Cuộc bầu cử đặc biệt, vị Tổng thống 79 tuổi & tương lai nước Mỹ

Chủ nhật, 07/02/2021 09:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, các cử tri phải lựa chọn hai ứng viên trên 70 tuổi cho vị trí Tổng thống tiếp theo. Và cũng lần đầu tiên, một cuộc bầu cử đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết đến thế với người chiến thắng…

Cuộc bầu cử đặc biệt và “Người được chọn” Joe Biden 

Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 là cuộc bầu cử lạ thường nhất lịch sử nước Mỹ. Nó diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khi Covid-19 ập đến châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng đa chiều. Hậu quả của những biện pháp phong tỏa và hạn chế do đại dịch gây nên sự sụp đổ domino trong nhiều lĩnh vực: bắt đầu từ y tế khi sự thiếu hụt trang thiết bị cá nhân, đồ bảo hộ dẫn đến sự lây lan dịch bệnh mạnh mẽ; kinh tế lao dốc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty và doanh nghiệp đóng cửa, người lao động không có thu nhập vì thiếu việc làm; và cuối cùng là khủng hoảng xã hội khi người dân bức bối bởi lệnh bắt buộc phải ở nhà, mâu thuẫn về bất bình đẳng chủng tộc gia tăng dẫn đến bạo lực. 

Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai “ông già gân” Donald Trump và Joe Biden trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và sức khỏe trở thành màn đặt cược của cử tri vào tương lai. Một là chọn về mở cửa kinh tế giữa đại dịch, bỏ phiếu cho ông Trump. Hai là lựa chọn sự an toàn, chấm dứt đại dịch khiến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong, bỏ phiếu cho ông Biden. 

Chưa bao giờ người ta thấy cử tri Mỹ nô nức đi bầu cử như vậy. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cử tri đối với vận mệnh nước Mỹ, mà nó còn chứng tỏ sự lo lắng ngày càng tăng đến cuộc sống của chính họ, được định đoạt bởi tấm phiếu trên tay.

Hơn 158 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu, xác lập một kỷ lục mới về số lượng cử tri đi bầu trong một kỳ bầu cử, lên tới 67%. Joe Biden giành được hơn 81,2 triệu phiếu bầu phổ thông, trong khi Donald Trump có 74,2 triệu phiếu. Cả hai đều trở thành những ứng cử viên Tổng thống giành nhiều phiếu bầu nhất lịch sử, nhưng ông Joe Biden, sinh năm 1942, giành chiến thắng với tỷ lệ 51,31% so với 46,86% của Donald Trump. 

Sở hữu 306 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden trở thành “người được lựa chọn” ở tuổi 79, để gánh vác nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế, “hàn gắn nước Mỹ” bị chia rẽ sâu sắc và đưa Mỹ hòa nhập trở lại các diễn đàn, tổ chức, tái khẳng định các cam kết vốn đã bị chính quyền của ông Trump rút khỏi trong nhiệm kỳ 4 năm qua. 

joe biden

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Joe Biden đã bị phủ bóng bởi cuộc chiến pháp lý dai dẳng của Donald Trump, với những cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng. Nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của phe ông Trump đã cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cho nhóm ông Biden. Thậm chí, những quyết định liên tiếp được đưa ra ở những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump bị xem là tạo ra trở ngại vô cùng lớn đối với chính quyền chuyển tiếp của Joe Biden. Chẳng hạn như những lệnh trừng phạt, trả đũa nhắm vào các đối thủ (Trung Quốc, Nga) và cả đồng minh (lệnh cấm vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ), đe dọa tấn công Iran hay như việc từ chối ký dự luật ủy quyền quốc phòng, bao gồm gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD, không khác nào dựng lên những rào chắn, thách thức chính quyền mới vượt qua. 

Tương lai nước Mỹ

Lịch sử rồi sẽ phán xét những quyết định của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Còn lúc này, cử tri Mỹ đã đặt trọn niềm tin vào Joe Biden bởi đa số người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với đại dịch Covid-19 và một nền kinh tế bị suy thoái. Dường như họ cũng chán ngán với một vị Tổng thống thất thường, một ngôi sao của mạng xã hội, người tạo nên sự chia rẽ sâu sắc về chính trị và cả sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, giữa những người ủng hộ và chống Trump, giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, giữa da đen và da trắng khi phong trào phản kháng đòi bình đẳng sắc tộc Black Lives Matter nổi lên sau cái chết của George Floyd, ngày 25/5/2020. 

Lien minh tranh cu

Trong phát biểu chiến thắng ngày 8/11, ông Joe Biden đã cho rằng đến lúc “hàn gắn nước Mỹ”, loại bỏ vấn nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở nước Mỹ, chống lại biến đổi khí hậu, khôi phục nền kinh tế bắt đầu từ kiểm soát đại dịch. Ông Joe Biden cũng nhấn mạnh sự đoàn kết dân tộc, “để khiến nước Mỹ lại được tôn trọng trên thế giới một lần nữa”. 

Những nỗ lực đầu tiên của Joe Biden là ưu tiên xây dựng đội ngũ chuyên gia chính phủ dày dặn kinh nghiệm. Sự góp mặt của hàng loạt “gương mặt quen thuộc” giữ các vị trí quan trọng ở Nội các bên cạnh những nhân vật tài năng, chính phủ của Biden cho thấy sự đa dạng và kinh nghiệm, làm nổi bật quyết tâm đưa nước Mỹ hội nhập quốc tế trở lại, gạt bỏ triết lý “nước Mỹ trên hết” với chủ nghĩa đơn phương lên ngôi dưới thời ông Donald Trump. 

Về lĩnh vực kinh tế, chương trình hành động của ông Biden là ưu tiên khôi phục ngay lập tức nền kinh tế đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất do đại dịch Covid-19, kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930, thông qua 10 chiến lược kinh tế cụ thể. Gần như ngay lập tức, ông Biden sẽ ký kế hoạch đại tu tổng thể kinh tế; chủ trương “sản xuất tại Mỹ”; cam kết cụ thể hóa kế hoạch “Buy America” (mua hàng Mỹ); thông qua đạo luật sản xuất Quốc phòng; dự chi 2.000 tỷ USD trong 4 năm cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo việc làm bền vững trong lĩnh vực năng lượng sạch; thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại với khu vực châu Á Thái Bình Dương (CPTPP). 

Về ngoại giao, chính quyền của ông Biden sẽ khởi động trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, tái gia nhập WHO, hâm nóng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với EU đã nguội lạnh dưới thời ông Trump, cũng như duy trì chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, củng cố liên minh quân sự với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. 

Những người ủng hộ Joe Biden ăn mừng sau khi truyền thông dự báo chiến thắng thuộc về cựu Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh: Getty

Những người ủng hộ Joe Biden ăn mừng sau khi truyền thông dự báo chiến thắng thuộc về cựu Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh: Getty

Đối với Trung Quốc, chính quyền của ông Biden dường như sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn như thời ông Donald Trump. Có thể cách thức và giọng điệu có mềm mỏng hơn, nhưng căng thẳng giữa hai bên sẽ vẫn được duy trì bởi quan điểm “diều hâu” được thống nhất từ lưỡng đảng trong Quốc hội, đã xác định “Trung Quốc là đối thủ lớn nhất”. 

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể sẽ rơi vào “thời kỳ băng giá” bởi quan điểm khác biệt giữa ông Biden với Tổng thống Putin. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden vẫn gọi Nga là “mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ”. Thậm chí, sau một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ vào tháng 12/2020, được cho là do các tin tặc từ Nga, ông Biden còn đe dọa sẽ khiến những kẻ gây rối phải trả giá. 

Phải thừa nhận tham vọng của Joe Biden là rất lớn nhưng sẽ không dễ đạt được khi mà nội bộ nước Mỹ vẫn còn chia rẽ và bất đồng khi mà ngay những ngày đầu tiên của năm mới 2021, vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ đã khiến 4 người thiệt mạng. Đảng Cộng hòa chưa thể sớm quên thất bại của ông Trump để ủng hộ Tổng thống đảng Dân chủ. Trong bối cảnh đại dịch, vấn đề đối nội được ưu tiên trước hết, câu chuyện thiết lập lại trật tự thế giới sẽ chỉ là thứ yếu với chính quyền Biden. 

Tương lai của nước Mỹ nằm trong tay người Mỹ. Nó chỉ có thể trở nên rõ ràng hơn sau một năm nữa, thời điểm kết cục của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được định đoạt.

Hoài Đức

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo