Đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng khi giao đất đặc khu tới 99 năm

Thứ tư, 23/05/2018 15:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu).

Báo Công luận
 Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tranh luận

Phát biểu tranh luận tại Hội trường về dự án Luật Đặc khu, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc giao đất đặc khu tới 99 năm cần phải hết sức thận trọng. Đại biểu bày tỏ hoan nghênh dự thảo Luật đã thu hẹp quy định này và giao quyền quyết định cho Thủ tướng.

"Chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta sống đương đại có thể đại diện cho những thế hệ sống 100 năm nữa không?", đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nói đến đặc khu đừng bỏ qua hai yếu tố, thứ nhất là thử nghiệm, thử nghiệm có thể thành công và có thể thất bại cho nên không thể phiêu lưu được.

Thứ hai là địa chính trị, đặc biệt là Vân Đồn, với tất cả các yếu tố, nếu không cẩn thận có thể sẽ là nơi di dân. Theo đại biểu, nhà đầu tư trong thời đại công nghệ cao 4.0 không cần thời gian thuê đất 99 năm mà chỉ nhà đầu tư bất động sản cần đến điều này.

“Mấy hôm nay trên đài truyền hình giới thiệu về cái dự án này, với con số dự kiến thu được bao nhiêu thuế từ đất, thu nhập bình quân đầu người... Đây là con số dự kiến thôi, nó là nguồn lực lớn của chúng ta nhưng lại rất nhỏ so với thế giới, chúng ta đã theo dõi trên thế giới, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua cảng, mua cả một vùng đất…

Cho nên tôi nhắc lại là thuê đất 99 năm chúng ta cần hết sức thận trọng. Tôi đề nghị, khi lấy biểu quyết, nên có nghị quyết riêng, ai đồng ý với 99 năm. Chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với chính cử tri của mình", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng đề nghị bỏ điều khoản thời hạn giao đất 99 năm. Bởi không có vòng đời dự án đầu tư nào cần đến thời hạn như vậy. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất.

Theo đại biểu, Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam 200 hải lý, vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo luật biên giới, luật biển và tài nguyên nước. Thời hạn giao đất 99 năm ngang với 3 - 4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa và chỉ những đất nước nghèo đói hoang sơ mới cần tới để thu hút nhà đầu tư.

Đại biểu cũng nêu câu hỏi, có cần phải cho phép đến 3 casino tại 3 đặc khu không nếu mục đích của casino chỉ phục vụ cho việc cờ bạc của người nước ngoài. Và liệu chúng ta có thể quản lý được những hệ lụy của loại hình giải trí này không?

Theo đại biểu, một nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, luật pháp rất nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012 sau hàng chục năm cấm đoán vậy mà hiện nay vẫn phát sinh nhiều hệ lụy xã hội.

"Chưa có casino mà chúng ta đã phải chịu tổn thất nặng về cán bộ và về kinh tế rồi. Tôi đề nghị chỉ cho mở 1 casino và phải cân nhắc thật kỹ".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, dự luật hiện dành ưu đãi khá dễ dãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó cần có tiêu chí rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao chứ không phải thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casino. Về lộ trình thành lập các đặc khu không nên triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm sau đó mới làm tiếp.

“Lò” đã nóng lắm rồi và chúng ta không ai muốn tiếp tục có thêm nhiều “củi” sau khi 3 đặc khu ra đời”. Chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu. Tôi đề nghị thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với cho ý kiến về đề án thành lập 3 đặc khu, như thế cử tri sẽ yên tâm hơn", đại biểu đề xuất.

Thế Vũ

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm sâu sắc hơn các giải pháp phát triển của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Làm sâu sắc hơn các giải pháp phát triển của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần làm sâu sắc hơn các giải pháp phát triển của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Cần ưu tiên, lưu ý những nhóm giải pháp nào; đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, các cơ chế, chính sách đặc thù cần sớm thí điểm triển khai; khai thông và tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển vùng.

Tin tức
Thủ tướng lập Tổ công tác đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng lập Tổ công tác đôn đốc tiến độ triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải quyết định phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức
Đến 2030, quy mô kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng

Đến 2030, quy mô kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng

(CLO) Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu trong kỳ quy hoạch đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5 - 9,0%/năm; quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành).

Tin tức
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được chọn xây dựng các trung tâm dịch vụ lớn

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được chọn xây dựng các trung tâm dịch vụ lớn

(CLO) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, Quy hoạch xác định hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tin tức
Thực hiện cải cách tiền lương: Bảo đảm lương khởi điểm của công chức sẽ trên 5 triệu đồng

Thực hiện cải cách tiền lương: Bảo đảm lương khởi điểm của công chức sẽ trên 5 triệu đồng

(CLO) Theo ông Vũ Minh Đăng, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, việc thực hiện cải cách tiền lương đảm bảo cán bộ, công chức có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng. Con số này sẽ phải xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Tin tức