Công khai dân chủ thì các đại án tham nhũng như Việt Á có thể được ngăn chặn từ trước

Thứ ba, 14/06/2022 14:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, nhìn lại các vụ án tham nhũng từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hay như vụ Việt Á nếu công khai, dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước.

Quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai

Tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sáng nay (14/6), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, ông rất tâm đắc và đồng tình với mục đích xây dựng Luật được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan và đơn vị.

cong khai dan chu thi cac dai an tham nhung nhu viet a co the duoc ngan chan tu truoc hinh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhìn lại tất cả những cái vụ đại án tham nhũng trong thời gian vừa qua thì mục đích nêu ra rất xác đáng. Nếu làm tốt dân chủ ở cơ sở thì chắc chắn sẽ tránh được những vi phạm mà phải xử lý như thời gian vừa qua.

"Ví dụ như vụ kit xét nghiệm của Việt Á, nếu chúng ta thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng ta công khai thông tin là Nhà nước phải mua của Việt Á với giá kít xét nghiệm như thế. Và Hải quan cũng công khai thông tin là hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kít xét nghiệm của Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,99 USD 1 kít xét nghiệm thì chắc chắn chúng ta sẽ không để cho các địa phương, các CDC của các tỉnh mua với giá như là giá của Việt Á bán, và không xảy ra hàng loạt phải vi phạm như thời gian vừa qua", ông Hoàng Văn Cường nêu.

Hoặc chúng ta quay trở lại vụ ở Hà Nội, vụ cựu Chủ tịch mua chế phẩm 3C để xử lý nước, nếu chúng ta công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn là không thể kéo dài từ 2016 đến 2020 khi đó mới phát hiện là sai phạm", ông Cường nêu ví dụ.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… Tất cả những vụ này đều có điểm chung thực hiện rất đúng, các quy trình rất có đầy đủ. Có các cơ quan như định giá tham gia, rồi nhiều người tham gia. Tuy nhiên cũng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết. Chính vì vậy, khi có sai phạm thì người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi, không chính thống và đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi lại thành sự thật.

cong khai dan chu thi cac dai an tham nhung nhu viet a co the duoc ngan chan tu truoc hinh 2

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu công khai, dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. “Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.”, đại biểu nêu rõ.

Cũng theo đại biểu Đoàn TP Hà Nội, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở thì sẽ tránh được nhiều hoạt động không cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước. "Điển hình như ngày hôm qua thảo luận về dự án Luật Thanh tra thì nhiều đại biểu lo ngại bộ máy thanh tra sẽ phình ra; nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ nói cứ quản lý Nhà nước là phải có thanh tra. Tôi thấy cái nào cũng hợp lý cả. Nếu như những hoạt động này công khai, minh bạch, người dân thay mặt cho thanh tra kiểm tra, giám sát, chỉ khi nào phát hiện ra có vấn đề thì thanh tra vào cuộc thì như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc của thanh tra quản lý mà lại chặt chẽ", ông Cường phát biểu. 

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Về công khai, đại biểu cho biết, về nguyên lý cứ bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị chúng ta không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu nhấn mạnh.

Về phương thức công khai, đại biểu cho rằng không nên quy định cụ thể phương án nào, chỉ quy định mục tiêu là buộc người quản lý có trách nhiệm lựa chọn 1 phương thức thông tin để đảm bảo rằng tối thiểu có 1 tỷ lệ nhất định người dân biết được thông tin. "Tôi lấy ví dụ 50% người dân biết được thông tin.", ông Cường nói

cong khai dan chu thi cac dai an tham nhung nhu viet a co the duoc ngan chan tu truoc hinh 3

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.

Nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, để đảm bảo và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chủ yếu mới, cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định; còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.

Đại biểu cũng chỉ rõ, việc phân biệt giữa dân kiểm tra và giám sát còn chưa có căn cứ chung, khó xác định để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại một loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của dự án Luật này, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ, cơ sở chế tài hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.

Cho rằng việc quy định về hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Điều 10 đến 12 của dự thảo Luật chưa thực hiện đổi mới, chưa đầy đủ, chưa chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan đơn vị.

Đồng thời, đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến Nhân dân về các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến Nhân dân được tiến hành thực chất và hiệu quả hơn.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức