Để trở thành phóng viên “đa zi năng” trong thời đại công nghệ số...

Thứ năm, 04/06/2020 10:01 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trở thành phóng viên đa năng trong thời đại công nghệ số là một xu thế tất yếu nếu phóng viên, nhà báo không muốn mình bị thụt lùi với thời đại. Nếu biết cách vận dụng công nghệ trong sáng tạo tác phẩm, chắc chắn những người làm báo sẽ có tác phẩm hấp dẫn hơn với công chúng.

Vì thế, trở thành một phóng viên đa năng vừa lấy tin bài, vừa thể hiện tác phẩm và vừa dựng, hoàn thiện tác phẩm là điều mà phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu (Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam) đang hiện thực hóa và tiếp tục trau dồi trong thời đại công nghệ số.

“Ngủ nướng”, “dậy trễ” cũng có thể bị thua trên mặt trận thông tin

Là một phóng viên trẻ thời báo chí công nghệ số, phóng viên Anh Thu nhìn nhận rằng, sự phát triển của công nghệ tác động không nhỏ đến nghề báo. Nó vừa thúc đẩy các phóng viên, nhà báo sáng tạo đa dạng tác phẩm báo chí, vừa “lột trần” sự yếu kém, chậm chạp, an toàn của những tòa soạn còn đang “ngủ ngon” trên bề dày truyền thống.

Trước đây, mọi người muốn xem hình sẽ xem qua tivi, muốn nghe âm thanh sẽ lựa chọn qua đài, muốn đọc chữ sẽ mua báo in… Thế nhưng càng ngày, chúng ta càng thấy mạng internet phát triển, những chiếc điện thoại thông minh ra đời giúp mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm tin tức, xem video, xem ảnh và những trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube… được phần đa công chúng sử dụng. Điều này đòi hỏi nhà báo, phóng viên phải thực sự quyết liệt trong việc sáng tạo tác phẩm báo chí: vừa đáp ứng chất lượng hấp dẫn, vừa đáp ứng về mặt thời gian lên bài nhanh chóng. Một buổi sáng thức dậy, công chúng sẽ có rất nhiều lựa chọn để cập nhật tin tức. Chỉ cần bạn chậm một chút, bạn đã bị bỏ xa trên đường đua thông tin với các phương tiện khác. Và tất nhiên, công chúng sẽ tìm đến những kênh thông tin nhanh nhạy hơn và bỏ qua tòa soạn của bạn.

Phóng viên Anh Thu trong một chuyến công tác tại Thanh Hóa.

Phóng viên Anh Thu trong một chuyến công tác tại Thanh Hóa.

Là một phóng viên đang trực tiếp tạo ra các tác phẩm báo chí trong thời đại công nghệ số, phóng viên Nguyễn Trần Anh Thu cho rằng: “Báo chí trong thời đại công nghệ đã và phải đặt mình như một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng là thông tin. Đã là mặt hàng thì anh phải đảm bảo đầy đủ những ưu việt của một loại hàng hóa trên thị trường đó là: kịp thời, phù hợp, hiện đại và giá cả. Rõ ràng, không thể xem công nghệ như cánh tay của riêng các ngành nghề khác, chính báo chí lại càng phải tiên phong về công nghệ. Một ngày thức dậy, bao nhiêu ứng dụng (app) ra đời và bao nhiêu công nghệ cũ bị đào thải. Tôi tin buổi sáng thức dậy của nghề báo cũng áp lực vô cùng trong xu thế thúc đẩy công nghệ như hiện nay. Tòa soạn nào, phóng viên nào trót “ngủ nướng”, “dậy trễ” dù chỉ là chớp mắt cũng có thể đã bị thua trên mặt trận thông tin”.

Bên cạnh đó, thời đại công nghệ số tạo ra môi trường truyền thông mở, tương tác đa chiều. Thông qua internet, phóng viên, nhà báo truyền thông tin đến công chúng, và cũng thông qua internet, công chúng phản hồi lại những sản phẩm báo chí của bạn. Sẽ có những lời khen nhưng chắc chắn cũng sẽ có cả những lời chê bai. Phóng viên, nhà báo sẽ phải làm quen với việc sẵn sàng nhận mọi ý kiến từ phía công chúng.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm báo cũng sẽ phải chịu một áp lực nữa về lượng người đọc. Có thể những tin tức bạn bỏ ra nhiều công sức và đưa lên nhanh nhưng lượng người tiếp cận lại thấp, trong khi đó có rất nhiều tin sai sự thật đăng trên Facebook thu hút lượng like, comment lớn… Phóng viên Anh Thu cũng đã có những lúc “lao đao” giữa những áp lực như vậy. Và chị tự nhận thấy: “Công nghệ hiện đại đấy, thích thú đấy... nhưng người làm báo cũng phải trau dồi và hoàn thiện mình giữa thời báo chí công nghệ số này”.

Làm chủ công nghệ để trở thành phóng viên đa năng

Đứng trước sự phát triển của công nghệ, bản thân mỗi người làm báo cũng phải nỗ lực theo công nghệ, không ngừng trau dồi để trở thành công dân thế hệ số nói chung và trở thành một nhà báo, phóng viên thế hệ số nói riêng. Và phóng viên trẻ Anh Thu cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Chị nhận xét: “Những tác phẩm báo chí được tạo ra trong thời đại công nghệ số sẽ có sự cạnh tranh vô cùng lớn. Bởi vậy, phóng viên phải làm chủ công nghệ để tạo ra được những tác phẩm ấn tượng. Và khi tự tin làm chủ công nghệ, ắt hẳn sẽ trở thành một phóng viên đa năng”.

Theo phóng viên Anh Thu, bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng thuần thục, có nền tảng kiến thức chuyên môn tốt thì việc sử dụng thành thạo công nghệ cũng giúp đội ngũ phóng viên, nhà báo sáng tạo tác phẩm chất lượng hơn. Ví dụ, trước đây phóng viên đi lấy tin bài rồi về phải vất vả quay lại cơ quan gõ text, dựng hình, dựng âm thanh, chỉnh sửa ảnh. Thế nhưng, hiện nay khi bạn làm chủ công nghệ, với những phương tiện công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh cho phép tải các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh, âm thanh về máy, phóng viên có thể trực tiếp tạo ra một tác phẩm trên chính điện thoại của mình. Và sau đó, trong tích tắc với một cú chạm nhẹ là phóng viên đó có thể gửi sản phẩm về tòa soạn.

Phóng viên trẻ Anh Thu luôn nỗ lực trở thành một phóng viên đa năng thời công nghệ số.

Phóng viên trẻ Anh Thu luôn nỗ lực trở thành một phóng viên đa năng thời công nghệ số.

Kể về công việc của mình, chị cho biết: “Nếu ví dụ trước đây phóng sự khoảng 5-6 phút, giờ chỉ 2-3 phút. Vậy mình phải viết thế nào để trong chừng ấy thời gian mà vẫn đủ ý, đảm bảo nội dung tốt… Phải học đấy, học không ngừng, từ các anh chị đồng nghiệp, học từ các đài báo khác xem họ thể hiện tác phẩm thế nào? Từ đó rút ra kinh nghiệm và bắt đầu thay đổi...”.

Chị Anh Thu cho rằng, phóng viên thời nay phải thực sự làm chủ được công nghệ, nếu không sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu công chúng có thể biến cái sự “biết” của phóng viên thành con số 0 ngay lập tức. Là người luôn luôn không ngừng trau dồi năng lực để trở thành phóng viên đa năng, chị Anh Thu hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Chị chia sẻ với chúng tôi: “Những năm đi làm tôi cũng nghiệm ra rằng, dù mình có chuyên môn nghề báo tốt nhưng không làm chủ công nghệ thì mình mãi e dè, sợ hãi, phụ thuộc vào người khác, thậm chí khiến mình chậm chạp hơn đồng nghiệp. Vậy là nhà báo không phải cứ viết hay, nói tốt, phỏng vấn sắc sảo là xong, mình còn phải khá về công nghệ đấy. Ví dụ với chiếc điện thoại bạn sẽ phải biết cài những phần mềm gì phục vụ cho công việc, sử dụng nó như thế nào?... Đến cách viết, cách thể hiện trên sóng cũng từng ngày thay đổi…”.

Là một phóng viên của Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời đại công nghệ số, phóng viên Anh Thu không chỉ dựng âm thanh trên máy tính mà trong điện thoại của chị đã tích hợp cả ghi âm và có phần mềm dựng âm thanh. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, phóng viên Anh Thu có thể phỏng vấn nhân vật, viết bài, tự thể hiện tác phẩm của mình và dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh để gửi cho Ban Biên tập. Với những kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, chị cảm thấy tự tin khi xây dựng chương trình và có thể tạo ra những tác phẩm lôi cuốn thính giả.

Việc trở thành một phóng viên đa năng có nhiều lợi thế trong sự phát triển của báo chí và xã hội hiện đại. Phóng viên đa năng sẽ luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh và tự tin đối diện với những đề tài khó. Phóng viên đó có thể tự mình tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, mang đậm dấu ấn cá nhân. Bên cạnh đó, phóng viên đa năng sẽ góp phần giảm những khâu trung gian không cần thiết trong một tòa soạn. Như vậy, vừa giảm lao động kém chất lượng, mà chính phóng viên đó cũng có cơ hội phát huy tối đa khả năng của mình.

Trở thành phóng viên đa năng trong thời đại công nghệ số là một xu thế tất yếu nếu phóng viên, nhà báo không muốn mình bị thụt lùi với thời đại. Nếu biết cách vận dụng công nghệ trong sáng tạo tác phẩm, chắc chắn những người làm báo sẽ có tác phẩm hấp dẫn với công chúng. Và phóng viên Anh Thu cũng như đông đảo đội ngũ phóng viên khác vẫn đang nỗ lực từng ngày để hoàn thiện mình hơn, là một phóng viên “đa zi năng” thời công nghệ số, tạo ra những tác phẩm báo chí nhanh và chính xác nhất đến với công chúng.

Kim Anh

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo