Báo chí trong đại dịch - Linh hoạt thích ứng, đối mặt gian nan

Đại tá, nhà văn Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân: Càng khó khăn càng phải đồng lòng

Thứ bảy, 01/01/2022 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề “báo chí trong đại dịch” với Đại tá, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân (CAND), tôi từng không ít băn khoăn bởi tôi cho rằng, tờ báo còn nhiều áp lực bộn bề… không chỉ bởi đại dịch.

Nhưng câu chuyện bắt đầu bằng tin rất vui. Tổng Biên tập Phạm Khải chia sẻ: Báo CAND vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, với thành tích khen thưởng đột xuất.

Bài liên quan

+ Dù vậy, tôi vẫn xin được hỏi, trong bối cảnh khó khăn chung, điều lo ngại của ông lúc này là gì, thưa Tổng Biên tập Phạm Khải?

- Hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đồng nghĩa với việc lực lượng phóng viên phải liên tục tác nghiệp trong vòng xoáy cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh. Thậm chí có giai đoạn, yêu cầu “ai ở đâu ở yên đấy”, “ở yên tại chỗ là yêu nước” thì phóng viên không thể ngồi yên tại chỗ mà phải đến thực địa, những “điểm nóng”, thậm chí phải vào các bệnh viện, gặp gỡ đội ngũ y, bác sĩ, gặp gỡ bệnh nhân đang đối mặt với “cửa tử” để truyền tải thông tin tới công chúng cả nước.

dai ta nha van pham khai  tong bien tap bao cong an nhan dan cang kho khan cang phai dong long hinh 1

Lực lượng báo chí trong Công an lại là trường hợp đặc biệt và vất vả hơn nữa. Có 4 lực lượng gọi là “tuyến đầu chống dịch” được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đó là lực lượng y tế, công an, quân đội và truyền thông. Phóng viên Báo CAND nằm trong số 2/4 lực lượng nói trên, vừa là Công an vừa là truyền thông. Để đảm bảo hoạt động thường nhật của một cơ quan báo chí có rất nhiều ấn phẩm trong điều kiện giãn cách xã hội đã là khó khăn rồi, lại trong trường hợp phải đảm bảo sự an toàn gần như tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ khi tác nghiệp thì nói thực, áp lực với người lãnh đạo, chỉ huy là rất lớn.

 Thực tế, cách đây hơn năm, tại Báo CAND từng xảy trường hợp một lái xe bị nhiễm COVID-19 khi chở đoàn của Báo đi trao quà cho các đối tượng chính sách nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Đà Nẵng. Cả Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và một số lãnh đạo phòng, ban của Báo trở thành diện F1, F2. Mặc dù ngay lập tức chúng tôi đã tổ chức cho mọi người (thuộc diện liên quan và rộng hơn nữa) đi xét nghiệm PCR và tất cả kết quả cho về đều âm tính, song theo quy định phòng dịch, một số cán bộ chủ chốt của Báo, trong đó có tôi và đồng chí Trưởng Ban Thư ký tòa soạn đã nghiêm túc thực hiện việc đi cách ly tập trung.

Tôi và các cộng sự đã phải xử lý tất tật công việc tại Bệnh viện của Công an TP Hà Nội. Lúc ấy, có tờ báo đưa tin như thể trụ sở Báo CAND sắp bị phong tỏa đến nơi, tạo áp lực rất lớn tới tâm lý của cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên của Báo. Đã có ý kiến đề nghị Báo nên xin lãnh đạo Bộ cho tạm dừng xuất bản một thời gian. Thời điểm ấy, cũng đã có đơn vị báo chí bên ngoài phải dừng ra báo vì có phóng viên là F0.

Tôi không đồng ý với đề nghị này. Tôi nhận thức, việc tờ báo chủ chốt của Lực lượng Công an - lực lượng xung kích trên mặt trận nóng bỏng đảm bảo an ninh trật tự và cũng là trên “tuyến đầu” chống dịch - phải tạm dừng xuất bản là cả một vấn đề. Tôi quyết định vẫn duy trì xuất bản báo như thường. Chỉ khác là tôi cho tổ chức lại quy trình làm việc sao cho đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch, vừa bảo toàn được lực lượng vừa không gây tâm lý hoang mang trong anh chị em. Song song với đó, tôi đặc biệt quan tâm, dành chế độ ưu đãi tốt nhất có thể cho những phóng viên trực tiếp tác nghiệp ở vùng tâm dịch.

Có lẽ Báo CAND là một trong những đơn vị báo chí đầu tiên, khi ngay từ tháng 4/2020 đã tổ chức Lễ trao quà, động viên các phóng viên của Báo tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Phần thưởng là số tiền do lãnh đạo Báo và một số đồng chí tướng lĩnh của lực lượng Công an cùng các nhà hảo tâm ủng hộ. Tuy phần thưởng chỉ là dăm, ba triệu mỗi suất, song vì được trao đúng người, đúng việc, đúng lúc đã có tác dụng động viên tinh thần rất tốt. Với tôi, để vượt lên những hoàn cảnh khó khăn, điều quan trọng nhất đối với người đứng đầu đơn vị là phải bản lĩnh, quyết đoán.

+ Nhưng có những quyết đoán trong bối cảnh hiện nay thực chẳng dễ khi mà nhiều sức ép đến với các cơ quan báo chí, từ chuyện linh hoạt điều hành tác nghiệp trong dịch bệnh đến câu chuyện kinh tế báo chí, thưa Tổng biên tập?

- Đúng vậy. Một ảnh hưởng rõ nhất của dịch bệnh đối với các cơ quan báo chí chính là đời sống kinh tế của báo chí. Thứ nhất là công tác phát hành báo. Khi các địa bàn trọng yếu, thu hút lượng người đọc cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội thì việc bán báo ở sạp gần như tê liệt. Với một đơn vị có lượng báo in bán ra thị trường đáng kể như Báo CAND, điều này khá ảnh hưởng. Mà không chỉ mỗi Báo CAND thôi đâu, các báo khác cũng không thể bán ở sạp. Và tôi ngờ rằng, khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” thì thói quen đọc báo giấy cũng sẽ khác, và việc phát hành báo giấy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Điều thứ hai là dịch bệnh COVID-19 đã làm các cơ quan báo chí bị sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu từ các hợp đồng truyền thông - quảng cáo. Điều này hoàn toàn dễ hiểu: khi việc giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu thì đương nhiên họ cũng sẽ phải cắt giảm các chi phí dành cho mảng truyền thông - quảng cáo.

dai ta nha van pham khai  tong bien tap bao cong an nhan dan cang kho khan cang phai dong long hinh 2

Đại tá, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) cùng nhà tài trợ gắn biển công trình cầu dân sinh Bình Nguyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ngày 20/12/2020).

+ Vậy Báo CAND đã có sự ứng phó như thế nào khi chịu nhiều sức ép từ bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

- Báo CAND là đơn vị báo chí có bề dày truyền thống nên trong chừng mực nào đó, số đối tác, doanh nghiệp tiết giảm các hợp đồng truyền thông - quảng cáo với Báo không lớn. Hơn thế, năm nay chúng tôi cũng “mở mang”, thu hút thêm nhiều đối tác mới nhằm mở rộng thị phần, nhờ thế doanh thu ở mặt này vẫn duy trì ổn định, thậm chí có phần còn khởi sắc hơn năm trước. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, mạnh tay cắt giảm những khoản chi không cần thiết, những đầu tư không hiệu quả.

Như các cụ vẫn nói “khéo làm thì no, khéo co thì ấm”, năm nay, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng  vậy song đời sống của cán bộ, chiến sĩ, phóng viên vẫn ổn định (lương không giảm, nhuận bút không giảm). Tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết tuy có thấp hơn so với năm ngoái - là năm tôi bắt đầu nhậm chức - song vẫn cao hơn nhiều lần so với những năm trước đó. Quan điểm của chúng tôi là “trong có ấm thì ngoài mới êm”. Phải lo cho anh em trong nhà trước đã rồi mới lo đối đãi bên ngoài. Và về tài chính, mọi sự phải thực sự công khai, minh bạch.

Như vào ngày 19 tháng 8 vừa rồi (là ngày truyền thống CAND), tôi có Thư ngỏ gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên trong đơn vị. Trong Thư, tôi nêu tình hình thực tế khó khăn đối với các cơ quan báo chí nói chung, Báo CAND nói riêng; tôi so sánh, phân tích từng khía cạnh một: năm trước thế nào, năm nay ra sao...Trong Thư, tôi cũng nhận trách nhiệm của mình, của người đứng đầu đơn vị, hứa sẽ cùng tập thể Ban Biên tập nỗ lực hơn nữa, sâu sát hơn nữa nhằm góp phần cải thiện tình hình, tiếp tục giữ vững sự ổn định về đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên trong đơn vị. Tôi cũng kêu gọi anh chị em “đã chia sẻ bằng tình cảm xin được tiếp tục chia sẻ bằng những hành động, việc làm cụ thể”, trong đó có việc nâng cao chất lượng bài vở, đẩy mạnh hợp tác truyền thông. Đi kèm với đó là việc thực hành tiết kiệm trong mọi khâu công tác, mọi quy trình công tác.

Cũng mới đây, ngày mùng 1 tháng 11, nhân Kỷ niệm 75 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên, vì tiền thưởng mỗi cấp bậc đều ít nhiều bị giảm so với năm trước, tôi đã quyết định áp dụng một mức thưởng thống nhất, từ Tổng Biên tập cho đến nhân viên hợp đồng đều bằng nhau. Tôi muốn mọi người cùng chia sẻ với nhau, càng khó khăn thì càng phải đồng lòng. Đoàn kết, ổn định cơ quan là bài toán đầu tiên để vượt qua những khó khăn trong thời điểm này.

+ Trân trọng cảm ơn ông! 

Sông Mây (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo