Đề nghị thu hồi giấy phép, kiến nghị từ chối cấp phép các xe bồn bê tông vi phạm!

Thứ năm, 25/10/2018 07:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Liên quan đến tuyến bài phản ánh của báo NB&CL về tình trạng hàng loạt xe bồn bê tông bất chấp giờ cấm, giờ cao điểm vô tư “tung hoành” giữa nội đô TP.HCM, mới đây Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết đã đề nghị Sở GTVT thu hồi giấy phép đối với các phương tiện xe bồn bê tông lợi dụng được cấp phép phục vụ những công trình khác không đúng nội dung quy định theo giấy phép đã được cấp, đồng thời kiến nghị từ chối cấp phép đối với các phương tiện xe bồn bê tông vi phạm khác!

Điểm mặt hàng loạt xe bồn bê tông không phép hoặc sai phép!

Theo thông tin phản hồi của Thanh tra Sở GTVT cho thấy tất cả những xe bồn bê tông bất chấp giờ cấm vô tư chạy vào nội đô thành phố mà báo NB&CL đã phản ánh đều là sai phạm, không phép hoặc lợi dụng có phép để hoạt động sai phép!

Cụ thể, bốn xe bồn bê tông mang biển số 51E-03308, 51E-031.18, 51E-035.58 và 51E-033.00 đề tên “CC1-Mekong” - tên viết tắt của Công ty CP đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông đều thuộc diện không phép hoặc giấy phép hết hạn.

Tương tự, xe bồn bê tông mang biển số 51E-042.69, 51E-031.38, 51E-200.28 và 51E-040.50 đề tên “Sài Gòn-RDC” - tên viết tắt của Công ty TNHH Sài Gòn RDC cũng thuộc diện không phép hoặc giấy phép hết hạn.

Các xe bồn bê tông còn lại mang biển số 60C-320.43 và 60C-281.16 đề tên công ty Thế Giới Nhà; 29KT-101.34, 29KT-101.75 và 29KT-101.77 đề tên Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC; 50LD-077.73 đề tên Công ty TNHH Bê tông Mê Kông và 51E-039.71 đề tên “Bê tông SMC” cũng đều thuộc diện không phép hoặc giấy phép hết hạn.

Riêng đối với ba chiếc xe bồn bê tông mang biển số 51E-043.32, 51E-039.37 và 51E-201.61 đề tên “Sài Gòn-RDC” - tên viết tắt của Công ty TNHH Sài Gòn RDC thì được cấp phép để phục vụ vận chuyển vật tư phục vụ công trình Tuyến đường sắt đô thị số 1 (gói 1a và 1b) nhưng thực tế lại lợi dụng giấy phép này để chạy phục vụ công trình khác không đúng nội dung quy định theo giấy phép được cấp nên trước mắt Thanh tra Sở GTVT đề nghị thu hồi giấy phép!

Còn lại đối với các phương tiện xe bồn bê tông vi phạm trên, đặc biệt là các phương tiện từng được cấp giấy phép (nhưng đã hết hạn), Thanh tra Sở kiến nghị Sở GTVT xem xét từ chối cấp giấy phép khi những đơn vị này đề nghị cấp phép.

Cũng theo Thanh tra Sở GTVT, hiện tại Sở GTVT chỉ cấp phép cho các phương tiện xe tải nặng phục vụ thi công 03 công trình là: tuyến đường sắt đô thị số 1 (Gói 1a-1b) và công trình xây dựng Hầm chui tại nút giao thông An Sương.

Đối với các xe tải nặng cung cấp nhiên liệu hàng không (Jet A-1) cho Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và cung cấp xăng dầu cho các đại lý thì đều cấp riêng với biển số xe và lộ trình cụ thể.

Như vậy, theo thông tin Thanh tra Sở GTVT cung cấp thì ngoài 03 công trình trọng điểm được cấp phép còn lại tất cả các xe bồn bê tông có tải trọng trên 2,5 tấn lưu thông trong nội đô vào khung giờ hạn chế lưu thông để phục vụ cho các công trình khác đều không đúng quy định!

Trao đổi thêm với PV, đại diện Thanh tra Sở GTVT, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở cũng cho biết danh sách các phương tiện được cấp giấy phép định kỳ Sở GTVT đều cung cấp trực tiếp cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) và công an các quận - huyện. Do đó, Thanh tra Sở cũng kiến nghị Sở GTVT có văn bản (kèm danh sách các xe trên) gửi Công an thành phố để chỉ đạo Phòng PC08, công an các quận - huyện tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Đặc biệt, tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý tại khu vực các tuyến đường, công trình, dự án mà báo NB&CL đã phản ánh.

Theo Thanh tra Sở, trong chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định, sẽ chỉ đạo các Đội Thanh tra giao thông trực thuộc tăng cường phối hợp với các Đội Cảnh sát giao thông địa bàn để phát hiện và xử lý các xe vi phạm quy định khi lưu thông vào nội đô thành phố. Đồng thời cũng kiến nghị Sở GTVT xem xét, bổ sung cơ sở pháp lý để có biện pháp chấn chỉnh các đơn vị, doanh nghiệp có phương tiện vi phạm lưu thông vào khu vực nội đô không đúng quy định (như xem xét tạm thời không cấp giấy phép cho doanh nghiệp có phương tiện vi phạm lưu thông vào khu vực nội đô không đúng quy định) nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông trong khu vực nội đô thành phố - đại diện Thanh tra Sở GTVT khẳng định!

Báo Công luận
 
Đề nghị thu hồi những trạm trộn bê tông đã hết thời hạn tồn tại!

Không riêng các xe bồn bê tông vi phạm vào giờ cấm đã được báo NB&CL phản ánh trực diện và bị Thanh tra Sở GTVT đề nghị thu hồi giấy phép, kiến nghị từ chối cấp phép, mà đối với các trạm trộn bê tông - nơi được ví như “bầu sữa” chuyên cung cấp bê tông cho các xe bồn và các công trình cũng bị cơ quan chức năng “điểm chỉ”!

Cụ thể liên quan đến bài viết “Theo chân xe bồn bê tông “đột kích” những “bầu sữa” lạ” mà báo NB&CL đã phản ánh trước đó, mới đây Phòng Quản lý đô thị quận 2 đã cung cấp thêm nhiều tư liệu cho thấy trạm trộn bê tông dưới chân cầu Thủ Thiêm 1 mà báo phản ánh đã hết thời hạn tồn tại nhưng vẫn cố tình nấn ná để hoạt động không tháo dỡ di dời trạm theo quy định!

Theo hồ sơ, Trạm trộn bê tông Thủ Thiêm nằm dưới chân cầu Thủ Thiêm 1 thuộc Công ty TNHH Bê tông Thủ Thiêm (có địa chỉ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) do ông Nguyễn Hùng Hưng làm Giám đốc được bàn giao để hoạt động kể từ ngày 31/1/2015 với thời hạn tồn tại là ba năm nhằm phục vụ thi công xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, dù đã quá thời hạn buộc phải di dời (tức sau ngày 31/1/2018) nhưng tới thời điểm này, trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên tồn tại và tiếp tục hoạt động mặc cho việc xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xong từ lâu! Điều này đã dẫn đến việc hàng loạt xe bồn trộn bê tông mang nhãn hiệu “Saigon-RDC” không ngừng ra vào trạm để lấy bê tông phục vụ cho các công trình, trong đó có các dự án ở quận 1 TP.HCM. 

Chây ỳ hơn, sau nhiều lần bị cơ quan chức năng, mà cụ thể là Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (BQL Thủ Thiêm) ra văn bản đề nghị “chấm dứt hoạt động trạm trộn bê tông này theo đúng cam kết và nhanh chóng tháo dỡ toàn bộ bê tông xi măng, bê tông nhựa và các vật tư, thiết bị trong khu vực, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của khu đất và khẩn trương bàn giao lại mặt bằng cho BQL Thủ Thiêm”, thế nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Được biết thông điệp mới nhất là buộc Công ty TNHH Bê tông Thủ Thiêm phải bàn giao lại khu đất với hiện trạng ban đầu ngay trong tháng 11/2018!

Dù khẳng định là vậy, nhưng liệu rằng hết thời hạn tháng 11 này trạm bê tông trên vẫn tồn tại thì sao? Bởi nếu BQL Thủ Thiêm quyết liệt, mạnh mẽ hơn và có biện pháp chế tài đủ mạnh thì chắc rằng trạm trộn bê tông này có dám viện lý do để tiếp tục tồn tại - dù đã bị người dân và các đơn vị xung quanh phản ánh về vấn đề môi trường (trạm trộn bê tông này nằm sát bên khu dân cư Lan Anh, thuộc phường An Khánh, quận 2).

Cũng theo Phòng QLĐT quận 2, trên địa bàn quận còn có 2 trạm trộn bê tông khác đã hết hạn tồn tại đó là trạm bê tông Sài Gòn RDC nằm tại KCN Cát Lái và trạm trộn bê tông Hồng Hà nằm dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 2.

Không chỉ dừng lại ở những trạm bê tông trên, ngoài ra tại văn bản số 1082/BQL-ĐĐMT ngày 28/9/2018 của BQL Thủ Thiêm cũng cho thấy tại trạm trộn bê tông Lê Phan (nằm trên địa phận quận 2) có hoạt động rửa xe bồn và đổ bỏ xỉ bê tông ra khu đất kế cận sẽ gây ô nhiễm tầng nước ngầm trong khu vực và không thể khắc phục được. Chưa hết, hệ thống xử lý nước thải xây dựng của trạm không phát huy hiệu quả, bố trí không phù hợp và trong khu vực hoạt động còn nhiều vị trí đọng nước, gây mất vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp.

Hiện nay, cũng trên địa bàn quận 2, nằm trong địa phận quản lý của BQL Thủ Thiêm còn có các trạm trộn bê tông khác như Thế Giới Nhà, FICO PanU… Đặc biệt chúng tôi còn phát hiện thêm một trạm bê tông mới nữa là “Viet Han EF Concrete” trên trục lộ đường Mai Chí Thọ.

Vậy liệu rằng những trạm trộn bê tông này có lập lại giống như những trạm trộn bê tông trên mà chúng tôi đã nêu?

Liên quan đến vấn đề này, nhóm PV đã liên lạc với BQL Thủ Thiêm để tiếp tục làm rõ. Theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng BQL Thủ Thiêm, ông Mai Văn An, Chánh Văn phòng BQL Thủ Thiêm đã có buổi làm việc với nhóm PV. Ngoài việc cung cấp thông tin liên quan đến trạm trộn bê tông dưới chân cầu Thủ Thiêm 1 (dù rất sơ sài), ông An hứa hẹn cũng sẽ cung cấp thêm các thông tin về chủ trương cũng như hồ sơ pháp lý liên quan đến những trạm trộn bê tông mà chúng tôi đã đề cập.

Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chính Kỳ, Trọng Hiếu, Thanh Vĩnh 

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra