được tự chủ thực sự.

Câu chuyện nhân sự trong các trường đại học thời gian qua nóng lên như các vụ việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hay mới nhất tại Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đã minh chứng cho thực trạng này, khi cơ quan chủ quản can thiệp vào sắp xếp nhân sự lãnh đạo các trường chẳng khác nào “cầm tay chỉ việc”.

Bàn về hiện tượng này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đây là thực trạng rất đáng buồn.

Ông Trần Xuân Nhĩ cho biết, các nhà trường muốn tự chủ được thì lãnh đạo phải am hiểu về giáo dục, năm bắt được mọi mặt của nhà trường.

Nếu một người lạ, không có kinh nghiệm trong giáo dục lãnh đạo trường thì không thể thúc đẩy nhà trường phát triển đi lên.

Do đó, càng tự chủ thì càng cần những lãnh đạo giỏi, am hiểu giáo dục. Hiện các nhà trường có hội đồng trường, cần thiết phải tôn trọng sự lựa chọn của hội đồng trường. Nếu áp đặt, không để hội đồng trường các trường đại học hoạt động độc lập thì khó chọn được người phù hợp.

“Chủ trương tự chủ đại học là xu thế của thế giới, làm tốt cho tự chủ sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Đã từng có mô hình tự chủ tốt chỉ trong vòng 13 năm từ một trường không có tiếng tăm, cơ sở vật chất nghèo nàn vươn lên thành trường đại học lớn mạnh, có chỗ đứng trong các bảng xếp hạng của thế giới.

Nhưng rồi, những người không hiểu về giáo dục từ cơ quan chủ quản đã tìm cách  “đánh” nhà trường bầm dập, hành hạ nhà trường khiến họ điêu đứng.

Nếu cơ quan chủ quản có hiểu biết về giáo dục thì sẽ tạo điều kiện cho các nhà trường rất tốt. Nhưng ở đây không hiểu, cố tình vận dụng nhiều quy định không rõ ràng làm rối tung các nhà trường, làm khổ người lãnh đạo của nhà trường và có hại cho sự nghiệp giáo dục.

Lãnh đạo nhà trường am hiểu giáo dục thì làm cho giáo dục tốt đẹp hơn nhưng người có quyền nếu cố tình không hiểu điều đó sẽ hành cho nhà trường suy sụp.

Có nhiều trường hợp không vì quyền lợi chung mà vì lợi ích nào đó khiến con đường tự chủ của các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn.

Các trường đại học đã tự chủ thì không cần Bộ chủ quản. Tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên cố tình không chịu không hiểu về giáo dục đưa những người không phù hợp vào lãnh đạo các nhà trường cần phải dừng lại.” – ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Phải "cởi trói" hơn nữa cho các nhà trường

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, khi đã tin tưởng giao cho nhà trường tự chủ thì cơ quan chủ quản dừng áp đặt lên các nhà trường.

Nhưng mỗi khi các cơ quan chủ quản không tôn trọng sự tự chủ của các nhà trường thì bằng cách này hay cách khác sẽ tác động, sắp đặt, bố trí, cài cắm nhân sự vào trong các nhà trường.

Việc dùng quyền lực hành chính để can thiệp vào từng nội bộ nhà trường là việc làm dễ dàng. Họ có thể biến việc lựa chọn lãnh đạo của các nhà trường thông qua hội đồng trường chỉ còn là hình thức.

Chính vì vậy, khi nào trường đại học thoát ra khỏi cơ quan chủ quản thì các nhà trường mới có cơ hội để tự chủ thực thụ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội từng chỉ ra, các cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định về cơ cấu lao động tổng thể cũng như về từng vị trí việc làm, họ được quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự trong trường và quyết định nhân sự quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học, kể cả các chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường, chức vụ quản lý cao nhất như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, quyền tự quyết này của cơ sở giáo dục đại học không phải là quyền tuyệt đối, mà bị giới hạn trong khuôn khổ pháp luật.

Ví dụ, khi bầu các thành viên Hội đồng trường thì quyền tự quyết chỉ áp dụng cho việc lựa chọn, quyết định những thành viên mà cơ sở giáo dục đại học được quyền bầu hoặc cử, chứ không áp dụng cho các đối tượng là đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Hay Hội đồng trường có quyền bầu Chủ tịch nhưng người đó cần phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Một điểm ràng buộc nữa về tự chủ nhân sự theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội là các cơ sở giáo dục đại học công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức, phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành.

Vì thế, thủ tục tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức trong trường đại học công lập không thể vượt ra ngoài quy định của Luật Viên chức.

Vì thế, liệu cơ sở giáo dục đại học với quyền tự chủ về nhân sự có thể "vượt rào" để thu hút người tài cho công tác đào tạo và nghiên cứu, như ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến?

Do đó, chuyên gia này đề xuất, cần sửa đổi đồng bộ Luật Viên chức, pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để cởi trói tối đa, trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy công tác nhân sự của các nhà trường đại học cần thiết phải được tự chủ để các nhà trường phát triển đi lên.

Muốn làm được điều đó, thì cơ quan chủ quản phải buông quyền lực. Hơn nữa, trong vấn đề chính sách cần thiết phải thay đổi để các nhà trường có cơ chế thông thoáng hơn trong tuyển dụng và đãi ngộ giảng viên, lãnh đạo nhà trường.

Trinh Phúc

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục