Đặc sắc Tết ‘Khù Sự Chà’ của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ hai, 31/01/2022 13:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tết “Khù Sự Chà” là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm và cũng là tết cổ truyền có không gian văn hóa đặc sắc nhất của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc.

Chuẩn bị tốt nhất cho ngày lễ

Huyện Mường Nhé - mảnh đất vùng biên viễn, nơi cực Tây tổ quốc - là địa bàn cư trú, cùng sinh sống nhiều đời nay của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Si La, Cống… với nhiều nét văn hóa đặc sắc, được giữ gìn, bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Trong đó, đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống tập trung chủ yếu tại 4 xã vùng giáp biên với các nước Lào, Trung Quốc, gồm các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn.

dac sac tet khu su cha cua nguoi ha nhi noi cuc tay to quoc hinh 1

Phụ nữ Hà Nhì mặc trang phục truyền thống trong ngày Tết “Khù Sự Chà”

Dân tộc Hà Nhì có nhiều phong tục, lễ hội mang đậm nét văn hóa cổ truyền độc đáo, được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong đó, Tết “Khù Sự Chà” (hay Hồ Sự Chà) là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm.

Trước đây, người Hà Nhì ăn Tết cổ truyền trong 5 ngày, còn hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn. Tết “Khù Sự Chà” của người Hà Nhì thường không có ngày tổ chức cố định theo lịch mà được quyết định bởi những bậc chức sắc, những dòng họ lớn nơi vùng đất cực Tây xa xôi này.

Thông thường Tết “Khù Sự Chà” được tổ chức vào trung tuần tháng 12 dương lịch. Đó là thời điểm người Hà Nhì cho rằng có thể nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài, vất vả. Cũng như quan niệm của rất nhiều dân tộc khác ở vùng cao phía Bắc, người Hà Nhì quan niệm Tết là ngày no đủ, quãng thời gian thụ hưởng thành quả lao động. Bởi vậy, từ trước Tết mọi người đã sửa sang nhà cửa, chuẩn bị gạo, rượu, đồ ăn một cách chu đáo nhất. Đặc biệt, lợn phải được chuẩn bị nuôi từ đầu năm để Tết đến thì mổ.

Trong ngày đầu tiên của Tết, từ lúc sáng sớm, các gia đình làm bánh trôi (Chà lẹ) để cúng mời tổ tiên, vừa thông báo với tổ tiên về việc năm hết Tết đến vừa là món ăn lót dạ cho tổ tiên khi về ăn Tết cùng con cháu.

dac sac tet khu su cha cua nguoi ha nhi noi cuc tay to quoc hinh 2

Làm bánh trôi cúng tổ tiên ngày đầu của Tết Hà Nhì

Bánh trôi của người Hà Nhì được làm từ bột nếp nương, rất dẻo và thơm. Bột nếp được chuẩn bị cẩn thận, được nhào nước, nặn thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước nóng đun đến khi bánh nổi lên là chín. Chủ nhà sẽ nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, đem nấu chín, vớt ra một tấm lá chuối tươi, rắc thêm một chút bột vừng rang chín, đặt lên mâm rồi đưa vào gian thờ cúng gia tiên để chủ nhà làm lễ cúng. Người Hà Nhì quan niệm rằng, tổ tiên là các đấng bề trên đáng kính, bánh dâng cúng phải to hơn bánh thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu.

Độc đáo lễ thức bói gan lợn

Sau khi kết thúc bữa ăn sáng với món bánh trôi, các gia đình sẽ tiến hành mổ lợn để lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện các nghi thức cúng lễ và tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình, chế biến thành các món ăn tiếp đãi khách trong những ngày Tết.

Theo phong tục của người Hà Nhì, lợn để ăn Tết chỉ được mổ trong ngày đầu tiên là ngày thìn hoặc ngày thứ ba của Tết. Người Hà Nhì quan niệm, ngày đầu tiên ăn Tết là ngày Thìn, ngày thứ hai là ngày Tỵ - xung khắc với Hợi (Lợn), nếu mổ lợn vào ngày xung khắc, sau này chăn nuôi sẽ không thuận.

Trước khi mổ lợn, người Hà Nhì sẽ thực hiện một nghi thức, gọi là “làm lý”. Chủ nhà chuẩn bị sẵn một bát gạo, một bát muối, nước và rượu. Sau khi vảy mỗi thứ một chút vào con lợn, chủ nhà sẽ khấn với ngụ ý rằng vật nuôi sẽ hay ăn, chóng lớn bằng hai, bằng ba năm trước…

Việc mổ lợn có trình tự, cách thức rất riêng, từ vị trí mổ, các bộ phận mổ trước, mổ sau trên cơ thể lợn được gia chủ và các thành viên trong gia đình thực hiện bài bản theo quy định.

Trong Tết “Khù Sự Chà”, người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua làm ăn tốt, mùa màng bội thu.

Bởi thế, những con lợn mổ ngày Tết thường đã được nuôi từ 1 - 2 năm. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo. Nhà có điều kiện thì mổ lợn từ 60 - 100kg, thậm chí có thể 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg.

dac sac tet khu su cha cua nguoi ha nhi noi cuc tay to quoc hinh 3

Các gia đình người Hà Nhì thường chuẩn bị một con lợn to để ăn Tết. Ảnh: Đài PT-TH Điện Biên

Khi mổ lợn xong, chủ nhà sẽ cắt mỗi bộ phận một ít đem đi chế biến rồi sắp đặt lên mâm cỗ với các lễ vật khác để cúng bái tổ tiên. Trong những lễ vật trên mâm cúng không thể thiếu món cháo gạo nấu cùng các loại thịt trên các bộ phận của con lợn đã mổ trước đó với tỷ lệ hợp lý.

Điều độc đáo là trong ngày Tết “Khù Sự Chà” là tục bói gan, mật lợn. Khi mổ lợn, bộ phận gan, mật của lợn được lấy ra trước tiên, rửa bằng nước sạch, bỏ trên chiếc đĩa to, tròn và đặt ở nơi trang trọng. Khi việc mổ lợn kết thúc, gia chủ sẽ tiến hành lễ thức bói gan, mật lợn.

Người thực hiện công việc này là chủ nhà, có vai trò trụ cột trong gia đình, có tầm ảnh hưởng trong gia đình, dòng họ, bản làng. Nếu gan lợn lành lặn, sắc màu tươi, mật lợn căng đầy thì đó là điều viên mãn, tốt đẹp, hứa hẹn sang năm mới kinh tế, mùa màng, chăn nuôi của gia đình gặp thuận lợi, gia đình, dòng họ luôn thuận hòa, đoàn kết.

Sau lễ cúng, các gia đình sắp mâm cỗ mời mọi người cùng nâng ly chúc mừng năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Trong mâm rượu luôn vang lên những lời chúc mừng “chú mừ chú xá, à kha pi pô” - chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.

Tết nhộn nhịp mà không xô bồ

Sáng sớm ngày thứ hai của Tết “Khù Sự Chà”, hoạt động giã bánh dày ("gạ bạ") tại từng gia đình lại tiếp tục diễn ra. Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất kỹ từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái...

dac sac tet khu su cha cua nguoi ha nhi noi cuc tay to quoc hinh 4

Phụ nữ Hà Nhì làm bánh dày ăn Tết “Khù Sự Chà”

Khoảng 5 giờ sáng, khi màn đêm còn chưa tan, đã nghe thấy tiếng giã bánh dày thậm thịch đánh thức bình minh. Tết cổ truyền của người Hà Nhì chẳng thể thiếu bánh dày. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng rang thơm nức, giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà.

Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà sẽ nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Sau nghi thức cúng, mọi người lại tiếp tục đi thăm hỏi, chúc Tết nhau trong niềm vui ấm áp, giao hòa tình thân và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như bập bênh, chơi đu, ném còn...

Trong ngày Tết của người Hà Nhì, mọi người cùng chúc nhau năm mới khỏe mạnh, có nhiều ngô lúa, nuôi được lợn béo… Khách đến nhà, chủ nhà đón tiếp niềm nở, bày mâm cỗ đủ đầy đón khách. Người Hà Nhì sống cởi mở dễ gần và rất coi trọng tình cảm, vì vậy vào những ngày tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong họ, trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái…

Vào ngày thứ 3, kết thúc Tết, các gia đình làm một mâm lễ cúng trời đất để cảm ơn đã ban sức khỏe, phù hộ cho dân bản bình an và cầu mong năm mới mùa màng bội thu, vật nuôi đầy đàn, bản làng yên vui. Tuy nhiên, không khí vui tươi của ngày Tết vẫn không hề giảm, những canh hát trao duyên còn dở dang, những điệu múa và các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chơi truyền thống vẫn tiếp diễn. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người chở về nhà nghỉ ngơi và không quên hẹn hò đến Tết sau lại cùng vui hát múa.

dac sac tet khu su cha cua nguoi ha nhi noi cuc tay to quoc hinh 5

Tết “Khù Sự Chà” đã trở thành ngày hội văn hoá không chỉ của đồng bào Hà Nhì

Tết của người Hà Nhì diễn ra thật nhẹ nhàng đầm ấm, nhộn nhịp mà không xô bồ, ở đó những nét đẹp truyền thống được biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị nơi miền sơn cước.

Với nhiều lễ thức, độc đáo, mang bản sắc văn hóa, tập quán sinh hoạt truyền thống còn gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên, những năm gần đây, cứ mỗi dịp đến Tết “Khù Sự Chà”, du khách lại mong muốn được đặt chân đến Sín Thầu, Chung Chải… để hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì nơi biên cương Tổ quốc.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống 2024

Tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống 2024

(CLO) Lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng tại các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay.

Đời sống văn hóa
Hướng đến xây dựng du lịch Ninh Bình không khói thuốc lá

Hướng đến xây dựng du lịch Ninh Bình không khói thuốc lá

(CLO) Tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc, trong đó hướng tới thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc tại các khách sạn, nhà hàng, góp phần tạo nên môi trường du lịch xanh - sạch - không khói thuốc, thân thiện với du khách.

Đời sống văn hóa
Nhiều hoạt động thú vị tại Festival Huế 2024

Nhiều hoạt động thú vị tại Festival Huế 2024

(CLO) Chiều 9/5/2024, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Thừa- Thiên Huế tổ chức Họp báo quốc tế Giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (từ ngày 7 – 12/6/2024).

Đời sống văn hóa
Đồng Xâm (Thái Bình): Nơi tinh hoa làng nghề chạm bạc thủ công nổi tiếng vùng ven biển

Đồng Xâm (Thái Bình): Nơi tinh hoa làng nghề chạm bạc thủ công nổi tiếng vùng ven biển

(CLO) Đã thành thông lệ, từ 1 đến ngày 3 tháng Tư Âm lịch hàng năm, người dân làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) lại vui tươi, nhộn nhịp tham gia lễ hội truyền thống. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân làng chạm bạc nức tiếng vùng Biển trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho người dân và du khách quốc tế thưởng lãm.

Đời sống văn hóa
Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Làm sao “bảo tồn” được những giá trị lịch sử - văn hóa?

Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Làm sao “bảo tồn” được những giá trị lịch sử - văn hóa?

(NB&CL) Theo dự kiến, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã. Điều này mang theo nhiều thay đổi, xáo trộn trong đời sống xã hội; trong đó có việc đặt tên gọi mới cho các làng, xã sau sáp nhập.

Đời sống văn hóa