90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020):

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Thứ năm, 08/10/2020 09:32 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” - những nhắc nhở ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận mà Người viết cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị trong công tác dân vận của Đảng.

Dân vận là nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Cách đây 71 năm, khi khái niệm dân vận còn là cái gì đó còn quá đỗi mới mẻ và công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc, thì ngày 15/10/1949, trên báo Sự Thật, số 120, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z) đã có bài báo tựa đề: “Dân vận”.

dan van kheo thi viec gi cung thanh cong hinh 1

Bài báo rất ngắn gọn chỉ hơn 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng. Bài báo chia thành bốn mục lớn, theo thứ tự từ I đến IV, lần lượt: I-Nước ta là nước dân chủ; II-Dân vận là gì?; III-Ai phụ trách dân vận?; IV-Dân vận phải thế nào?

Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Ở phần 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”. Chính quyền, đoàn thể các cấp đều “do dân tổ chức nên”. Vì thế, dân vận là công tác cực kì cấp thiết. Để làm đúng, phải hiểu đúng. Vì thế, trong phần II, bài báo, Người chỉ rõ: Dân vận là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu định nghĩa về Dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Trong công tác dân vận, phải làm cho dân biết, dân hiểu, học hỏi kinh nghiệm của dân, tổ chức khuyến khích, động viên nhân dân thực hiện, theo dõi và tổng kết đúc rút kinh nghiệm.

Sau khi chỉ rõ thế nào là Dân vận, trong phần IV, Người chỉ rõ: Dân vận phải thế nào? Người nêu 6 phẩm chất cần có là: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi là sự sâu sát, nắm bắt, hiểu được dân. Còn miệng nói, tay làm chính là sự nêu gương, nói đi đôi với làm chứ không phải nói suông. Có thế, dân mới tin… Sửa chữa tư tưởng “xem khinh việc dân vận”, bao biện làm thay hoặc khoán trắng việc Dân vận cho một vài người, “Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Từ những bài học đầu tiên về công tác dân vận của Người, đến nay, tròn 90 năm Đảng CSVN ra đời cũng là lúc công tác dân vận của Đảng đi trọn hành trình 90 năm. Một chính Đảng sống trọn vẹn trong lòng dân tộc, trong lòng nhân dân, được dân yêu, dân trọng, dân tin là minh chứng cho thành công của hành trình 9 thập kỷ công tác dân vận.

Buổi đầu thành lập Đảng cũng là buổi đầu Đảng thực thi công tác dân vận. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, “ba cùng” với  nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

dan van kheo thi viec gi cung thanh cong hinh 2

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16/7/1960).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh tính đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời, là thắng lợi công tác dân vận của Đảng, chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, nhưng Đảng đã tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, mang tính chất Nhân dân sâu sắc, làm tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), công tác dân vận lại một lần nữa phát huy sức mạnh. Vận động nhân dân tham gia kháng chiến trên mọi mặt trận, vừa huy động, vừa bồi dưỡng sức dân, Đảng thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, tiến hành giảm tô, giảm tức, giải quyết một phần quan trọng yêu cầu ruộng đất cho nông dân, nâng cao dân trí. Đảng thực hiện chủ trương tăng cường đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền chặt khi thống nhất tổ chức Việt Minh, Liên Việt thành Mặt trận Liên - Việt (03/3/1951). Phong trào thi đua ái quốc là hình thức tập hợp toàn dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tạo thành sức mạnh cho cuộc kháng chiến kiến quốc. Sức mạnh của công tác dân vận đã vận động toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu, lao động, sản xuất, đồng thời, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, chống địch lập tề; động viên thanh niên viết đơn xung phong ra chiến trường, hàng chục ngàn dân công đi tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, cao điểm là thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, công tác dân vận được triển khai sâu rộng, hiệu quả, từ đó góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

90 năm, thắng lợi của công cuộc kháng chiến, kiến quốc đã cho thấy “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước, Đảng ta luôn quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối với công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận, coi công tác dân vận luôn có vai trò quan trọng đối với các cơ quan nhà nước, góp phần giữ gìn, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, nhấn mạnh động lực để thúc đẩy người dân tham gia chính là quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, nguồn lực trong nhân dân.

Toàn Đảng, toàn dân tộc đang nỗ lực cho việc hiện thực khát vọng thịnh vượng, hiện thực hóa tầm nhìn 100 năm độc lập. Để làm được điều đó, hẳn không thể thiếu việc tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận để công tác dân vận có thể “đi trước một bước”, làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin, nhân dân ủng hộ, để “ý Đảng” hợp với “lòng Dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước.

Hà Anh

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức