Đề nghị kéo dài thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết năm 2023

Thứ sáu, 21/10/2022 12:17 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời

Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trước Quốc hội (ngày 21/10/2022), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020”, đề nghị của Thành phố, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời.

Nghị quyết đã tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho Thành phố, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố.

de nghi keo dai thi diem co che chinh sach dac thu phat trien tphcm den het nam 2023 hinh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.

Sau khi kinh tế TPHCM tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ: Với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A tại TPHCM được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.

Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố.

Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

de nghi keo dai thi diem co che chinh sach dac thu phat trien tphcm den het nam 2023 hinh 2

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Báo cáo Bộ Chính trị cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Tuy nhiên, ông Hồ Đức Phớc cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14. Cụ thể, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,... 

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư,... tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; với mục tiêu hàng năm huy động thêm nguồn lực 40.000 đến 50.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư phát triển của Thành phố.

Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2018-2022, mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ NSTW (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho Thành phố vay lại (11.387,3 tỷ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỷ đồng); còn các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như: cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai,...

Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn. 

Thời gian tới, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Cùng với đó, cho phép TPHCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, báo cáo Bộ Chính trị cho phép Thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong thời gian tới.  

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp

Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý sau sắp xếp, đổi mới. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp.

Tin tức
Xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tin tức
Thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

Thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

(CLO) Chiều 13/5, Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình nghe và cho ý kiến về kết quả thẩm tra nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Tin tức
Đề nghị sớm công nhận Khu Công nghệ cao Hà Nam

Đề nghị sớm công nhận Khu Công nghệ cao Hà Nam

(CLO) Tỉnh Hà Nam kiến nghị Bộ Khoa học và Công Nghệ xem xét và trình Chính phủ sớm công nhận Khu Công nghệ cao Hà Nam, tạo điều kiện để tỉnh thúc đẩy thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Tin tức
Hà Nội mới khai thác, sử dụng được 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch

Hà Nội mới khai thác, sử dụng được 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch

(CLO) Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, quy hoạch giao thông tĩnh của Thủ đô là 1.620 bãi đỗ xe nhưng hiện nay mới đưa vào khai thác được 57 bãi đỗ xe, còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và còn rất nhiều vướng mắc.

Tin tức