Đặc sắc lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun

Thứ ba, 12/07/2022 18:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Lễ mừng cơm mới là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống của người Xinh Mun, qua đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp giúp gia đình, dòng họ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Nghi lễ gắn với đời sống nông nghiệp

Dân tộc Xinh Mun (hay còn gọi là người Puộc, người Pụa), là một dân tộc ít người, cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Lào và ven sông Mã thuộc hai tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Trong đời sống người Xinh Mun quan niệm “vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn). Đồng bào tin rằng kết quả sản xuất do quyết định của hồn lúa và thần nương, thần nước. Do vậy, người Xinh Mun thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp cầu mong các thế lực siêu nhiên phù hộ cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu, trong đó, lễ mừng cơm mới (trả pa me) là nghi lễ quan trọng nhất.

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 1

Chủ gia đình người Xinh Mun thực hiện lễ cúng mừng cơm mới. Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 2

Mâm cúng trong lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun. Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 3

Bà chủ nhà cúng tổ tiên bên ngoại ở “iêng họ”. Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Lễ mừng cơm mới được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm, thời gian cụ thể tùy thuộc vào sự lựa chọn của các gia đình.

Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ tổ tiên (gian đầu tiên ở ngay lối cầu thang chính). Người Xinh Mun không dựng bàn thờ riêng, chỉ đặt một tấm phên nhỏ hình chữ nhật buộc vào một gậy tre dài khoảng 1,5m-2m cắm ở giữa gian thờ. Trong lễ cúng cơm mới hàng năm, người nam giới chủ nhà sẽ quét dọn và thay mới phên thờ này.

Trước khi diễn ra lễ mừng cơm mới, chủ nhà mang lễ vật đến nhờ thầy mo hoặc người có uy tín trong bản chọn ngày đẹp để làm lễ. Mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật, lương thực, thực phẩm để dâng cúng Thần linh, tổ tiên và mời anh em trong dòng họ, những người bà con thân thiết trong bản tới chia vui.

Lễ vật đều liên quan đến nương rẫy hoặc món ăn truyền thống cổ xưa của tổ tiên người Xinh Mun, gồm lúa mới, sâu măng, bọ măng, dế, cá, rau củ, quả dưa, quả bí tự trồng được trên nương, măng lấy trên rừng. Trước đây, lễ vật phải có con dúi, nhưng nay, để bảo vệ rừng, người Xinh Mun đã thay đổi quan niệm phải có thịt thú rừng. Ngày nay, còn có thêm thịt lợn, thịt gà làm lễ vật.

Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị những thứ để phục vụ cho việc làm lễ, như ống tre, chai đựng nước gọi là bong hót; phên thờ (Ta lé sun yếng); chum rượu cần hoặc rượu đựng trong chai.

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 4

Phụ nữ Xinh Mun lên nương hái lúa về làm lễ mừng cơm mới. Ảnh. TL

Lễ Mừng cơm mới do chủ gia đình (chọm yệng) thực hiện nghi lễ, trong đó ông chủ nhà sẽ cúng tổ tiên bên nội ở gian thờ trong nhà; bà chủ nhà sẽ cúng tổ tiên bên ngoại ở nhà nhỏ được dựng bằng tre, được gọi là “iêng họ”.

Theo tập tục của người Xinh Mun, “iêng họ” được dựng khi người con gái về nhà chồng, có bố mẹ đẻ mất thì con gái sẽ lập nhà nhỏ ở ngoài vườn để thờ cúng.

Nghi thức truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn

Người Xinh Mun không lập bát hương, không sử dụng hương mà chỉ khấn mời như một cuộc trò chuyện của chủ nhà với người đã mất, chỉ làm cúng vào dịp Lễ mừng cơm mới.

Ngày làm lễ, thường bà chủ gia đình hoặc những người phụ nữ trong nhà lên nương hái lúa về làm lý từ sáng sớm. Họ chọn nương lúa đẹp nhất, năng suất nhất để cắt những bông lúa đầu tiên của mùa gặt, với ý niệm đi đón hồn lúa về dự lễ.

Tới nhà, họ đi cầu thang bên phải (phía lên bếp) đưa nắm bông lúa cho chủ nhà, tránh không cầm lúa đi qua cầu thang bên trái, nơi có gian thờ tổ tiên. Lúa mới chỉ được mang vào nhà khi chính thức thay mới bàn thờ, bày mâm cúng mời tổ tiên về ăn cơm mới.

Theo truyền thống, trước khi vào nghi lễ cúng chính thức chủ nhà khấn báo cáo xin phép tổ tiên cho gia đình làm lễ. Sau đó chủ nhà sẽ cầm bó chổi được làm từ những cành tre, trúc nhỏ đem xua mạng nhện bám trên tường và xung quanh gian thờ, vừa mang ý nghĩa dọn dẹp, vừa để xua đi cái cũ, những điều không may mắn, đón những điều mới mẻ, thuận lợi hơn cho gia đình.

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 5

Trang phục phụ nữ dân tộc Xinh Mun. Ảnh: TL

Quét dọn xong, chủ nhà thay mới bàn thờ, mang ống nước bằng tre dựng ở góc gian thờ, buộc nắm bông lúa vào phên thờ. Vừa thay mới bàn thờ, ông chủ nhà vừa khấn tổ tiên xin được thay mới và mời tổ tiên về nhận lễ vật, cầu mong mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt. Bên ngoài và khu vực gian bếp, các thành viên khác trong gia đình chuẩn bị thực phẩm, lễ vật, chế biến thức ăn để chiều bày cơm cúng tổ tiên.

Buổi chiều, gia đình làm lễ cúng tổ tiên, thực hiện tại nhà trước. Mâm cúng bày lễ vật là rau, củ, quả trên nương, cá hấp hay nướng, sâu măng, dế mèn rang, thịt lợn, thịt gà, măng, cơm tẻ và cơm nếp; chén, thìa, đũa để quanh mâm. Ông chủ nhà cầm hai chai rượu vào ngồi trước mâm, cúng mời tổ tiên về chứng kiến các món ăn, rửa tay và ăn cơm mới, năm tới phù hộ cho con cháu trong gia đình khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn, dụng cụ lao động sản xuất luôn được việc, mùa màng tốt tươi, kinh tế phát triển.

Chủ nhà khấn mời tổ tiên ăn cơm mới xong, nắm một chút xôi ném ra sàn nhà và véo một chút xôi dán lên giữa cửa chính để mong muốn sang năm mới, mùa vụ mới gia đình sẽ có của cải, thóc lúa đầy nhà, ra đến tận cửa. Tiếp đó, ông lấy một ít lá chuối cho tất cả những viên thức ăn để ở mâm cúng cùng dế mèn, măng, rau củ quả trên mâm, mỗi thứ một ít, gói lại rồi buộc vào phên thờ - sát cạnh bó lúa mới.

Kết thúc nghi lễ trong nhà, bà chủ nhà sẽ thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên bên ngoại ở lán thờ ngoài vườn. Mâm cúng tổ tiên bên ngoại gồm 4 đôi đũa đặt ở 4 góc mâm (chỉ cúng ông, bà, bố, mẹ bên vợ), 2 miếng dưa, đĩa măng, thịt, nắm cơm cốm, nắm cơm nếp, rau củ quả trồng trên nương.

Bà chủ ngồi trước ban thờ khấn mời tổ tiên về ăn cơm mới, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, may mắn, mùa màng bội thu. Bà chủ cũng mời tổ tiên ăn từng món, mời món nào thì lấy một ít ra đặt xuống mâm. Cuối cùng, bà chủ lấy lá chuối gói thức ăn mời tổ tiên buộc lên mái nhà “iêng hó” và đem mâm thức ăn vừa cúng vào nhà cho con cháu ăn.

dac sac le mung com moi cua nguoi xinh mun hinh 6

Đan lát là một nghề truyền thống của người Xinh Mun. Ảnh: TL

Sau nghi lễ, gia đình và khách mời cùng sum vầy bên mâm cơm, uống rượu, gửi tới nhau những lời chúc mừng tốt đẹp. Kết thúc lễ Mừng cơm mới cũng là kết thúc một năm cũ, khép lại một chu trình lao động sản xuất và mở ra một năm mới, mùa vụ mới với nhiều điều ước mới của người Xinh Mun, hướng về những điều tốt đẹp, thuận lợi và may mắn.

Lễ mừng cơm mới được xem như Tết truyền thống của đồng bào Xinh Mun, vì đây là nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc mọi việc trong năm, chu trình của mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt bắt đầu diễn ra từ Lễ mừng cơm mới của năm trước đến Lễ mừng cơm mới của năm sau.

Với giá trị tiêu biểu, mới đây, lễ Mừng cơm mới của người Xinh Mun được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Hải Phòng: Trưng bày 18 Bảo vật quốc gia nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024

Hải Phòng: Trưng bày 18 Bảo vật quốc gia nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024

(CLO) Sáng nay (11/5), Sở Văn hóa và Thể thao giao Bảo tàng Hải Phòng phối hợp nhà sưu tập An Biên trưng bày “Bảo vật quốc gia - Sưu tập An Biên” tại Bảo tàng Hải Phòng. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khô Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024.

Đời sống văn hóa
30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

(CLO) 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trên cả nước sẽ có 7 ngày để thực tế, sáng tác tại nhiều di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

(CLO) Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện ẩm thực, thể thao, diễu hành, ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật…

Đời sống văn hóa
Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

(CLO) Chiều 10/5, UBND Thành phố Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức buổi lễ phát động Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Sự kiện diễn ra nhằm tìm kiếm những ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo và khai thác quỹ đất thành phố hiệu quả.

Đời sống văn hóa
Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

(CLO) Đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Đời sống văn hóa