Da diết ân tình ở Roòng Kho

Thứ sáu, 03/04/2015 14:16 PM - 0 Trả lời

Da diết ân tình ở Roòng Kho

(NB&CL) - Đã trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp tháng Tư hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam lại tổ chức các chương trình “Về nguồn” hướng về mảnh đất Roòng Khoa (Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên) với ý nghĩa tri ân và giáo dục thế hệ những người làm báo. Bởi nơi đây chính là nơi thành lập Hội Những người Viết báo Việt Nam cách đây hơn 60 năm. Mỗi lần về đây là mỗi lần những người làm báo trẻ như tôi lại có dịp hoà mình trong những dòng kí ức sống động của những ngày hoạt động báo chí tại “Thủ đô kháng chiến”.
 
 
Có một ngày ý nghĩa nơi Bản Lá…
 
Chúng tôi dừng chân tại Ban Quản lý khu di tích An Toàn Khu (ATK) Định Hóa để tìm hiểu về một ngày trọng đại của những người làm báo trong những ngày tháng 4 lịch sử. Nhắc đến khu di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, NSNA Đồng Khắc Thọ - Trưởng ban Quản lý- đã kể lại cho chúng tôi rất chi tiết, cụ thể, không cần văn bản, không cần tài liệu. Ông kể rằng, câu chuyện bắt đầu từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) các cơ quan của Trung ương rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. ATK Định Hóa đã trở thành Trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”- nơi đóng đại bản doanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Trung ương. Những ngày này, số đông các nhà báo tỏa ra vùng nông thôn cùng nhân dân và bộ đội tham gia kháng chiến. Đầu năm 1947, đoàn báo chí kháng chiến được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc do đồng chí Xuân Thủy phụ trách.
 
Đoàn báo chí kháng chiến ư, thưa ông? Vậy có sự liên quan gì đến Hội Những người viết báo Việt Nam của những ngày tháng 4/1950 tại Roòng Khoa, Bản Lá, Điềm Mặc, Định Hóa? – tôi tò mò. 
 
Liên quan chứ. Đó là vì vào đầu buổi chiều ngày 21/4/1950, đại diện các báo của Đảng, mặt trận và báo của các đoàn thể, Đài tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã đã họp tại Hội trường tám mái của Mặt trận Liên Việt. Đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng giao trọng trách chủ trì hội nghị. Trong thảo luận nhiều đại biểu đã thấy tên cũ “Đoàn báo chí kháng chiến” không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước nhà, khi đó hoạt động cả ở vùng tự do, lẫn vùng địch tạm chiếm. Hơn nữa Hội còn có nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau kháng chiến thắng lợi. Do vậy Hội nghị đã quyết định thành lập và lấy tên là Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.
 
Hơn 60 năm trôi qua, trải qua nhiều kì đại hội nhưng ngày 21/4 lịch sử này vẫn là dấu ấn không thể nào quên của những người làm báo. Đó là mốc son khẳng định vị trí quan trọng của giới báo chí nước nhà những năm tháng chiến tranh. Người làm báo thực sự đã làm “tròn vai” của một người chiến sĩ cầm bút như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạỵ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nghĩ đến điều này, những người làm báo hôm nay không khỏi tự hào về truyền thống, càng cảm nhận sâu sắc hơn trách nhiệm của người cầm bút khi đất nước hòa bình thống nhất. 
 
Báo Công luận 
 Nhà trưng bày di tích của HNBVN tại xã Điềm Mặc- Định Hóa- Thái Nguyên
 
Một ngày nên nghĩa trăm năm
 
Trong niềm tự hào, chúng tôi tiếp tục chuyến công tác đến Roòng Khoa, Điềm Mặc để tìm kiếm những nhân chứng lịch sử về sự kiện. Đã xa rồi những ngày tháng khó khăn, hôm nay dưới bầu trời hòa bình, đất nước thống nhất, mảnh đất Roòng Khoa năm xưa đã có nhiều đổi khác. Tháng 8/2004, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 20/4/2005, một tấm bia di tích bằng đá cẩm thạch được dựng lên trên nền hội trường Mặt trận Liên Việt, ghi lại điểm mốc lịch sử đáng nhớ của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà trưng bày và đón tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam – nơi lưu trữ những kỉ vật, những bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kì, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, ngày một khang trang, sạch đẹp…
 
Mọi thứ đã đổi thay nhiều, người dân nơi đây, không còn nhiều người nhớ đến một ngày của hơn 60 năm trước. Nhưng điều đặc biệt là, dù không chứng kiến nhưng với họ, khu di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Bia di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà trưng bày Di tích lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam, thực sự là những di tích đáng được trân trọng gìn giữ. Đồng chí Nông Đình Thân- Bí thư xã Điềm Mặc- vô cùng xúc động chia sẻ: "Xã Điềm Mặc là vùng đất có truyền thống cách mạng. Điềm Mặc đã vinh dự được Trung ương chọn là điểm đầu tiên xây dựng chiến khu ATK Định Hóa. Hiện nay Điềm Mặc có 24 điểm di tích lịch sử văn hóa trong đó có 6 điểm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Với truyền thống ấy, chúng tôi tự hào vì là những người được tin tưởng để gìn giữ, bảo vệ những giá trị lịch sử quan trọng trong đó có khu di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam".
 
Để biết thêm thông tin, đồng chí bí thư xã đã giới thiệu với đoàn chúng tôi tới gặp ông Triệu Đình Lệ, người cách đây nhiều năm đã hiến đất để xây dựng Nhà trưng bày di tích lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam. Ông năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, những chuyện của năm tháng xưa không còn nhiều trong kí ức nữa. Chỉ nhớ là, năm đó ông lên 9 tuổi, vùng đất này là đồi vầu, cây cối rậm rạp, hai bên đường là đất đồi chè và ruộng lúa của dân. Hội trường tám mái nơi thành lập Hội trong trí nhớ của ông có mái làm bằng tranh, tre, nứa, lớp cọ… nằm trong khu vườn nhà của gia đình của ông. Gia đình ông ở đây từ trước và trong thời gian diễn ra hội nghị thành lập Hội, tới nay đã trải qua 3 đời, từ ông Triệu Đình Quân là ông nội, Triệu Đình Lệ là cha ruột và nay có vợ chồng con trai là anh Triệu Đình Âu ở cùng bố mẹ. Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình người Tày này từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong thời kỳ 1947 -1950. Với Hội Những người viết báo Việt Nam thời kỳ đó, ân tình của một gia đình đã che chở, đã hiến đất để làm di tích thực sự là điều đáng trân trọng. 
 
Chúng tôi đi bộ khoảng vài km nữa để tìm đến nhà ông Trần Văn Kiến. Ông là con rể của ông Triệu Đình Quân. Câu chuyện xung quanh ngày thành lập vẫn đầy xúc động với những người được nghe kể lại. Ông chia sẻ: "Năm đó tôi mới 11 tuổi, tôi không biết cụ thể về câu chuyện thành lập Hội, chỉ thấy rất đông người trong ngôi nhà mái lá, có ánh điện sáng, máy móc… Ngày đó tò mò nên đến để xem, chứ quả thực chưa hiểu hết ý nghĩa quan trọng của việc thành lập Hội. Sau này, tôi được nghe bố vợ tôi kể lại rằng, các nhà báo như ông Xuân Thủy, Hoàng Tùng đã từng ở nhà bố vợ tôi. Hồi các bác ấy tổ chức Đại hội tại Hội trường cơ quan mặt trận, chính mẹ vợ và vợ tôi đã từng bắt vịt, gà, hái rau để liên hoan mừng…Gia đình tôi từ người già, người trẻ đều được bố mẹ kể lại câu chuyện đó như để giáo dục, nhắc nhở chúng tôi gìn giữ và bảo tồn di tích quan trọng này".
 
Tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh những người vừa gặp và những ân tình của họ. Trong suốt nhiều năm qua, khu di tích Địa điểm Thành lập Hội Nhà báo vẫn nằm gọn ghẽ, bình yên trong khu vực dân cư này. Và trải qua 64 năm, từ gần 200 nhà báo hoạt động tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cho đến 300 hội viên sau khi thành lập Hội tại Điềm Mặc, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có gần 20.000 hội viên - nhà báo công tác tại hơn 800 cơ quan báo chí khắp cả nước.
 
Mỗi năm, cứ mỗi dịp tháng Tư về, những người làm báo cách mạng Việt Nam lại nhớ về mảnh đất đã là nơi ra đời ngôi nhà chung của báo giới Việt Nam. Cội nguồn, truyền thống năm xưa thực sự là hành trang vô giá với người làm báo hôm nay trên hành trình làm nghề nhiều thách thức và gian nan, vì nền báo chí nước nhà ngày càng đổi mới, năng động và bền vững.
 
Hà Vân

Tin khác

Công trình tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy xuống cấp: Cần sớm được đầu tư tu sửa

Công trình tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy xuống cấp: Cần sớm được đầu tư tu sửa

(NB&CL) Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thủy (xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2008 với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp, khuôn viên nhếch nhác, cần sớm được đầu tư, nâng cấp.

Điều tra
Bắc Ninh: Công ty Đông Đô “khổ sở” kêu cứu vì bị… chồng lấn quy hoạch?

Bắc Ninh: Công ty Đông Đô “khổ sở” kêu cứu vì bị… chồng lấn quy hoạch?

(NB&CL) Hơn 6 ha đất đang làm Trung tâm sát hạch và dạy nghề lái xe ô tô được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép theo quy định pháp luật. Nhưng hiện nay, quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình, huyện Lương Tài đã chồng lên phần diện tích mà Công ty TNHH Kỹ Thương Đông Đô đang sử dụng, khiến doanh nghiệp “kêu cứu”.

Điều tra
Quán cà phê “mọc” giữa ruộng: Vì sao UBND xã Chư Đang Ya xin cơ chế đặc thù?

Quán cà phê “mọc” giữa ruộng: Vì sao UBND xã Chư Đang Ya xin cơ chế đặc thù?

(CLO) Lãnh đạo UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai vừa cho biết: Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xem xét, tham mưu hình thức xử lý liên quan đến quán cà phê “mọc” giữa ruộng như báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh.

Điều tra
Yêu cầu Trường Cao đẳng Y - Dược cộng đồng báo cáo việc thành lập 'Viện Đào tạo làm đẹp'

Yêu cầu Trường Cao đẳng Y - Dược cộng đồng báo cáo việc thành lập "Viện Đào tạo làm đẹp"

(CLO) Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có công văn yêu cầu Trường Cao đẳng Y - Dược cộng đồng báo cáo về việc thành lập, hoạt động của các viện trực thuộc sau thông tin phản ánh của báo Nhà báo và Công luận.

Điều tra
Những nhà thầu 'quen mặt' tại các gói thầu của Sở GTVT Cao Bằng

Những nhà thầu "quen mặt" tại các gói thầu của Sở GTVT Cao Bằng

(CLO) Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Cao Bằng, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Thành Long là hai nhà thầu "quen mặt" thường xuyên trúng các gói thầu tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng, với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách chỉ là "con số tượng trưng".

Điều tra