Quốc hội thông qua nghị quyết về báo cáo NCKT dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1:

Đảm bảo dự án không làm tăng nợ công, khả thi và hiệu quả cao

Thứ ba, 26/11/2019 08:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo chương trình, dự kiến ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Các đại biểu Quốc hội tìm hiểu mô hình sân bay Long Thành được trưng bày bên hành lang Quốc hội. Ảnh: vietstock.vn

Các đại biểu Quốc hội tìm hiểu mô hình sân bay Long Thành được trưng bày bên hành lang Quốc hội. Ảnh: vietstock.vn

Dư luận nhân dân rất quan tâm

Dự án xây dựng Cảng hàng không (sân bay) quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là vấn đề mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm. Bởi dự án này có quy mô sử dụng đất lên tới 5000 ha; tổng vốn đầu tư rất lớn, lên tới 16 tỷ USD, trong đó, riêng giai đoạn 1 là 4,79 tỷ USD.

Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 vừa qua (thảo luận tổ ngày 24/10 và thảo luận tại hội trường vào ngày 12/11).

Tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến những nội dung như về quy mô đầu tư của Dự án, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư và phương án huy động vốn, hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính và thời gian, tiến độ thực hiện dự án.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra.

Về tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, phương án huy động vốn còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa hoàn thiện, chưa được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá một cách toàn diện nên việc xem xét toàn bộ các nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi gặp khó khăn, do vậy Quốc hội chỉ xem xét một số nội dung chủ yếu, đủ căn cứ. Bên cạnh đó, cũng có đại biểu đề nghị xem xét toàn bộ 10 nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi và để làm được như vậy phải lùi việc xem xét, quyết định đến Kỳ họp thứ 9.

Nhiều hạng mục mới tính toán thiết kế sơ bộ

Tại Tờ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét về hình thức đầu tư và tổng mức đầu tư; Điều chỉnh diện tích sử dụng đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha; Chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ vào Dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về tổng mức đầu tư, do nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư Dự án.

Về hình thức đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề xuất, để bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về phương án huy động vốn, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để Quốc hội có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

Mặt khác, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, về hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của sân bay, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do ACV lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là ACV hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi.

Bộ trưởng khẳng định hiệu quả kinh tế của dự án

Giải trình đối với các đại biểu Quốc hội về dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, không có sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1, giai đoạn 2.

Bộ trưởng cho biết, Tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao, khi sân bay này vừa hoàn thành, lượng khách có thể đạt ngay 20 - 25 triệu khách/năm; đến năm 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm và tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm.

Về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ cố gắng rà soát, đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác. Hiện, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập về dự án.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, Bộ sẽ cập nhật, báo cáo Chính phủ, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị phải hiện đại nhất trong thời điểm đầu tư.

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD). Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4.000 m; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Chính phủ dự kiến giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) xây dựng khu bay, còn ACV xây dựng cảng và các công trình phụ trợ.

Để thực hiện dự án, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu mà ACV đã tích lũy được trước ngày 31/12/2018 là 24.268 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại khoảng 2,628 tỷ USD, ACV sẽ phải đi vay.

Thế Vũ

Tin khác

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức